Menu Close

Những bông cẩm chướng dại – Kỳ 3

Bát cháo trắng nóng hổi, nhiều tiêu, cay xé cổ. Thư vẫn hay đến quán cháo Cô Khàn Ðêm trên đường Hàm Nghi, nhưng đêm đó con Nhung thèm cháo trứng vịt muối ở Hàng Xanh. Chị Châu gọi cháo tôm rim, còn Thư kêu cho mình bát cháo ếch. Thư cũng không hiểu vì sao Thư thèm ếch, vì ước mơ đổi đời, nhảy một cú thật cao, xa ra khỏi vũng lầy của đời mình? Nhìn con ễnh ương chết chìm lỉm dưới đám ngò xanh, như lục bình phủ mộ liệt sĩ Mai thị Một, Thư biết mãi mãi vẫn là giấc mơ. Con Nhung đã hồi lại, bát cháo nóng hâm da mặt nó tươi hồng hết còn cái vẻ lạnh lùng của Xác ướp Ai-cập tập 2. Con Nhung lim dim múc cháo theo cách đào kênh thủy lợi, múc sao cho nhẹ nhàng không nặng nhọc mà ít ai chú ý, để thủ trưởng đừng ghim “chưa tích cực.” Thư tính nhẩm ba bát cháo hết sáu chục, còn bốn chục trả tiền mướn sườn xám, cộng năm chục cho cuốc taxi, coi như bay biến buổi tối. Làm một đêm, tiêu một giờ. Kiếp tằm trả nợ dâu, nhưng Thư không tiếc, bởi Thư biết trong cuộc sống đồng tiền vô rồi ra, bạc bẽo hơn nước lã. Dù sao chí ít Thư cũng tìm được một tổ ấm cho mình, Thư quý chị Châu mà cũng thương con Nhung, nó còn thơ dại quá mà đã phải lăn lưng mang da vá đời, chả trách lúc nào nó cũng ăn nói hậm hực.

Tối đó con Nhung nhờ Thư lấy dầu gió bôi khắp mình mẩy. Thư giở áo, thấy người nó bầm nhiều chỗ. Con Nhung nằm sấp mặt, than: “Bữa nay xúi quẩy, gặp mấy thằng trời đánh dần muốn bể xương hông.” Thư thắc mắc hỏi làm chi mà dữ đến bể xương hông? Con Nhung không đáp, chỉ ngó Thư rồi liếc xéo chị Châu. Cái liếc xéo của nó khiến Thư bất an. Chị Châu ho húng hắn như ra hiệu càng làm Thư bối rối, không biết nói sao. Cớ gì con Nhung liếc xéo chị Châu? Vì sao chị phải giả vờ ho làm hiệu? Ðánh lừa ai? Ðáng lẽ người cần an ủi tối nay phải là Thư mới đúng, bởi lẽ là đêm đầu tiên Thư đi làm… Thư thấy nhức đầu, muốn trải chiếu nằm nhưng rồi nhìn hai bắp đùi non của con Nhung thâm tím, Thư bỗng đâm buồn buồn, muốn chăm sóc nó thêm. Vừa xoa dầu, Thư vừa đoán chắc nó bị ngắt nhéo không ngơi tay, những cái ngắt của người đời và những vết ngắt của cuộc đời. Thư giăng mùng trên đất, lấy túi vải kê đầu nằm, rồi thả mình lắng nghe thinh không của trời đất. Gió đêm khua qua mái tôn nhà chị Châu từng cơn làm xê dịch máng xối, lâu lâu mang theo tiếng động của rác rưởi bay rào rào, lúc kéo lê lây lất một lon sắt, như kiếp sống của bao người ăn mày mà Thư trông thấy hồi chiều. Một bà mẹ ẵm đứa con thơ nằm bên đống rác, cố lấy vạt áo che ruồi đang đậu lên mặt con mình. Một thằng bé lở lói đút cơm cặn canh thừa cho em nó bị quặp hai bàn chân giương mắt nhìn phố xá ngơ ngác. Hình như đứa bé dị tật nhìn thấy Thư, tròng mắt nó đầy thèm thuồng níu kéo. Níu gì? Thư không biết, hai ngàn đồng bạc bố thí hay vạt áo phin nõn Thư vừa giặt ban sáng còn trắng? Thư băng qua lề đường thương tâm như chạy trốn mớ hình ảnh đè nặng tâm trí mình. Sao đất nước của Thư nhiều Hội Trí thức, Hội Phụ nữ Cứu quốc, Câu Lạc bộ Kháng chiến mà thiếu nhân đạo? Thư trằn trọc khó ngủ, một con nhện đen giăng lưới vây bắt muỗi mòng, một con thạch sùng núp bóng điện, tiếng vặn mình từng chốc của con Nhung và tiếng ngáy của chị Châu đều đều… chỉ còn thiếu tiếng chuông Thiên Mụ ai oán trong thơ Nhã Ca nữa là đủ những ray rứt trong lòng Thư khuya ấy.

