Nhiều người cho rằng Thanh Hóa là thủ phủ của cá. Hai chữ “thủ phủ” ở đây không hàm nghĩa số nhiều hoặc nơi xuất phát nhưng người ta lại hiểu theo nghĩa đây là nơi an toàn nhất của cá, là nơi có nhiều giống cá quý và đặc biệt là nơi điềm trời đã báo về suối cá thần. Nghĩa là con cá xứ Thanh ngoài ý nghĩa sạch, bổ dưỡng còn có ý nghĩa về tâm linh. Nhưng đó là chuyện đã cũ. Chỉ trong vòng chưa đầy nửa tháng, niềm tin mấy trăm năm hoàn toàn sụp đổ vì cá chết.
Cá trên sông Bưởi chết hàng loạt, cá ở cửa biển Tĩnh Gia cũng chết trắng mặt nước. Nghe đâu cá thần trên suối cá thần ở Ngọc Lặc cũng còn thưa thớt. Ðiều này khiến người ta nghĩ đến hai vấn đề: hoặc là thần linh đất Việt đã hoàn toàn hết thiêng và người ta đã bắt trộm cá thần đi bán; hoặc là cá thần chết dần và thần linh báo triệu điềm xấu.
Suối cá thần ở Ngọc Lặc
Và cả hai hướng này đều cho chung một kết quả không hề tốt: niềm tin người dân đã mất, thật sự mất, người ta đâm ra hoang mang trên mọi nghĩa.

Như lời của ông Trung, người nuôi cá lồng, bè trên sông Bưởi nhưng lại có nhà ở tận Ngọc Lặc, nơi gần suối cá thần: “Chưa bao giờ chúng tôi thấy hoang mang như lúc này. Cá chết hàng loạt, mà sợ nhất là tự dưng cá thần giảm số lượng đáng kể!”.
“Trong khi cá ở suối này rất thiêng. Thời Pháp thuộc, ông nội tôi chứng kiến hai ông Tây săn cá dưới suối về ăn, ngày hôm sau lăn ra chết. Sau này ai ăn cá cũng lăn ra chết. Ðương nhiên không phải chết vì cá độc bởi cái chết của họ rất lạ; có người đang ngồi hóng gió bị xà nhà gãy đụng đầu, chết; có người bước xuống suối tuột chân, chết; có người ngủ đêm tới sáng, chết… Mà cái chết nào cũng xảy ra sau khi ăn cá vài ngày.”
“Từ đó người Pháp họ tin rằng đây là suối cá thần. Cá trong suối chỉ toàn là cá quả, miền Nam gọi là cá lóc, miền Trung gọi là cá tràu, số lượng thì nhiều vô kể. Bình thường chúng chỉ bơi ra ngoài chừng vài trăm con hoặc vài ngàn con thôi. Số còn lại nằm trong hang đá, ngày Rằm và Mồng Một mới xuất hiện nhiều. Tôi đoán là cả triệu con chứ không giỡn đâu. Ðặc cả con suối. Có nhiều con cái đầu nó to và u nần, đoán cũng cả trăm tuổi và nặng vài ký.”

“Nhưng suốt hai tháng nay, Rằm và Mồng Một tôi lên đó cho cá ăn, thường thì dân nuôi cá như tôi hay lên cho cá ăn để xin lệnh của các ngài bề trên, xin lộc để về nuôi cá được tốt đẹp. Nhưng hai cái Rằm tôi không nhìn thấy những con cá lớn như trước. Chắc là chết hoặc bị bắt rồi!”
“Người ta nói rằng cá này linh lắm. Nhưng cụ thể là linh như thế nào thưa ông?”, tôi hỏi.
“Thời Pháp thì người ta đã thờ suối cá này rồi. Người Mường người ta thờ phụng, cúng vái, mình không biết được họ thờ lúc nào. Nhưng có hai ông lính Pháp bắt cá về ăn, sáng hôm sau đi hành quân bị nổ mìn chết. Bà con nói rằng ổng chết là do ăn cá thần. Ông chỉ huy của ông nghe vậy nổi giận, lên đánh trái đạn xuống suối cá và mang về ăn. Sáng hôm sau ổng chết trên giường ngủ mà không rõ nguyên nhân. Và còn nhiều cái chết khác liên quan đến ăn cá trên suối nên người ta kiêng luôn từ đó.”
“Cá trên suối cá thần thì rất dễ bắt bởi lâu nay người ta thờ phụng, cúng vái, và cho nó ăn, nó thân thiện với con người lắm. Do vậy, nếu muốn bắt thì chỉ cần vãi một ít cám xuống suối là có thể vớt đến cả trăm con. Hy vọng là người ta không bắt trộm. Thời bây giờ thứ gì cũng có thể bị trộm, tượng Phật cả ngàn năm trong chùa mà người ta còn trộm. Huống gì cá đồng đang có giá…!”

