“Mùa hè năm ấy, sau khi trở lại Tokyo từ Nagoya, Tsukuru bị xâm chiếm bởi một cảm giác khó tả tựa hồ toàn bộ cấu trúc cơ thể đang được thay mới. Màu sắc của những sự vật quen thuộc trước đây dần hiện lên thành những tông màu khác, như được bao phủ bởi một loại kính lọc đặc biệt. Gã bắt đầu nghe thấy những âm thanh trước đây chưa từng nghe thấy, và không còn nghe được những âm thanh gã từng nghe rõ mồn một. Mỗi lần muốn cử động cơ thể, gã nhận thấy mọi cử động đều vô cùng khó khăn. Như thể tính chất của trọng lực xung quanh mình đang dần biến đổi. Trong suốt năm tháng trời kể từ lúc trở lại Tokyo, Tsukuru luôn sống trước ngưỡng cửa của cái chết. Gã tạo dựng cho mình một chốn nương thân nhỏ hẹp bên miệng hố đen ngòm không đáy, và trải qua cuộc sống cô độc ở đó. Một chốn nương thân cheo leo, hiểm nghèo đến nỗi chỉ cần trở mình là có thể rơi thẳng xuống vực thẳm hư vô. Nhưng gã không thấy sợ. Gã chỉ nghĩ, rơi xuống hố thật là một việc dễ dàng làm sao.” [Trang 42 & 43]
Tazaki Tsukuru, nhân vật chính trong “Tazaki Tsukuru Không Màu Và Những Năm Tháng Hành Hương” tự minh họa khoảnh khắc đột biến trong cuộc đời, khi mùa hạ đến. Mùa hạ thường là thời gian sinh động, tích cực, vui nhộn nhất của một đời người. Thế nhưng Tazaki Tsukuru lại “sống trước ngưỡng cửa của cái chết…, trong một chốn nương thân cheo leo, hiểm nghèo đến nỗi chỉ cần trở mình là có thể rơi thẳng xuống vực thẳm hư vô.” Và cũng từ khung cảnh khốn khó ấy Tazaki Tsukuru cảm thấy gã vừa là mình, vừa không phải là mình. Vừa là Tazaki Tsukuru, vừa không phải là Tazaki Tsukuru. Cứ như thể gã đang bị mộng du, hay bị tâm thần phân liệt, cùng một lúc có hai nhân cách, nhưng lại không nhớ được những gì gã đã làm trong hai nhân cách ấy. Vì đâu nên nỗi? Đây chính là vấn nạn của Tsukuru – đại diện cho những con người đang sống trong thời đại này.
Tazaki Tsukuru, 36 tuổi – nhân viên thiết kế nhà ga ở Tokyo, độc thân, khỏe mạnh, được hưởng tài sản thừa kế lớn từ cha – một thương gia thành công trong lãnh vực bất động sản. Với những điều kiện đó, Tsukuru hoàn toàn là người đàn ông ưu tú, có cuộc sống hoàn hảo. Thế nhưng trong đáy sâu nội ngã của Tazaki Tsukuru lại có những hố thẳm đen ngòm, bị thương tổn mà anh cố chôn chặt. Thuở thư sinh tay trắng mộng đầy, Tsukuru có bốn người bạn thân. Tên của bốn người theo Hán Văn đều có chữ chỉ màu sắc: Tên của hai người bạn trai có từ “Xanh-Đỏ.” Tên của hai cô bạn gái có từ “Đen-Trắng.” Họ dùng sắc màu gọi tên nhau, chỉ riêng tên của Takiru Tsukuru không có từ chỉ màu sắc, nên được gọi là “Tsukuru Không Màu.” Tên của năm người này đã thể hiện bản sắc đặc biệt của họ. Không màu và sắc đen-trắng-xanh-đỏ có thể gọi là gam màu hòa hợp, nhưng cũng có thể gọi là những gam màu đối nghịch, bởi vì đen-trắng đối lập với nhau, bởi vì xanh-đỏ và không màu rất nhiều khi không thể hòa nhập làm một.
Nhà văn Murakami Haruki sinh năm 1949 tại Kyoto, hiện đang sống ở Boston, Hoa Kỳ, là một trong số những tiểu thuyết gia, dịch giả văn học người Nhật Bản được biết đến nhiều nhất hiện nay, cả ở hải ngoại và tại Nhật Bản. Từ khi nhận giải thưởng Nhà Văn Mới Gunzo năm 1979, hơn một phần tư thế kỷ sáng tạo, những tác phẩm của ông được dịch ra gần 38 thứ tiếng trên thế giới. Tại Nhật Bản, tác phẩm của Murakami Haruki luôn được mang lên trình diễn trên sân khấu văn học Nhật Bản. Ông trở thành hiện tượng trong Văn Học Nhật Bản, và được mệnh danh là “nhà văn được ưa thích nhất, nhà văn best-seller, nhà văn của giới trẻ.” Thời niên thiếu Murakami Haruki chịu ảnh hưởng văn hóa Phương Tây, đặc biệt là âm nhạc và văn học. Ông ưa thích những tác phẩm của các nhà văn Hoa Kỳ như Kurt Vonnegut và Richard Brautigan. Đây cũng là đặc điểm, giúp độc giả phân biệt ông với những nhà văn khác.
“Tazaki Tsukuru Không Màu Và Những Năm Tháng Hành Hương” do Uyên Thiểm chuyển dịch, nhà xuất bản Nhã Nam phát hành năm 2014, có thể nói là bức tranh minh họa tâm sự của con người trong thời đại công nghệ tin học. Họ có thể nhanh chóng tìm kiếm đủ mọi tin tức trên trang mạng, nhưng lại lâm vào con đường bế tắc vì không thể tìm ra lối thoát cho chính bản thân, vì không thể giải trừ những hoài nghi không có nguồn gốc xuất hiện trong đời riêng của từng người. Để rồi đi đến hậu quả là “Lòng người và lòng người…gắn kết với nhau sâu sắc bởi tổn thương và tổn thương. Nối liền với nhau bởi niềm đau và niềm đau, bởi mong manh và mong manh.”
HNP