o O o

Thư về sống với chị Châu ít lâu thì quen với nghiệp tiếp viên. Quen cả tiếng hát của con Nhung mỗi sáng cất giọng trong trẻo đón chào bình minh vừa ùa tới. Con Nhung thích ngủ dậy, ngồi ở bờ giường dang hai cánh tay ôm chầm vào lòng tất cả hy vọng của một ngày mới. Nó biểu hiện khát khao bằng cách vươn xòe hai lòng bàn tay, chụm các đầu ngón tay rồi chậm chạp mở ra từng ngón, như từng cánh hoa thanh tao đang nở chậm. Con Nhung chịu ám ảnh bởi sự trinh bạch. Nó từng nói với Thư vì sao bây giờ nó hiểu người xưa quý giá một trang giấy trắng. Vì chưa viết lên, trang giấy ẩn chứa tất cả điều muốn viết. Còn viết xong, chỉ chứa những thứ muốn vứt. “Như cứt!” Con Nhung bĩu môi. Nhưng lúc này đây nó đang ngồi xếp bằng đầy thành khẩn. Thư hiểu động tác của nó mỗi sáng là một ước nguyện. Ước hóa sen. Ước được nhấc lên khỏi bùn nhơ. Con Nhung hướng mặt ra cửa sổ, cất tiếng hát say sưa như thể chưa bao giờ biết đến những người đàn ông đêm đêm rờ nắn thân xác.

Nếu là chim tôi sẽ là một loài bồ câu trắng…” Giọng hát nó tha thiết “Nếu là hoa tôi sẽ là một đóa hướng dương…” trước khi trầm xuống, “Nếu là mây tôi sẽ làm một vầng mây ấm…” Con Nhung có năng khiếu, tuy chưa điêu luyện song giọng nó truyền cảm trẻ thơ, ngân nga lên cao mãi tựa tiếng hót véo von của một loài họa mi nhỏ bé. “Là chim tôi sẽ cất cao đôi cánh mềm…” Con Nhung lên cao vút, “Là người…” nó đột ngột ngưng bặt, bỏ lửng câu hát. Biết tính khí con Nhung thất thường, nhưng Thư cũng tò mò hỏi tại sao nó không hát tiếp câu kế: “Là người tôi sẽ chết cho quê hương.” Bài hát đó Thư đã nghe nhiều lần, những ngày chưa bỏ học. Nhưng con Nhung đã quay phắt lại nhìn Thư trừng trừng, tia nhìn của nó dễ sợ, rồi buông thõng: “Bà biết câu kế là câu gì không?” Thấy Thư gật đầu, tia nhìn của nó dài dại: “Thời này chết cho quê hương chỉ uổng thân!” Giọng nó vừa đanh, vừa chắc nịch, như thể nó vừa phát ngôn một chân lý. Con Nhung đóng sầm cửa sổ như muốn ngăn mặt trời không cho chạm đến nó. Cái nền xanh tươi của hy vọng phải biến mất, vì không thật sự hiện diện. Thư ngắm con Nhung uể oải đi tìm chậu rửa mặt, sóng mũi nó trở lại cái trạng thái cứng đơ trơ trơ thường trực trong ngày. Mới phút trước, nó còn như bày sẻ ríu rít, giương đôi mắt nai tơ trên gương mặt thánh thiện, hai má tròn vo bầu bĩnh thiên thần, vậy mà phút sau nó thành con nhím xù kim. “Chỉ có mấy thằng ngu mới chết cho quê hương.” Con Nhung ra súc miệng, lầm bầm. Thư lẳng lặng xếp mùng, chiếu. Ba chị em sống với nhau, vui có, buồn có. Không phải lúc nào cũng vui hay cũng buồn. Nhưng vui nhất là sau Tết thiên hạ ăn chơi, tiệm múa rộn rịp rôm rả, đông khách nên boa hậu hĩ. Buồn nhất là đêm Giao thừa đường vắng hoe, phố xá kín cửa, cành huệ trắng chị Châu mua cúng ở bàn thờ Phật chóng tàn, chưa kịp qua năm đã rụng lả tả. Ba chị em cúng ông bà xong con Nhung nhớ nhà ngồi ôm gối khóc nức nở, tiếng khóc của nó tức tưởi, tỉ tê như tiếng khóc của đứa trẻ bị cha mẹ bỏ lạc ngoài chợ. Mùi nhang cúng hiu hắt cũng làm Thư rưng rưng. Nửa khuya về sáng Thư lẩm nhẩm hai câu thơ “Ai buồn có chốn thở than, tôi buồn như ngọn nhang tàn thắp khuya…” Người dưng ai đoái hoài lũ con gái bia ôm, sống kiếp thiêu thân, tới khi cháy rụi cánh.

