Một người đàn bà, hai đứa con gái sống chung đụng với nhau trong một căn gác diện tích không quá mười hai mét, thường đôi khi cũng xảy ra những chuyện không vui, đôi điều không hay. Như bữa nọ đi ở đâu về chị Châu bỗng giẫy lên than trời trách đất, kể lể oán than đứa nào ăn báo cô ở nhà chị, phơi quần áo lót không biết nhìn trước ngó sau, đem mắc ngay trước cửa sổ buồng thờ của nhà bên cạnh để người ta qua chửi chị là đồ đĩ. Mặt chị Châu đỏ hầm hầm, mắt chị không nhìn ai mà cũng như đang lấy dao lia tứ phía. Hai má Thư cũng nóng bừng lên vì xấu hổ, mấy áo lót phơi ở ngoài dây của con Nhung không phải của Thư, nhưng mấy chữ “ăn báo cô”, “đồ đĩ” chị Châu rỉa rói làm Thư nhục nhã chín người. Con Nhung đang ngồi ở trên giường nhảy bay ngay xuống đất, ăn miếng trả miếng: “Mả cha con nào ưa tật chửi xéo! Tiền nhà, tiền chợ, tiền điện, hết bao nhiêu tính liền đi. Bao nhiêu con này chi hết!” Nói rồi nó lôi dưới mặt nệm một xấp bạc quẳng ra trước mắt chị Châu. Con Nhung còn phun châu nhả ngọc hồi lâu, hai mắt nó xếch lên trợn như Tào Tháo chém Vương Hậu. Thư chỉ biết cúi gầm đầu không dám hé răng. Ði làm sáu tháng mà Thư chưa dành dụm được đồng nào, tiền làm mỗi đêm tưởng dư mà cuối cùng chỉ đủ trả tiền mướn áo, son phấn, ăn một hai tô mì mỗi ngày và đóng hụi chết cho Dân Phòng, có đâu để mà phụ với chị Châu. Trước, Thư cứ ngỡ chỉ phải chung chi cho bảo kê tiệm múa, hóa ra còn phải chi cho bảo kê khu vực với xung kích phường đội… Xã hội vô sản mà có tới triệu thứ chi “ngoài luồng” cho tiếp viên “chưa vào biên chế”.

Không khí trong phòng trở nên ngột ngạt, oi bức. Tiếng thở của con Nhung hậm hực, hơi thở hổn hển của chị Châu cố đè xuống. Vòi nước rỉ ở bồn cầu cứ chảy giọt giọt muốn vỡ đầu. Thư giả tảng ngó lơ hai con thạch sùng rượt nhau trên vách, nhìn lơ cánh gián chết khô kiến đang tha, vờ không hay biết. Bữa đó, chưa bao giờ Thư thấy chị Châu với con Nhung gây lộn dữ như vậy.
Lần khác, chị Châu có khách, đang giữa giấc trưa trời cháy nắng chang chang, Thư với con Nhung buồn ngủ ríu mắt bị chị Châu dựng dậy bắt xuống đường để cho chị tiếp bạn cũ. “Nhà chật hai đứa nằm phơi bưởi trơ ra đó ai dám vô.” Chị Châu vừa đuổi ra cửa, vừa chửi khéo. Thư biết chị Châu mỉa “trên cam dưới mít” vì con Nhung ăn mặc hớ hênh nhưng ở nhà lúc nào Thư cũng đắp đồ bộ, áo lụa quần là, chỉ để ngỏ cúc ngực cho dễ thở. Thư cũng biết phận mình ăn nhờ ở đậu, lại nghĩ tình chị em, cũng thông cảm cho chị Châu nên lẳng lặng đi xuống thang gác. Chỉ có con Nhung là vùng vằng ra mặt. Nó vừa bước sau lưng Thư vừa lầm bầm rủa sả gì đó trong miệng. Hai chị em ra ngồi hứng nắng dưới cái cột đèn góc Trường Chinh có treo băng-rôn “Người muôn đời soi sáng”. Con Nhung ngồi lâu bức bối, rủ Thư đi mua thuốc Hero với nó, Thư thắc mắc tại sao bạn cũ không dắt ra cà phê tâm sự? Con Nhung lườm nguýt không đáp.

