Menu Close

Người chết kể chuyện

Những cổ vật, di tích nói rất nhiều những điều mà người chết không thể nói. Ðồ vật, các kiến trúc nói lên phần nào cách sống và sự hiểu biết của người đời trước (theo cái nhìn của người đời sau). Nhưng các xác ướp thì khó lòng mà gán ghép gốc gác hay chủng tộc giùm cho họ. Mỗi cơ thể là một bằng chứng, máu huyết, dù đã cạn kiệt, của tổ tiên cái xác kia.

Ðây là một câu chuyện khó ăn khó nói của chính phủ Hoa Lục: Ðành rằng chính phủ Hoa Lục o ép, cấm cản con dân và các chuyên gia kia phải im hơi lặng tiếng nhưng các chuyên gia ngoại quốc thì khi chạy về đến cố quốc, người ta la lối om sòm, nên chính phủ Hoa Lục khó lòng mà bịt miệng họ!

Chuyện kể âm thầm từ mấy thập niên, khi người Hoa Lục và các nhà khảo cổ ngoại quốc khám phá ra một số cổ mộ và xác ướp trong vùng Urumqi, sa mạc phía Tây Hoa Lục. Trong thung lũng Tarim, các xác ướp tìm thấy tại đây đều được gọi là xác ướp Tarim, kể cả mỹ nhân Loulan là những xác ướp nói hùng hồn nhất về nguồn gốc của những người đã từng sinh sống tại đó.

Cứ nhìn tấm hình, mỹ nhân Loulan với mái tóc dài, đôi môi mím chặt, cái mũi lõ, đôi gò má cao… khó ai nghĩ đến đây là khuôn mặt của một người Á Châu, người đẹp Loulan có mặt từ 3,800 năm nay tại thung lũng Tarim, nơi an nghỉ cuối cùng. Ðiều này có nghĩa là giống dân Âu Châu đã có mặt ở vùng đất ấy, không phải người Á Châu như chính phủ Hoa Lục cứ chầy cối. Người Uighur tiếp tục đòi quyền tự trị tại vùng đất của tổ tiên họ, 9 triệu những người nói tiếng Turkic và theo đạo Muslim tại tỉnh Xinjiang.

Dĩ nhiên câu hỏi then chốt vẫn là ai là người đầu tiên chiếm ngụ vùng đất sa mạc kia? Và tự bao giờ miền đất chứa dầu hoả ấy trở thành lãnh thổ của Hoa Lục?

nguoi-chet-ke-chuyen1
Xác ướp được gọi là mỹ nhân Loulan được trưng bày tại một bảo tàng ở Urumqi, Trung Quốc. nguồn nytimes.com

Dựa trên các xác ướp Tarim, người Uighur bảo rằng tổ tiên họ là những người gốc Âu Châu, đã có mặt ở vùng đất này từ 4 ngàn năm trước. Khi con đường Tơ Lụa được phát triển thì sự pha trộn mới xảy ra, và các dòng máu Âu Á đến sau mới chiếm giữ vùng sa mạc kia. Trong khi chính phủ Hoa Lục thì bảo rằng đây là lãnh thổ của người Hán, tổ tiên người Hoa Lục hiện nay, người Uighur chỉ lưu lạc đến đó trong thế kỷ thứ X, chớ có vơ vào như thế.

Theo các chuyên gia khảo cổ ngoại quốc, thì các xác ướp Tarim, kể cả mỹ nhân Loulan, là những người đến từ phương Tây, từ 4 ngàn năm trước và sinh sống tại Xinjiang, hổng phải là các “bạch quỷ” mới xuất hiện từ thế kỷ XV- XVI. Không phải những người Á Châu từ đồng bằng sông hồ của Hoa Lục xông pha mở cõi bờ là những người đầu tiên đến Xinjiang.

Ngược lại, cơ quan truyền thông của chính phủ Hoa Lục thì tổ tiên họ, tướng Zhang Qian của thời Hán, trong thế kỷ thứ II trước Tây lịch (cỡ 2,200 năm trước đây) đã dẫn quân khai phá vùng đất kể trên và truyền lệnh di dân đến đó để mở mang bờ cõi. Vin vào lý do đó, người Hoa Lục biểu rằng đất này của tổ tiên họ.

