Thưa hằng năm, cứ mỗi độ Tháng Tư về, những người tha hương như chúng ta lại nhớ, lại bùi ngùi trong tấc dạ!
Một anh bạn văn của người viết buồn, cần người chia sẻ, nên gọi về nhà uống dăm ba ly rượu và một buổi văn nghệ (chủ đề 30 Tháng Tư), bỏ túi, cây nhà lá vườn, biết gì chơi nấy đã xảy ra.
Tiếng đàn ghi ta trầm buồn của một anh bạn văn nghệ, (mới gặp lần đầu), xưa vốn là một trưởng ca đoàn cho một nhà thờ ở Tân Ðịnh, Sài Gòn, trải lòng với bản ‘ Về mái nhà xưa!’ (Come back to Sorento!)
Thưa người viết đã từng tập tành làm thi sĩ, cũng góp buồn bằng cách diễn ngâm bài thơ ‘Chạm cửa thiên đường!’ của chính mình với tiếng sáo trúc của Tô Kiều Ngân trên internet.
“Ba mươi năm/ về lại Ku Ku/ chiều thu lá rụng/ Sóng biển khóc, khóc thương người uổng tử! Rụng lá vàng, sao nỡ rụng lá xanh?
Vượt trùng dương/ ngàn cơn bão/ em đã đến Nam Dương/ đất nước ngàn, vạn đảo/ Em chạm cửa thiên đường/ cửa chưa mở/ cơn sốt rừng ập đến/ chiều thu buồn/ em nằm lại Kuku…!
Hòm Cao uỷ/ phủ thân người yêu dấu/ thay vòng tay anh ấm… tấm nilong,
Mộ chí đề tên, ngày em mất/ mả lạn… tàn phai/ sương gió thời gian/ mộ chí khắc bằng dao/ để lòng đau… anh nhớ…
Rượu cay đắng mang theo/ rửa cốt người yêu dấu/ chiếc nhẫn cưới còn đây/ thương hoài… tay áp út
Anh hú, anh kêu/ tiếng hú chiều tuyệt vọng / ôi! em yêu!/ ôi! đất hỡi! trời ơi! / sao đóng cửa thiên đường?/ khi bàn tay em chạm tới!
Bài thơ khóc em/ chiều Kuku/ ngàn thu vĩnh biệt/ anh mang hài cốt em theo/ mình vĩnh biệt Kuku!
Kuku!/ chiều thu lá rụng/ rụng lá vàng, sao nỡ rụng lá xanh?!”
Diễn ngâm bài thơ nầy xong, tui cầm ly rượu đỏ lên, nói buồn quá mạng, rồi chia cho bạn nhậu mỗi người một chút buồn của cái thân mất nước!
Người viết thấy anh bạn văn nghệ mới quen nầy, mặt xương xương, vẻ khắc khổ nên trông già đi trước tuổi, sau cặp kính cận, hình như mắt anh rưng rưng đầy ngấn lệ… như cố che giấu đi một nỗi buồn sâu kín đã suốt bao năm!
Anh nói: “Tôi đọc bài thơ nầy trên báo cũng dễ chừng năm bảy năm nay! Ðâu ngờ tác giả lại là anh! Thiệt ngẫu nhiên, huyền diệu và mầu nhiệm thay!
Người anh đề cập trong bài thơ nầy, trong cái bi kịch đau lòng đó lại chính là bi kịch của một quãng đời tôi! Hơn 30 năm rồi còn gì nữa!”
Lời anh thầm thì như nói với chính mình! Và câu chuyện “Về mái nhà xưa” của anh như vầy:
“Tháng Sáu, năm 1982, lúc tôi chưa đầy 26 tuổi, cùng người vợ mới cưới đã liều mình xuống thuyền vượt biển. Sau một chuyến hải hành gian nan đã đến được Kuku, Nam Dương.
Mừng vì đến được bến bờ tự do chưa thỏa thì đau đớn thay chỉ hai tháng sau, cơn sốt rừng ác tính đã mang vợ tôi đi mãi mãi!
Mãi mãi em nằm lại Kuku! Không! Tôi đã thề với em rằng, tôi sẽ trở lại để mang em, dù xương đã tàn, cốt đã rụi để về lại mái nhà xưa.
Bao năm trời phiêu bạt, tôi vẫn canh cánh trong lòng một lời ước nguyện vẫn chưa tròn!” Thế nên, Tháng Tư, năm 2009, tôi đã trở lại Kuku.
