Menu Close

Hồi mới qua Mỹ

Hồi mới sang Mỹ, sau khi hết  trợ cấp, tôi muốn đi kiếm một việc làm để có tiền thuê nhà, mua xe, trả tiền điện nước và mua gạo hay mì gói, để sống còn. Gặp một người bạn cũ, may mắn di tản khỏi Saigon vào cuối tháng 4, khi Việt Cộng chưa vào tới dinh Ðộc Lập, hiện đang làm một chân “kiếm việc” cho một tổ chức giúp người tỵ nạn tại địa phương, tôi mừng húm.

Anh ngồi nghe tôi kể chuyện Saigon bây giờ và chuyện tù đày đã qua, gật gù có vẻ thông cảm và thương hại cho một thằng bạn kém may mắn. Khi tôi ngỏ ý muốn nhờ anh kiếm cho một việc làm 4,5 đồng để không phải ra nằm đường, anh bạn bảo tôi về nhà làm một cái “resumé” và đem đến cho anh.

Thật tình tôi chưa bao giờ biết cái “resumé” là cái gì, mặt mũi ra sao. Người bạn tử tế của tôi bèn cho tôi một cái mẫu bảo đem về mà nghiên cứu.

Trong bản “resumé”, trước hết ở chỗ “education” tôi phân vân không biết có ghi được là tốt nghiệp “Ðại Học máu” như Hà Thúc Sinh định giá hay không, và cũng theo chỗ tôi dò hỏi, theo thường lệ, từ sau khi tốt nghiệp phổ thông, nếu cần cù, “học tập tốt” trong thời gian suốt bảy năm nội trú, không đi phép, không bị gián đoạn nghỉ bệnh, thì “degree” tốt nghiệp của tôi tương đương ít ra với bằng Master ở Mỹ?

Ở chỗ “skills” tôi chỉ sợ không đủ giấy cho mình ghi, từ chỗ biết đào hốc sắn, gánh nước, tưới phân, trồng rau, cho đến làm gạch, lợp nhà… cái gì tôi cũng biết. Nhưng lại nghe nói ở Mỹ này “skills” thì phải có giấy chứng nhận, đại khái là phải có “diploma” hay “certificate” mà mấy cái này thì thú thật là tôi không có. Số là sau thời gian học tập bảy năm, nhận được cái bằng tốt nghiệp, ai cũng mừng húm, ba chân bốn cẳng chạy ra khỏi cổng trại, về đến nhà, coi lại cái bằng, chỉ thấy in ba chữ gọn gàng: “Giấy Ra Trại.”

Cũng có điều tôi xin nói thêm là tôi cũng còn cái skills là viết được dăm bài thơ, văn, vẫn được các tờ nhật báo ở Saigon ngày trước đăng vào những cột “mầm xanh văn nghệ” hay “măng non,” nhưng sang đây vào những năm 90, thường làm báo chỉ cần một người duy nhất làm cho tất cả mọi việc: chủ nhiệm, chủ bút, đánh máy, cắt dán, đi lấy quảng cáo, phát báo, thu tiền và đi… họp báo, nên không ai cần thuê tôi làm… báo!

Lại nói thêm ở chỗ “skills” thì tôi là một người lính nhà nghề, tốt nghiệp quân trường, có “diploma’ đàng hoàng, nhưng lại không biết xung phong và bắn súng, cũng như chưa hề biết ném lựu đạn. Bây giờ hết chiến tranh rồi, cũng không ai mướn lính đi đánh thuê đi qua các nước khác như Iraq, Iran. Mười hai năm lính, bảy năm tù, thêm tám năm bán chợ trời, bữa đói bữa no nữa, bây giờ sức tàn lực kiệt, không nhảy qua được một thước cao, bò dưới sình vài chục thước, không còn sức nào mà đánh cận chiến.

Ở chỗ “employment” phải ghi gì thì quả thật tôi không có. Thời gian tôi cuốc đất trồng khoai, tôi không được lãnh lương mà “nhà nước”chỉ cho tí khoai, tí bột, tí thịt, tí muối sống cho qua ngày thì cái đó không thể định nghĩa là việc làm được.

Tôi thấy thiên hạ sang Mỹ trước mình, mà thèm. Mười lăm năm tôi lận đận với số phận, thì ở Mỹ, mười lăm năm người ta đã đi những bước quá dài. Bạn bè tôi trước kia phần lớn ở trong quân đội, nhưng sang đây, họ làm những nghề không dính dáng gì tới súng đạn mà rất thành công. Người thì nghe nói làm nghề cắt cỏ, ở xứ mình mới sang, nghe có vẻ tồi, nhưng đã sở hữu hai ba cái nhà, mấy cái xe, cái đi làm, cái đi chơi. Khi ra quân, anh có dưới tay cả chục anh Mễ lực lưỡng, chia làm hai ba toán, xung phong, tấn công và thu dọn chiến trường ào ào, đánh nhanh, rút mạnh.

