Nhà văn Lâm Chương, sinh năm 1945 tại Gò Dầu Hạ Tây Ninh. Đi học muộn. Sau trung học, một mình ra miền Trung, vừa học vừa làm nhiều nghề. Nhập ngũ khóa 24 Thủ Đức. Ra trường, phục vụ trong binh chủng Biệt Động Quân.

Sau 1975 tiêu phí 10 năm trong các trại ‘cải tạo’. Vượt biển năm 1987. Hiện định cư tại Boston, Massachusetts Hoa Kỳ. Khởi viết trong những năm cuối bậc trung học vì một chuyện ngẫu nhiên quen một cô bạn sính thơ. Bài thơ tán gái đầu tay được ‘đi’ trên số Xuân báo Văn tại Sài Gòn, đã trải ra một cuộc chơi dài trên các tạp chí ở miền Nam Việt Nam, và nối tiếp với những Văn,Văn Học,Thế Kỷ 21, Sóng Văn, Hợp Lưu, Phố Văn tại hải ngoại.
Tác phẩm đã xuất bản:
Loài Cây Nhớ Gió (thơ, Khai Phá 1971), Đoạn Đường Hốt Tất Liệt (tập truyện Văn Mới 1998), Lò Cừ (tập truyện, Văn Học, 1999), Đi Giữa Bầy Thú Dữ (Văn Mới 2001), Truyện Và Những Đoản Văn (Văn Mới, 2004)
Ngòi bút Lâm Chương xuất sắc trong truyện ngắn (Lên Rừng Thăm Bạn, Truyện Của Ngâu, Thượng Du Niềm Thương Nhớ…). Những truyện ông viết xuất phát từ đời sống, từ những vết thương trong đời. Văn ông sáng sủa, gãy gọn và sắc nét. Về văn phong của Lâm Chương, nhà phê bình Đoàn Nhã Văn nhận xét: “Những trang viết càng về sau, người ta càng thấy chữ nghĩa của LC như hướng về sự đơn giản. Nó làm cho ta có cảm tưởng như tác giả đã bỏ lại những cồng kềnh, đã gạt ra những ôm đồm không cần thiết. Đơn giản trong dựng truyện, đơn giản trong cấu trúc câu, và đơn giản trong cách dùng chữ. Hiếm thấy những chữ lạ, cầu kỳ. Cái đơn giản ấy chạm vào cái sần sùi của đời sống, đụng cái thô nhám của nhân gian, và rờ được cái trần trụi của tình đời. Trong cái đơn giản ấy, người đọc bắt gặp những chi tiết đắc địa. Sự thay đổi trong nghệ thuật đó đã hình thành một phong cách.” Những năm sau này người ta thấy Lâm Chương đi vào đoản văn. Sau đây là một hai bài tiêu biểu.
NGUYỄN & BẠN HỮU
Đèn nhà ai nấy rạng
Cưới vợ ba năm. Vợ chồng không rõ lòng nhau. Tôi đến tuổi cần có vợ, vợ cũng đến tuổi cần có chồng. Thế là lấy nhau. Chẳng tình yêu quái gì.
Tôi là lính hành quân. Ba năm, những lần về phép đếm trên đầu ngón tay. Gặp nhau là quấn lấy nhau. Vội vã vài ngày, để rồi còn chia tay. Thì giờ đâu mà để ý những điều vớ vẩn?
Năm đầu, vợ gọi tôi bằng anh, xưng em. Tôi gọi vợ bằng em, xưng anh. Qua năm sau, vợ gọi tôi bằng anh, xưng tôi. Tôi gọi vợ bằng em, xưng tôi. Năm sau nữa, vợ gọi tôi bằng ông, xưng tôi. Tôi gọi vợ bằng bà, xưng tôi. Theo thời gian, cách gọi vợ chồng cứ thay đổi dần như thế. Và giữ nguyên hai tiếng xưng hô “ông bà” cho đến bây giờ. Ba năm.
Một hôm, tình cờ vợ khám phá ra tôi làm thơ.
Vợ nói: “Có tờ báo đăng bài thơ của thằng cha nào trùng tên với ông.”
Vợ mở trang báo, chỉ vào bài Tình Cho Em. Lời thơ sướt mướt nhớ thương. Ðó là bài thơ tôi làm cho một con nhỏ người yêu, nhưng không chịu lấy tôi làm chồng.
Tôi nói: “Bài thơ này của tôi làm cho bà, nói lên nỗi nhớ thương trong những ngày đi xa.”
Mới đầu, vợ sung sướng ra mặt. Nhưng sau đó, vợ phá ra cười.
“Mạo nhận. Tôi không tin!”
