Tôi trở lại thôn Gò Tròn* thăm chị Hai trong một ngày đầu hạ. Đây là lần thứ hai tôi đến nơi này. Nhớ lần trước thăm chị, chia tay bên hàng rào, chị hẹn “lần sau em đến, chị sẽ nấu đãi em món canh lưỡi rồng”.

Lời hẹn khi ấy chỉ khiến tôi tò mò trong chốc lát rồi cũng quên. Huống hồ chi đã 10 năm thấm thoát trôi đi… Lần này trở lại, Phú Yên đón tôi bằng cơn nắng chang chang của những ngày hè miền Trung nắng lửa. Gió mang theo cái nắng hanh hao khi những cơn mưa đầu mùa chưa kịp đến. Ruộng lúa đã thu hoạch đang trơ gốc rạ. Mấy luống rau cũng xác xơ. Vậy mà bên hàng rào nhà chị, cây lưỡi rồng vẫn xanh ngắt với bao nhiêu là lá non.

Lưỡi rồng hay còn gọi là lưỡi long, là một loại xương rồng. Thoạt nhìn, nó giống cây bàn chải, thứ cây mọc rất nhiều dọc theo các triền đồi ở miền Trung. Nhưng nhìn kỹ, lưỡi rồng khác bàn chải ở chỗ nó không có gai nhọn mà chỉ có gai li ti. Cây ưa nắng, càng nắng càng sinh sôi tươi tốt. Chị tôi kể, những bụi lưỡi rồng trong vườn nhà chị đã có tuổi đời trên 50 năm. Trải qua bao đổi thay, cây vẫn vững vàng, tươi tốt.

Không biết chị còn nhớ lời hẹn trước, hay canh lưỡi rồng là món lạ thường được mời khách, mà đến bữa làm cơm, chị giục tôi theo chị ra vườn. Chỉ hái những lá non, tầm chục lá là đủ tô canh cho cả nhà. Chị bảo, muốn ăn chua thì hái lá khi có ánh nắng mặt trời, còn nếu hái vào buổi chiều khi tắt nắng, lá sẽ không có vị chua nữa.

Lá non được chị dùng dao nhọn khéo léo nhặt bỏ những cụm gai li ti rồi rửa nhẹ cho sạch bụi. Chị nhẹ nhàng cắt theo chiều ngang làm cho thành những sợi nhỏ rồi đem phơi nắng.

Chị bảo, nấu ngay cũng được nhưng canh sẽ nhiều nhớt, đem phơi một lúc dưới nắng gắt khi nấu sẽ ít nhớt hơn, giòn hơn. Nấu canh lưỡi rồng cực đơn giản. Tôm tươi hay tôm khô, cá vụn hay tép đồng đều được cả… Xào tôm qua với chút dầu, cho nước vào đun sôi, thêm chút nước mắm ngon, cho lưỡi rồng đã cắt nhỏ vào chờ sôi lên, rắc vài cọng ngò là có tô canh thơm ngon.
Canh lưỡi rồng ăn rất lạ, vị ngọt của cá nục tươi hoà vị chua nhè nhẹ của lưỡi rồng. Cắn nhẹ miếng lá rồng cảm nhận vị chua dìu dịu, khe khẽ chứ không rõ rệt, húp thêm chút nước canh hơi sánh lại cảm nhận vị ngòn ngọt và mát dịu. Chị tôi bảo mùa hè dù nắng mấy nhưng có tô canh lưỡi rồng là mát người dễ chịu ngay. Bởi vậy, canh lưỡi rồng là món ăn dân dã quen thuộc của người dân quê chị từ bao đời nay. Mấy đứa con chị đứa đi học, đứa đi làm tận Sài Gòn, cứ về đến nhà là đòi mẹ nấu canh lưỡi rồng.
Được thưởng thức một bữa cơm có món canh lưỡi rồng giữa mùa hè nóng cháy, không gì ngon miệng bằng.
Tạm biệt chị, trong túi quà quê lỉnh kỉnh mà chị bắt tôi mang theo có cả bịch lá non và một gốc lưỡi rồng già. Về đến nhà, tôi tranh thủ ươm gốc cây vào chậu đất trên sân thượng. Cây đã bén rễ. Hè này, gia đình, hàng xóm, bạn bè tôi sẽ được thưởng thức món canh lưỡi rồng. Lạ miệng, bổ dưỡng và dung dị.
TN – Tháng 5, 2016
* Thôn Gò Tròn thuộc xã Hoà Hiệp Trung, huyện Đông Hoà, tỉnh Phú Yên