Tiếng vó ngựa gõ lộc cộc xuống mặt đường nắng, bao giờ cũng cho một cảm giác rất xa xưa như trong cổ tích. Nhất là khi đến đất Hà Tĩnh trong lúc dầu sôi lửa bỏng, cá chết đầy bờ biển, người Trung Quốc khắp nơi, bất an và nỗi buồn đầy ngất tâm hồn người Việt… Thứ gì cũng đầy, chỉ có cơm áo gạo tiền của người dân thì đang thiếu trước hụt sau vì thua vụ, vì mất đất canh tác, vì biển chết, vì lòng người chán nản… Và một khi đời sống trở nên trì trệ, có người tuy không dính dáng về kinh tế biển nhưng lại chịu ảnh hưởng không kém như những ông xà ích, trong ngày thiếu việc, ngồi ngáp gió, các ông lại làm thơ, uống chè xanh tự mang theo và nói chuyện nhân tình thế thái. Cuộc chuyện trò với ông xà ích (phu xe ngựa thồ) tên Phúc ở đất Hồng Lĩnh (quê hương nhà thơ Nguyễn Du), Hà Tĩnh tuy ngắn ngủi nhưng lại nói lên nhiều điều…
Hỷ Long (HL): Anh có thể cho biết đôi nét về nghề đánh xe ngựa thồ ở Hà Tĩnh và phía Bắc miền Trung?
Ông Phúc (ÔP): Nghề xe ngựa thồ mà miền Nam gọi là xe thổ mộ ở Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hóa có lâu rồi, từ thời Pháp tới giờ. Trước đó, nghĩa là thời vua chúa, nghề này cũng có nhưng không phải để chở thồ như sau này mà là để kéo xe vua, xe quan. Những cái bánh xe lớn bằng gỗ mà các bảo tàng miền Nam hoặc các quán cà phê trưng bày chủ yếu là mua từ ngoài này. Riêng gia đình tôi thì phục vụ nhân dân được ngót nghét sáu chục năm với nghề này. Muốn có một con ngựa thồ, đầu tiên phải đi sưu tầm cho ra con mình ưng ý và nuôi gần sáu năm thì nó mới đủ cứng cáp để tập thồ. Thời gian thồ của ngựa chừng mười năm, nghĩa là tới lúc nó mười lăm, mười sáu tuổi thì cho nghỉ hưu. Lúc đó, thường thì chủ ngựa đem bán cho khu du lịch, có người bán để xẻ thịt. Riêng gia đình tôi thì nuôi luôn cho tới lúc ngựa chết. Chừng hơn hai mươi tuổi thì chết. Hiện tại tôi đang nuôi hai con tuổi hưu ở nhà. Ngựa sống lâu ngày với mình, chinh chiến với mình, và thành bạn thân thiết của mình nên khó mà bán nó cho ai. Nuôi ngựa cực lắm, mình cũng khổ nhưng mình không bao giờ bán.

HL: Phục vụ nhân dân? Nghĩa là có dính dáng gì đến thời hợp tác xã phải không ông?
ÔP: Ðúng rồi, thời hợp tác xã, mọi gia đình có ngựa thồ đều phải mang sung vào hợp tác xã, gọi là cổ phần nhân dân để phục vụ nhân dân. Gia đình tôi có sáu con, nếu không mang nộp hợp tác xã thì sẽ bị liệt vào thành phần tư bản, có tư tưởng tham lam, không chừng bị đấu tố cho đến tan cửa nát nhà. Thôi thì mình tình nguyện phục vụ nhân dân bằng cách sung vào hợp tác xã. Mình nộp sáu con ngựa cùng với hai cỗ xe, ban chủ nhiệm mang phân phối cho các gia đình khác, mình còn lại một con chạy chở hàng hóa, thỉnh thoảng chở các ông cán bộ đi nhậu, nói là phục vụ nhân dân nhưng thực ra là phục vụ cho mấy ổng chứ ai. Nhưng phải nói là phục vụ nhân dân chứ nói khác là mệt đó.
HL: Thời phục vụ nhân dân của ông kéo dài bao lâu?
