Người Pháp có câu nói thế này: Một người nói 3 thứ tiếng là biết 3 ngôn ngữ. Một người nói 2 thứ tiếng là biết song ngữ. Một người chỉ nói 1 thứ tiếng thì đích thị là người Anh rồi. Tôi không cho đó là lời nói xỏ xiên, chẳng qua từ nào giờ, tiếng Anh mặc nhiên được xem là một ngôn ngữ của toàn thế giới vì sức ảnh hưởng kinh tế to lớn của những nước nói tiếng Anh.

Tuần rồi, anh bạn tôi ở Austin nhận được một thư thông báo từ Nha Học chánh, cho biết: “Năm học mới trong mùa thu này tiếng Việt sẽ được dạy ở Trường trung học Murchison và đây sẽ là một môn học có tính điểm ra trường. Bên cạnh đó tiếng Hàn cũng được dạy ở Trường Travis và tiếng Ả Rập được dạy ở trường Burnet, Austin và các Trường trung học Quốc tế. Việc bổ sung các ngôn ngữ hiện được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hết sức coi trọng, Nha Học chánh Austin chúng tôi muốn thúc đẩy hơn nữa cam kết phát triển ngôn ngữ cho học sinh về mặt xã hội và dân sự để chúng có thể tạo ra sự khác biệt sau khi ra trường. Vấn đề giảng dạy song ngữ Việt-Mỹ dựa trên các nghiên cứu cho thấy một lượng lớn gia đình gốc Việt đang di cư đến sinh sống ở thành phố Austin ngày càng tăng”.

Hai năm trước, gia đình anh chuyển về Austin do yêu cầu việc làm của công ty, đứa con gái nhỏ của anh theo học một trường tiểu học về nhà trọ trẹ nói với cha mẹ là chúng được học toán và khoa học bằng tiếng Việt, còn các môn xã hội và ngôn ngữ vẫn bằng tiếng Anh. Ban đầu vợ chồng anh còn lo, liệu có trở ngại gì về vấn đề ngôn ngữ ảnh hưởng đến việc làm bài tập của con anh. Nhưng sau vài tháng, anh thở phào, chẳng có vấn đề gì, con anh còn nói tiếng Việt thành thạo hơn nữa. Càng ngày con gái anh giảm dần thứ tiếng Việt lạ lẫm khi nói chuyện với cha mẹ, bạn bè. Ðiều này khiến anh vui, mình là người Việt thì phải biết nói tiếng quốc ngữ nước mình chuẩn không cần chỉnh. Chứ phát âm nghe lơ lớ thì thấy dễ thương đó nhưng đã là người Việt, tiếng mẹ đẻ sẵn có trong máu của mình từ khi mới sinh, chứ đâu phải người nước ngoài đâu mà trọ trẹ khổ sở vậy.

Bản thân anh hồi trước là giáo viên ngoại ngữ. Anh kể hồi đi học, anh nhớ mãi ông thầy dạy tiếng Anh hay nói với sinh viên trong lớp: “Mình là người Việt học ngoại ngữ, do điều kiện thực hành ngôn ngữ không có, nên phát âm thiếu chuẩn nghe giọng điệu ngọng nghịu thấy hay hay, chứ phát âm được đúng âm điệu như người Anh thì chỉ làm người ta phục sát đất. Muốn nói chuẩn, một là anh ta phải sống ở xứ người từ nhỏ, hai là kiếp trước… anh ta là người Anh”. Tôi thấy không ít gia đình thế hệ thứ hai ở đây, giao tiếp với con nhỏ trong nhà bằng tiếng Mỹ nên mấy đứa nhỏ quên luôn tiếng mẹ đẻ. Có thể các bậc cha mẹ trẻ lo rằng, ở Mỹ mà nói tiếng Việt riết rồi con mình nói tiếng Mỹ dở ẹt. Thật ra cha mẹ chúng cũng nói được quốc ngữ chứ không phải là không biết nhưng có lẽ suy nghĩ bằng tiếng Mỹ dễ hơn vì vốn từ có sẵn trong đầu cho nên thấy tiện thì cứ sử dụng luôn cho nhanh. Có lần tôi đến nhà một cậu làm việc cùng công ty chơi, thằng cha kêu đứa con gái nhỏ lấy cái gối lót lưng mà mặt con bé cứ ngơ ngơ ngác ngác, miệng hỏi what… what? Rồi một hồi nó chạy ra nói với ông bố ‘con muốn an mút’. Tôi chẳng hiểu i tờ gì ráo, thằng cha quay sang dịch cho tôi nghe: ‘Con muốn ăn mít’. Tôi nói với cậu ta: “Chết chửa, người Việt nói tiếng quốc ngữ mà y như người ngoại quốc nói tiếng Việt. Ở nhà phải thường nói chuyện với nó bằng tiếng Việt thì nó mới nói giỏi được”.

