Cuối tuần trước, Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam là Ted Osius đã đăng trên trang facebook cá nhân của mình một thăm dò với người dân Việt Nam cho lịch trình chuyến công du Việt Nam của Tổng Thống Barack Obama theo đề nghị của họ. Với chuyến công du này, TT Obama là đời tổng thống thứ ba đã liên tiếp đến Việt Nam, theo sau chuyến đi của TT Bill Clinton vào năm 2000 và TT George W. Bush vào năm 2006. Người ta đang trông đợi điều gì trong chuyến đi Việt Nam của TT Obama và liệu nó hứa hẹn góp phần thay đổi những gì với xã hội Việt Nam thông qua mối quan hệ song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam?

Hồi đầu tuần, Tom Malinowski, viên chức cao cấp và kinh nghiệm nhất về các vấn đề nhân quyền, dân chủ và luật lao động của Bộ Ngoại Giao đã đến Việt Nam, mở đường cho chuyến viếng ghé thăm Việt Nam của TT Obama vào cuối tháng này. Trong nhiều vấn đề thương thảo khác với nhà cầm quyền Việt Nam, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ra thông cáo về chuyến đi của Malinowski rằng, “ông sẽ thúc giục Việt Nam trả tự do vô điều kiện cho các tù nhân chính trị và khuyến khích những cải tổ để luật pháp Việt Nam có thể phù hợp theo các định chế nhân quyền quốc tế…”. Từng là một Giám Đốc của Human Rights Watch (HRW) và đặc trách về vấn đề nhân quyền của Hoa Kỳ, Malinowski có lẽ là người đủ thẩm quyền và am hiểu khá rõ hồ sơ nhân quyền của Việt Nam, để tiếp tục theo dõi thái độ và cam kết hợp tác của Việt Nam với thế giới.

Như vậy vấn đề nhân quyền Việt Nam chắc chắn sẽ là một trong những nghị trình quan trọng và mong đợi sẽ được nhắc đến trong chuyến công du của TT Obama. Theo hồ sơ của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, cho đến cuối năm 2015, Việt Nam hiện còn giam giữ khoảng 95 tù nhân chính trị, số vụ bắt bớ và trấn áp những nhà đối lập tại Việt Nam có vẻ được thận trọng hơn trong năm 2015, tuy nhiên lại trở nên dữ dội hơn sau chuyến thăm của Tập Cận Bình hồi cuối năm và trước đại hội đảng năm nay. Những vụ bắt giam và bỏ tù các blogger, các vụ công an hành hung những người tuần hành trong ôn hòa như trong các vụ liên quan đến môi trường, cá, biển đôi tuần trước, đã cho thấy việc đối thoại và thúc giục vấn đề nhân quyền với nhà cầm quyền Việt Nam là đầy khó khăn, cần nhiều áp lực và các điều kiện ràng buộc khác. Việt Nam luôn chống chế một cách khiên cưỡng rằng họ chỉ bắt giữ những người vi phạm pháp luật chứ không phải vì vấn đề chính trị hay dân chủ. Dù vậy, việc kết án những người như nhạc sĩ Việt Khang, Trần Vũ Anh Bình vài năm trước cho đến Luật sư Nguyễn Văn Đài, blogger Nguyễn Hữu Vinh- chủ nhân trang blog Anhbasam (Anh Ba Sàm) cùng nhiều blogger khác về tội “tuyên truyền chống nhà nước” mới đây, hoàn toàn khác biệt với tuyên cáo của các tổ chức nhân quyền quốc tế rằng, họ là những người “bày tỏ quyền tự do ngôn luận một cách đáng kính trọng”. Trên trang mạng của mình, tổ chức nhân quyền thế giới HRW chỉ trích khá mạnh mẽ rằng, “Hồ sơ nhân quyền của Việt Nam vẫn còn khốc liệt ở tất cả lãnh vực. Đảng cộng sản vẫn giữ độc quyền quyền lực chính trị, không cho phép thách thức nào về sự lãnh đạo của đảng. Những quyền căn bản, bao gồm quyền tự do ngôn luận, tư tưởng, báo chí, tụ họp và tôn giáo còn bị giới hạn. Những nhà dân quyền và blogger bị sách nhiễu, hăm dọa, hành hung và bỏ tù. Nông dân bị mất đất đai cho các dự án mà không được bồi thường thoả đáng và công nhân không được lập nghiệp đoàn độc lập. Công an dùng nhục hình và đánh đập để buộc người bị bắt nhận tội. Hệ thống pháp lý thiếu độc lập. Các trại cai nghiện ma túy của nhà nước thì khai thác các trại viên như nhân công sản xuất cho hàng hóa nội địa và xuất cảng. Dù vậy số blogger và các nhà tranh đấu kêu gọi dân chủ và tự do vẫn đang gia tăng” (https://www.hrw.org/asia/vietnam). Chỉ trích của HRW rõ ràng cho thấy tổ chức này đã theo dõi khá sát với hồ sơ nhân quyền Việt Nam. Ở đây cũng có thể mở ngoặc nói thêm về tổ chức nhân quyền quốc tế Human Rights Watch, là một tổ chức phi lợi nhuận, phi chính phủ, uy tín, bao gồm các chuyên gia nghiên cứu, các luật sư, ký giả và học giả thuộc nhiều lãnh vực và quốc tịch khác nhau, hoạt động độc lập và không mang tính chính trị trong mục tiêu bảo vệ cho nhân quyền và dân quyền của người dân khắp thế giới. HRW không nhận bất cứ tài trợ từ chính phủ nào hay từ các tổ chức có thể gây ảnh hưởng đến mục tiêu của mình nhằm duy trì tính độc lập và khách quan trong các hồ sơ nhân quyền của mình.

