Khi cất tiếng khóc chào đời, người ta được cha mẹ đặt cho một tên gọi. Tên gọi đó được cầu chứng tại tòa bằng bản khai sinh, ghi rõ thời gian bao gồm giờ-phút-giây-ngày-tháng-năm người ta có mặt trên trái đất này. Lúc công thành danh toại, tên của người ta lại được đính kèm một tước vị. Tước vị ấy rao truyền cho xã hội biết người ta là ai. Anh A tốt nghiệp bác sĩ, được gọi là Bác Sĩ A. Chị B tốt nghiệp ngành họa đồ vi tính, được gọi là Kỹ Sư B. Cậu XYZ tốt nghịệp ngành sư phạm, được gọi là Giáo Sư XYZ, v.v… Cứ thế, tùy theo chuyên ngành hay công việc riêng, người ta được gọi bằng những tính danh và tước vị xứng hợp. Cũng xin đề cập đến một khía cạnh tuy nhỏ, nhưng không kém phần quan trọng, có trong vấn đề tính danh và tước vị của phái nữ. Ðó là khi lập gia đình, phụ nữ mặc nhiên được gọi bằng danh xưng của người hôn phối. Khuê danh khiêm nhu nằm yên trong giấy tờ cá nhân, trong bản khai sinh có từ thuở chào đời.
Danh vị còn được hiểu là tư cách, là danh nghĩa của ai đó. Nên người ta thường nói, hay thường được nghe nói: “…Tôi, với tư cách, với danh nghĩa là…” để phát biểu cảm tưởng của họ trong một hội thảo chuyên ngành, hay trong lúc cùng thân hữu mạn đàm về một vấn đề thời cuộc nóng bỏng nào đó. Người ta dễ dàng chấp nhận lý lẽ, của những ai được gọi là danh chính ngôn thuận. Với những ai không thấy một biểu hiện nào cho biết là họ có tư cách, có danh nghĩa mà “dám ăn dám nói,” người ta gay gắt chất vấn: “ Bạn lấy tư cách gì, danh nghĩa gì, mà mạnh miệng như vậy…?”
Có phải tất cả những điều được nói ra, được phổ biến dưới một tư cách, hay dưới một danh nghĩa nào đó đều đúng, đều đáng khâm phục, đều đáng tín nhiệm hay không? Tôi đã tự hỏi tôi điều này, khi chính tôi bị chất vấn, hay được nghe chất vấn về tư cách và danh nghĩa.
Giòng đời tang thương dâu bể đưa tôi trở lại bến xưa. Cho tôi nhìn thấu nỗi đau của cố quận. Miền Bắc, với danh nghĩa giải phóng miền Nam, từ trước và sau ngày 30 tháng 04 năm 1975, không những đã giết hại rất nhiều quân nhân, nhiều công chức, và người dân vô tội của thời Việt Nam Cộng Hòa, mà còn khiến quê hương sa lầy trong con đường đau khổ của nghèo đói, bệnh tật và thất học. Những kẻ tự nhận là đầy tớ của nhân dân lao động, dán trên ngực chiêu bài thống nhất đất nước, nắm giữ những chức vụ then chốt trong đảng, nhưng bất tài vô tướng, chỉ biết tham nhũng-hối lộ, liệu có xứng đáng vỗ ngực xưng là có tư cách, có danh nghĩa lèo lái con thuyền quốc gia vượt qua từng bước thăng trầm, mang bình an hạnh phúc đến cho dân tộc hay không? Thực trạng khốn cùng của xã hội, sự đàn áp những người bất đồng chính kiến, những nhà đấu tranh ôn hòa, trong các cuộc biểu tình yêu cầu “cá cần nước sạch, dân cần minh bạch,” trước hiện tượng cá chết hàng loạt tại các tỉnh Miền Trung ở Việt Nam hiện nay… Hành động áp bức người biểu tình ôn hòa, có phải là hành động chính danh hay không. Cả một lòng dân Việt uất hận trả lời: KHÔNG! Những kẻ đánh đập, bịt miệng dân chúng, không cho họ nói lên sự thật, đều không có tư cách, và không có danh nghĩa. Bởi vì chẳng ai danh chính ngôn thuận lại đi đàn áp người dân lương thiện, những người chỉ nói lên sự thật và không có gì khác hơn ngoài sự thật.
Nhớ xưa nhóm khủng bố cuồng tín, lấy danh nghĩa thánh tẩy nhân loại, đã cướp máy bay đâm vào Ngũ Giác Ðài, đâm vào tòa nhà Twin Town tại Nữu Ước, khiến hàng ngàn người vùi thây trong biển lửa, trong cảnh đổ nát hoang tàn của đất, cát và gạch vụn. Rừng phong gần mười lăm mùa thu đỏ lá. Nhưng hình ảnh những nạn nhân bị chết trong ngày 11 tháng 09 năm 2001, vẫn làm sống dậy niềm căm phẫn vô biên của người công dân Mỹ nói riêng, của dân chúng trên toàn thế giới nói chung, mỗi khi nhớ đến bọn sát nhân khủng bố. Viết giáo điều bằng máu người. Dựng đền thờ bằng xương người. Chặt đầu người thị uy như nhóm ISIS hiện nay đang làm. Thử hỏi những kẻ khủng bố tàn bạo kia có tư cách, có danh nghĩa gì? Tôi lại nghe cõi đời bi oán đáp: KHÔNG! Những kẻ đó không có tư cách, không có danh nghĩa.
