Price Look Up (PLU) Codes là những con số có từ 4 hoặc 5 số đơn, được in thành “sticker” hoặc “label” nhỏ, dán trên từng sản phẩm, thường là trái cây, như cam, chuối, táo…, đã được các siêu thị tại Mỹ sử dụng từ năm 1990 để cho hàng hóa được kiểm kê, hoặc được tính tiền một cách dễ dàng, nhanh chóng và chính xác hơn. Chẳng hạn, nó cho người thâu ngân biết thứ táo nào trồng bình thường bán với giá $1.29/pound, thứ táo nào thuộc loại “organic” bán giá $2.29/pound. IFPS (International Federation for Produce Standards- Liên đoàn Quốc tế về Tiêu chuẩn Sản phẩm) là tổ chức chỉ định PLU Codes cho các sản phẩm. Hệ thống ghi mã số này là tự nguyện, chứ không phải là đòi hỏi chính quyền.
Đây là những điều tổng quát bạn nên biết về PLU codes:
Các mã số này cho biết trái cây được trồng ra sao, trồng thường với phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc diệt nấm, thuốc diệt cỏ, hay được trồng theo phương pháp hữu cơ (organic), hoặc được biến đổi gene.
- Nếu chỉ có 4 con số, có nghĩa là sản phẩm được trồng theo lối quy ước, lối thông thường, có dùng các loại thuốc trừ sâu. Thí dụ: chuối được dán nhãn có mã số 4011.
- Nếu có 5 con số, và bắt đầu bằng số 8, có nghĩa rằng đây là rau trái được biến đổi gene. Loại rau trái này thường bị lầm là thuộc loại organic. Thực ra không thể ăn loại sản phẩm organic trồng từ hạt giống đã biến đổi gene. Chuối được biến đổi gene sẽ được dán nhãn: 84011
- Nếu có 5 con số và bắt đầu bằng số 9, có nghĩa đây là loại rau quả trồng theo lối “organic”, và không phải là biến đổi gene. Chuối organic được dán nhãn 94011.
Nên nhớ: thứ keo dùng để dán nhãn được coi là thực phẩm, nhưng sticker thì không ăn được.
Cosplay
Cosplay là từ viết tắt và nối liền của costume (trang phục) và play (chơi). Đây không phải chỉ là vấn đề ăn mặc mà là một nghệ thuật trình diễn trong đó người tham dự (gọi là cosplayers) mặc y phục và đồ phụ trang tượng trưng cho một nhân vật đặc biệt, thường đã xuất hiện trong các truyện tranh, video games, phim ảnh hoặc truyền hình nhiều tập. Các cosplayers thường ảnh hưởng lẫn nhau để tạo thành một thứ văn hóa phụ khác biệt với nền văn hóa chính mà họ tùy thuộc lúc đầu, chỉ giữ lại một số nguyên tắc căn bản.
Lúc đầu, khoảng năm 1990, cosplay chỉ được coi như một thú chơi (hobby) nhưng dần dần trở thành một hiện tượng văn hóa đại chúng ở Nhật, ở một vài nước Á châu, và Tây phương.
Họ đã tổ chức những hội nghị những người hâm mộ (fans), những cuộc tranh tài địa phương và quốc tế. Ngoài ra họ còn có các mạng lưới xã hội, các trang mạng và các hình thức truyền thông khác chuyên tập trung vào các hoạt động cosplay.
Y phục cosplay rất đa dạng, có thể giản dị nhưng cũng có khi cầu kỳ với nhiều họa tiết. Khác với những bộ đồ hóa trang trong các lễ hội Mardi Gras hoặc Halloween, y phục cosplay có chủ định thể hiện một nhân vật đặc biệt, chứ không phản ảnh văn hóa hoặc hình ảnh tượng trưng của một ngày lễ. Do đó, người cosplayers tìm cách bắt chước phong cách, hoặc điệu bộ của nhân vật mà họ tượng trưng.
PN