“Thằng thật tài ba thì đạp xích lô
Còn thằng giàu cha là thằng ma cô!”
(Bạn Bè Của Tôi- Phan Văn Hưng)
Ngày xưa, có lần cô em họ tôi chê lấy… sĩ quan! Cô quan niệm rằng, lính giải ngũ ra, không nghề, không nghiệp là… chết đói. Nhưng cho đến đời nay, nhất là vào thập niên 80 ở Việt Nam, tôi mới thấy ý nghĩ của cô này là hoàn toàn sai.
Người anh em, vốn là sĩ quan cầm súng, súng gãy rồi, sau nhiều năm tù tội, ông trở về nhà, lấy gì để ngày ngày có miếng ăn? Sáng sáng, ông đến lò bánh mì, lấy mối, mang một cái bao bố, đi bán bánh mì nóng. Trời chưa sáng hẳn, nghe tiếng ông rao bánh mì, thấy thương cuộc đời đến nát ruột. Có điều chắc chắn, là ông không đến nỗi đói rầy rạc như trong tù. Có bánh mì ăn mỗi ngày, còn chi hạnh phúc bằng, điều mà nằm trong tù, ông mơ cũng không thấy có.
Ông Dương Hùng Cường của Không Quân chọn nghề … đạp xích lô. Ông tâm sự, khi khoẻ bụng no thì không ai kêu xe, khi mệt, đói rã ruột ra, thì có mối gọi, chở một bà đi buôn với cái bao gạo, mà đạp lên cầu Trương Minh Giảng không nổi. Nghề lái trực thăng còn phải qua học tận bên Mỹ, còn lái xích lô chỉ học một ngày. Lái trực thăng còn phải mặc đồ phi công, lái xích lô đôi khi trời nóng, mặc mai-ô, quần… xà lỏn cũng xong.

Nói về những nghề nghiệp đổi đời thì không thiếu. Một ông bạn của tôi, một thời cũng là giáo sư Pháp Văn cho một Ðại Học miền Trung, ở tù về ông làm nghề bán bong bóng, xanh xanh, đỏ đỏ. Mỗi lần bạn tôi vào xóm, con nít bu quanh ông, ông vừa bơm bong bóng vừa chuyện trò với lũ trẻ, thấy đời cũng chưa đến nỗi cô quạnh, mà buổi chiều về còn chút gạo thổi cơm.
Ði tù về, một vị thẩm phán ngày xưa, vào nghề làm “ô-mai” để sống qua ngày. Cuộc đời đã quá đắng với những lần vào tù ra tội, ông đi bỏ mối ô mai để làm ngọt cho đời, xót xa thấy “tuổi ô-mai” ngày nay đã mất hết thời thơ mộng, chạm mặt với bao nỗi đắng cay.
Như vậy, cởi áo quan, hết mặc áo lính rồi, chưa đến nỗi phải… chết đói!
Thời này trí thức, chuyên viên, có chuyên mà chẳng có hồng thì… thì đừng hòng kiếm được một chỗ làm trong cái cơ chế này. Tất cả đều phải xuống đường, bữa đói bữa no cũng phải ráng. Thời buổi này, đi lang thang, gặp bạn bè ngày xưa tìm sinh kế ở “đầu đường, xó chợ” mà ứa nước mắt.
Người xưa có câu: “Ðói thì đầu gối phải bò!”
Saigon thời đó có nghìn thứ nghề không tên, không tuổi.Vé số, thuốc lá lẻ chỉ cần một cái ghế và một cái bàn xếp, bán xăng lẻ vệ đường thì chỉ cần một viên gạch để đứng làm dấu hiệu.
Ông thượng sĩ thường vụ của tôi tới thăm, ông dụ tôi đem tôi ra Chợ Trời cho tôi bán cái radio Sony. Tôi bán máy được, mà ông mừng ra mặt, chốc nữa tôi đi rồi, ông trở lại lấy chút tiền huê hồng.
Chợ Trời là cái Chợ Ðời cho những anh đổi… đời.
Anh thì chạy mối thuốc Tây, anh thì sửa đồng hồ, kính mát cho bộ đội, gặp ai mặt mày ngơ ngác tới chợ, đều nhận được câu hỏi: “Có gì bán không?”
Bỏ mối thuốc lá, bỏ mối cà phê bắp, bỏ mối rượu đế, giầy dép, bao bì… có bao nhiêu thứ hàng, kẻ bán người mua, không vốn làm anh trung gian… ở giữa!
Có vất vả đi nữa thì cũng còn no hơn trong tù.
Chợ Trời là nơi cứu đói, nhưng môi trường Chợ Trời cũng làm cho bao gia đình ly tán. Cảnh cơm hàng cháo chợ, chung đụng gái trai, khi nấp mưa, tránh gió, chạy công an, có anh đi tù về, mất vợ. Ðàn bà vốn yếu đuối, lại sinh kế, nuôi con, thờ phụng cha mẹ đôi bên, cũng vì đói mà lặn lội ra Chợ Trời… oan nghiệt.