Trước lúc đi ngủ, bao giờ chị Châu cũng đốt ba nén hương khấn vái trước trang thờ. Nhang khói âm u cay mắt. Chị Châu hay nói chị tu tại gia, tin Phật trời độ trì người ngay. Có một đêm chị rủ con Nhung cùng xuống nằm đất với Thư, ba chị em nằm sát lấy nhau tâm sự chuyện buồn đã qua. Con Nhung kể ngày xưa gia đình nó giàu lắm, giàu sao nó không biết, bởi lúc nó sanh ra thì đã “giải phóng mặt bằng”, cơ sở kinh doanh của ba má nó bị tiếp thu, “cải tạo công thương nghiệp” như ba nó kể. Nhà bị phân chia, Cách mạng cho ở buồng khách, còn hai tầng trên thì dành cho bốn hộ khác từ ngoài A vào. Bếp nấu ăn chung. Ba má nó bực bội nên suốt ngày cãi nhau. Má con Nhung trách ba nó lúc bảy lăm không chịu di tản, yêu nước cho cố vô để bây giờ lãnh hậu quả. Ba con Nhung thì mắng má nó tin họ hàng tập kết chức quyền cao, nhờ vả lấy lại nhà, tiền mất tật mang. Dượng Tư nó thì giựt hụi ba má nó không trả, còn thím Năm nó gạt đóng vàng vượt biên nhưng hôm đi không đến đón. Con Nhung rít nhà nó như ổ địa ngục, đụng một chút là ba má nó chửi lộn, chửi trong nhà chưa đủ, còn chửi nhau với bọn Bắc kỳ nữa. Riết nó chịu hết nổi phải bỏ nhà trốn đi. Con Nhung kể tiếp là suốt đời suốt kiếp, kiếp này và kiếp sau nữa, nó chỉ yêu có một mình anh Tâm mà thôi. Anh Tâm là người dạy con Nhung hát mỗi kỳ sinh hoạt hè. Anh Tâm dạy nó tập đàn, cầm tay nó, chỉ nó cách đánh nhịp học xôn-phe… Lúc đó nó còn nhỏ xíu, chỉ mới là thiếu nhi quàng khăn đỏ, cháu ngoan bác Hồ, mà nó đã yêu anh Tâm da diết. Ðến khi nó dậy thì, anh Tâm làm bí thư chi bộ kết nạp nó vô đối tượng Ðoàn… Với con Nhung, chỉ có mình anh Tâm nó mới là người Cộng sản chân chính, yêu nước không vụ lợi, bán mình cho tổ quốc không lấy tiền, hy sinh không cần bảo hiểm Bảo-Việt… Anh Tâm tình nguyện lên Tây nguyên khai thác Bô-xít rồi biệt tích. Con Nhung kể tới đó ôm mặt khóc ròng. Khóc chán, nó ngồi dậy lấy cây đàn thùng – cây đàn hủi cùi lở, thùng bị mẻ tứ bề không biết chị Châu lượm ở đâu, con Nhung so dây rồi khe khẽ gẩy mấy khúc nhạc dạo. Môi nó run run: “Chiều trên quê hương tôi, với bao nhiêu điều đã trôi qua… Có riêng em cuộc đời sẽ nhớ, nét quê hương nghìn năm vẫn là…”

