Dẫu yêu thương và tự hào đến đâu, chúng ta không thể bàn cãi Việt Nam là một đất nước rất nhỏ bé trong mắt thế giới. Nhưng những cái nhất của Việt Nam luôn đứng hàng top thế giới, đặc biệt là những cái nhất liên quan đến con người. Mời các bạn hãy cùng tôi nhìn lại và “hú hồn” khi bản thân vẫn còn “nguyên vẹn” để đọc những dòng này.

Tuy là đất nước được Google Trends tiết lộ là nơi có tìm kiếm từ khóa “sex” cao nhất thế giới nhưng tỷ lệ nạo phá thai của Việt Nam lại cao nhất Ðông Nam Á, đứng top 5 thế giới , từ đó chúng ta có thể thấy việc được sanh ra ở đất nước này là một kỳ tích. Sự “kỳ tích” sẽ luôn theo chúng ta đến suốt cuộc đời với những con số đầy… kỳ tích khác. Ngoài những vấn đề trên, Việt Nam còn là đất nước có không khí bẩn trong top 10 thế giới, tỷ lệ trẻ em chết vì tiêm vắc xin cao nhất Ðông Nam Á, tỷ lệ trẻ chết đuối, tự kỷ và trầm cảm cao nhất thế giới, tỷ lệ người chết vì ung thư và tai nạn giao thông cũng đứng hàng top thế giới. Bên cạnh đó là giá sữa, giá thuốc Tây, giá các dịch vụ y tế cũng cao nhất thế giới tỷ lệ thuận với… tỷ lệ người nghèo đứng hàng top thế giới….

Ai đọc đến đây chắc có lẽ dường như cũng có thể thở dài ngán ngẩm vì độ bi quan của tác giả. Cũng có thể tự chứng minh rằng trẻ em bây chừ cái gì cũng khá hơn trước rồi, chúng sống trong một đất nước yên bình, được tiếp cận với thế giới phẳng, có nền công nghệ thông tin tốt. Ðược đi du lịch nhiều và có nhiều điều kiện hơn hẳn với “ngày xưa”. Vâng, không thể bàn cãi. Vì hàng ngày tôi đều thấy trong các tiệm game đa phần là con nít, trong các hang cùng ngõ hẻm là con nít cầm điện thoại, iPad “tiếp cận công nghệ” bất kể ngày đêm. Bắn bi, nhảy dây, thả diều, tắm mưa là điều không tưởng cho một đứa trẻ thị thành vì môi trường ô nhiễm, nạn bắt cóc, khu vực sinh hoạt ngày càng thu hẹp, quỹ thời gian cha mẹ khiêm tốn, quỹ học tập ngày càng chật cứng không hề phục vụ nổi nhu cầu tuổi thơ cho các em. Bù vào đó chúng ta có thể chứng kiến các quán nhậu ngày cuối tuần cũng không ít con nít, đứa đi theo ba mẹ, đứa thì bán hàng rong. Bên cạnh những đứa trẻ bị ép học đến trầm cảm, hóa điên là những đứa trẻ mãi mãi ngủ trên tay những người “mẹ” ở các ngã tư đông đúc. Bên cạnh những thần đồng nhỏ tuổi là những cái đầu vẩn đục vì sự phát triển chóng mặt theo nghĩa đen của nền văn hóa lai tạp, sự dạy dỗ chảy theo lối mòn của ngành giáo dục nước nhà. Các em bị buộc phải học thuộc thay vì sáng tạo, phải ghi nhớ thay vì hiểu rõ. Sài Thành hoa lệ. Hoa cho “con ông cháu cha”, lệ cho… con cha cháu ông.

“Trước ngày Tết Thiếu Nhi, thằng nhỏ đòi mua đồ chơi. Hắn lục khắp My Kingdom và chọn mua được chiếc xe có điều khiển từ xa. Nhìn lui nhìn tới thì sản phẩm có dán chữ Made in China, nhưng thôi kệ, mua luôn vì con thích và sản phẩm cũng khá đắt tiền (gần 400 ngàn đồng). Cứ tin là sản phẩm Trung Quốc chất lượng cao, nên mua vì niềm vui của con. Có đồ chơi nhưng không có không gian để chơi. Ðất chật, người đông, cho con ra ngoài chơi thì nguy hiểm, thôi đành bảo con điều khiển xe chạy lui chạy tới trong không gian mười mấy mét vuông của văn phòng vậy. Tuy vậy, nhìn con no đủ mà thấy nhớ tuổi thơ thiếu thốn của mình, đói mà… đẹp làm sao!”

Ðó là một tâm sự của một người cha trên mạng xã hội nhân ngày Tết Thiếu Nhi 1/6 ở Việt Nam. Khái niệm “Tết Thiếu Nhi” ở các nước phát triển có phần xa lạ, vì ở nước họ hầu như ngày nào trẻ em cũng được quan tâm hàng đầu. Còn ở Việt Nam, có lẽ hai chữ thiếu nhi chỉ được nhắc nhiều nhất vào ngày 1/6 và Tết trung thu hàng năm mà thôi. Một người cha dầu sợ hãi nhưng vẫn không thể tước đi cái quyền vui chơi nhỏ bé của con mình.
“Con à, Mẹ không cần con phải hơn người khác, Mẹ chỉ hy vọng tương lai sau này con sẽ có quyền lựa chọn, lựa chọn cho mình một công việc có thời gian, có ý nghĩa, có đam mê, chứ không vì buộc phải mưu sinh. Ðiều đó quá khó ở đất nước này phải không con….”