“Không tin hả?” Tôi không nhìn trang báo, đọc thuộc lòng vanh vách bài thơ, “Bà tin tôi là tác giả chưa?”
Vợ ngẩn ra một lúc: “Người lỗ mãng như ông cũng làm được thơ. Lạ thật!”
“Có gì lạ đâu. Tài làm thơ của tôi giống như chiếc mũi nhọn giấu trong túi áo. Lâu ngày, nó ló ra cho bà thấy.”
“Chẳng bao giờ nghe ông nói tiếng yêu tôi. Vậy mà làm thơ thì nước mắt chứa chan tình cảm. Thơ là giả dối!”
Vợ không hãnh diện về người chồng biết làm thơ, dù đã có lúc gần đạt được danh hiệu thi sĩ.
Cuộc thế bể dâu. Ðời tôi cũng bầm giập đau thương khốn nạn. Mũi nhọn thụt vào trong túi áo. Thơ tịt ngòi.
Ra hải ngoại, muốn học hành cho đỡ nhọc tấm thân, nhưng cái đầu không chịu. Nhồi nhét thứ gì vô, vài ngày sau nó đẩy ra khỏi trí nhớ. Thế là đi làm cu li. Cực tay chân, khỏe đầu óc.
Việc làm bấp bênh. Nay có, mai không. Thất nghiệp ở nhà. Còng lưng viết chuyện cà kê dê ngỗng, viết chuyện đời mình.
Vợ đi chợ, đem về tờ báo quảng cáo địa phương, có đăng bài văn của tôi.
Vợ nói: “Ông bỏ làm thơ, tôi đã mừng. Bây giờ, lại thấy hí hoáy cả ngày. Không ngờ ông viết văn. Làm thơ, chắp tay sau đít, đi qua đi lại. Còn đỡ. Viết văn, bò càng ra mà viết. Khổ ôi là khổ.”
Tôi nói: “Trong cái khổ, có cái sướng.”
“Thất nghiệp. Ðói tới nơi, không biết lo. Ở đó mà viết chuyện bá láp. Kiếp nào mới được thành danh?”
“Từ từ, sẽ có tiếng vang.”
“Người ta viết chuyện ma quỷ. Rùng rợn, hấp dẫn. Viết về hoàn cảnh xã hội gay cấn, tâm lý tình cảm éo le. Ðọc mê luôn. Sách in ra, bán chạy ào ào. Lại còn thu băng đọc truyện, tiền vô như nước. Truyện của ông, tôi vừa đọc vừa ngáp. Cố gắng lắm, cũng chỉ theo dõi được vài trang thì ngủ. Bữa trước, nghe ông nói điện thoại với người bạn nào đó, rằng ông đang gom tiền in sách. Ðừng làm chuyện phá sản nghen. Sách ông bán cho ma!”
Tôi rên: “Bà ơi, tôi bất hạnh đớn đau nhiều rồi. Hãy để tôi làm theo ý thích.”
Vợ nói: “Ý thích trong trách nhiệm gia đình. Tự do trong khuôn khổ luật pháp.”
Tôi giơ hai tay lên trời: “Than ôi! Trên mặt đất, ai người tri kỷ?”
Ðoản văn này, dành trả lời câu hỏi của một bạn đọc: “Theo kinh nghiệm bản thân anh, đời có tí văn nghệ văn gừng làm cho gia đình dễ lục đục, hay hưng phấn hơn?”
Tư bản bóc lột
Bữa giỗ nhà Tám Nưa cũng có cái hay cho tôi. Có người lầm tưởng tôi là kẻ sĩ. Mới đầu, người ấy nói kẻ sĩ thời nay lắm nhục nhằn hơn người xưa. Tôi quay nhìn người vừa nói câu đó, và uống cốc rượu làm quen. Người ấy nói tiếp, lấy cái thước vô hình mà đo cái nhẫn. Nhẫn càng giỏi, giá trị càng cao. Một người nhừa nhựa hơi men, hỏi sao thế? Người ấy nói, gặp sài lang hổ báo, chạy là thượng sách. Ðem cái lý của con người mà tranh biện với thú dữ là rước họa vào thân. Thực khách ồn ào như giữa chợ. Những người ngồi nơi hai cái bàn ngoài cùng, không nghe những gì người ấy nói. Thế là trước khi ra về, tôi quen với người ấy.
