Phương cách các nước độc tài dựng tường lửa
Bắc Hàn trước đây dùng kỹ thuật của Trung Cộng sau lại tách ra theo con đường riêng; Cuba lẫn Việt Nam cũng dùng kỹ thuật của Trung Cộng là chính trong khi các nước Saudi Arabia, Bahrain, Belarus, Burma, Syria, Uzbekistan, Turkmenistan thích dùng kỹ thuật của Châu Âu và Hoa Kỳ.
Hiện tại Việt Nam có kỹ thuật tường lửa mua từ Cisco (Hoa Kỳ), ZTE (Trung Cộng) và Huawei (Trung Cộng).
Internet tại Việt Nam
– Dân số: 91,500,000
– Người dùng mạng lưới nhện toàn cầu (Internet): 31,000,000
Tính trung bình cứ 3 người Việt thì có 1 vào mạng lưới nhện. Tại Hà Nội và Sài Gòn, có đến 95% thanh thiếu niên ở tuổi 15 đến 22 vào mạng lưới nhện toàn cầu. Báo cáo của công ty Akamai về tốc độ trung bình khi vào mạng lưới nhện toàn cầu của Việt Nam năm 2012 là 1.25 Mbps, thấp hơn so với Thái Lan và Nam Dương. Tốc độ trung bình khi vào mạng lưới nhện toàn cầu của thế giới là 2.3 Mbps.

Cuối năm 2015 – và nhất là đầu Tháng Năm 2016 – tốc độ kết nối của Việt Nam với thế giới giảm mạnh. Lý do: Nhà cầm quyền cố tình hạ tốc độ để giới hạn tin tức từ trong lọt ra ngoài và từ hải ngoại lọt vào nước. Nhà cầm quyền giới hạn tốc độ kết nối trên toàn quốc bằng cách ra lệnh các công ty cung cấp dịch vụ nối mạng đồng thời hạ tốc độ.
Tại Việt Nam, tất cả dịch vụ và phương tiện truyền thông đều là công cụ của nhà cầm quyền. KHÔNG CÓ CÔNG TY CUNG CẤP DỊCH VỤ NỐI MẠNG NÀO THUỘC TƯ NHÂN. Hai công ty cung cấp dịch vụ nối mạng chiếm 74% thị trường tại Việt Nam (Vietnam Posts và Telecommunications Group) là công ty quốc doanh. Công ty Viettel thuộc quân đội. Trên danh nghĩa FPT Telecom là công ty tư nhân nhưng mua đường truyền từ Vietnam Posts, Telecommunications Group và Viettel, và là công ty “tuân thủ luật lệ” của nhà cầm quyền nhất.
– Nhà cầm quyền ra lệnh dựng tường lửa, các ISP (công ty cung cấp dịch vụ nối mạng) sẽ làm theo.
– Cơ quan OpenNet Initiative (OpenNet Initiative) có danh sách tất cả trang nhà bị kiểm duyệt (cấm) tại Việt Nam. Danh sách này thay đổi thường xuyên.
– Một trong những kỹ thuật kiểm duyệt/cấm/ngăn chặn mau chóng và thường dùng nhất tại Việt Nam là cấm địa chỉ DNS (Domain Name Server). Ví dụ muốn cấm Facebook.com, các ISP sẽ bỏ tên trang nhà Facebook.com vào hồ sơ đen, từ đó trở đi bất cứ thứ gì dính dáng đến Facebook.com (như Facebook.com.vn) đều bị chận. Tuy nhiên mỗi ISP tại Việt Nam lại có “lệ làng” riêng, nhiều lúc bỏ qua “luật vua”: Vietnam Posts chận Facebook nhưng Telecommunications Group và Viettel lại không. FTP chận theo vùng.
– Một kỹ thuật khác nhà cầm quyền tại Việt Nam dùng là Man In The Middle: Ngăn chặn data gửi tới các trang nhà có áp dụng kỹ thuật an ninh SSL (Secure Sockets Layer) – như Facebook.com (để ý sẽ thấy toàn bộ địa chỉ trang nhà của Facebook là “https://www.facebook.com/”, mẫu tự s trong https chỉ ra rằng trang nhà này đang dùng SSL)-. Cũng nên để ý là mỗi khi có tin quan trọng xảy ra – như bloggers bị bắt, bloggers ra tòa, cá chết hàng loạt dọc bờ biển Việt Nam…, công an mạng sẽ ra sức chiếm trương mục của người dùng muốn vào mạng để loan truyền tin tức đến cộng đồng thế giới, đồng thời tốc độ nối mạng trên toàn Việt Nam bị cắt giảm mạnh.
Việt Nam theo dõi người sử dụng điện thoại thông minh/Tablet PC nối mạng như thế nào
Công ty cung cấp dịch vụ nối mạng tại Việt Nam cũng thầu luôn việc cung cấp dịch vụ điện thoại di động. Việt Nam có hơn 91 triệu dân nhưng lại có hơn 119 triệu trương mục ghi danh sử dụng điện thoại di động. Thống kê cho thấy 91% người Việt dùng trương mục điện thoại di động để nối mạng. Thống kê không chính thức cho thấy khoảng 1,000 công an mạng chú tâm theo dõi và nghe lén điện đàm của người dân hoạt động cổ vũ nhân quyền hay “chống phá đảng và nhà nước”.
(Còn tiếp)