Kuku là tên một rẻo rừng dừa trên đảo Jemayah, thuộc quần đảo Anambas, tỉnh Riau, cách thủ đô Jakarta của Nam Dương hơn 1300km.
(Kuku có nghĩa là “Cậu”, âm theo tiếng Hoa! Vì cách đây hơn nửa thế kỷ có một người Tàu đã đến đây khai hoang để trồng dừa. Ông là một người tốt bụng, thường giúp đỡ dân nghèo nên được mọi người thương mến gọi bằng “Cậu”.
Sau đó, dân địa phương ở đây đặt tên rừng dừa này là Kuku.)
Bây giờ, Kuku đang ở trước mặt… Bãi biển thênh thang ngày xưa bây giờ hẹp lại vì rừng lấn dần ra biển!
Cầu tàu, rồi các dãy lều tạm cư đã biến mất vào hư vô? Chỉ còn xác mấy chiếc ghe vượt biên trơ sườn; vì cát biển theo hàng vạn đợt thủy triều, nắng gió đã chôn vùi phần đáy, nhưng thuyền vẫn còn ráng nhú mũi ghe lên nắm níu, như một bia mộ của một thời dâu bể… (Như bảo: Nhớ đừng quên!)
Cả một rẻo rừng rộng lớn, từng xôn xao bóng hàng ngàn người tỵ nạn năm nào, bây giờ chỉ là một vạt rừng dừa xanh ngăn ngắt, hoang vu! Vì khi những thuyền nhân VN cuối cùng rời Trại tỵ nạn Kuku để chuyển về Trại tỵ nạn Galang, để chờ đi định cư ở một nước thứ ba, chánh quyền địa phương thiêu rụi lều trại Kuku để phòng ngừa dịch bệnh. Từ đấy, Kuku lại trở về hoang vắng, tiêu điều cho đến nay.
Tôi không nhận ra cảnh cũ vì mọi dấu vết đã bị thời gian xóa nhòa gần hết.
Gần 30 năm trở lại, rừng xưa đã khép, không còn gì nữa cả. Ðâu rồi Văn phòng Cao ủy? Ðâu rồi Trạm xá của Trại Tỵ nạn? Ðâu rồi bãi đáp trực thăng trên đỉnh đồi nơi tôi đã từng chôn xác vợ tôi?
Mộ của vợ tôi trên sườn đồi, cạnh bãi đáp trực thăng. Một chiếc thánh giá bằng gỗ đơn sơ, tên em và ngày mất được khắc lên trên đó.
Tôi đã chôn theo gương, lược, áo quần! Chiếc nhẫn cưới em vẫn còn đeo trên ngón tay áp út.
Nhìn lên đỉnh đồi phủ mờ mây trắng như một dải khăn tang nghìn trùng xa cách khi chiếc tàu Cao ủy rời xa dần Kuku, tôi đã thầm nói lời từ biệt với em và hẹn ngày trở lại.
Và hôm nay, hăm bảy năm sau, tôi đã giữ tròn lời thề năm cũ. Ai nỡ bỏ em mồ hoang cỏ lạnh cho đành phải không?
Không phải chỉ mình tôi chịu nỗi đau thương nầy đâu anh. Mà gần 2,000 bà con thuyền nhân của mình đã chết vì sốt rét rừng ác tính, xác được mai táng rải rác nhiều nơi trên đảo vắng.
Giờ tôi trở lại, để thiêu và mang tro cốt của vợ tôi về quê cũ nơi gần ba mươi năm trước, vợ chồng tôi đã đứt ruột xa lìa, đành trốn ra đi!
Huyệt mộ là một vùng đất sét pha cát, khá xốp, chứ không phải đá núi và khi chiếc quan tài của Cao ủy trong đó xác bọc bằng một tấm nilong lúc hạ huyệt cũng sâu tới chừng hai thước đất.
Giờ khai quật, cẩn trọng đào xuống gần hai tiếng đồng hồ, chiếc áo quan hiện ra, nắp ván thiên đã mục rã thành cát bụi sau thời gian dài đăng đẳng…
Nhờ tấm bọc bằng nhựa khá dầy và chắc chắn của Cao ủy, xác vợ tôi được nằm trọn vẹn bên trong mà không bị xiêu lạc hoặc bị rễ cây đâm xuyên dù hài cốt đã bị phân hủy gần hết.
