Menu Close

Những đứa con rơi

Sau sự kiện khủng bố 11 tháng 9 ở Mỹ, BBC phỏng vấn một bậc thức giả: “Tại sao Thượng đế lại để cho một sự việc tồi tệ như thế xảy ra?”

Ông ấy trả lời: “Bởi vì chúng ta không muốn Thượng đế can thiệp vào đời sống con người, và Thượng đế buộc lòng phải chiều ý chúng ta.”

Từ những thảm họa như thế, người ta thường băn khoăn: Thượng đế còn sống hay đã chết?  Hay là, Thượng đế vẫn sống nhưng bỏ mặc con người với số phận của nó? Phải chăng với Ngài, thì loài người là những đứa trẻ mồ côi, hay chúng là những đứa con rơi? Nhân loại là con rơi của Thượng đế ư?

Với phần lớn, những câu hỏi này là triết lý vặt, chỉ làm mất thì giờ, nhưng đối với những người có khuynh hướng nghiêng về đời sống tâm linh thì có khi lại là những vấn nạn quyết liệt, khẩn thiết.

Ðể bớt căng thẳng, tôi xin kể hai câu chuyện về những đứa con rơi, nhưng không là chuyện siêu hình cao xa, như con rơi của Thượng đế ở trên, mà là con rơi của loài người với nhau. Chuyện nhặt nhạnh đó đây còn đọng trong trí nhớ.

o O o

Hai chàng cao bồi miền Viễn Tây có chuyện xích mích, sau một hồi cãi vã, tay cao bồi trẻ thách cao bồi già đấu súng. Cao bồi già cương quyết từ chối dù bị làm nhục trước đám đông, bị mắng là hèn nhát. Cao bồi trẻ tìm đủ mọi từ ngữ nặng nề để khiêu khích đối thủ, nhưng cao bồi già vẫn cúi đầu nhịn, rồi lặng lẽ bỏ đi.

Vài ngày sau, khi tình cờ đi qua một cánh rừng, nghe tiếng súng nổ, cao bồi trẻ tò mò ghé vào xem thì thấy cao bồi già đang tập bắn súng một mình.  Anh ta thấy ông già tung rất nhiều vỏ lon lên cao như những cánh chim và cái nào cũng bị bắn nát trước khi rơi xuống với tốc độ rút súng và sự chuẩn xác kinh người. Từ nhỏ đến lớn, cao bồi trẻ chưa bao giờ được xem màn biểu diễn bắn súng nào ngoạn mục đến thế. Nấp sau một gốc cây lớn, anh ta lạnh toát người vì sợ, thầm nghĩ, nếu hôm ấy hắn nhận lời đấu súng với mình thì bây giờ mình đã nằm trong quan tài dưới lòng đất rồi.

Sau này, khi hai người đã hòa thuận với nhau, anh trẻ hỏi anh già: “Với tài thiện xạ ghê gớm của ông, cái đầu của tôi sẽ vỡ tung ngay sau viên đạn đầu tiên, thế mà sao ông vẫn chịu nhục, không đấu súng với tôi?”

Ông già thở dài, nhìn vào xa vắng: “Cách đây hai mươi năm, tôi có quen một người đàn bà, và tôi ngờ rằng anh chính là đứa con của tôi với bà ấy…”

Chuyện này chỉ có thế, kết thúc như thế nào thì tùy bạn đoán.  Tôi xin kể thêm chuyện nữa, chuyện này tôi nghe kể lại là chuyện thật,  thật mà như bịa, hay bịa mà như thật. Chuyện bể dâu, hồi thế kỷ trước.

Trưa nắng. Cô gái ra dáng tiểu thư, dừng xe gắn máy trước quán chè lề đường cạnh bờ sông. Ngồi dưới gốc cây ăn một ly chè hạt sen ngọt lịm, thơm ngát, thưởng thức làn gió từ sông thổi vào thú gấp trăm lần ngồi trong nhà hàng gắn máy lạnh. Cô nghĩ thế. Trong khi ăn, cô thấy ở bàn kề bên có một ông già, vẻ nghèo nàn, thỉnh thoảng lại nhìn trộm cô. Bắt gặp ánh mắt của ông, cô cảm thấy khó chịu.

Bỗng dưng ông già bước tới bên bàn, lên tiếng, giọng Huế nặng: “Cô ơi…”

Cô gái ngừng ăn, ngước lên.

Ông già ngập ngừng: “Xin lỗi… có phải cô là con bà Thu, Trần Thị Huệ Thu, người Huế, trước đây có vào sống ở Bồng Sơn, phải không?”

“Dạ… tên của mẹ cháu… chắc là mẹ cháu. Sao bác biết?” Cô gái ngạc nhiên.

