Không hiểu sao gần cả nửa năm nay Sài Gòn ngày càng nắng đến khắc nghiệt. Thời tiết luôn nóng một cách dai dẳng, lâu lâu một số khu vực cũng có một trận mưa “vàng” nhưng nó làm như là đang buồn bực chuyện gì đó, chỉ lướt qua chừng vài phút rồi mất hút. Nhiệt độ nền ngoài trời 38-39 độ C, nơi không có cây xanh thì nắng nóng lên đến 40-42 độ C khiến nhiều người say nắng, mệt mỏi, thậm chí nhập viện, đặc biệt là người phải mưu sinh ngoài trời. Theo thông tin của Ðài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ thì lúc này tia cực tím tại Sài Gòn đang ở mức quá cao, là 12/12. Ðây là mức nguy hiểm, khiến da nhanh cháy nắng và bị ung thư da.

Thị dân xưa tưởng có khả năng chịu nóng thì nay ai cũng hổn hển chào thua. Họ tận dụng thời gian có được để “đưa nhau đi trốn”. Người lên rừng, kẻ xuống biển. Truyền thuyết di cư của Âu Cơ và Lạc Long Quân được con cháu diễn lại rất tròn vai mỗi bận lễ lộc, cuối tuần. Tận dụng cơ hội đó, các vùng du lịch gần Sài Gòn không ngừng sửa sang để thu hút những vị khách phóng khoáng, chịu chi và khá đáng yêu này. Dân Sài Gòn là vậy, đi đâu ai cũng thương vì… dễ dụ.
Cách Sài Gòn chỉ hơn trăm cây số, tương đương từ 2 đến 3 tiếng chạy xe. Có núi, có biển, Vũng Tàu ắt hẳn là một trong những nơi mà người Sài Gòn nghĩ đến đầu tiên. Ðó là một vùng biển khá nhiều thứ nổi bật. Ngày 20/10/2011, Sách kỷ lục Việt Nam phong cho Bà Rịa – Vũng Tàu 12 kỷ lục.
– Thành phố du lịch đầu tiên của VN
– Trung tâm dầu khí đầu tiên và lớn nhất VN
– Ðịa phương có hệ thống cảng biển nhiều nhất VN
– Cảng biển nước sâu lớn nhất VN
– Bảo tàng vũ khí cổ tư nhân lớn nhất VN
– Cuốn từ điển giải thích ngôn ngữ dân tộc đầu tiên bằng chữ quốc ngữ
do Huỳnh Tịnh Của thực hiện
– Con diều hình lá cờ lớn nhất
– Khu du lịch sinh thái có hồ nhân tạo lớn nhất…
Với biệt danh “cường quốc kỷ lục” thì những kỷ lục trên cũng chả bõ bèn gì, nhưng bạn thử nghĩ xem, trên thế giới được bao nhiêu thành phố du lịch có nhiều kỷ lục như vậy?
Không dừng ở đó, từ cuối tháng 4, Vũng Tàu đã khởi xướng phong trào cấm ăn nhậu, buôn bán dọc bờ biển. Các xã viên thuộc hợp tác xã ven biển bị tịch thu hàng hóa công cụ, những gánh hàng rong cũng bị xử phạt nghiêm khắc nếu chống lại quy định trên. Lực lượng dân quân được tăng cường trước sự phản đối của những người dân nơi đây. Trong nhiều ngày, từ 29/4 đến nay, họ liên tục kéo đến trụ sở ủy ban nhân dân tỉnh đòi công bằng vì mất doanh thu, chỗ làm. Bên cạnh những ồn ào, phải công nhận là bờ biển có sạch sẽ ngăn nắp hơn, nhiều người thích thú và hài lòng với sự đổi mới này. Những nhà hàng quanh đó cũng vui mừng vì không còn bị cạnh tranh từ những hàng tôm, cá, mực tươi của các gánh than nướng lưu động bên ngoài.

