Người Lisu, hay Lật Túc, là một nhóm dân tộc thiểu số sống lâu đời ở vùng Vân Nam, Trung Quốc. Nhưng từ thế kỷ 19 một phần của nhóm dân tộc này di cư đến vùng núi hẻo lánh ở Myanmar, Thái Lan và cả Ấn Độ. Tuy ở những đất nước khác nhau nhưng người Lisu vẫn giữ được truyền thống văn hóa lâu đời qua các lễ hội sau những vụ mùa thu hoạch trong năm.
Bộ tộc Lisu có cuộc sống đơn giản. Họ sống trong những ngôi nhà tranh tre hay gỗ, và tin vào thần linh như tổ tiên của họ đã từng.
Một trong những lễ hội được hầu hết người Lisu tham gia dù ở bất kỳ nơi đâu là lễ hội “xuống biển lửa lên núi dao”, hay còn gọi là “Leo thang dao” – một lễ hội kỳ lạ thường được tổ chức vào mùng 8 Tháng Hai Âm lịch và kéo dài có khi đến Tháng Năm. Trong lễ hội có hai tiết mục hết sức mạo hiểm, là đi trên than hồng và leo thang dao, nhằm cổ vũ tinh thần dũng cảm, và có thể coi như kỳ tích của sức rèn luyện và chịu đựng của con người.

Lễ hội được tiến hành trên một khu đất rộng, trung tâm của làng bản. Khi hoàng hôn xuống, người ta chất một đống củi lớn và nổi lửa cho đến khi biển lửa chỉ còn lại đống than đỏ rực. Tiết mục “xuống biển lửa” bắt đầu. Một người đàn ông bước ra, đi đến gần đống than bằng đôi chân trần, hai tay cầm hai chiếc gậy dài, cúi chào khán giả. Dàn nhạc lễ cử lên, tiếng khèn vang trong gió, tiếng trống dồn dập rộn ràng, tiếng nẹp tre vỗ nhịp nhàng xuống nền đất, mở đầu cho màn biểu diễn. “Dũng sĩ” hai tay múa gậy, đi một vòng rồi bước thẳng vào giữa đống than đỏ lửa, dùng chân sục vào trong đó, mặt không lộ vẻ đau đớn. Tàn tro đỏ rực bùng lên như pháo hoa bay trong gió. Tiếng reo hò vang dội cổ vũ khiến anh ta phấn chấn hơn nữa cho màn diễn rợn người, trong tiếng xèo xèo cháy khét của lớp da dưới lòng bàn chân.

Sau màn “xuống chảo dầu” đêm qua, sáng hôm sau tiết mục rùng rợn nhất trong lễ hội “lên núi dao”mới chính thức khai mạc, thu hút toàn thể dân làng tham dự. Từ sáng sớm, nhiều người đàn ông mạnh khỏe tập trung làm thang dao. Theo tập tục, thang được làm từ 36 con dao đi rừng mài bén, lưỡi dao ngửa lên sáng loáng, xiên qua thân cây rừng được vạt tròn, đục khe như những bậc thang, rồi dùng con nêm chèn chặt. Cũng có vùng người ta dùng hai thân cây gỗ rất dài rồi lấy dây rừng cột đến 72 lưỡi dao, sau đó dùng sào dựng đứng cây thang, rồi dùng bốn sợi dây buộc ra bốn góc cố định giữ vững “núi dao”.

Cạnh chiếc thang là đàn lễ. Dân làng mổ một con heo cúng tế. Ðầu heo được cắt ra để trên đàn. Người chủ tế rót rượu dâng cơm, thức ăn, cầu trời và thần linh phù hộ cho dân làng được bình yên, tà ma không quấy phá. Một hồi trống nổi lên báo hiệu bắt đầu. Một chàng trai đầu chít khăn đỏ, mặc áo đỏ, quần màu chàm, ống chân quấn mảnh vải tương tự như chiếc xà cạp. Ðầu và lưng còn được quấn thêm mảnh vải trắng có hoa văn sặc sỡ. Người biểu diễn bước ra cạnh chiếc thang, bắt đầu nghi thức múa hai cây gậy để đuổi tà khí xung quanh mình. Ðoạn anh đến gần chiếc thang, thận trọng đặt bàn chân trần lên nấc thang sắc bén, và bắt đầu “leo núi dao” theo tiếng trống thúc giục cho đến khi lên đến tận đỉnh. Càng lên cao, những lưỡi dao càng vấy máu của đôi bàn chân và hai bàn tay bám chặt. Dân bản nín thở theo dõi từng cử động của người biểu diễn và ném nhang dưới chân thang biểu thị cho lời chúc bình an.

Cứ thế, người biểu diễn leo lên đỉnh ngọn thang cao chừng mười lăm mét. Lên đến đỉnh thang, anh còn chống đầu đứng ngược theo kiểu trồng cây chuối, dùng sức mạnh hai cổ tay nhấc bổng thân mình rồi dùng bàn tay chống đỡ. Phải ba lần lên xuống để minh chứng lòng dũng cảm mà thần linh ban cho thì màn biểu diễn leo thang mới được xem là hoàn tất. Người Lisu theo tín ngưỡng đa thần, họ tin rằng kỳ tích ấy đạt được là nhờ có sự hỗ trợ của thần linh.

Tuy nhiên, có người cho rằng lễ hội leo thang dao là một cuộc hành xác, chẳng khác nào nghi thức lễ hội Thaipusam có những màn rùng rợn, khủng khiếp, mà nhiều người tham gia dường như không còn cảm giác về sự đau đớn. Họ xiên những vật nhọn lên cơ thể, dùng móc sắt móc vào da thịt, đi trên đinh, trên than hồng, trên bàn chông. Ðây cũng là hình thức gột rửa tội lỗi bằng cách thực hiện các nghi thức tôn giáo qua các kinh sách của đạo Hindu.
Leo thang dao là sự luyện tập của một số hiếm người có những kỹ năng đặc biệt, chứ không phải là sự lên đồng do không còn cảm giác sợ hãi, biết đau thân xác, khi sử dụng chất kích thích. Người dân Lisu trồng thuốc phiện nhưng không bao giờ sử dụng nó cho nhu cầu giải trí hay hành lễ.

Trưởng làng Ban Man Pa ở Myanmar, giáp với biên giới Trung Quốc, giải thích: “Những lễ hội trong năm là cơ hội để dân bản làng vui chơi, ca hát nhảy múa, ăn uống, để gắn kết mọi người, trong cuộc sống hoang vu của núi rừng. Leo núi dao, xuống biển lửa không phải là trò giải trí mà là nghi lễ với thần linh, ngoài ra dân làng còn tổ chức những màn trình diễn khác như nằm trên miểng chai, chọi trâu.”
Những con đường lầy lội trở thành những dòng suối ngấu bùn trong cơn mưa như trút, và con người ẩn náu trong những ngôi nhà đơn sơ. Tuy vậy, hầu hết mọi người có vẻ bằng lòng với cuộc sống, và họ không hoàn toàn thiếu tiện nghi của thế giới hiện đại. Trước đây, nhiều gia đình dùng ngựa của Thái Lan (xe gắn máy) để cưỡi, còn nay, họ cưỡi trên một thứ khác của người Nhật, được gọi là “Toyota”.

NL – Theo Lisu Cultural