“Cô… rất giống mẹ cô… giống lắm.”

“Dạ, nhiều người nói vậy. Bác biết mẹ cháu?”

Người đàn ông hơi mất bình tĩnh: “Biết. Tôi có biết… Tôi… Có phải… phía bên… dưới vai phải, mẹ cô có một vết chàm nhỏ…”

Ðến phiên cô gái mất bình tĩnh: “Sao bác biết? Bác là ai? Mẹ Thu của cháu mất hồi Tháng Ba năm rồi…” Nói xong, cô nhận ra mình đã lỡ lời khi xác nhận điều riêng tư với người lạ.

Ông già đổi sắc mặt, ông nghẹn giọng: “Trời ơi! Vậy sao…”

Cô gái hỏi lại: “Bác quen như thế nào với mẹ cháu?”

“Tôi không có ý gì. Tôi lên Sài Gòn làm giấy tờ, giờ chờ người tới đón về. Gặp cô ở đây là chuyện tình cờ. Tôi không biết phải nói như thế nào. Mà, cô tên gì?”

Trực giác báo cho cô gái phải cảnh giác. Cô nói, giọng cương quyết: “Bác không cần biết tên của cháu làm gì đâu!”

Ông già hẫng. Ông ngừng, để cả hai trấn tĩnh. Cô gái thấy mình hơi quá đáng, cô kéo ghế mời ông ngồi xuống, dịu giọng:

“Bác có chuyện gì muốn nói? Cháu không biết là có nên nghe chuyện của bác hay không… Nhưng nếu muốn thì bác cứ kể… nếu kể ra mà làm bác dễ chịu thì bác kể đi…”

“Thôi, tôi kể. Chuyện này dài. Tin hay không, tùy cô…” Ông già đắn đo, rồi nhìn thẳng vào mắt cô, ông kể: “Tôi gặp mẹ cô khi bà vào học ở Ðà Nẵng. Rồi yêu nhau. Tôi mồ côi, là lính, không có ai thân thiết. Vậy mà Thu bất chấp gia đình, bỏ học, vào sống với tôi ở đơn vị trong Bồng Sơn, gần một năm. Thu có về thăm nhà vài lần, rồi thôi. Ðến cuối 74 thì Thu có thai. Tôi đi trận, trận cuối, rồi bị bắt, rồi bị họ đưa ra Bắc, cải tạo gần 10 năm. Lạc nhau từ đó. Không tin tức. Trong trại, tôi nhờ người quen dò hỏi nhưng không tăm hơi chi cả. Về, tôi cũng cố công tìm kiếm, nhưng chỉ biết là Thu đã về với gia đình ở Huế hồi đầu năm 75, ngay sau khi mất tin tức của tôi. Tôi không có đủ giấy tờ. Ði lại quá khó khăn. Tôi lại nghĩ mẹ cô không muốn gặp lại tôi. Tôi tự ái, lại tủi thân. Nên thôi. Cuộc đời đưa đẩy, tôi vào Nam, về miền Tây, lập gia đình, làm ruộng rẫy sinh nhai từ đó. Gương mặt mẹ cô, tôi không quên được…”

Cô gái im lặng, tay cầm chiếc muỗng run run. Ông già nói tiếp, giọng dài dại: “Cô chính là hình ảnh của mẹ cô mấy mươi năm trước. Vẫn gương mặt đó, dáng ngồi đó, giọng nói đó… Tôi biết, nghĩ vầy là kỳ cục… Nhưng, lẽ nào cô là… con là… con gái của tôi…” Nói tới đây, mắt ông nhòa lệ.

Cô gái bối rối, rồi đứng dậy. Mặc ông già ngồi đó, cô bước vào trong quầy trả tiền cho ly chè của mình và cả ly cà phê đá của ông già. Trả tiền xong, cô bước thẳng ra chỗ để xe.

Khi ngang qua bàn, cô ngừng lại một giây, nói: “Cháu chào bác. Bác quên mẹ cháu và quên chuyện này đi.” Ông già thẫn thờ, ngó theo.

Khi dắt xe xuống đường, cô nghe ông già gọi: “Con ơi…!”

Cô gái ngoái lại.

“Con nè… Con có muốn mình gặp lại nhau không?”

Cô gái đã bình tĩnh. Cô nói: “Thôi… Thôi, bác à. Cháu thấy không cần thiết đâu!”

Ông già nói với theo, tuyệt vọng: “Có bao giờ con nghe mẹ nhắc ai tên Danh không?”

“Không! Mẹ cháu chết rồi… để bà yên!”

Xe chạy. Chuyện chỉ có vậy. Chuyện rơi.

NQT