“Chuyện cá thần liên quan gì đến cá chết trên sông Bưởi và cửa biển Tĩnh Gia thưa ông?”, tôi hỏi.
“Tôi không nghĩ là liên quan theo nghĩa thông thường, mà đó là điềm triệu vô hình. Hiện tại thì ở Thanh Hóa này có quá nhiều chuyện để nói”.
Từ cá chết đến biểu tình và những khúc mắc
Tạm biệt ông Trung, chúng tôi tiếp tục đi vào làng nuôi cá ở Quảng Xương. Những người nông dân nuôi cá ở đây không mấy vui vẻ mặc dù hiện tượng cá chết chưa xảy ra ở đây. Nhưng theo ông Thu, một nông dân nuôi cá trắm và cá trê: “Tình hình ở đây cũng bi thảm, chưa biết bao giờ đến lượt cá hồ mình chết đây!?”.

“Bởi vì các con sông đều nhiễm bẩn do các công ty xả nước thải. Nhưng đáng sợ nhất là khu hỏa thiêu, còn gọi là nhà vĩnh cửu cách khu vực chúng tôi chưa đầy một cây số. Hệ thống nước thải của khu vực này xả ra sông. Mà chúng tôi lấy nước sông để nuôi cá. Có nhiều bữa thấy nước đen ngòm. Chúng tôi hết muốn nuôi cá. Nhưng không nuôi cá thì lấy gì để sống đây!”
“Khu hỏa thiêu này lớn nhất Thanh Hóa, là khu tập trung từ thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, thậm chí trên Bắc Giang, Bắc Ninh người ta cũng đưa xuống đây thiêu. Mỗi ngày có tới năm, sáu đám tang vào đây. Nhưng khu vực này lại không có trạm xử lý nước thải và cũng không có trạm xử lý chất thải. Hoàn toàn thải vào sông…”
“Bà con mình đã có ý kiến hay khiếu kiện gì với chính quyền địa phương không vậy bác?”

“Có chứ, nhưng mình là dân, có khiếu nại hay khiếu kiện gì cũng bằng thừa vì trong xóm của mình không có quan chức. Nếu trong xóm mình có người làm lớn thì không cần kiện tự nhiên môi trường cũng sạch à. Còn toàn dân đen thì có kiện cho lắm thì cũng thành đống rác thôi!”
“Bác không tin vào luật pháp sao?”
“Chú là nhà báo mà ưa nói cắc cớ vậy? Cái xứ này có ma gì luật pháp mà luật với pháp. Xứ này thằng nào mạnh thằng đó sống, thằng nào chơi thân với Trung Quốc thằng đó giàu. Còn dân đen như tôi đây thì khỉ chó cũng muôn đời chó khỉ!”
“Bác có theo dõi vụ biểu tình phản đối ở Sầm Sơn không?”

“Có chứ, dân Thanh Hóa thì ai mà không biết vụ này. Vấn đề là họ có cái gốc mạnh quá nên mình chịu thua thôi chứ làm gì được. Biểu tình cho lắm thì cũng rơi vào bẫy của người ta thôi. Nghĩa là nó định quy hoạch theo mức A là nó đủ thu lãi. Thấy dân hiền quá, nó nhảy sang mức B. Khi dân nổi dậy biểu tình thì nó bày trò kéo dài thương thuyết đủ thứ, sau đó kéo lùi về mức A ban đầu. Dân tưởng nó nhượng bộ chứ thật ra nó đâu có mất thứ gì, dân mới mất.”
Ông nói tiếp, “Mà tôi rất là nghi ngờ vụ cá chết. Bởi hiện tại, đều dính đến quán xá du lịch biển và bãi đậu tàu thuyền đánh cá. Hiện tại, cá chết, các bãi biển vắng khách và người làm dịch vụ nản, bỏ nghề, lúc này lại thấy cần nhận tiền đền bù để mà dzọt chứ ngồi đó ngáp gió nhìn biển thì càng chết. Ðau là người Trung Quốc không cần giết dân mình, họ chỉ mượn tay người mình để giết người mình thôi. Họ mượn tay kẻ quyền thế để giết cả một nhóm nghề của người Việt, họ mượn tay đám du côn đi chém người mình; họ muốn gì cũng được, miễn là có tiền, nhiều tiền thì muốn lớn có lớn muốn nhỏ có nhỏ!”
“Bác nghĩ chuyện cá chết có thể giảm khi mùa mưa tới không?”

“Tôi nghĩ chuyện cá chết chỉ mới là khởi đầu thôi. Người dân mình còn phải chết nhiều thứ khác nữa. Ðôi khi tôi cũng hy vọng mùa mưa tới nước biển sẽ loãng, sẽ giảm số cá chết. Nhưng mà Formosa nó mới chạy thử đã chết hàng loạt như vậy thì khi nó chạy thật rồi sao?… Khổ lắm!”
Hai chữ “khổ lắm” mà ông buông thõng trước lúc tạm biệt làm cho buổi chiều trên đất xứ Thanh trở nên nặng nề và trống rỗng.
HL