Menu Close

Về những con Muỗi

Thưa bác sĩ, Có người nói với tôi là chỉ có muỗi cái mới đốt hút máu động vật. Chúng tôi xin bác sĩ phân tích coi có đúng không. Cảm ơn bác sĩ. Nguyễn Sinh Hùng.

Ðáp

Muỗi là một loại côn trùng biết bay có hai cánh nhỏ, thân hình mảnh mai, chân dài, cánh hẹp, lấm tấm nhiều vẩy trên gân cánh. Từ đầu, nhú ra một xúc tu với nhiều sợi lông loắn xoắn. Lông ngắn ở muỗi cái, lông dài và rậm rạp ở muỗi đực. Miệng muỗi cái dài, có vòi để hút, còn miệng muỗi đực rất thô sơ. Còn chuyện hút máu thì có một huyền thoại như sau:

“Có anh chàng nọ hết lòng thương yêu vợ. Nhưng chị vợ lại ham thói trăng hoa, lang chạ, nay nhân tình, mai nhân bánh với trai tráng trong làng. Rồi đột nhiên chị vợ lăn đùng ra lìa xa cõi trần. Người chồng buồn rầu bỏ xứ ra đi, ôm theo xác vợ làm kỷ niệm.

Một ngày nọ anh ta gặp một vị đạo nhân, bèn xin ra tay cứu sống vợ. Thông cảm, đạo nhân giúp đỡ và bảo người chồng chích ngón tay, nhỏ ba giọt máu lên xác vợ. Người chồng làm y theo lời, và vợ sống lại. Hai người dắt tay nhau trở về quê cũ. Người chồng tưởng rằng vợ hồi tâm sẽ sống đời với mình. Chẳng ngờ nàng vẫn quen đường cũ, theo một tay lái thương giầu có và xin vĩnh biệt cố nhân.  Hết lời khuyên can không được, người chồng bèn nói: “Nàng có thể ra đi nhưng xin trả lại ta ba giọt máu”. Vợ bèn chích ngón tay, hoàn trả máu. Máu vừa nhỏ thì nàng tắt thở.

Chết đi, nàng hóa thân thành con muỗi, tìm người để lấy lại ba giọt máu, mong được hồi sinh. Nàng bay tới đâu cũng bị xua đuổi, nên luôn miệng vo ve than vãn”. Do đó chỉ có muỗi cái mới hút máu động vật.

Nhưng khoa học ngày nay tinh tế hơn, đã tìm hiểu lý do khiến tại sao chỉ các mợ muỗi mới làm công việc hút máu động vật. Ðể sinh sống và cũng để gây ra một vài tai họa cho loài người.

Thứ nhất là các Mợ có miệng dài với vòi để dễ bề hút máu của động vật máu ấm. Còn các cậu muỗi hầu hết đều sống nhờ mật hoa và nước lã. Thứ hai là đa số các mợ cần phải sống bằng máu để có chất đạm nuôi trứng nhờ đó mới làm công việc sanh đẻ được. Thứ ba là khi đốt người (hay thú vật) hút máu như vậy thì các mợ “kỷ niệm” vào huyết quản “thí chủ” một chút nước miếng có các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm. Thứ tư là các mợ chỉ đẻ trứng trên mặt nước: hoặc là nước đang chảy, nước ao tù, nước trên sông, trong lạch hoặc nước mưa đọng trong cái ống lon rỉ sét ở đầu nhà.Tất nhiên là các cậu muỗi thì không được tạo hóa giao cho cái trách nhiệm đẻ trứng này.

Muỗi cũng như ong kiến gây ra nhiều khó khăn cho con người mỗi khi Hè tới. Khí hậu nóng ấm là thời gian phát triển ưa thích của nhóm sinh vật này. Chúng đốt, chúng cắn, chúng hút máu, chúng truyền chất có hại khiến vô số người mang bệnh phải đi bác sĩ hoặc vào nhà thương.

 

Khô miệng

Một thân hữu cao niên hỏi rằng “Chẳng hiểu tại sao miệng tôi nó cứ khô như ngậm cục bông gòn, nhai nuốt khó khăn, phát ngôn vấp váp. Phải làm gì bây giờ?”

Ðáp

Miệng khô không phải là chuyện riêng ở người già, mà cũng xảy ra ở mọi lứa tuổi khi mà số lượng nước miếng trong miệng giảm. Khô miệng không phải là một bệnh đặc biệt mà là triệu chứng của một bệnh nào đó.

– Nguyên nhân

– Hóa hoặc xạ trị u bướu ung thư vùng cổ, đầu gây hư hao tuyến nước miếng, giảm sản xuất.

