Người dân đang gọi sự kiện ô nhiễm môi trường làm cá chết, phá hỏng cả một dải bờ biển miền Trung, và tệ hơn nữa là gây hoang mang, lo sợ cho tương lai của dân tộc, là “thời biển chết”. Không dửng dưng vô cảm, nhiều nhà thơ đã cất lên tiếng nói của mình bằng hành động dấn thân xuống đường và qua sáng tác. Chúng tôi xin giới thiệu thơ của Chiêu Anh Nguyễn và Hoa Trần, là 2 tác giả trong nước, và của Trần Mộng Tú là tác giả hải ngoại, cho mục thơ chọn lọc số này. TN.
Hoa Trần
Thương biển lắm cha ơi
Đứng dậy đi cha!
Cha ngồi đó đã nhiều ngày.
Mắt ráo hoảnh nhìn ra phía biển
Chiếc điếu cày mấy ngày cha không động đến
Con thấy đau nhói tận tim mình
Tấm lưới trên tay cha đặt xuống, nâng lên
Con biết cha đứt từng khúc ruột.
“Biển chết rồi con ơi!”
Cha khóc
Lần đầu tiên nước mắt người đi biển vỡ ra như tia máu chảy quanh hốc má gầy gò.
Dân Miền Trung quê tôi
Mấy tuần nay không còn tiếng reo hò
Câu chuyện ra khơi không còn trong bữa ăn làng biển
Mẹ bỏ chợ, thuyền úp mình trên bến
Người ngư dân rồi sẽ ra sao
Làng biển quê tôi vốn dĩ đã quá nghèo
Cuộc sống mưu sinh từ con tôm con cá
Thuyền lưới ra khơi một đời cha chằm vá
Nuôi con nuôi cháu trưởng thành.
Có biển nơi mô như biển quê mình
Cá dưới lòng sâu cá trên mặt nước
Bao nhiêu cá chết vì nhiễm độc
Biển gào lên thủy táng những linh hồn
Làng biển quê tôi chìm ngập nỗi buồn
Cá chết hồn oan mắt chưa kịp nhắm.
Đứng dậy đi cha
Con thương cha nhiều lắm
Con biết người thương nhớ biển cha ơi!
Bao ngày qua biển lặng đẹp trời
Nhưng lòng biển lại vô cùng trống trải
Những con thuyền không người chèo lái
Trong miếng ăn cũng vấy bóng quân thù.
Cha ơi! Ai đã giết ước mơ
Ai đã gieo mầm tai ương khủng khiếp
Biển vẫn còn đây
Nhưng biển là biển chết
Thương quê nghèo
Thương biển lắm cha ơi!
HT – 26/4/2016
Trần Mộng Tú
Cá không biết nói
Những con cá nhỏ nhoi
chúng không hề biết nói
để chứng minh cho người
tại sao mà cá chết
nó chết cơn cớ gì
tại sao chết hàng loạt
tại sao biển tàn ác
mang chúng quăng lên bờ
thân cá phơi trong nắng
bụng cá trắng một vùng
con người cúi xuống nhặt
lệ như muối rưng rưng
Vì cá không biết nói
không biết cất tiếng kêu
bập bềnh phơi xác nhỏ
buông theo đợt thủy triều
Có phải nước đổi thay
nên cá không thở được
nhưng đổi thay vì đâu
chỉ một mình cá biết
Người đổ tội cho Trời
thay thủy triều màu đỏ
Trời kết tội con người
làm ô nhiễm biển xanh
con cá nhỏ ở giữa
trơ xác trắng mong manh
Cá ơi hãy nói đi
nguyên cớ nào em chết
tại sao và vì sao
Ta bên này đại dương
tóc đã rong rêu bám
hồn muối biển Việt Nam
thân đã nồng mùi cá
Tại sao và vì sao
TMT – tháng 5/3/2016
Chiêu Anh Nguyễn
Hãy để em được yêu theo cách của em
Anh yêu
Đừng buông tay em lúc này anh nhé
Em vẫn muốn viết những câu thơ tình
Viết những lời ái ân
Những dịu dàng cho anh
nhưng không thể
Chưa bao giờ em thấy mình tan hoang đến thế
Chưa bao giờ em thấy mình bất lực đến nhường này
Đừng quay lưng đừng hờn trách, chia tay
Em biết
Một lần em dấn thân
Là một lần anh buồn phiền mệt mỏi
Nhưng
Anh!
Em không thể ngồi yên nhìn quê hương chìm nổi
Em không thể cười vui khi đất nước đọa đày
Nhìn chung quanh
Đâu đâu cũng toàn những hiểm nguy dối trá
Đến miếng ăn hàng ngày cũng sợ sệt đắn đo
Em xin anh
đừng bỏ lại em rất bơ vơ
Vì lúc này
Em không thể hình dung mình sẽ ra sao nếu không còn anh bên cạnh
Đất nước tan tành
Đảo mất
Biển chết
Con người cư xử với nhau còn hơn cầm thú
Sự thật là điều cấm kị
Khuya nào về tới cửa nhà mới chắc bình an
Viết một câu cũng lo bị hỏi han
Làm những điều thiện tâm cũng thấy mình lạc lõng
Anh ơi!
Đưa tay em nắm
Đất nước mấy ngàn năm giờ lại hoá chông chênh
Em có là gì với những mất mát hy sinh
Của bao thế hệ đã hoá thân thành anh linh nòi giống
Để bây giờ nhìn đồng bào mình ngày càng lụi tàn hy vọng
Đặt niềm tin vào đâu cũng thấy rã rời
Lời nguyền nào đè nặng cả ngàn đời
Mà dân tộc này đến bây giờ phải gánh gồng tang thương đến vậy
Anh ơi
ngồi yên đây cho em làm điểm tựa
Đừng lo những bất trắc cỏn con
cho một người đã từng làm mẹ như em
Con cái chúng ta sẽ về đâu ?
khi sông biển ao hồ đều đã không còn trong sạch
Chúng ta đã sai lầm quá nhiều để thế hệ sau phải gánh
Em xin anh hãy giữ chặt tay em
Trong thời khắc này, em không thể cô đơn.
CAN – 4-2016