Menu Close

Nhà thơ Phạm Ngọc Lư

Tên thật Phạm Ngọc Lư, bút hiệu khác Phạm Triều Nghi. Sinh năm 1946 (Bính Tuất) ở Vinh Xuân, huyện Phú Vang, tỉnhThừa Thiên. Nơi ông sinh là một làng nhỏ vùng duyên hải cách thành phố Huế khoảng 30 cây số về hướng Ðông Nam. Ngay từ thuở ấu thơ, Phạm Ngọc Lư đã được cha và người bác truyền dạy chữ Hán.

Nhà thơ Phạm Ngọc Lư
Nhà thơ Phạm Ngọc Lư

Ông là cựu học sinh Quốc Học, sinh viên Viện Hán học và Ðại học Văn Khoa Huế. Sau khi tốt nghiệp sư phạm Qui Nhơn, ông về dạy học ở Tuy Hòa. Năm sau, 1968, theo lệnh động viên ông nhập ngũ khóa 5/68 Sĩ quan trừ bị Thủ Ðức. Sau 9 tuần ở quân trường, ông lại được biệt phái trở về ngành giáo dục. Bắt đầu viết năm học đệ tứ. Có bài trên các nguyệt san, tạp chí Nghệ Thuật, Văn, Bách Khoa, Trình Bày, Khởi Hành, Ý Thức, Tuổi Ngọc…

Tác Phẩm đã xuất bản:

ĐAN TÂM (Thư Ấn quán 2004)

MÂY NỔI (tự in 2007)

Sau năm 1975, Phạm Ngọc Lư bỏ nghề dạy học. Từ đây, hoàn cảnh, xã hội đã đẩy Phạm Ngọc Lư phiêu bạt nhiều nơi, có những lúc cuộc sống, tâm hồn tuyệt vọng, tưởng chừng ông đã đoạn tuyệt với thi ca. Nhưng rồi chính nó lại là điểm tựa, giúp ông vượt qua những đắng cay, tủi nhục ấy. Và Ðà Nẵng mới là nơi hội tụ, điểm dừng chân cuối, không chỉ riêng ông, mà còn của nhiều thi nhân lỡ bước khác. Gần đây có tin Phạm Ngọc Lư bị bệnh. Chúng ta cầu chúc ông sớm bình phục.

Nghĩ về nhà thơ Phạm Ngọc Lư, Cung Tích Biền viết: Ông xuất hiện khá sớm trên văn đàn Miền Nam, trước 1975, qua các tập san văn chương; trong dòng văn học phóng khoát, bay bổng. Thơ buổi này? Là của nửa lãng mạn, và nửa kia của Lửa, trong đấu tranh sống còn. Mỗi tâm thức là nghìn gạn hỏi về phận người trong một Việt Nam phân ly Bắc-Nam. Một Việt Nam bị cuộc chiến ác liệt, vừa của bom đạn máu lửa vừa của ý thức hệ thù nghịch. Nó thách thức và ngăn cách toàn triệt với hạnh phúc; lại rất gần gũi trong ý nghĩa lưu đày.

Nhưng đây cũng là thời kỳ may mắn cho những ai làm văn học nghệ thuật, đương nhiên là ở Miền Nam. Vì cái thực tế nơi đây, là đầy rẫy rủi ro lại phong phú những mong chờ. Rất nhiều cảm thán về thân phận nhưng cũng thừa những nụ cười về nghịch lý đời thường. Và, vì họ được sống, được làm Người Sáng tạo, trong một môi trường tự do. Có nghìn tự do lựa chọn. Có biển tư tưởng để tương phùng. Và trên hết, từ một thế giới rộng mở, đa dạng, sầm uất những phát biểu, họ tồn tại trong đầy đủ ý nghĩa của Tồn Tại. Phạm Ngọc Lư là một Ðóa Hoa, trong vườn hoa sắc màu hoằng viễn này.

Hồi ấy, hơn ba mươi lăm năm trước, tôi đọc thơ Lư mà chưa hề có dịp gặp mặt. Cứ nghĩ, anh là một người giàu trầm tư, vừa sống vừa phiêu bồng thấy ra:

Ngàn sau hồn chữ rêu phong

Miên man thiên địa… tấc lòng du du…

Phạm Ngọc Lư

Năm 2008, gặp Phạm Ngọc Lư ở Ðà Nẵng, Cung Tích Biền ghi nhận: Một làn da trắng lấm tấm bụi phong trần. Một khuôn mặt xương xương khắc khổ. Một giọng nói mềm của Huế. Một thân người mảnh mai. Duy đôi mắt sáng, một vầng sáng đã xám đậm những rêu đời. Ðó là chân dung Nhà thơ Phạm Ngọc Lư. Tôi cũng rất mừng là anh còn sáng tác. Và cái tốt đẹp trên cùng, là anh còn giữ được chừng mực cái tinh túy Chính-Mình.