Chiều trên quê hương tôi

nắng phơi trên màu ngói non tươi

gió mang tin một mùa sẽ tới 

Sẽ mưa lâu hoặc cơn nắng dài

Mắt con Nhung đẫm lệ, đỏ hoe, nó mê nhạc từ lúc anh Tâm tập cho nó, đến giờ nó còn nhớ, hát đi lát lại mãi những đoạn ưa thích nhất. Chiều trên quê hương thì có gì đẹp, hát lên nghe buồn buồn giống tâm sự buồn của chính mình. Giọng con Nhung sũng nước, nó sợ cuộc đời quên nó, sợ anh Tâm không trở lại để cứu vớt nó ra khỏi vũng bùn lầy của cái xã hội vô sản này. Nhiều lúc nó mơ làm nàng tiên cá, bơi ra biển khơi tìm anh Tâm cùng rong ruổi hải hồ…

Hồi Thư mới đi làm tiệm múa, đêm nào chị Châu cũng căn dặn: “Cưng đi làm gặp đứa nào chó má thì cứ biểu chị, chị không ngán thằng nào. Ngày xưa Mỹ đen, Liên-Xô chị còn chưa ngán, ngán chi ba cái thứ giựt nóng phải gió.” Thư thắc mắc hoài, không hiểu tại sao chị Châu hay đem Mỹ đen ra so sánh. Bọn con gái chun muộn như tụi Thư, mấy ai trông thấy mặt một tên Mỹ đen. Ðêm đó nghe chị Châu thổ lộ chuyện riêng, Thư mới hiểu ra rằng trước đây má chị có thời bán bar, ban đêm thường có Mỹ đen về nhà. Giọng chị Châu thổn thức: “Dạo đó chị mới sáu tuổi mà Mỹ đen vuốt má chị, chị cắn nó bầm tay! Má chị khi ấy mới hăm tám, trạc các em bây giờ, lớn hơn con Nhung một chút, nhưng nhỏ hơn con Thư. Má chị đi làm ‘Nai-glúp’, được thằng trung úy lái trực thăng mê. Nó ở sư đoàn ‘Phợt-cáp’ đóng ở Long Bình.” Con Nhung nghe chị Châu xổ tiếng quốc tế , chen vô: “Phợt-cáp là cái giống gì?” Vẻ mặt chị Châu đầy kiêu hãnh, đưa một ngón tay chỉ lên trần: “Là kỵ binh không trung! Phách lắm! Dạo đó thứ bảy nào nó cũng lấy trực thăng đi đón má chị từ miệt Phú Thọ Hòa lên căn cứ, trực thăng đậu trên nóc sân thượng nhà ông bà ngoại chị làm ổng bả sợ quá trời!” Chị Châu cười rung rúc đến rung ngực.  “Trước lúc về Mỹ nó có tới xin hỏi má chị, nhưng dạo đó má chị còn chảnh, chê nó đen không ưng, giờ ân hận mà hối hết kịp!” Con Nhung nghe chuyện, tấm tắc: “Xứ Mỹ sao giống thiên đường mà ai ở xứ anh hùng mạt lộ này cũng muốn qua!” Chị Châu lắc đầu: “Hồi 75 có thằng trung sĩ đen khác muốn chở má chị vô DAO nhưng bả không đi, rồi chị lớn lên xin được khâu công tác chiêu đãi cho Tổng cục Dầu khí. Chị phục vụ mát-xa cho chuyên gia Liên-Xô, có thai chị phải đi nạo… Ở Từ Dũ ra cán bộ nói chị mất nhân phẩm, cho nghỉ việc.” Kể đến đó chị Châu đưa một bàn tay mụ mẫm lên vắt ngang trán, thở dài, bóng tối rớt từ lòng bàn tay chị xuống mặt giống một vết nám lầm lỡ.

(còn tiếp)