Tôi kể lại cho anh bạn nghe chuyện tình cờ xem trên Youtube chương trình phỏng vấn của TV Bolsa về một người Mỹ nói tiếng Việt rất ư là thích thú. Anh ta tên Joe ở Garden Grove về Việt Nam cưới vợ. Joe nói chắc kiếp trước anh là người “Annammit” nên nói tiếng Việt thông thạo nhờ chơi với bạn bè là người Việt sang Mỹ định cư nhiều năm trước đây. Anh dạy cho tụi bạn nói tiếng Mỹ, còn đám bạn dạy lại anh tiếng Việt chủ yếu bằng ngôn ngữ nói. Anh dùng nhiều từ miền Nam rặt, kêu bạn bè là “mày, tao”, gọi mẹ vợ là “bà già”. Về Sài Gòn đi ra ngoại ô chơi câu cá nhậu nhẹt, lại biết hài hước khi kể chuyện đau bụng đi cầu: “Nhìn xuống cái lỗ thấy mấy con cá nhìn lên… hỏi tụi bạn mới biết mình đi câu ăn nó, thì giờ nó ăn lại mình”. Người ngoại quốc học lóm từ cách nghe nói không qua trường lớp mà nói sõi tiếng Việt đến mức đó phải khiến người nghe bái phục sát đất. Do nói được tiếng Việt nên anh có thêm nhiều bạn bè người Việt yêu mến và lẽ tự nhiên Joe cũng yêu văn hóa và món ăn Việt Nam luôn. Nelson Mandela có nói một câu đầy ý nghĩa: “Nếu bạn nói chuyện với một người bằng thứ tiếng anh ta hiểu, những điều đó sẽ được ghi nhớ bằng đầu. Nếu bạn nói chuyện bằng ngôn ngữ của anh ta, những điều đó sẽ khắc sâu vào tim”.

Câu chuyện loanh quanh một hồi anh bạn kể chuyện nhà mình cho tôi nghe chơi. Số là gia đình ông anh cả sang Mỹ từ hồi bảy lăm. Thời đó hiếm có người Việt sinh sống ở New York, cha mẹ bận đi học đi làm kiếm sống về nhà sinh hoạt nói chuyện với con bằng tiếng Mỹ cho quen. Mấy đứa nhỏ đi học, chơi với toàn bạn Mỹ riết rồi không biết luôn tiếng Việt. Lúc ông anh bảo lãnh ông bà nội sang đoàn tụ, ông bà ở được chưa trọn năm đành buồn bã lên máy bay về nước vì bị cách biệt lối sống, bất đồng ngôn ngữ ngay trong ngôi nhà mình ở chứ nói chi ngoài xã hội. Ðoàn tụ đâu không thấy mà chỉ thấy… dễ xa nhau. Ông bà không gần gũi được con cháu, nán lại có gì vui, về với đám con cháu ở Sài Gòn, tuy chật vật nhưng bù lại thoải mái nói nghe được tiếng nước mình quen thuộc.
Nhưng ngày nay khác rồi, ở New York hay nhiều tiểu bang khác đều có trung tâm Việt ngữ dành cho học sinh muốn học tiếng Việt. California nơi tập trung đông đảo cộng đồng người Việt, cho nên hầu như đồng hương nào đến cũng đều thấy vui. Vả lại từ cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90, khi người Việt sang định cư ở California càng lúc càng đông, nhiều trung tâm Việt ngữ tự phát do nhà chùa, nhà thờ hay cộng đoàn tổ chức các lớp dạy Việt ngữ với mục đích giữ gìn tiếng Việt cho thế hệ trẻ trong khi cha mẹ phải lo hòa nhập vào cuộc sống mới đi làm kiếm tiền chăm lo cho gia đình. Và rồi nhiều nơi dạy tiếng Việt như Trung tâm Văn hóa Hồng Bàng, Trung tâm Văn hóa Việt Nam ở Quận Cam được thành lập. Mỗi trường quy tụ cả sáu bảy trăm học sinh theo học ngoại khóa từng lớp ngắn hạn hoặc dài hạn. Phong trào học tiếng Việt từ đó lan sang các thành phố khác trên khắp Hoa Kỳ. Nhiều trung tâm Việt ngữ ra đời, Trung tâm Văn Lang ở Dallas, Trung tâm Việt ngữ Hùng Vương ở Houston thu hút hàng trăm học viên lớn nhỏ. Tiếng Việt là nơi quy tụ cộng đồng người Việt làm cho cộng đồng thêm lớn mạnh.

Rồi anh bạn chợt nhắc tới trong tuần báo Trẻ có mục “Bài viết tiếng Việt đầu tiên”, do nhóm sinh viên lớp Việt ngữ trường University of Georgia viết. Các bạn sinh viên viết được như thế là quá hay rồi. Viết một bài báo bằng tiếng mẹ đẻ ngon lành chắc chắn phải nói được như bắp rang. Như tôi nói ở trên, tiếng Việt có từ trong máu rồi nên chỉ cần tiếp xúc nói chuyện với người Việt, viết được sẽ nói được. Chuyện này sẽ khác khi một người Việt có thể viết được một bài luận văn bằng ngoại ngữ nhưng chưa chắc sẽ nói được lưu loát ngôn ngữ đó. Trang mục này rất hay nên duy trì đều đặn khuyến khích giới trẻ bảo tồn quốc ngữ. Và các bạn sinh viên có thể tự hào rằng đó là một ngôn ngữ chính song song với Anh ngữ chứ không phải là một ngoại ngữ thứ hai.
Chính vì tầm quan trọng của ngôn ngữ tiếng Việt trong một cộng đồng lớn tại Hoa Kỳ cho nên trường Ðại học Fullerton, California hai năm vừa qua đang đào tạo 3 chương trình giảng dạy cử nhân Việt ngữ, sư phạm giảng dạy Việt ngữ và chương trình song ngữ Việt – Anh nhằm đào tạo đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm và kiến thức để dạy các chương trình Việt ngữ cho các trường tiểu và trung học công lập. Hơn nữa, hiện nay, trong giai đoạn kinh tế toàn cầu hóa, một người biết hai ngôn ngữ dễ có việc làm và thu nhập cao hơn một người chỉ biết một ngôn ngữ. Những người biết tiếng Việt có thể làm việc ở Australia, các quốc gia châu Âu và châu Á. Mặc dù, tiếng Việt là ngôn ngữ phổ biến hàng thứ 5 tại Mỹ (sau tiếng Anh, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Phi Luật Tân) nhưng đó là quốc ngữ của dân tộc mình cần được giữ gìn và phát triển dù đang ở hải ngoại.
TN