Khi hài cốt vừa được đưa lên khỏi huyệt mộ, trời Kuku bỗng đổ một cơn mưa rừng nhiệt đới! Mưa xối xả như giúp gội rửa thân thể lấm lem của những người phu mộ vất vả cả buổi sáng!
Mưa như để xóa nhòa đi những dòng lệ tiếc thương của tôi, những dòng lệ chất chứa qua bao tháng năm dài lầm lũi một thân trên bước đường tỵ nạn.
Cơn mưa rừng nhiệt đới ngày xưa phân ly, tôi đi, em ở! Và cơn mưa rừng nhiệt đới chiều nay tôi tìm lại em…
Trên nền xi-măng của bãi trực thăng dưới cơn mưa nặng hạt, tôi thu nhặt toàn bộ mẩu xương cốt, những di vật tôi đã từng chôn theo em, được bỏ trong chiếc bọc ni long.
Những di vật như gương lược nầy, Hiền, một em gái nhỏ mới 14 tuổi đi chung chuyến thuyền vượt biển, nhắc: “Anh cho đem theo áo quần, gương lược để chị ấy xài…” Thịt xương vợ tôi đã rã tan nhưng chiếc nhẫn cưới vẫn còn đeo trên ngón tay áp út.
Tấm mộ bia cùng với tấm bọc của Cao ủy cho, được gửi lại xuống lòng huyệt! Xin tạ ơn đất trời Kuku, dẫu quê người, vẫn rộng lượng cho xác thân em tạm nương náu suốt 27 năm qua.
Còn hài cốt của vợ tôi được hỏa thiêu ngay trên hai cái hố sâu đào trên cát.
Ngọn lửa bùng lên và hài cốt dần dần biến thành tro trắng! Cát bụi đã trở về cát bụi.
Những tro vụn và tàn củi còn sót lại được gom vào hai chiếc bao lớn mang theo lên ca-nô để rải xuống biển trên đường tôi về lại Letung.
Nắm tro tàn của em, tôi sẽ mang về lại quê hương Việt Nam! Xong tôi lại ra đi tiếp bước đường lưu vong năm cũ, vì đất nước mình bây giờ vẫn chìm trong vòng nô lệ!
Tôi bỏ chiếc nhẫn cưới ngày xưa lại vào hũ tro cốt của em trước khi gởi nó vào Nhà Thờ Tân Ðịnh vì: “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly”.
Ráng chiều từ từ lặn xuống cuối chân mây! Hoàng hôn bủa lưới nhanh trên biển. Từ Kuku, tôi về lại Letung, trời sẫm tối!”
Ôi! Trại tỵ nạn Air Raya, Kuku, Galang… Các câu chuyện thuyền nhân bi thảm đó như thể mới vừa xảy ra hôm qua đó thôi!
Xa vô cùng, cả ngàn hải lý về phương Nam, từ quê hương Việt Nam đang bị đọa đày khiến người dân phải liều chết ra đi, hòn đảo Jemayah, Letung, xa xôi tít mù này, trong hàng vạn đảo của Nam Dương, những năm 80, hàng ngày có cả chục, cả trăm người chết… Xác tấp vào bờ hoang, xác trôi bập bềnh giữa biển, xác nằm vắt trên ghe… Thảm lắm!
Cứ 30 Tháng Tư về, lòng thương cảm của những thuyền nhân may mắn còn sống sót lại hướng về đồng bào ruột thịt, bất hạnh hơn mình, đã bỏ mình trên con đường tìm tự do.
41 năm đã trôi qua, làm thân viễn xứ; nhưng trong lòng chúng ta, ai cũng muốn về mái nhà xưa.
‘Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển/ Ðời lưu vong không cả một ngôi mồ/ Vùi đất lạ thịt xương e khó rã/ Hồn không đi sao trở lại quê nhà?’
Thuật xong câu chuyện thương tâm đó, anh lại cầm cây đàn ghi ta lên và hát:
“Anh nói anh sẽ đi… Tạm biệt!… Ðừng rời bỏ em! Ðừng gây cho em niềm đau khổ. Hãy trở lại nơi đây. Hãy làm em sống lại thuở nào!”
Nghe hết chuyện tình buồn của anh, mắt tôi cũng rưng rưng đầy ngấn lệ! Chúng tôi cạn ly rượu đỏ như màu máu…
Hãy rót xuống vùng đất những người tỵ nạn chúng ta trong cuộc vượt thoát tìm tự do đã đi qua, một giọt rượu để giải oan cho những cái chết tức tưởi trong cuộc biển dâu nầy!
DXT – melbourne