Bây giờ mỹ nhân kia xuất hiện, dù không nói được câu nào, bà cụ tuổi 3,800 năm kia đã tát tai chính phủ Hoa Lục mấy cái về tội nói nhảm nói bậy! Nếu người Hoa Lục không biết nên nói bậy thì tạm chấp nhận nhưng bây giờ đã biết rồi thì sao lại cứ cãi chầy cãi cối như thế, khó nghe quá phải không bạn? Mà không phải chỉ có một bà cụ Loulan kia, mà cả 350 xác ướp khác đều cùng nói như thế thì chính phủ biết giấu đi đâu?

Bắt đầu là cấm nói, bạn ạ! Chính phủ Hoa Lục cấm các chuyên gia ngoại quốc làm việc ở Xinjiang đem các mẫu da thịt đi thử nghiệm, chỉ cho các chuyên gia Hoa Lục thử nghiệm mà thôi! Tiến Sĩ Victor H. Mair, Giáo Sư Hoa Ngữ tại Ðại Học Pennsylvania, đã để ý đến các xác ướp kia từ năm 1988 khi lần đầu nhìn thấy một khuôn mặt với những đặc tính của người da trắng. Sức nóng khô của sa mạc đã duy trì các xác ướp kia khá toàn vẹn. Thế là lòng say mê tò mò kia đã thúc đẩy ông giáo sư mày mò tìm kiếm nguồn gốc của các xác ướp. Trở lại làm việc với một nhóm chuyên viên ngoại quốc khác, ông Mair trở thành… điệp viên khi chính phủ Hoa Lục cấm ông ấy đem ra ngoại quốc các mẫu da, tóc, 52 mẫu mô cả thảy. Ðem chính thức không được thì giấu, không biết ông Mair làm cách nào mà giấu được 6-7 mẫu mô, rồi đem thử nghiệm. Một chuyên gia về di tính từ Ðại Học Rome đã nhận diện 2 mẫu mô là người da trắng, có những di thể đặc biệt của người Âu châu!

nguoi-chet-ke-chuyen

Về phía Hoa Lục, ông Jin Li, Giáo Sư Di Tính của đại học Fudan, Thượng Hải cũng thử nghiệm và công bố rằng những xác ướp kia có gốc Á Ðông và Nam Á! Dĩ nhiên là ông Mair lắc đầu quầy quậy!

Tiến Sĩ Mair cho rằng mỹ nhân Loulan và những xác ướp khác có nguồn gốc Tocharian, những người chăn thú du mục đến trung tâm châu Á và dùng ngôn ngữ gốc Indo-European. Nguồn di dân thứ nhì đến từ Iran ngày nay.

Giả thuyết này được các học giả khác cổ võ, bà Elizabeth Wayland Barber, một chuyên gia về vải vóc, cũng đồng ý vì các tấm vải quấn xác ướp được truy tầm nguồn gốc và tìm thấy gốc gác từ Caucasus.

Một xác ướp khác, trẻ trung hơn khoảng 2 ngàn năm, Yingpan. Ông cụ này được chôn cất với một cái mặt nạ vàng và áo đỏ có thêu những thiên thần và hươu nai, hình ảnh của nền văn hóa Hellenist.

Như thế, theo các xác ướp không có tiếng nói kia, quần áo, mặt mũi da thịt họ đã đồng thanh nói lên vài điều: Những xác cổ nhất, 3,800 năm, là những người gốc Âu Châu lưu lạc đến sa mạc Trung Á. Sau đó là những đợt di dân khác từ ông cụ Yingpan, 2000 năm, là những người Âu Châu đến sau và cả những người xuất phát từ Á Ðông và phía nam Á Châu, mới có 2 ngàn năm, là những hậu bối.

Câu hỏi mà Dế Mèn vẫn còn lẩn quẩn đi tìm là những người khác gốc gác kia có khi nào sống chung không? Hay lớp người này chết ráo rồi lớp di dân khác đến?   Vì chưa thấy dấu hiệu pha trộn về di tính, quần áo nên giả thuyết “sống chung” không mấy thuyết phục? Vì đã sống chung, dù có hòa bình hay không người ta cũng pha trộn ít nhiều thói quen tập tục, có lẽ nào họ giữ nguyên chủng tộc như thế? Và Dế Mèn chờ đợi những bài biên khảo kế tiếp xem các chuyên gia tìm thấy thêm những gì khác, may ra thì bớt tò mò chăng?

Dĩ nhiên là chính phủ Hoa Lục nói gì thì nói, ta để ý làm chi? Chỉ có điều Dế Mèn băn khoăn là họ có… súng, muốn lấy thịt mà đè nhóm người Uighuir kia thì cứ việc, như đã ức hiếp Tây Tạng, việc chi mà phải màu mè cãi bướng, nghe càng bực mình thêm, phải không bạn?

TLL