Niềm vui chẳng tày gang, cùng thời điểm thì dấy lên vụ cá chết hàng loạt ở các vùng biển Miền Trung và các bè cá trên sông ở Biên Hòa. Khi hỏi những người dân ở đây ai cũng lắc đầu hoang mang. Doanh thu các nhà hàng, tiểu thương và ngư dân đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi thông tin trên, vì sự việc diễn ra cả tháng nay làm mất khách, ai cũng lo sợ không dám ăn cá. Một chị chủ nhà hàng cho biết: “Ít người ăn hải sản lắm em. Ngay cả dân địa phương cũng đa phần ăn thịt, có ăn thì ăn hàu, ăn ghẹ sống. Nhiều món còn sống luôn nhưng họ cũng không ăn, mặc dầu đã giải thích là không liên quan nhưng họ vẫn sợ. Số lượng khách du lịch cũng giảm do người ta sợ đi biển!” Nhưng có lẽ cũng nhờ vậy mà tôi có được một ngày nghỉ khá yên bình (!) Không gặp cảnh chen chúc, ồn ào như những lần trước đến đây nghỉ dưỡng.
Sau khi ăn uống ở nhà bạn (là dân bản xứ), anh ta mua hải sản, thịt và rau về tự nấu mời khách vì chính ảnh cũng không dám ăn cá biển vì sợ “hàng trôi nổi”.
Chúng tôi đi xem đua chó, một loại dịch vụ giải trí giúp Vũng Tàu ngày càng nổi tiếng. Chương trình xem đua chó độc đáo này diễn ra vào Thứ Sáu, Thứ Bảy hàng tuần, thuận tiện cho cả du khách lẫn dân quanh vùng. Chỉ cần bỏ ra 60 ngàn là bạn có một vé để tận mắt chiêm ngưỡng những chú chó Greyhound, một giống chó săn có nguồn gốc từ Ireland. Mỗi con có giá từ 2,000 đô-la Mỹ, được xếp hạng từ D đến A, với thân hình cơ bắp cuồn cuộn, đôi chân dài đúng chuẩn cùng sức chạy kinh hoàng từ 60km/h, hơn cả vận động viên điền kinh. Vừa xem trình diễn vừa có thể chơi dự đoán với mức cược có thể lên đến 60 lần giá tiền cược bạn bỏ ra. Nếu có điều kiện bạn cũng có thể mua một chú chó lực sĩ điền kinh mà mình ưng ý và nhận ưu đãi 2 năm xem chương trình miễn phí. Khán giả được thưởng thức không khí thể thao sôi động, được thưởng thức tốc độ chạy và sự bứt phá của những vận động viên 4 chân chuyên nghiệp, được thư giãn, được hò hét, cổ vũ thoải mái trong suốt quá trình đua. Một điều thú vị nữa là chỉ có Vũng Tàu tổ chức hoạt động này trong cả khu vực Ðông Nam Á.
Tưởng sự việc chỉ ảnh hưởng kinh tế, du lịch là đã đủ khổ, nhưng không phải vậy. Xem đua chó xong, khi cùng đi dọc bờ biển hóng mát, bạn tôi kể về việc đang thực sự khiến dân Vũng Tàu hoang mang, hoảng loạn: đó là tin nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho họ bị đe dọa bởi Công ty TNHH MeiSheng Textiles VN (gọi tắt MeiSheng, 100% vốn Ðài Loan). Do công ty này nằm ở thượng nguồn hồ chứa nước Ðá Ðen nên việc công ty xả thải chưa qua xử lý ra môi trường thì toàn bộ nguồn nước ô nhiễm này sẽ xuống hồ. Nếu nguồn nước hồ Ðá Ðen ô nhiễm thì hậu quả vô cùng lớn, 100% người dân sẽ không có nước sạch để sử dụng. Thời gian qua, công ty này liên tục bị cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bộ Tài nguyên Môi trường lẫn dân cư gần đó phát hiện xả thải. Do sức ép dư luận trong nhiều ngày, lãnh đạo tỉnh đã tiến hành niêm phong, sắp xếp di dời nhà máy ra khỏi khu vực “nguy hiểm” trên. Sự việc nước sạch trên được giải quyết trong vòng nửa tháng, tuy người dân vẫn phải lọc nước kỹ trước khi sử dụng, chứ chưa thể dùng thoải mái như trước.


Chuyện Vũng Tàu làm tôi nhớ đến Vũng Áng, Hà Tĩnh. Ðều là chuyện nguồn nước ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Cá chết hơn 60 tấn trên bờ và người dân phát hiện ở đáy biển xác cá tầng tầng lớp lớp hơn cả con số trên. Vô số người ngộ độc vì ăn cá. Vậy mà, có mấy nơi chính quyền vẫn khuyến khích các siêu thị thu mua cá biển ở các vùng này mang đi khắp mọi miền đất nước để tiêu thụ, với khẩu hiệu: Bán hải sản ủng hộ đồng bào miền Trung không lợi nhuận. Các vị lãnh đạo biểu diễn ăn cá làm gương cho dân. Hổng biết cá họ ăn là ở địa phương hay ở đâu nhập về mà chưa thấy vị nào ngộ độc. Quý vị cứ ăn, xin mời, nhưng đừng hòng dụ được tôi.
Lạy trời, Vũng Tàu hãy cứ là Vũng Tàu chứ khoan là Vũng Áng, để chờ ngày tôi cưới được chồng rồi dắt ảnh ra chơi. Buổi sáng đi coi đua chó, buổi tối tắm biển dưới trăng, rồi cùng nhau ăn cá cho nó thơ mộng, để lỡ ngộ độc thì cũng ngộ có đôi, chứ như giờ ngộ mình ên thì hoài phí cái thanh xuân!
DU