Bên cạnh nhà ngoại giao Tom Malinowski sẽ đối thoại về vấn đề nhân quyền với Việt Nam như đã nhắc bên trên, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ còn gởi một Phụ Tá Ngoại Trưởng về Châu Á và Thái Bình Dương sự vụ khác là Daniel Russel để thảo luận về quan hệ song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam cùng các vấn đề Châu Á và biển Đông, dọn đường cho chuyến đi của Obama. Vấn đề biển Đông, an ninh hàng hải và sự ngang ngược của Trung Cộng trong khu vực cũng được xem sẽ là một nghị sự quan trọng trong chuyến đi này. Việc dỡ bỏ lịnh cấm bán vũ khí mà Việt Nam liên tục thỉnh cầu sẽ giúp Việt Nam gia tăng sức mạnh quốc phòng. Hoa Kỳ đã cung cấp cho Việt Nam một số tàu tuần duyên và lịnh cấm vận vũ khí đã được tháo bỏ một phần trong năm qua, hy vọng nghị trình này sẽ gắn liền với áp lực về nhân quyền mà Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ từng tuyên bố rằng, vấn đề nhân quyền tại Việt Nam là điều kiện quan trọng để tiến đến việc tháo dỡ hoàn toàn lịnh cấm vận vũ khí. Một nghị trình khác không kém phần quan trọng là thỏa ước mậu dịch xuyên Thái Bình Dương TPP, cũng sẽ có những ràng buộc liên quan và giúp Việt Nam thoát khỏi ảnh hưởng Trung Cộng về mặt kinh tế về lâu dài. Dù thương ước đã được ký kết hồi Tháng Hai năm nay, nhưng TPP sẽ bắt đầu có hiệu lực vào năm 2018, đòi hỏi Việt Nam phải có những cải đổi về luật lao động, thành lập nghiệp đoàn… trước khi chính thức được hưởng hoàn toàn các quy chế của TPP.

Ngoài ra, một số vấn đề như năng lượng, môi trường, an toàn thực phẩm… cũng được xem là một trong các vấn đề đối thoại trong quan hệ Mỹ-Việt. Vấn đề ô nhiễm và an toàn thực phẩm đang trở thành một vấn nạn và mối lo ngại của người dân Việt Nam hiện nay, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe dân Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến các quốc gia mà VN sẽ xuất cảng lương thực, thực phẩm và hải sản. Vụ cá chết miền Trung qua vụ xả chất thải của nhà máy thép Formosa chỉ là bề nổi cho một nan đề lâu nay tại Việt Nam, có thể nó sẽ được nhắc đến trong chuyến đi của Obama do mức độ quan tâm và kiến nghị của cộng đồng người Mỹ gốc Việt cũng như của người dân trong nước. Cuối cùng, giáo dục cũng được xem là một trong những vấn đề được thảo luận. Tỉ lệ sinh viên Việt Nam sang Hoa Kỳ du học được xem là tăng nhanh nhất so với các nước trong khu vực. Trường đại học Fulbright, đại học tư và phi lợi nhuận đầu tiên tại Việt Nam sẽ chính thức hoạt động vào cuối năm nay hay trong năm tới, được xem là bước nhảy vọt về vấn đề giáo dục Hoa Kỳ sẽ mang đến cho giới trẻ Việt Nam, thông qua một môi trường khai phóng và độc lập của nền đại học Hoa Kỳ.

Tất nhiên những vấn đề này không chỉ là chương trình nghị sự nhất thời trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng Thống Obama, mà là những mục tiêu và kế hoạch đã được đưa ra và thương thảo giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong vài năm qua, từng được Ngoại Trưởng John Kerry và Đại sứ Ted Osius lặp lại nhiều lần trong các cuộc họp hay hội thảo trước đây. Chính sách và mối quan hệ song phương này sẽ là nền tảng để Tổng thống Hoa Kỳ kế nhiệm tiếp tục các chính sách của mình. Vấn đề còn lại là Việt Nam sẽ nắm bắt cơ hội này như thế nào để đi xa hơn nữa trong mối quan hệ với Hoa Kỳ và thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Cộng.
ĐYT