Phạm Ngọc Lư, qua thời cuộc thăng trầm, làm thân phiêu dạt, nhưng không hóa ra bọt bèo. Mà anh đã minh triết nhận ra cái Tính Lý của cuộc Sinh – Diệt:

Đất đá thở ra mùi u uất

Bốn bề hun hút rợn màu tang

Ai chết quanh đây mà cú rúc

Mà cơn gió lạnh réo hồn oan

Ai trong muôn dặm không về nữa

Cố lý mười năm mộng bẽ bàng

Cố lý hành – Phạm Ngọc Lư

Sau đây là một bài thơ tiêu biểu của Phạm Ngọc Lư với khí ngang tàng và hồn u uất.

NGUYỄN & BẠN HỮU

Tổng hợp từ Cung Tích Biền

nguồn kenhdulich.org
nguồn kenhdulich.org

Trở về phá Tam Giang

Phá Tam Giang phá Tam Giang !

Gió hiu hiu sóng gợn mơ màng

Trời vẫn xanh màu xanh cố cựu

Mây trầm ngâm khói nước miên man

 

Mười năm giong ruổi mòn đất khách

Về cố hương chiều xế nắng tàn

Bỏ nón, tháo giày, xăn tay áo

Rửa phong trần thẹn với Tam Giang

 

Kè đá rêu xưa ngâm bến cũ

Còn người đi người đợi đò ngang

Còn xóm chài lưa thưa mành lưới

Còn nhấp nhô thuyền thúng thuyền nan

Không còn người chèo đò năm xưa tóc bạc

Cô lái đò chiều nay trán nhăn

Trừng mắt nhìn ta trách móc:

“Mười mấy năm chú mới về làng!”

 

Mười mấy năm? Phải rồi, ta quên mất!

Cái thuở áo cơm trở mặt phũ phàng

Ðiêu đứng năm Mùi ra đi năm Tuất

Ra đi mưu cầu y thực

Trở về nặng trĩu gian nan

 

Nhớ buổi ra đi thân tình đưa tiễn

Vợ xếp câu thơ chị gói khúc đàn

Ðệ tử mươi người tung hô dâng rượu

Thôn nữ vài em gởi gắm gió trăng

Mẹ tóc trắng nhìn theo lặng lẽ

Con tóc xanh hai đứa dùng dằng

Ta mím môi, chỉ Tam Giang thề hẹn

Không là Tương Như mà khí khái dâng tràn

Bước xuồng thuyền nhìn trời cao dõng dạc

Gõ mạn thuyền ngâm khúc Hành phương Nam

 

Hành phương Nam, hành phương Nam !

Mười mấy năm tấm cám thau vàng

Thấp cao danh lợi

Chí khí dở dang

Tơi tả bao phen buồn thân thế

Ðắng cay mấy bận khiếp hồng nhan

Mưa miền Nam, nắng miền Nam

Trông mây thấp thỏm, nghe gió bàng hoàng

Mười mấy mùa trôi qua không nhớ

Quá đỗi mưa đau

Quá nhiều nắng khổ

Lẽ nào Trời bỏ ta chăng ?

Ðọc thơ Nguyễn Bính chua tâm sự

Ðọc lại thơ mình thẹn gió trăng

Chén rượu quê người sao mà bạc

Ân tình đất khách lắm đa đoan

 

Chiều nay về… bên phá Tam Giang

Phía bờ Ðông vẫn xóm vẫn làng

Mười mấy năm còn ai trông ngóng

Mười mấy năm mỏi mòn ước vọng

Mẹ có thương con gió bụi lầm than?

Chị có xót em một đời thất chí?

Em không buồn ta?

Sao lòng ta phai nhạt đá vàng!

 

Phá Tam Giang, ôi phá Tam Giang!

Gió hiu hiu sóng gợn mơ màng

Nước vẫn mặn mòi mây quen thuộc

Sao lòng ta sóng gió ly tan

Xin xấu hổ với lời thề ngày trước

“Không công danh bất phục hoàn!”

Xin biết ơn cô lái đò nhân hậu

Còn thương ta mời ta quá giang

Thôi rửa hết phong trần nơi bến nước

Ðể trở về đứng khóc dưới hương quan!

PNL – 1996