ÔP: Thời đó kéo dài chừng mười năm, phải nói là đói. Vì ngựa cũng mất, xe cũng mất, mình còn lại một con ngựa mà cỏ cám gì cũng phải chờ khẩu phần hợp tác xã chia, và cuối năm thì nhận thóc cổ phần, thóc công điểm. Ðói vật đói vã mà lúc nào cũng phải vui vẻ phục vụ nhân dân. Cái câu ấy nằm mãi trên cửa miệng giờ thành quen rồi. Nhưng giờ mình lại thích nói. Bởi giờ mình thực sự phục vụ nhân dân. Mà nhân dân thì có kẻ giàu người nghèo. Có bữa chở mấy tấn sắt, nhân dân giàu trả cho vài trăm ngàn đồng tiền công; có bữa chở nhân dân nghèo thì vài con gà, vài con lợn, và nhân dân ngồi chung với lợn gà, mình vừa đánh xe vừa đọc thơ cho nhân dân nghe. Ví dụ như: Ngựa vẫn phì phò điệu trăm năm/ Khói trời thoáng chốc với mù tăm/ Cái nghèo thê thiết theo dấu ngựa/ Theo cả mùa về rét lạnh căm… Ðó là một trong những bài thơ tiêu biểu của anh em xe ngựa thồ.

HL: Chắc là anh em xe ngựa thồ làm thơ nhiều lắm, vì theo như anh nói thì đây là một trong những bài thơ của anh em?
ÔP: Ðúng rồi, anh em làm thơ nhiều lắm, vì những giờ rảnh rỗi, biết làm chi ngoài việc ngồi hút thuốc lào nói chuyện héo cho qua ngày. Có nhiều bữa ngồi cả ngày kiếm được hai chục ngàn đồng, đủ để mua đường cho ngựa, còn người thì về nhà vợ nuôi. Nói chung cái nghề này vô chừng, ngày nào trúng kiếm được vài trăm ngàn đồng, ngày nào trật thì vài chục. Ngày trúng mình mang tiền về đưa vợ cất. Những ngày mùa thì phụ vợ làm ruộng để có lúa mà ăn. Ngày nào đường sá bị cấm thì mang lưới đi đánh cá. Nói chung là phải xoay trước lục sau mới có cái để sống.
HL: Cấm đường là sao? Và chuyện đánh lưới của ông bây giờ thế nào?
ÔP: À, cấm đường thì xảy ra thường xuyên, vì xe ngựa mình không xếp vào loại xe gì cả nên không được lưu thông. Trong khi đó nhà nước vẫn luôn nói là duy trì xe ngựa để tạo hình ảnh phục vụ du lịch. Mà bữa nào có công an giao thông thì chịu khó tránh chứ không lỡ bị bắt, bị tịch thu ngựa chừng vài ngày thì đi toi. Vì ngựa phải ăn uống, bị giam thì lấy ai cho ăn, chừng ba bữa về là mình phải dưỡng cả tháng mới lại sức. Ngựa mình nuôi là buổi tối thả ngoài đồng cỏ trên núi, ban ngày buộc chỗ có bóng mát, cho ăn cỏ thường xuyên, thấy nó mệt một chút là cho nó ăn đường. Có như vậy nó mới đủ sức. Ðằng này bị hốt một phát là tiêu. Mà lý do hốt của mấy ổng buồn cười lắm, vì xe ngựa không có bảng số, không thuộc quản lý giao thông đường bộ nên cấm lưu thông. Vậy tại sao mấy ổng không đóng vào đít ngựa một cái bảng chứ?! Ui dào, có một ngàn lẻ một lý do để mấy ổng ăn tiền của dân. Như xe ngựa mình mà bị tịch thu thì mình phải lo chung tiền để dắt ngựa ra, có khi chung cả triệu bạc chứ đâu có giỡn chơi! Còn cá thì mình treo lưới rồi. Treo lưới cả nửa năm nay chứ không phải mới hai tháng đâu.

HL: Sao lại treo lưới trước đây nửa năm? Chuyện cá chết có ảnh hưởng gì đến bà con ở đây không ông?
