Menu Close

Nhà Nguyễn Gia Miêu: Từ Gia Long Đến Cách Mạng 19/08

“Nhà Nguyễn Gia Miêu là triều vua cuối cùng của Việt-nam, trên danh nghĩa kéo dài từ 1802 đến 1945, được gần một thế kỷ rưỡi. Nếu kể thêm cả giai đoạn làm chúa trước đó, từ 1558 đến 1771, thì ta có thể tính thêm dược hơn 200 năm nữa để thành ba thế kỷ rưỡi mà họ Nguyễn Phước cai trị một nửa nước, Ðàng Trong, xong rồi lấy lại nước và lan ra cả nước từ ải Nam-quan đến Mũi Cà-mau. Như vậy, nhà Nguyễn trị vì còn dài hơn cả nhà Lê [1427-1527, rồi 1597-1786] và trên một lãnh thổ rộng gấp đôi. Không thể bảo một triều đại như vậy là một triều đại đớn hèn được. Những quan niệm phổ thông một thời, như cho nhà Nguyễn đã “rước voi về giầy mả tổ,” là những quan niệm không có cơ sở. Trước khi Pháp sang, Ðế-quốc Ðại Nam dưới thời Minh Mạng [1820-1840] đã là một đế quốc hùng mạnh ở Ðông Nam Á, với một diện tích lớn gần bằng Ðông-dương thuộc Pháp trong tiền bán thế kỷ 20.” [Trang 09]

diem-sach-nhin-lai-su-viet

Lời nhà xuất bản giới thiệu cho thấy đất nước dưới thời Nhà Nguyễn Gia Miêu là giai đoạn lịch sử đáng tự hào. Thời Tự Ðức có những thất bại chỉ vì sự coi thường của vua quan, dựa trên hào quang xưa cũ lỗi thời, cứ tưởng rằng đã thành công trong quá khứ, cũng sẽ lại thành công trong hiện tại và tương lai.

Tập thứ năm: “Nhìn Lại Sử Việt: Nhà Nguyễn Gia Miêu: Từ Gia Long Ðến Cách Mạng 19/08” được chia làm 04 phần.

– Phần 1: Triều Nguyễn từ Gia Long đến Tự Ðức: Tổ chức chính trị, kinh tế, văn học

– Phần II: Cuộc chinh phục của Pháp tại Việt Nam và những phản ứng của người Việt

– Phần III: Chính sách thuộc địa của Pháp và những tiến trình hiện đại hóa cách mạng Việt Nam

– Phần IV: Từ Mặt Trận Bình Dân đến đảo chánh Nhật

Ngoài ra còn có 08 phần phụ trương.

– Phụ trương I: Huế, kinh đô Việt Nam thống nhất “từ ải Nam-quan đến mũi Cà-mau”

– Phụ trương II: Văn-học và và học-thuật thời Nguyễn

– Phụ trương III: Các trận chiến Việt Pháp từ 1858 đến 1885

– Phụ trương IV: Kháng chiến khắp nơi, từ Nam ra Bắc

– Phụ trương V: Hà-nội trước ngày Pháp sang

– Phụ trương VI: Hà-nội, thủ phủ Ðông-dương

– Phụ trương VII: Sài-gòn, hòn ngọc Viễn Ðông

– Phụ trương VIII: Sự ra đời và nở rộ một nền văn hóa mới

Tiến Sĩ Sử Học Lê Mạnh Hùng tốt nghiệp Viện Ðại Học Luân Ðôn, có bằng Cao Học Kỹ Sư MIT về ngành đóng tàu biển. Khi trở về Việt Nam, ông làm việc tại Bộ Kinh Tế, học chữ Hán trong thời gian bị đi học tập cải tạo. Ra hải ngoại, ông theo ngành truyền thông ở Úc, Anh Quốc, làm việc tại đài BBC, và tại Ðài Á Châu Tự Do của truyền thông Hoa Kỳ. Hiện nay ông đã về hưu, dành toàn bộ thời gian vào việc viết sử.

“Nhìn Lại Sử Việt: Nhà Nguyễn Gia Miêu: Từ Gia Long Ðến Cách Mạng 19/08” dày 349 trang, là quyển lịch sử thứ ba của bộ “Nhìn Lại Sử Việt” gồm có 05 quyển của Tiến Sĩ Lê Mạnh Hùng, do Tổ Hợp Xuất Bản Miền Ðông Hoa Kỳ phát hành năm 2013. Quyển sách này nói về thời kỳ thống nhất, những biến động xã hội, từng bước thăng trầm trong suốt gần một thế kỷ rưỡi, và cơn sốt độc lập sau khi chính phủ Pháp bị lật đổ, chế độ kiểm duyệt sách báo gần như bị hủy bỏ. “Tuy rằng việc chỉ trích Nhật Bản và quân đội Nhật, cũng như là ca(0) tụng Ðồng Minh là một chuyện vẫn còn không được làm, nhưng báo chí và các nhà văn được tự do lên án chế độ thuộc địa của Pháp, cũng như là  tuyên dương những vị anh hùng dân tộc đã đứng lên chống lại chế độ thực dân. Người ta cũng được tự do nói về tương lai của một nước Việt Nam độc lập, không bị sự cai trị của ngoại bang. Hai chữ “độc lập” tựa như có  có một ảnh hưởng gì thần diệu, làm thay đổi tư tưởng của hầu như tất cả mọi người dân thành thị.” [Trang 597]

HNP