Cứ tìm kiếm mấy chữ như “kiểm soát trí óc”, “bị rình rập”… là ta sẽ thấy khá nhiều trang mạng nơi người ta tụ họp để kể lể về việc họ bị khủng bố tinh thần, bị dòm ngó, rình rập, bị xử tệ. Những chi tiết như từ ngọn đèn đường, ánh sáng chói chang bắn vào đầu và tạo ra cơn nhức đầu như búa đập; các hình ảnh lập lòe từ máy điện toán đã kiểm soát tư tưởng ý nghĩ … Toàn những thứ mà nghe qua cảnh sát thì lắc đầu, bác sĩ thì nghĩ đến bệnh viện tâm thần và thân nhân thì chạy đôn chạy đáo tìm nơi gửi người bệnh chữa trị. Ấy là chuyện ngày xưa chứ bây giờ thì người ta không cần phải kể lể với ai nữa cả. Cứ đăng đàn lên mạng ảo là sẽ tìm ra vô khối người đồng bệnh tương lân, tha hồ kể chuyện mà không sợ ai bảo mình là dở người!

Những trang mạng kia khiến các chuyên gia về tâm lý hoảng sợ, những người hoảng loạn nọ có cả một cộng đồng ảo, hùa nhau an ủi, khen lao cổ võ… Nghĩa là những ý tưởng lạ lùng hoảng loạn kia tiếp tục lan xa, lan rộng và người bệnh mỗi ngày một đắm chìm trong cái biển ảo tưởng nọ. Người ta dùng danh từ “cộng đồng quá khích” để chỉ các trang mạng cổ võ sự hoang tưởng, mặt sau đen tối của sự kết “bè” (chứ không phải “bạn”) mà không biết chi nhiều về những người lạ mặt.
Theo một chuyên gia về “ảo tưởng”, Bác Sĩ Ralph Hoffmann, Giáo Sư khoa Tâm Thần tại đại học Yale, những trang mạng kia tán trợ và khuyến khích những người tham gia tiếp tục những ý nghĩ không có thật. Nghĩa là họ đồng ý với người phát biểu ý kiến dù chẳng biết gì về những ảo tưởng, ảo giác nọ là chuyện có thật hay không. Sự khuyến khích của “bạn bè” và nhất là những bút danh khác (từ một hay nhiều người?) đều đồng thanh nói rằng họ cũng trải qua các kinh nghiệm tương tự. Ðại khái là họ bị những tay gián điệp theo dõi, tạo khó khăn trong đời sống hàng ngày như việc gửi các luồng sóng qua các ngọn đèn để khủng bố và đày đọa tâm thần… Nôm na là bấy nhiêu bút danh trên các mạng ảo nọ đều là các nhân vật quan trọng lắm nên kẻ khác, nhất là chính phủ phải bỏ tiền của công quỹ ra để theo dõi và ám hại họ, những công dân chân chính sống theo luật pháp.
Ông Derrick Robinson, 55 tuổi, làm nghề quét dọn tại Cincinnati, Ohio, chủ tịch của hội Freedom from Covert Harassment and Surveillance, tuyên bố rằng trang mạng ảo của nhóm ông (có bao nhiêu hội viên thì ông ta không cho biết) được cả ngàn người tham dự, và đấy là nơi người ta có thể chia sẻ những lo âu hàng ngày, lo âu về việc bị cảnh sát, gián điệp, bè đảng du đãng theo dõi ngày đêm mà ám hại cho bõ ghét! Họ rủ nhau thành lập nhiều trang mạng khác nhau để lỡ có trang mạng này bị dẹp bỏ thì có nhiều nơi khác mà tiếp tục! Khi được hỏi phí tổn của các cuộc theo dõi kia, ông Robinson cho biết rằng riêng mình ông ta, chính phủ Hoa Kỳ đã tốn vài triệu một năm để rình mò! Và câu hỏi tại sao chính phủ tiêu xài công quỹ cả triệu như thế thì câu trả lời là hội này rất quan trọng gồm những người hợp nhau lại để tự bảo vệ và chia sẻ cách tự vệ!
Tệ hại hơn nữa là có các trang mạng chỉ dẫn cách tự tử như thế nào cho êm thấm, đăng những tấm ảnh treo cổ, tự tử bằng súng…, khuyến khích việc mua độc dược dự trữ sẵn phòng khi cần! Các chuyên gia về tâm thần kêu trời vì họ chưa tìm ra cách để chữa trị sự hoảng loạn cho bệnh nhân. Bệnh nhân gặp bác sĩ tâm thần 30-45 phút mỗi vài tuần để theo dõi bệnh trạng, và dẫn giải trong khi họ về nhà lên mạng ảo tiêu xài cả vài trăm giờ trong thế giới hoảng loạn kia!
Có khi nào những người kia nhìn nhận rằng họ hoảng loạn không? Không bao giờ, mọi người đều tin rất chắc chắn mình là nhân vật quan trọng nên có cả một đám người theo sau bày mưu ám hại, đày ải!
Những nhóm người khác tin rằng họ đã bị bắt cóc, “hãm hiếp” qua luồng sóng điện của người ngoài tinh cầu nên không chịu rời khỏi nhà và giữ liên lạc với “thế giới” qua mạng ảo. Nơi này họ tìm thấy những người đồng hội đồng thuyền và nhất là không ai nói rằng những ý nghĩ kia là điều không có thật hay rõ ràng hơn, là sự hoảng loạn của tâm trí!
Các trang mạng kia lợi/ hại như thế nào? Những cuộc “thảo luận” kia, có ảnh hưởng tương tự như những cuộc chữa trị chung nhóm (group therapy), bệnh nhân giúp nhau lành bệnh. Ở đây những người tham gia mạng ảo dẫn nhau đến một thế giới hoảng loạn sâu đậm hơn nữa, và hình như không ai muốn chữa trị chứng bệnh của mình?! Các chuyên gia về tâm thần có biện pháp nào không? Chẳng có biện pháp nào cả, bạn ạ! Họ đứng nhìn và cảm thấy bất lực! Chúng ta sống trong một thế giới tự do, mỗi người giữ riêng tiểu vũ trụ của mình, viết vài bài trên mạng ảo hay hoặc dở đúng hoặc sai không phải là lý do để người khác có thể can thiệp trừ vài trường hợp ngoại lệ đặc biệt!
Hay là ta cần để ý đến thân nhân mình nhiều hơn? “Thế giới” riêng của thân nhân ta có phần nào liên quan đến thế giới “chung” với ta không? Và sự liên hệ kia ra sao? Thân thiết hay hoàn toàn xa lạ ghét bỏ? Ðiều quan trọng hơn hết có lẽ là ta có thể nào bước vào thế giới riêng kia không? Hay ta và thân nhân là những hành tinh xa lắc và xa lạ? Khi nhận ra sự xa lạ ấy, có thể nào ta “bắc cầu” để giữ lại những người thân yêu kia?
TLL