Người ấy tên Trần Xuân Hạnh. Trước kia, ông làm thầy giáo. Sau cuộc đổi đời, ông xoay qua nghề đào giếng. Những đứa học trò dốt nát của ông thời cũ, nhiều thằng bỏ học vô bưng làm cách mạng. Bây giờ, chúng trở về, ngồi trên đầu thiên hạ mà chăn dân. Cũng may, chúng còn nhớ bài đức dục mà ông đã dạy, nên đối với ông, chúng còn chút e dè lễ độ. Chúng cho ông làm công tác dạy văn hóa bổ túc cho cán bộ, để có tiêu chuẩn gạo. Ðời sống ông, vì thế, cũng dễ thở hơn nhiều người khác.
Tôi phụ việc với ông Hạnh, năm ngày thì thạo việc. Quá nửa trưa, ông Hạnh bảo tôi xuống giếng thay ông. Ðáy giếng sâu tối u u. Tôi nghe tiếng rền trong lòng đất như tiếng gầm núi lửa. Ngó lên thấy một khoảng trời tròn lồng khuôn mặt ông Hạnh ngó xuống.
Tôi sợ hãi: “Cho tôi lên.”
“Chưa làm được gì, sao đi lên?” Tiếng ông Hạnh như từ trời cao vọng xuống hang sâu.
“Tôi ngộp thở.”
Ông Hạnh nhằn: “Thế mà bảo việc gì cũng làm được.”
Tôi choàng dây buộc ngang nách, hai chân chỏi vào thành giếng theo thế bích hổ du tường. Ông Hạnh nắm đầu dây kéo lên. Khi lên mặt đất, mới biết trời vần vũ chuyển mưa, rền vang sấm sét.
Tôi nói: “Tim tôi yếu. Xuống sâu sợ gần địa ngục. Lên cao sợ đụng trời.”
Ông Hạnh hỏi: “Chỗ nào thích hợp với mày?”
“Lưng chừng ở cõi người.”
“Cõi người là địa ngục trần gian đấy.”
Nói xong, ông Hạnh chuẩn bị xuống giếng.
Tôi nói: “Thôi đi ông ơi, trời sắp mưa. Về nghỉ.”
Ông Hạnh nói: “Làm như mày, cám heo cũng không có mà ăn.”
Nói thế, nhưng ông Hạnh cũng thu dọn đồ nghề.
Trên đường về ngang qua những rẫy mía. Mía mới đặt hom, chưa kịp lên mầm. Ðất cày chưa ải mặt, cỏ đã lún phún ngoi lên. Ông Hạnh chỉ những cái giếng ông đã đào lúc trước.
Ông nói: “Vùng đất thấp, đào năm bảy thước là có nước. Vùng cao, phải đào đến mươi thước. Giếng sâu hun hút thấy mà ghê. Người chết dưới giếng, linh hồn không thoát lên được.”
Tôi nói: “Tôi nhạy cảm lắm. Xuống giếng cứ rờn rợn sợ mình bị chết luôn ở dưới.”
“Nếu chết, tao mời thầy pháp trục vớt linh hồn mày lên.”
“Ông tin thế à?”
“Tao không tin, nhưng nhiều người tin. Cũng như người ta tin rằng kẻ chết trong tù, linh hồn không ra khỏi cổng. Vì thế phải làm giấy phóng thích để giải thoát linh hồn. Tao còn nghe một chuyện động trời. Có người đi tham quan nước ngoài về kể, tư bản nó bóc lột đến cả người đã chết .”
“Chết rồi, còn bị bóc lột gì nữa?”
“Ấy vậy mà vẫn nói được. Người ấy bảo, tư bản Mỹ bóc lột khiếp hơn hết. Nó bắt linh hồn người chết đứng giữ cửa. Linh hồn thì vô hình nên không ai nhìn thấy, cứ thấy cánh cửa tự động mở khép khi có người ra vô.”
“Chuyện khôi hài. Ai ngu muội gì mà tin là chuyện thật.”
“Nói mãi, cũng có người tin. Như chuyện Tăng Sâm đời xưa ở bên Tàu đấy. Lần đầu có người đến nói với mẹ Tăng Sâm rằng, Tăng Sâm giết người. Bà không tin. Lần thứ hai, cũng có người nói Tăng Sâm giết người. Bà hồ nghi. Lần thứ ba, lại cũng có người nói, Tăng Sâm giết người. Bà sợ hãi, và bỏ chạy.”
Tôi chép miệng: “Khổ thật! không biết bao giờ mới thoát được cái họa tuyên truyền ngu dân.”
Ông Hạnh hỏi: “Mày nói cái gì?”
Tôi lắc đầu: “Không. Chẳng nói gì.”
Ông Hạnh nói: “Từ này về sau, mày ở trên kéo đất. Tao xuống giếng. Hồi mới gặp mày, tao tưởng mày là kẻ sĩ. Gần gũi nhau, thấy mày là thằng lừng khừng.”
LT