Lần khác, chị Châu tiếp bạn lâu, Thư với con Nhung phải lang thang vỉa hè xuống Cách Mạng Tháng Tám mua xôi soài ăn tạm. Nhiều bận chị Châu kéo Thư ra riêng, than thở: “Các em thương chị, bỏ qua mấy lúc chị nóng, cuộc đời nó làm chị điên cái đầu. Chị thân gái già không ai ngó…” Lần nào nước mắt chị cũng lã chã làm Thư mủi lòng, bởi tánh Thư dễ xúc động trước cảnh khổ của người khác. Mà chị Châu tình cảm hơn Thư tưởng, chị xếp gấp quần áo cũ cẩn thận, ngăn nắp cẩn trọng như người ta giữ gìn một kỷ niệm vô giá. Chị lựa mấy bộ áo thêu tặng cho Thư, nói “hàng lụa Nhật Bổn quý lắm, cưng đi bóp eo về là mặc được.” Rồi chị vuốt má Thư: “Sau này có gia đình chị may bao gối hồng loan cho, đầu năm sẽ sanh trai…” Thư bật cười, người yêu không có lấy đâu ra con, nhưng Thư thật sự tin chị Châu thương mình.
o O o
Lễ Ðộc lập Thư dậy trễ, đầu óc bần thần vì ác mộng. Hồi tối bị khách sờ mó, mấy ngón tay khách theo Thư vào tận giấc ngủ. Thư mơ thấy mình trôi tuột xuống cống, bên dưới đầy cá chết, từ miệng cá dòi lúc nhúc chui vào miệng Thư, rồi từ từ biến thành những ngón tay khách cựa quậy… Thư choàng thức lúc chị Châu đi chợ. Con Nhung rửa mặt xong từ sau bếp trở ra. Vẻ mặt nó sao buồn rượi. Nó bỏ điểm tâm lầm lì thay áo. Thư ngạc nhiên thấy con Nhung hôm nay không buồn trét son phấn, bình thường môi nó lúc nào cũng đỏ chót như chào mào. Nó lôi từ trong tủ ra một chiếc áo dài trắng có đính phù hiệu. Con Nhung mặc vô mình rồi nhờ Thư thắt bím hộ. Mái tóc nó gội chanh chảy xõa mượt mà xuống lòng bàn tay Thư như suối nước. Thư linh tính có chuyện gì. Tự nhiên con Nhung xoay người, úp hẳn mặt nó vào má Thư. Khuôn mặt nó để trần mát mịn như trái táo bổ đôi. Con Nhung ôm bấu lấy Thư, cử chỉ khó hiểu, dáng vẻ buồn thái quá của nó chợt làm Thư thắc thỏm. Thư gặng hỏi ba bốn bận mà nó nhất định không khai. Con Nhung lại lôi ở xó nhà ra một chiếc nón bài thơ. Trông nó xách cặp, đội nón Phú Cam, đi guốc quai viền, không khác chi nữ sinh Ðồng Khánh cắp cặp đi học về ngang qua bến tòa Khâm. Thư nhìn con Nhung chết trân, bỗng nhiên Thư đoán có chuyện chẳng lành xảy ra. Giọng con Nhung nghẹn ngào muốn khóc. “Hạnh phúc lớn nhất của một người con gái là được trao thân cho người mình yêu, phải không chị Thư?” Người Thư lạnh hẳn đi. Lần đầu tiên con Nhung gọi Thư bằng chị. Lần đầu tiên nó băn khoăn trinh tiết. Con Nhung tiếp tục ngó Thư bằng cái nhìn van lơn của một con vật. “Chị xem em có già lắm không? Bà Phát đi nói với người ta là em mới mười lăm. Anh Tâm mà biết em như vầy chắc giận em đến chết…” Lúc nãy con Nhung lầm lì bao nhiêu, thì bây giờ nó nói