– Một số bệnh như HIV/AIDS, tiểu đường, bệnh của tuyến nước miếng, hội chứng Sjogren là bệnh tự miễn trong đó tế bào miễn dịch hủy hoại tuyến nước mắt và nước miếng, khiến cho miệng và mắt khô.

– Thay đổi hormon trong cơ thể như khi mang thai hoặc ở tuổi mãn kinh.

– Do tác dụng phụ của gần 400 dược phẩm như thuốc chống dị ứng, hạ huyết áp, chống trầm cảm, lo âu, lợi tiểu, giảm hoặc kích thích khẩu vị.

– Ngáy khi ngủ và thở bằng miệng.

– Tổn thương dây thần kinh điều khiển tuyến nước miếng.

– Nghẹt mũi phải thở bằng miệng.

– Chứng dội ngược dịch vị acid từ bao tử lên họng.

– Một căng thẳng tinh thần cũng tạm thời khiến miệng khô.

– Hậu quả

Gồm có khó khăn nhai, nuốt thực phẩm, khó nói, giảm khẩu vị ăn không thấy ngon, đau rát họng, khản tiếng, miệng hôi, sâu răng, nhiễm trùng răng, miệng, lợi răng. Khô miệng kích thích niêm mạc ở miệng dễ dàng đưa tới viêm sưng nhiễm trùng

– Ðiều trị.

Trước hết phải xác định rõ nguyên nhân rồi cứ theo đó mà điều trị bệnh gây ra khô miệng. Ðây là công việc của bác sĩ Y và Nha khoa.

Với bệnh nhân, xin nêu ra một số mẹo để giảm tình trạng khô của miệng:

– Nhâm nhi nước lã, nước không đường hoặc ngậm đá cục.

– Tránh các chất gây kích thích như rượu, thuốc lá, cà phê.

– Nhai kẹo cao su hoặc kẹo không đường. Ðộng tác này giúp tiết ra nhiều nước miếng, khiến nước miếng từ các tuyến lưu chuyển, hòa hợp với nhau và hữu hiệu hơn để phòng tránh hư răng, làm sạch miệng.

– Tránh thực phẩm quá mặn, quá cay để tế bào miệng không bị kích thích.

– Uống chút nước trong khi ăn để thực phẩm mềm ướt, dễ nhai dễ nuốt, tăng ngon miệng;

– Phun bụi nước trong phòng ngủ vào buổi tối để không khí bớt khô.

– Dùng nước miếng nhân tạo dưới dạng dung dịch xúc miệng, xịt, thoa miệng, viên tan trong nước. Các chất này không kích thích tuyến nước bọt mà chỉ có tác dụng làm miệng ướt, nhờn.

Ngoài ra:

– Nhẹ nhàng đánh răng lợi mỗi ngày vài ba lần.

– Cà kẽ răng mỗi ngày;

– Dùng kem đánh răng có chất fluoride

– Giảm thiểu thực phẩm dính, nhiều đường. Ăn xong là đánh răng ngay để vi khuẩn không kịp tiêu thụ và tạo ra acid, làm hại men răng.

– Ði bác sĩ Nha khoa hai lần mỗi năm để khám chữa bệnh răng miệng.

 

Chậm trí tuệ

Tôi có một cháu trai năm nay 12 tuổi. Cháu học không được xuất sắc lắm. Chúng tôi rất quan tâm và có đưa đi bác sĩ tâm lý để khám. Bác sĩ nói cháu bị chậm trí vì chỉ số thông minh của cháu là 82. Xin bác sĩ cho biết chỉ số thông minh là gì và chỉ số của cháu như vậy có thấp lắm không. Cảm ơn bác sĩ. Lê Minh Hằng.

Đáp:

Chậm trí tuệ tiếng Anh gọi là mental retardation. Bệnh này thường thấy ở khắp nơi trên thế giới và ảnh hưởng tới 3% các cháu bé dù là trai hoặc gái. Chậm trí được định nghĩa như bệnh trong đó các cháu kém khả năng suy nghĩ, lý luận, giải quyết vấn đề cũng như học hỏi và nhớ sự việc. Nguyên nhân có thể là do di truyền, ảnh hưởng xấu của môi trường. Có nhiều loại chậm trí tuệ mà sau đây là một:

90-100: Bình thường

70-89: Chậm học hỏi

55-69: Chậm trí trung bình.

40-54: Chậm trí vừa phải.

25-39: Chậm trí lắm

Dưới 25: Chậm trí trầm trọng.