Ba tiếng “Quý Vị ơi!” lúc đầu nghe, chúng ta có cảm giác khó chịu, gần như suồng sã, nghe lâu, quen dần không còn thấy chướng tai nữa. Tiếng Quý Vị chúng ta thường dùng để thưa gửi với những bậc lớn tuổi, để tỏ lòng kính trọng, vẫn có một khoảng cách, không thể là tiếng gọi thân mật, mặc dầu đối với những người mà chúng ta kính nể, như chúng ta vẫn thường gọi “Bố ơi!” hay “Bà Ngoại ơi!”
Lối nói: “Quý Vị có thấy cô ca sĩ này hát hay không ạ!”- “Quý Vị có đồng ý như vậy không ạ!” vẫn được đám đông trả lời xuôi theo câu hỏi là “Hay!” hay “Ðồng ý!”
Thời đại này, ngoài người điều khiển một chương trình hội họp, lễ lược, văn nghệ còn có MC đám cưới, MC đám ma, nhất là những MC đám cưới, nhiều lúc làm cho khách tham dự phải bực mình hay đỏ mặt vì những lời nói sống sượng, vô duyên của người cầm micro đứng trên sân khấu.

Có những ông MC vô duyên và khá trơ trẽn, vì mỗi lần ca sĩ lên sân khấu, ông đều ôm hôn trước khi buông tay ra cho người ca sĩ tiến đến micro để trình bày bản nhạc.
Nhân nói đến chuyện sân khấu cũng luôn tiện nói đến chuyện tặng hoa cho ca sĩ, nhất là trong những buổi sinh hoạt cộng đồng, hay những cuộc hội họp có phần ca nhạc, mà tiêu biểu nhất là ở hai miền Nam, Bắc Cali. Trong khi ca sĩ đang hát ở trên sân khấu thì một ông hay một bà từ dưới nhảy lên sân khấu tặng hoa. Không phải trang trọng bằng một bó hoa đẹp mà người tặng đã chuẩn bị từ trước, mà những ông bà này đi ngang các bàn tiệc, hay đến gần sân khấu, rút một cành hoa trong lọ hoa trên bàn của ai đó, đem lên tặng cho ca sĩ. Người tặng hoa lại ghé mặt vào với ca sĩ để nhờ một người bạn nào đó chụp cho một tấm hình. Không phải một người mà có khi một ca sĩ có đến hai ba người lên tặng hoa. Người ca sĩ trong khi tập trung vào bài hát thì lại phân tâm bởi những người tặng hoa quấy rối, vì phải chào hay gật đầu cám ơn.
Ðây không phải là thái độ ngưỡng mộ tiếng hát hay đối với người trình diễn, mà là một lối tự giới thiệu mình với đám đông ở dưới sân khấu. Tôi thường gặp những chuyện lộn xộn này trên sân khấu trong cộng đồng, và cũng thường gặp đi gặp lại một vài khuôn mặt, là chuyên viên tặng hoa.
Nhiều lối nói mà các ông bà MC, điều khiển chương trình đã du nhập từ miền Bắc sau năm 1975, lúc nào mà chính họ cũng không có ý thức được. Trước đó, chúng ta chẳng bao giờ nghe trong các buổi lễ lược hay văn nghệ có những câu như: “Xin Quý Vị một tràng pháo tay!” Khán thính giả trong một buổi hoà nhạc, ca hát bày tỏ sự khen thưởng, khuyến khích, hay vì lịch sự sau mỗi lần người nhạc trưởng quay đầu lại kính cẩn cúi đầu chào khán giả hay khi tấm màn nhung được khép lại, bằng những tràng pháo tay. Xin, hay yêu cầu đám đông vỗ tay sau một lần nghệ sĩ trình diễn, là đánh giá thấp sự thưởng ngoạn của khán giả. Bởi vậy, tôi tin rằng, một người điều khiển chương trình giỏi và có trình độ là những người không bao giờ phải dùng câu nói “Xin Quý Vị một tràng pháo tay!”

Chuyện vỗ tay nói lên cả chuyện văn hoá của cả một đất nước. Tôi không được cái may mắn theo dõi những buổi nói chuyện của các lãnh tụ Liên Xô, Trung Cộng hay Bắc Hàn để thấy cung cách vỗ tay của quần chúng như thế nào, nhưng đã thấy nghe nhiều diễn văn của các lãnh tụ Bắc Việt. Ðể chấm dứt một đoạn văn, lãnh tụ vỗ tay để tán thưởng mình trước, như một thứ vỗ tay “cò mồi,” cả hội trường bắt chước vỗ tay theo. Bố đứa nào dám không vỗ tay theo.
Bạn đọc chắc đã theo dõi một đoạn phim ngắn trên internet, khi “bác Hồ” tiếp và ôm hôn nữ tài tử Trà Giang của Bắc Việt. Khi hôn môi Trà Giang, “bác” lấy hai tay che hai bên mồm lại cho người ta khỏi trông thấy, thậm chí “bác” còn luồn tay xuống phía dưới bụng hai người, được che bởi một chùm hoa. Trong khi đó, từ Lê Duẩn, đứng cạnh, cho tới cả Bộ Chính Trị đứng quanh đấy, vỗ tay nồng nhiệt để hoan hô theo, kéo dài cả phút đồng hồ để tán thưởng cái cử chỉ thương và ôm dân của “bác!”
Trái lại, tại quốc hội CSVN sáng 1/4/2016 khi luật sư Trương Trọng Nghĩa, đại biểu, kêu gọi cần phải đảm bảo tự do dân chủ, an toàn, công bằng và công lý, chấm dứt các dự án ô nhiễm, chống lãng phí và tham ô, nhìn mặt kẻ thù, lên án các cán bộ cao cấp, hưu và chưa hưu đều tìm cách lo cho con cái định cư tại nước ngoài, thì toàn thể hội trường đều im re, không hề có một tiếng vỗ tay? Bố đứa nào dám vỗ tay!
Nhân nói chuyện vỗ tay, Tiến Sĩ Nguyễn Ðình Cống ở Việt Nam đã tiết lộ câu chuyện, về buổi nói chuyện của Tổng thống Mỹ Bill Clinton tại Trường Ðại học Quốc gia Hà Nội, năm 2000. Giáo sư và sinh viên tham dự phải được lựa chọn trước, được căn dặn là phải ngồi yên (không được đứng dậy chào mừng) khi Tổng thống Mỹ vào hội trường, không được vỗ tay khi nghe ông ta nói chuyện. Vỗ tay khen Tổng Thống Mỹ hoá ra Việt Nam mình “dưới cơ” của Mỹ hay sao?
Thì đúng đây là một bầy cừu chỉ biết làm theo mệnh lệnh.
Việc vỗ tay là tự phát từ ý thức và tấm lòng. Không cần Bí Thư phải ra lệnh trước hay MC phải mở miệng xin.
HP