ÔP: Có chứ. Không riêng gì bà con ngư dân hay nông dân mà toàn bộ đều bị ảnh hưởng. Ví dụ như giới kinh doanh đại lý rượu bia, những quán ven biển là nơi tiêu thụ chủ yếu của họ, giờ họ đứng hàng, các nhà hàng, khách sạn ven biển thì miễn bàn rồi, thu nhập tuột xuống rất thấp. Nhưng đau nhất vẫn là những người lao động thấp cổ bé miệng như chúng tôi (nói tới đây ông xuống giọng ngâm). “Nhân dân chúng tôi bao giờ cũng thua thiệt/ Những câu thơ như lời an ủi đầu môi/ Những bãi biển bỗng chốc thành xa lạ/ Những kiếp ngựa thồ bỗng chốc thành nhà thơ/ Ôi thi sĩ giữa mùa biển chết/ Mắt cá buồn thao thức với thuốc lào/ Những bữa lộc cộc đường dài hằn sâu ký ức/ Chúng tôi là ai khi chúng tôi, nhân dân của ngựa thồ/ Một kiếp ngựa thồ trải dài hình chữ S/ Chúng tôi thấp cổ bé miệng và chúng tôi sợ sệt/ Những đòn roi như mây lởn vởn trên đầu/ Những lời đe nẹt thì thào như sóng biển mùa thu/ Những cái chết oan khốc nơi ngục tù treo lơ lửng như trái chín/ Những mảnh đất bỗng chốc thành của người khác/ Xí lô xí là làm ông chủ, tiếng Việt thành đất Trích/ Chúng tôi đôi khi tự hỏi mình rằng chúng tôi là ai/ Chúng tôi là ai mà yêu quá kiếp ngựa thồ…” Ðó là bài thơ mới nhất tôi viết về cuộc đời của chúng tôi. Nói thì chắc là nói cả ngày cũng không hết chuyện đâu! Còn chuyện cá chết thì cả nước ảnh hưởng. Riêng từ hai năm nay, đất Hà Tĩnh khô khốc vì những công trình của người Trung Quốc, ao hồ sông suối cạn kiệt, người ta bỏ lưới nhiều rồi. Ðến đợt cá chết này thì chính thức bỏ lưới hàng loạt thôi!

HL: Mấy người bạn phu xe của ông có làm thơ không? Và có in thơ ở đâu chưa?
ÔP: Có hết, ông nào cũng làm thơ, tụi tôi tự thành lập hội thơ xe ngựa thồ và sáng tác với nhau; lúc buồn, thất nghiệp thì anh em ngồi đọc cho nhau nghe, hút thuốc lào, uống chè xanh. Mấy thứ thuốc và chè do mấy bà vợ cung cấp hết, khỏi tốn tiền quán xá. Chúng tôi không có ai in ấn hay gởi báo đâu, chúng tôi sắm xe ngựa thồ và làm thơ phục vụ nhân dân thôi! Vui thôi mà! Thời gian gần đây anh em sáng tác dữ dội lắm, chủ yếu là thơ về cá chết, biển chết. Vì chúng tôi không in ấn nến đếch có sợ thằng biên tập nào cắt xén hay cũng đếch sợ thằng ma tuyên giáo nào khiển trách. Nhờ vậy mới có thơ hay. Như bài thơ của ông bạn cùng nghề, mà tui rất khoái: “Cá chết, cá chết, cá chết/ Thế là hết, biển cũng đã chết/ Tương lai miền Trung rồi cũng sẽ chết/ Cá bớp cá mú cá liệt cá dinh cá thu ngầm cá bảy màu vần vũ/ Ôi những con cá tuổi thơ còng gió/ Chết lăn đùng và dạt đầy bờ cát/ Cái bờ cát thoai thoải xanh màu chết/ Nhưng sao con cá Lú vẫn chưa chịu chết/ Giống cá Lú mạnh đến độ sống dai như đỉa/ Ôi loài cá chuyên ăn những thứ mà con người nghe thôi đã muốn ỉa/ Nó tạp nham và xấu tệ và sống dai/ Thật là một đòn thiên tai…” Bài thơ còn dài lắm tôi nhớ không hết nhưng con cá Lú làm tôi khoái quá chừng, đời mà, sợ cái con C. chi bọn nó! Toàn một lũ hút máu, chúng ta sống kiếp trâu ngựa lâu rồi!
