
Tổng thống Barack Obama đến thăm Việt Nam ở vào thời điểm khá đặc biệt trong khi cuộc đấu tranh nhân quyền đang vào lúc cao điểm và trước đó ít ngày là những cuộc biểu tình vì môi trường xảy ra trên khắp các thành phố lớn đã bị chính quyền cộng sản đàn áp thẳng tay. Những hành động này đã không qua khỏi con mắt theo dõi của giới quan sát tình hình Việt Nam và đã được cộng đồng quốc tế quan tâm.
Ngay trước chuyến đi Việt Nam của ông Obama, hai tờ nhật báo lớn của Mỹ là Washington Post và New York Times cùng lúc đã đăng hai bài xã luận kêu gọi ông Obama hãy quan tâm nhiều đến vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Riêng tờ Washington Post còn nhấn mạnh là mặc dù Việt Nam đã có những tiến bộ kinh tế trong mấy năm gần đây, nhưng quốc gia này vẫn còn là một chính thể độc đảng, phủ nhận quyền tự do của người dân và cai trị bằng sức mạnh của lực lượng công an. Bất cứ thỏa thuận nào giữa hai bên, kể cả quyết định dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, thì phía Hoa Kỳ cũng cần phải ràng buộc vấn đề nhân quyền vào và đòi hỏi chính quyền Việt Nam phải cam kết cải thiện lãnh vực này nhiều hơn nữa trong tương lai.

Ðiều này cũng phù hợp với những lời bình luận của một số chuyên gia về Việt Nam là lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam – đã được Tổng thống Obama dỡ bỏ một phần từ năm 2014 – cũng sẽ được dỡ bỏ trong chuyến viếng thăm này, nhưng sẽ chỉ được dỡ bỏ từng phần trong từng giai đoạn tùy thuộc vào thiện chí của chính quyền cộng sản Việt Nam có tỏ ra tôn trọng các quyền tự do căn bản của người dân hay không.
Thế nhưng ngay sáng Thứ Hai 23/5 trong cuộc gặp gỡ với Chủ tịch CSVN Trần Ðại Quang, Tổng thống Obama tuyên bố Hoa Kỳ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam mà không đòi hỏi phía Việt Nam phải làm bất kỳ điều gì. Lời tuyên bố này có phần nào gây khá nhiều bất ngờ cũng như làm cho nhiều nhà tranh đấu nhân quyền tại Việt Nam tỏ ra thất vọng. Mặc dù ông Obama có nói thêm rằng Hoa Kỳ sẽ xem xét kỹ từng trường hợp để có thể bán những vũ khí đó cho Việt Nam hay không. Tuy nhiên, lời nói này của ông Obama thực ra không có giá trị văn bản và trong những cuộc mua bán vũ khí trong tương lai, không bên nào bị ràng buộc bởi lời nói đó.