Ở Việt Nam đã lắm nghề, sang đến xứ người lại còn… bá nghệ!
Bác sĩ Dũng là một Bác Sĩ Quân Y nổi tiếng của Quân Y Viện Nguyễn Tri Phương. Năm 1972 trong cuộc hành quân Lam Sơn 719, thương binh VNCH được đưa về, mỗi ngày con số lên đến hàng trăm. Cùng với các đồng nghiệp khác, Bác Sĩ Dũng gần như làm việc suốt đêm ngày để đứng giải phẫu cho anh em chiến sĩ.
Năm 1975, tan hàng, chậm chân, quân y sĩ cũng vào tù như những chiến binh khác.
Sau năm 1990, những người cựu tù miền Nam được đưa đến Mỹ qua chương trình nhân đạo của Hoa kỳ, sau suốt 10 năm đi lại thương thuyết với chính phủ Cộng Sản Việt Nam.
“Trâu chậm uống nước đục,” sang đến Mỹ, BS Dũng không còn cơ hội để học trở lại chương trình bác sĩ nữa. Bàn tay ngày xưa, từng đã khéo léo khâu vá, mổ xẻ cho biết bao nhiêu anh em thương binh được đưa về từ mặt trận, ngày nay đành “thúc thủ” an phận, với cây kéo nhỏ, làm nghề “cắt chỉ” trong shop may, để nuôi con ăn học và làm lại cuộc đời!
Ở Mỹ có nhiều nghề mà Việt Nam không hề thấy. Không làm nghề “cắt chỉ” như ông y sĩ tiền tuyến ngày nào thì ta đi cắt cỏ. Ở Việt Nam đi bỏ mối than đá thì sang đây đi bỏ báo… Register cho Mỹ.
Có ông Ðại Tá sang Mỹ làm thợ sơn nhà, có ông làm security đêm đêm gác kho hàng vì có nghề bắn súng, có sĩ quan làm nghề lái taxi… đứng bến, đón khách! Trời sinh voi, sinh cỏ, người Việt lưu vong, chưa ai phải nằm gầm cầu, hay đứng ở ngã tư đèn đỏ!
Ðược người bảo lãnh làm nghề may thì toàn gia vào shop may, bà chị ở Las Vegas sponsor làm ở casino, thì con cháu vào nghề chia bài, ông bác mở nhà hàng, thì con cháu mới sang, đứa chạy bàn, đứa nhặt rau. Rồi ra cũng đâu vào đấy, trẻ con học hành đến nơi đến chốn, người lớn rồi ra cũng an vui tuổi già.
Và có một cái nghề Trời cho… gần như ưu đãi cho những người Việt Nam thất thế, lưu vong mà thông minh, cần cù là nghề làm…nail. Những bậc trí thức kiêu ngạo thường cho nghề này là ít học, có khi chỉ là tiểu học, mà sang Mỹ lại làm ra tiền nhiều hơn cả những người tốt nghiệp đại học! Nghề nail được một số coi như nghề thấp hèn “cầm tay, cọ chân” Mỹ đen để kiếm tiền. Ðiều trớ trêu là lòng khinh bạc người khác phát xuất từ sự… ganh tỵ.
70% người làm nail ở Mỹ là người Việt. Một thế hệ con em cựu tù nhân chính trị có bao nhiêu người sống nhờ ngành nail. Có những bà mẹ cầm kềm, cầm giũa để nuôi con ăn học thành tài. Có những sinh viên vào tiệm nail cuối tuần để có phương tiện học xong đại học. Và rất nhiều người đã thành công trở nên giàu có trên đất Mỹ. Một nghề sạch sẽ, lương thiện như vậy, lại không được coi trọng, trong khi bao nhiêu bậc khoa bảng gian lận trợ cấp y tế, những người làm dịch vụ, lường gạt đồng hương thì không ai dám coi thường hay khinh bạc.

Nghĩ như thân mình, làm văn chương, báo chí không chỉ là một cái nghề mà còn lại cái nghiệp, nghề còn bỏ được, mà nghiệp thì đeo đẳng. Ði lính làm… báo lính, và trở thành lính báo. Ði tù về bán báo ngoài cửa bệnh viện, kiếm báo về bán gọi là chạy báo, bị công an rượt vì báo trên lề đường gọi là báo chạy. Sang Mỹ rồi, đúng là cái nghiệp, phải trở lại nghề báo, bây giờ không còn viết nữa mà là “chọt” hay “gõ” chữ. Người ta dùng mười ngón tay, mình chỉ hai ngón, hy vọng đi hết con đường còn lại.
Phải chăng làm cho người đời, vui buồn, bi ai, khổ luỵ, thương ghét, hận thù, ở đời cũng là một cái… tội!
HP