HL: Ông có vẻ bất mãn chế độ? Ông ở phía Bắc vĩ tuyến 17 chứ đâu phải dân miền Nam mà lại khó chịu với chế độ chứ? –
ÔP: Nói vậy thôi chứ dân mình giờ ngộ ra rồi, đâu có ngu như cái con buồi trước đây! Dân nào mà không khôn chứ? Bộ mấy ông tưởng dân miền Nam khôn, còn dân miền Bắc ngu lắm sao? Dân miền Nam yêu tự do, yêu dân chủ thì dân miền Bắc cũng yêu tự do, yêu dân chủ. Trước đây tôi đi bộ đội, từng vào giải phóng miền Nam vì nghe tuyên truyền rằng dân miền Nam bị bóc lột, cơm không có mà ăn, đói lên đói xuống. Mấy chả nói hay đến độ mỗi bữa ăn chúng tôi đều nghĩ thương dân miền Nam, đều dành riêng vài lát sắn để nhớ thương miền Nam. Vài lát sắn đó xem như tặng miền Nam và chỉ được ăn sau bữa cơm hai giờ đồng hồ. Nhưng hỡi ôi, khi vào miền Nam thì mọi chuyện khác. Bọn lính như chúng tôi có nhiều thằng té ngửa giữa Sài Gòn. Vậy đấy!

HL: Sắp tới ngày bầu cử, gia đình ông có mấy cử tri?
ÔP: Bầu với bán gì mấy cái ngữ đó! Chuyện người dân quan tâm nhất bây giờ là chén cơm manh áo. Nhưng mấy tụi nó đâu có nghĩ cho dân. Giờ thằng nào cũng giàu sụ rồi, cũng xưng chủ tịch, chủ tịch… Tôi có thằng cháu họ làm chủ tịch xã, về đám chạp mả trong họ, nói gì hắn cũng xưng là chủ tịch, nói với chủ tịch… Tôi nghe mà ngứa gan, tôi bảo mày chỉ là thằng chủ tịch xã, có con mẹ gì mà hống hách vậy! Mày làm lương một tháng bao nhiêu mà mày xây cái biệt thự to đùng thế. Ðất ở khu tái định cư thì mày xơi mẹ nó năm lô, cuối cùng mày xây biệt thự. Mày là đày tớ của nhân dân sao mày láo quá vậy! Nói nó vậy nó làm thinh, nhưng mai lại cho cán bộ xã xuống khám xét chuồng ngựa nhà tôi có đúng quy trình không. Tôi tức quá nói với nó là quy trình của tao đầy đủ, mỗi đêm tao có hối lộ cho con ngựa của tao đến hai chục ngàn tiền mua đường bát, mấy thằng mày cứ yên tâm mà về. Từ nay tao không tiếp tụi mày nữa. Tao là người từng vào sinh ra tử cho chế độ. Tụi mày bỏ cái giọng hống hách và thói chơi bẩn đi nhá! Thử hỏi anh là tụi nó như vậy thì bầu với bán cái ngữ gì? Có mà đạp nó xuống càng nhanh càng tốt. Ðạp nó xuống mình mới hết kiếp ngựa thồ. Ở cái xứ sở này, người và ngựa giống nhau lắm. Trẻ thì làm kiếp ngựa thồ, già thì nó bán xẻ thịt. Khốn nạn lắm!
HL: Xin cám ơn ông, cầu chúc ông luôn mạnh khỏe và những con ngựa của ông thật hạnh phúc bởi chúng được sống với ông!
Câu chuyện vẫn chưa hết, ông Phúc mời chúng tôi về nhà dùng cơm tối, lai rai vài ly rượu chuối hột mà vợ ông ngâm giải mỏi cho ông. Câu chuyện của người Việt nào nghe ra cũng khổ triền miên mà ngày vui thì chỉ ngắn tày gang. Mà, hình như cũng không có cái ngày ngắn tày gang ấy nữa, nhất là khi biển đã thành cái ao độc như bây giờ!
HL