Ðó là một lời nhắn gửi của một người mẹ, cô không đủ tài chính lo cho con mình đi Tây để “tỵ nạn giáo dục”, cô chỉ biết dành những thứ tốt nhất cho con mình. Một người mẹ phải lựa loại thực phẩm ít có hại nhất trong vô vàn loại thực phẩm đầy chất cấm, chất độc cho bữa ăn của con mình. Một người mẹ phải chọn một môi trường ít có hại nhất trong vô vàn cạm bẫy, ở nơi mà không khí cũng không sạch sẽ này cho đứa con bé bỏng chưa đủ lớn để hiểu và bảo vệ mình. Một người mẹ, có lẽ, cũng đang say sóng giữa các luồng thông tin bùng nổ hiện nay.
Thật ra khi nhắc lại câu của thi sĩ Tản Ðà “Dân hai nhăm triệu ai người lớn/ Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con”. Tôi cảm thấy mình khá “a dua” theo số đông khi nhận định “hỗn hào” như vậy. Nhưng thực trạng trước mắt đã khiến tôi tin vào hai câu thơ trên tuyệt đối. Chúng ta như đang bị lạc vào cơn say choáng của sự nhiễu loạn thông tin, “lề phải” lề trái. Những người trưởng thành bất kể lúc nào cũng có thể co rút và quay về thể trạng của một “đứa trẻ sống lâu”, họ quay sang cuồng nộ với nhau trước những luồng thông tin chảy tràn như vũ bão vào tai mắt hàng ngày. Từ vụ người bán hàng rong bị cảnh sát quật ngã vừa dứt, rồi đến vụ án quán cà phê Xin Chào đầy Zích Zắc, cá chết hàng tháng trời ở khắp nơi không được công bố nguyên nhân, rồi thì đến việc người đi biểu tình bị đánh, ồn ào quanh chuyện Obama đến Việt Nam, ầm ĩ chuyện VTV “đấu tố” Phan Anh, vụ án URC hàng tỷ đồng với những nhà báo nhận tiền biên bài vô nhân tính, hai người công dân Mỹ bị bắt cóc, anh Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực trong tù. Mọi thứ khiến đám đông sục sôi và hoảng loạn, họ chia phe đấu tố nhau không kể thân quen. Nhưng sau một ngày, thậm chí một giờ có tin tức mới, họ sẵn sàng quên hết và chạy theo “thời cuộc”. Vụ án Xin Chào vẫn đang phát sinh, những người bán hàng rong vẫn đang bị chèn ép, cá vẫn chết lây lan diện rộng, Obama đã đi ra khỏi VN nhưng những tù nhân chính trị vẫn đang không biết trước được tương lai số phận của mình lẫn đất nước họ đang đấu tranh. Những con người chạy theo thời cuộc cũng vậy, họ và tôi và bạn, vẫn đang mịt mờ khi nhìn vào vận nước, số phần của “thế giới ngày mai” tại đất nước này. Trong đó là những người cha, người mẹ hoang mang cho tương lai những đứa con đáng thương của mình.

“Chúng ta đang ở một đất nước mà hôm trước người ta có thể sục sôi ca ngợi một cô bé 8 tuổi đã gửi thư yêu cầu Tổng Thống Obama quan tâm đến tình trạng môi trường nơi mình đang sống và hôm sau họ lại có thể sục sôi chửi rủa 2 người mẹ dám mang con mình đi góp tiếng nói vì môi trường nước nhà bị đe dọa. Các bạn hãy tỉnh táo trước khi dạy dỗ con mình, hãy quan tâm và phân tích… động cơ của chính mình trước khi thực hiện nó nhé! Thân!”

Ðây cũng là một chia sẻ của một người mẹ trẻ trăn trở giữa sự giáo dục con cái và sự nhiễu loạn thông tin sau khi xem clip cuộc đối thoại “60 phút mở” của nhà đài VTV với MC Phan Anh gây bão tuần qua.
Hôm nay, Tết Thiếu Nhi ở Việt Nam. Tôi, một đứa trẻ từ nhỏ đã bị đánh mất tuổi thơ vì nhiều lý do đã bỏ ra một ngày để mừng cho riêng mình. Ít ra tôi cũng có một “ngày Tết Thiếu Nhi” đầy đủ hơn nhiều “thiếu nhi” khác. Trên đường về tôi bắt gặp một đứa bé, em nhỏ nhắn, đen nhẻm ngồi một mình với bộ bài trên tảng đá bên đường, kế một quán cà phê cóc. Cô chủ quán thương hào phóng tặng em ca trà đá mát lành. Em đè dưới chân là cọc vé số còn đầy. Khi được hỏi, em bảo mình 10 tuổi, nghỉ hè nên phụ mẹ đi bán. Bán không hết sẽ không dám về nhà vì sợ bị… đánh.

Tôi nói chuyện với em một hồi rồi cả hai cùng im lặng, em vui vẻ với trận sát phạt một mình, còn tôi thầm hỏi trong lòng em có biết, hôm nay là Tết Thiếu Nhi và em đang sống ở một đất nước được xếp vào top 5 nước hạnh phúc nhất thế giới hay không?
DU