như lên đồng. Hai tay con Nhung chắp lại giống muốn van vái, mới ban sáng nó còn vươn xòe đôi tay nhỏ bé đón chào ngày mới, giờ nó ôm vòng Thư. Giọng nói nó run run mỗi lúc một tức tưởi đau khổ gần như lảm nhảm: Bà Phát lấy tiền của người ta bắt nó ở đêm với mấy cha củ sâm. Phải mà chị Châu đừng có nợ nần thì nó đâu có chịu. Con Nhung kể lể: Bữa trước người nó bị bầm cũng là tại bà Phát bắt nó đi khách, mấy lão già dịch Phúc Kiến thích nó gọi bằng Pá, vừa đấm bóp vừa ngâm thơ… Con Nhung khóc thành tiếng. “Em khổ quá chị Thư ơi…” Tiếng khóc của nó thảm thiết ai oán. Thư chết lặng cho đến lúc chị Châu ở ngoài đầu ngõ về. Vừa bước vô trông thấy cảnh tượng, hiểu là Thư đã biết hết mọi chuyện, chị Châu xổ òa tóc tai bù lu bù loa vập đầu xuống nền. Chị vật mình vật mẩy, lạy con Nhung xin tha cho chị, bởi chị nợ ngập đầu, ngập cổ, nó mới phải kiếm thêm giúp chị hoàn nợ. Chị rống lên kiếp này xem như chị chết đun trong vạc dầu. Căn buồng ngập tiếng khóc, người ngoài nhìn vào tưởng nhà có đám ma. Cổ họng Thư thắt nghẹn, ban đầu thút thít rồi nước mắt chảy thành dòng, thương con Nhung quá Thư cũng khóc theo. Ba chị em ôm nhau, chốc chốc giựt mền chiếu đay nghiến cuộc đời chó cắn, lúc đạp tung chăn gối xiêu lệch. Khúc cá thu với bó rau muống chị Châu mới đi chợ xổ tung dưới đất bầy hầy chẳng ai buồn lượm. Thư giận chị Châu hỏi nợ chi? Chị Châu rên nửa lạng vàng. Thư tức quá, hét: “Trời ơi, ba chị em sống chung có tiền cùng hưởng, đói khổ cùng chịu, cớ gì mà bắt một mình con Nhung hứng hết!” Chị Châu gào lên: “Các em ơi, các em ơi… thân chị bèo nhèo không ai chịu, nếu còn son trẻ chị sẽ gánh hết!” Chị vập đầu vào vách, kêu trời kêu đất, chị biểu ông trời cho chị chết đi, bắt chị sống làm chi mà mang tiếng ác. Ðể con Nhung sống kiếp đời thơ dại của nó. Chị Châu vụt chạy vào bếp lục con dao tự cứa mạch máu. Lưỡi dao nhọn hoắc vừa chạm cổ tay chị là máu ứa ra rồi xịt có vòi, bắn lênh láng khắp phòng. Máu tuôn ròng ròng nhểu lệt bệt dưới đất. Con Nhung hốt hoảng rú lên như cha chết mẹ chết. Thư cũng hãi, cố giằng con dao khỏi tay chị Châu. Máu ở cổ tay chị tiếp tục chảy, máu lai láng dính qua tay Thư đỏ hỏn. Máu vấy bê bết chiếc áo dài nữ sinh của con Nhung như nó có kinh nguyệt bất chợt. Chị Châu gào: “Ối em ơi, các em ơi… Chị lạy em, chị lạy em…” Thư mím môi giằng bản dao sáng lóe, phải khó khăn lắm, dùng hết sức bình sinh Thư mới giựt được con dao trong tay chị Châu. Thư lấy muối, thuốc lá, sả bào đắp lên vết cắt cho cầm máu. Căn gác như vừa hứng bão, bị lốc thổi tan hoang, tan tác ở ngoài mà cũng tan tác trong lòng ba chị em.
(còn tiếp)