Người thì mở nhà hàng phở, khách vào ra tấp nập. Vào thời 90, người Việt đến Mỹ càng ngày càng đông, khách ăn càng ngày càng nhiều, anh có dự định mở thêm một quán thứ hai nữa. Anh thì làm nghề xây dựng, bàn tay ngày xưa chỉ biết bóp cò, mà bây giờ làm được những việc xây tường, lợp nhà, lót gạch quá giỏi. Anh còn biết cả nghề ống nước, máy lạnh, máy nóng… giỏi như thế làm sao mà nghèo được.

Mới mười lăm năm, có anh đã có con hành nghề bác sĩ, công việc của anh hằng ngày chỉ là đi kiếm thân chủ cho con, trông cũng nhàn hạ.

Những nghề kiếm ra cơm ở Việt Nam sang đây coi bộ không có đất sử dụng. Ông bạn già của tôi giỏi cả Anh lẫn Pháp, hồi còn ở Việt Nam, ông la cà ở bưu điện Nhà Thờ Ðức Bà, chuyên viết thư kể khổ cho mấy bà có chồng Mỹ, mà hồi 1973 rút quân, không đem mấy bà theo kịp. Qua đây cái nghề viết thư mướn không còn đất sống. Ông bạn nhà văn của tôi, đi tù về, ngồi ở trước cửa trường học, làm nghề “bơm bút bi” cũng đủ tiền mua gạo qua ngày. Nay sang Mỹ, một chục viết “Bic” chỉ có mấy đồng bạc, nghề xưa coi như bỏ. Tôi cũng có nhiều ông bạn, lúc thất thời, cái gì cũng làm được, đời coi mình chẳng ra chi, thì mình cũng coi nó cũng chẳng ra gì. Buổi sáng gặp ông bạn tù đi bán bánh mì nóng, trưa gặp ông thầy giáo xưa đẩy cái xe cà-rem, trời nắng đội cái nón vải, cái khăn rằn đen đúa, vắt vai để lau mồ hôi. Có anh chàng phi công trực thăng ngày xưa bay lượn trên trời, bây giờ xuống đất cầm càng xích lô, rong ruổi trên đường phố Saigon, trưa tìm bóng mát đánh một giấc ngủ trưa cho quên cuộc đời bạc bẽo.

hoi-moi-qua-my
Hình minh họa – nguồn Flickr.com

Hồi chưa sang Mỹ, tôi nghe đồn ở Mỹ rất dễ kiếm việc làm vì ở đây có cả nghìn thứ nghề nghiệp mà ở Việt Nam không có, cũng như những nghề ở Việt Nam không thể đem qua xứ Mỹ như tôi đã thưa với quý vị ở đoạn trên. Tôi nghe nói ở Mỹ có nghề đuổi chim, ngồi trong xe hơi chạy quanh đám ruộng, cứ một chiếc bắn một phát súng lên trời. Nghề đi phát flyers cho các công ty, hay những ông chủ cắt cỏ, lợp nhà, chủ dọn nhà cửa cần quảng cáo. Nghề này phải đi bộ, len lỏi trong các khu gia cư suốt ngày, vai mang một cái bị đầy “truyền đơn,” đầu phải đội nón che nắng. Tuy thấy dễ, nhưng nghề này cũng dễ bị chó cắn như nghề phát thư. Nghề phát thư còn có bảo hiểm, nghề đi phát flyers tự do thì ai làm nấy chịu.

Ở Mỹ còn có nghề đi nhặt thùng carton người ta vứt bỏ, đem cân ký bán cho các đại lý thu mua, để tái chế làm giấy, nhưng nghề này lại phải sắm xe truck để chở, không dễ gì người mới sang Mỹ mà làm được. Không cần phương tiện nhiều, thì đi lục thùng rác, lượm lon bia, hay chai hũ để bán ve chai. “Rừng nào, cọp nấy,” ngay cả nghề đi lượm lon cũng coi chừng xâm phạm lãnh thổ của người khác. Cách đây, khá lâu, khoảng 15 năm về trước, khi có phong trào H.O. đưa những người cựu tù đến Mỹ, tại thành phố San Diego, Califonia, một ông H.O. mới định cư, đi lượm lon, vô tình vào moi thùng rác trong một khu làm ăn của một đám Mỹ đen, và ông đã bị đâm chết ngay trước cửa nhà của ông.

Hồi mới nghe tin đi Mỹ thì mừng như trúng số, sang Mỹ rồi thì đêm nào nằm ngủ cũng lo. Tuổi trẻ đã qua, sức khoẻ không còn, tiếng Anh không biết, không có tài năng gì, làm sao kiếm ra một cái nghề.

Tục ngữ Việt Nam đã có một câu hết sức an ủi: “Trời sinh voi, sinh cỏ!” Voi to xác còn có cỏ để ăn, để xem rồi, đây thân trâu già có kiếm ra cỏ không?

HP