Bên cạnh nỗi đau chung vì chiến tranh, vì đau khổ xảy ra bởi tư cách, bởi danh nghĩa bất xứng của những kẻ có quyền nhưng không có tài đức, của những kẻ khủng bố cuồng tín dã man coi nhẹ mạng sống của đồng loại. Cõi người ta còn phải chung chia nỗi sầu muộn rất riêng tư, có trong từng duyên phận của mỗi một cảnh đời. Duyên phận là tiền đề của chữ Tình. Nói đến chữ Tình, là nói đến nỗi đoạn trường.
Vấn thế gian tình thị hà vật. Trực giáo sinh tử tương hứa. Thiên nam địa bắc song phi khách. Lão si ký hồi hàn thử. Hoan lạc thú. Ly biệt khổ…[1] Hỏi thế gian, tình là vật chi. Mà khiến ta sống chết một lời hứa lụy. Lữ khách kẻ trời nam người đất bắc. Khi hoan lạc vui vầy. Lúc chia ly đau khổ…* Chữ Tình không hiểu là điều chi đây…? Mà nếu có thể khiến cho ai kia vui cười, lại cũng có thể khiến cho ai đó buồn khóc. Xưa có Thúc Sinh-Thúy Kiều đau khổ. Nay cũng có dư đầy Thúc Sinh-Thúy Kiều rơi lệ. Vì: Cùng trong một tiếng tơ đồng. Người ngoài cười nụ người trong khóc thầm. [2]
Ðời đã dư đầy Thúc Sinh-Thúy Kiều. Ðời cố nhiên không thể thiếu Hoạn Thư. Những người đàn bà, như Hoạn Thư, nếu không thể …làm cho nhìn chẳng được nhau…, nhất định phải chỉ thẳng tay vào mặt của tình địch, kiêu mạn hỏi: “ Ngươi có tư cách gì, danh nghĩa gì, ai công nhận…?” Người phụ nữ đau khổ được gọi chung là Thúy Kiều, lặng nghe nước mắt chảy ngược vào lòng. Vì cô thật không có danh phận.
Chẳng ai dám thách thức sự hờn ghen của Hoạn Thư, dù kiên cường bênh vực cho nỗi đau khổ vô cùng của Thúy Kiều. Chẳng ai dám nghi ngờ, bộ luật gia đình một vợ một chồng của xã hội dân chủ là sai lầm. Nhưng xưa nay, chữ Tình rất khó xử bằng lý luận, bằng tư cách, hay bằng danh nghĩa. Người vợ danh chính ngôn thuận, với khế ước hôn nhân, tin tưởng luật lệ sẽ bảo vệ hạnh phúc gia đình. Không sai. Về mặt pháp lý, bà ta hoàn toàn chiếm ưu thế. Nhưng có một điều, đời thường ai cũng hiểu: Luật lệ không bao giờ có thể mang trả cho bà ta trái tim của người chồng. Vì trái tim của người đàn ông ấy đã: …Thiên sầu vạn cổ. Vi lưu đãi tao nhân. Cuồng ca thống ẩm. Lai phóng nhạn khâu xứ…[1] Ngàn mối sầu vạn cổ. Lưu lại đợi người thơ. Hát trong điên cuồng, ca trong đau khổ. Tìm lại nơi đâu nấm mộ chim nhạn năm nào…* Dĩ nhiên khi nói đến nỗi thiên sầu vạn cổ của chữ Tình, phải “cách ly” những kẻ có dã tâm liên hệ bất chính, vô trách nhiệm, chuyên lạm dụng tình cảm và sự tín cẩn của người khác…Những kẻ này nếu là đàn ông, thường bị chỉ trích là sở khanh, chuyên quất ngựa truy phong; nếu là đàn bà, thường bị gọi kẻ trăng hoa, chuyên phá hoại gia cang của người khác. Họ đều bị cáo buộc là kẻ bất nhân bất nghĩa.
Ðêm dài không ngủ. Trước đèn đọc sách, tôi âm thầm suy nghĩ về những điều được gọi là tư cách, là danh chính ngôn thuận. Chợt nhớ lời người xưa: Ðạo khả đạo phi thường Ðạo. Danh khả danh phi thường Danh..[3] Ðạo mà ta có thể nói đến được, không phải là Ðạo thường còn. Danh mà ta có thể nói đến được, không phải là Danh thật sự. * Tôi cầu mong cõi người ta được bình an và như nguyện. Khi nhận biết chữ Danh của thế gian đang chơi vơi, cuốn theo chiều gió.
HV – 2:04am Thứ Hai ngày 23 tháng 05 năm 2016
Mô Ngư Nhi-Nhạn Khâu – Nguyên Hiếu Vấn
Ðoạn Trường Tân Thanh – Nguyễn Du
Ðạo Ðức Kinh – Lão Tử
*. Hoàng Nhất Phương chuyển dịch