Bạn tự tin và yêu sự chọn lựa món ăn thức uống qua cái lưỡi tinh tường của mình? Bạn đọc và thẩm định bài bản phê bình của các tay nấu bếp? Của những người sành ăn uống, thích kén chọn? Nếu câu trả lời của bạn là một cái gật đầu chắc chắn hoặc một lời dõng dạc “có chứ” thì Dế Mèn mời bạn thử ăn trái dâu tí hon có tên là “miracle fruit”, “miracle berry”, “magic berry”, “flavor berry”, cái tên nào cũng dính dáng đến một việc bất thường kỳ lạ nào đó.
Có cái chi ghê gớm về trái dâu đo đỏ tí tẹo kia? Không có chi ghê gớm cả, bạn ạ, nhưng có một sự khác thường về món trái cây ấy. Miracle berry, tên khoa học Synsepalum dulcificum, là một trái dâu khoảng một đốt ngón tay, cỡ 2 cm, hình bầu dục, màu đỏ cam khi chín, vị hơi chua chua, ngọt ngọt, hạt có vị đắng. Nghĩa là không có chi đặc biệt để ta tìm mua mà ăn thử. Nhưng nếu bạn tò mò và đôi khi… rắn mắt như Dế Mèn đây thì sẽ thử một lần cho biết, thử để xem cái trái dâu kia ngon cỡ nào, tại sao lại có tên “phép lạ” như thế hoặc giả trái dâu tí ti kia sẽ thay đổi vị giác của mình ra làm sao?!

Hôm ở Chicago, bạn bè rủ đi thử chocolat, ngay bên cạnh cái quầy thử chocolat, người ta tổ chức một buổi thử “cái lưỡi” của khách thưởng ngoạn. Thế là phe ta trả 15 tiền để nếm cái món dâu phép lạ này. Dế Mèn không phải là người kén ăn uống, nhưng đã được dịp thử nhiều món thức ăn khác thường. Lần này, nếm thử một mẩu chocolat nhỏ híu, vị đắng của cacao nguyên chất (chocolat 80%), mùi thơm đánh thức cái đầu ngầy ngật buồn ngủ của mình. Cacao từ Nam Mỹ có phần thơm hơn hạt cacao từ Phi Châu, thổ nhưỡng, nắng gió quả là đã ảnh hưởng ít nhiều đến cây cỏ hoa trái.
Thế rồi phe ta nếm một trái dâu phép lạ kia, và cái lưỡi không còn “trung thực” với món ăn thức uống nữa bạn à! Miếng chanh chua lè mọi ngày kia tự nhiên ngọt đậm như mật, và miếng chocolat đắng đắng lúc đầu bây giờ cũng ngọt lừ ngọt lự, quái đản không thể tả! Làm sao thế này? Hay là cái lưỡi kia đình công không chịu nếm thức ăn nữa? Rõ ràng là mùi chanh vẫn là mùi chanh nguyên thủy khi đưa lên mũi ngửi, miếng fromage với nấm xanh lè vẫn hôi rình mà sao món nào cũng có vị ngọt ngọt, không nhiều thì ít?
Cớ sự làm sao khi Dế Mèn cắn vỡ trái dâu kia, nhằn ra hạt và ngậm thịt trái dâu trong miệng chừng 1 phút? Thì ra trái dâu kia chứa một glycoprotein có tên là miraculin. Lúc ta ăn trái, miraculin bám vào các gai lấm tấm trên lưỡi, và khi gặp các thứ acid từ thức ăn, miraculin khiến các tế bào nếm của lưỡi trở thành một thứ chỉ biết vị ngọt (sweetness inducer). Nghĩa là không cần biết bạn nếm món chi, cứ có tí acid là trái dâu phép lạ kia biến thức ăn thành đường ráo trọi! Và cảm giác này kéo dài cả tiếng đồng hồ. Rượu vang ngon đến đâu thì ngon mà gặp miraculin là thành rượu nho pha đường ráo trọi!
Dâu phép lạ có từ bao giờ? Lâu lắm rồi bạn ạ! Từ năm 1725, theo nhà thám hiểm Marchais xuất thân từ Tây Phi, người địa phương ăn dâu phép lạ trước khi dùng bữa để thay đổi vị thức ăn, ngọt miệng hơn? Người địa phương cũng dùng dâu phép lạ để làm rượu palm chua (sour palm wine) ngọt hơn và để dậy men bánh mì ngô (maize bread).
Món trái cây kia đã được biết đến qua mấy thế kỷ, ngoài người Phi Châu, chẳng mấy ai khác biết công dụng nào ngoài việc ăn trái nhạt nhẽo không mấy hấp dẫn kia? Thật ra từ những năm 40 của thế kỷ trước, đã có những nhà sản xuất định dùng dâu phép lạ thay cho đường và bỏ vào những món ăn dành cho những người bị tiểu đường, nghĩa là không cần ăn đường nhưng thức ăn vẫn có vị ngọt mà không phải lo lắng về đường huyết! Ý tưởng này không thành hình và người ta đổ lỗi cho cơ quan Kiểm Soát Thực Phẩm và Dược Phẩm (the FDA) của Hoa Kỳ là gắt gao quá và còn có người cho rằng the FDA chịu hối lộ của các nhà sản xuất đường nên “ém” sự phát triển thành thức ăn của dâu phép lạ. Nói tóm lại là làm ăn không nên thân là người ta đổ vấy cho kẻ khác ám quẻ!

Riêng Dế Mèn khi tẩn mẩn phân tích thị trường của trái dâu phép lạ kia thì vẫn tự hỏi có mấy ai, ngoài việc thử cho biết qua việc ăn một trái dâu, muốn vị giác của mình thay đổi, nếm thức ăn không còn trung thực nữa? Khi ta ăn một miếng bánh ngọt thì nên nếm vị ngọt của trái cây, của đường của mật… trong miếng bánh kia chứ miếng bánh nào cũng ngọt lừ bất kể nguyên liệu là cái gì thì còn nếm chi nữa phải không bạn? Nghĩ ngợi như thế nên Dế Mèn hổng mấy hăm hở mà tìm mua hay bỏ tiền để phát triển việc thay đổi vị giác này.
Ấy là thị trường Âu Châu, còn Á Châu thì sao? Người ta sản xuất và bán những viên “kẹo” dâu kia dưới dạng trái khô hoặc vo viên tại Hoa Lục. Dế Mèn không biết người Hoa Lục ngậm dâu phép lạ để làm chi? Ðể đổi vị thức ăn? Việc nhập cảng dâu phép lạ vào Hoa Kỳ là một việc làm không chính thức nên chưa thấy người ta quảng cáo rầm rộ. Ngược lại, dâu phép lạ được trồng tại Florida và bán dưới dạng thực phẩm ngay tại Hoa Kỳ, ta có thể mua qua mạng ảo với giá 90 Mỹ kim cho 30 trái dâu gửi tốc hành!
Dâu phép lạ là một loại cây miền nhiệt đới thích mặt trời nắng ấm và cần độ ẩm cao, cây chậm lớn nhưng ra hoa và trái khi chỉ mới lớn khoảng 1 bộ Anh, ta có thể trồng làm kiểng trong nhà chăng? Lá xanh trái đỏ mọng, ăn không ngon nhưng nhìn cũng đẹp mắt chán?
TLL