Trước khi đến Việt Nam, chắc hẳn ông Obama cũng thừa biết những gì mà chính quyền cộng sản Việt Nam đối xử với các tù nhân chính trị, các nhà hoạt động đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam hiện nay ra sao. Những hành động này từ phía chính quyền, gần đây nhất là những cuộc đàn áp đối với những người biểu tình bảo vệ môi trường, đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích gắt gao và kêu gọi phải có thay đổi. Những tổ chức nhân quyền như Freedom House đã nói rất rõ là dạo gần đây chính quyền cộng sản Việt Nam đang nỗ lực hạn chế hơn nữa tất cả mọi hình thức của những quyền căn bản đối với người dân trong nước.
Trong một bản báo cáo về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam, tổ chức Human Rights Watch đã đưa nhiều bằng chứng cho thấy có sự ngược đãi trắng trợn trên bình diện khắp nước từ phía chính quyền, trong đó có hăm doạ các nhà tranh đấu nhân quyền, công an sử dụng tra tấn đối với những người bị bắt, nhà nước đền bù không tương xứng cho người nông dân trên phần đất bị chính quyền cưỡng đoạt cho những kế hoạch phát triển và xây dựng, và tại Việt Nam hiện nay hoàn toàn không có các nghiệp đoàn lao động độc lập.
Cũng theo tổ chức Human Rights Watch, năm ngoái có ít nhất 45 bloggers và nhà tranh đấu tại Việt Nam đã bị những công an thường phục đánh đập. Và hiện nay chính quyền cộng sản Việt Nam vẫn đang giam giữ khoảng 150 tù nhân chính trị.
Dân số Việt Nam hiện được xem là tương đối trẻ và càng ngày càng được tiếp cận với những sản phẩm kỹ thuật hiện đại. Khoảng một nửa trong tổng số 94 triệu dân đã biết sử dụng internet, và hơn một phần ba được tiếp cận với những mạng truyền thông xã hội, trong đó có Facebook. Tuy vậy, truyền thông là một trong những phạm vi thuộc đời sống sinh hoạt của người dân vẫn đang bị chính quyền kiểm soát gắt gao nhất. Tổ chức Phóng viên Không Biên giới, xếp Việt Nam đứng thứ 175 trong danh sách 180 quốc gia và lãnh thổ về mức độ tự do báo chí, chỉ trích chính quyền đang ra sức đàn áp những nhà báo nào không đi theo đúng đường lối của nhà nước.
Hiện Hoa Kỳ là thị trường xuất cảng lớn nhất của Việt Nam và do đó, về phương diện kinh tế, Việt Nam cần Hoa Kỳ hơn. Một số tổ chức nhân quyền quốc tế vẫn luôn lên tiếng kêu gọi Hoa Kỳ cũng như một số quốc gia khác hãy lợi dụng ảnh hưởng kinh tế của họ thúc ép chính quyền cộng sản Việt Nam cải thiện nhiều hơn nữa quyền tự do cho người dân.
Chuyến viếng thăm của Tổng thống Obama đã được hàng chục ngàn người dân ở hai thành phố Hà Nội và Sài Gòn đứng đầy hai bên đường chào đón nồng nhiệt. Sự kiện này đã nói lên phần nào ước nguyện của người dân trong nước muốn có sự thay đổi và được thân thiện hơn với Hoa Kỳ.
Rất có thể ông Obama đã hối tiếc vì quyết định dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam mà không có bất kỳ một mặc cả nào vì ngay sau đó, trong cuộc gặp gỡ các nhà tranh đấu được tổ chức tại Toà Ðại sứ Hoa Kỳ, phía Hoa Kỳ được cho biết có nhiều nhà tranh đấu được mời đến gặp Tổng thống đã bị lực lượng an ninh và công an ngăn cản, và trong một vài trường hợp, có người đã bị bắt hoặc bị quản thúc ngay trước khi chuyến viếng thăm bắt đầu.
Tờ Guardian của Anh Quốc nhận định một cách chua chát rằng “cái giá phải trả cho sự thắt chặt mối quan hệ có tính chiến lược là vấn đề nhân quyền cũng chỉ là thứ yếu”.
Tuy nhiên, nếu nhìn ở khía cạnh tích cực thì quyết định dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam là một bước tiến quan trọng để mối quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam xích lại gần hơn, và như vậy cũng có nghĩa là Việt Nam sẽ dần tách ra khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc mà ai cũng thấy chỉ mang lại bất lợi cho Việt Nam. Quyết định này cũng giúp phía Việt Nam tự tin hơn trong chính sách chống lại sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Ðông và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ hiện bị cho là quá yếu ớt và khiếp sợ.

Nhìn chung, mục đích chuyến viếng thăm Việt Nam của Tổng thống Obama có thể nói được tóm gọn trong bài diễn văn ông đọc trước một cử toạ hai ngàn người trẻ tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Ðình (Hà Nội) là cả hai quốc gia nên bỏ qua những dị biệt trong quá khứ và hướng tới tương lai trong mối quan hệ thắt chặt và hợp tác toàn diện. Ông Obama nói rõ: “Mục tiêu của tôi trong chuyến thăm này là chúng ta xây dựng nền tảng ngày càng vững chắc hơn cho quan hệ hai nước trong nhiều thập kỷ tới.” Và, “Một tương lai tốt đẹp hơn là điều khả thi nếu chúng ta không còn là tù nhân của quá khứ.”
Mặc dù bị chỉ trích là đã không trực tiếp đặt vấn đề nhân quyền với chính quyền cộng sản Việt Nam, trong bài diễn văn trên, ông Obama đã nhiều lần nhắc đến những quyền tự do căn bản và lợi ích mà những quyền này mang lại. Trong đó có đoạn: “Khi có quyền tự do biểu đạt, tự do ngôn luận, tự do chia sẻ ý tưởng, và tiếp cận internet và các mạng xã hội mà không bị giới hạn, thì đó là nguyên liệu cần để thúc đẩy sáng tạo mà nền kinh tế cần có để phát triển… Khi có quyền tự do báo chí, các nhà báo và blogger có thể chiếu sáng vào những bất công và vi phạm. Ðó là cách bắt các công chức phải chịu trách nhiệm và xây dựng niềm tin chung rằng hệ thống làm việc có hiệu quả. Khi các ứng viên được chạy đua tranh cử và các cuộc bầu cử diễn ra tự do thì cử tri có quyền lựa chọn lãnh đạo cho mình trong các cuộc bầu cử tự do và công bằng. Ðiều đó làm cho đất nước ổn định hơn bởi người dân biết tiếng nói của mình có giá trị và sự thay đổi ôn hòa là khả thi.”
Mong rằng các bạn trẻ trong nước ghi nhớ những điều này và hy vọng các nhà lãnh đạo Việt Nam hiểu được phần nào qua những lời nhắn gửi đó.
VH