Người Mỹ vẫn thường nói vùng tam giác nối liền Houston, Dallas và Austin/San Antonio được biết đến như là hành lang của lũ lụt, nhưng với những cơn bão mang đến những cơn mưa lớn đổ xuống khu vực từ mùa xuân năm ngoái đến mùa xuân năm nay có thể nói là hiện tượng thời tiết lạ lùng hiếm khi xảy ra.

Trong tuần qua, những cơn lũ lụt đã xảy ra tại nhiều nơi trong khu vực tam giác rộng hơn 183,000 dặm vuông này của tiểu bang Texas, ngang bằng diện tích của hai nước Ðức và Anh hợp lại. Hơn 15 inches nước mưa đã đổ xuống khu vực đông bắc của thành phố Houston chỉ trong vòng 12 tiếng hôm Thứ Năm 2/6, chỉ ít ngày sau khi một lượng nước mưa hơn 20 inches đã đổ xuống cùng khu vực này của thành phố. Mực nước ở dòng sông Brazos nằm về phía tây của Houston được ghi nhận đã tăng hơn bốn feet (hơn một thước tây), là mức cao gần kỷ lục.

Riêng về thiệt hại nhân mạng tuần qua có thể kể đến trung tâm huấn luyện quân sự tại Fort Hood, nằm về phía bắc của thành phố Austin, được ghi nhận có ít nhất 9 binh sĩ bị thiệt mạng khi một chiếc xe của quân đội chở họ đi ngang qua dòng nước lũ trong một cuộc tập trận.
Tiểu bang Texas vẫn luôn là vùng đất của thời tiết thất thường, thay đổi đột ngột qua câu nói cửa miệng: “Bạn không thích thời tiết của Texas ư, chỉ cần chờ ít phút thôi”, mượn từ câu văn nổi tiếng của văn hào Mark Twain: “If you don’t like the weather in New England now, just wait a few minutes.” Nhưng với thứ thời tiết xảy ra tại Texas trong thời gian gần đây dường như thất thường hơn bao giờ hết. Cách đây không lâu, năm 2011 được cho là năm khô hạn nhất trong lịch sử của Texas, nhiều nông trại đã phải bán tống bán tháo bò ngựa vì không đủ cỏ, thì nay là những cơn lũ lụt khủng khiếp xảy ra tại nhiều khu vực của tiểu bang. Năm khô hạn đó, lượng nước mưa trong cả năm trên toàn tiểu bang chỉ đạt mức 14.88 inches. Năm nay, thị trấn Brenham, nằm cách ngoại ô Houston khoảng 50 dặm về hướng tây bắc, đã nhận được nhiều hơn lượng nước mưa đó chỉ trong một ngày vào tuần cuối cùng của Tháng 5.
Tại khu vực đông nam của Texas, chỉ trong vòng 12 tháng qua đã có ít nhất sáu trận lụt lớn. Riêng tại thành phố Houston, với dân số đông đứng hàng thứ tư ở Hoa Kỳ, đã nhận được lượng nước mưa hơn 10 inches mỗi tháng trong Tháng 5, 6 và 10 năm 2015, và trong Tháng 4 và 5 của năm nay. Trận mưa lớn khủng khiếp đưa tới lụt lội khắp thành phố Houston vào đúng ngày hết hạn khai thuế trong Tháng 4 vừa qua được các nhà khí tượng học địa phương phỏng đoán là sự kiện mưa chỉ xảy ra một lần trong 10,000 năm – nghĩa là tỉ lệ xảy ra trận mưa lớn như thế trong một năm là 1/10,000.
Theo nhà nghiên cứu về khí hậu Gerald North của Ðại học Texas A&M, những cơn mưa lớn tại Texas đã tăng đều đặn trong vòng 40 năm qua. Ðây là hiệu ứng đã được dự đoán từ lâu bởi những mô hình trong hệ thống điện toán về hiện tượng biến đổi khí hậu gây ra do khí nhà kính; những luồng khí ấm trong không khí giữ nhiều hơi ẩm hơn bình thường, do đó khi mây tụ lại thành mưa thì lượng nước mưa đổ xuống cũng nhiều hơn.
Nhưng còn một hiện tượng khác đã có từ năm ngoái kéo qua tới năm nay là hiện tượng El Niño cũng đã mang bão đến thường xuyên hơn. Ðây là hiện tượng xảy ra theo chu kỳ cứ mỗi 3 đến 12 năm, nhiệt độ trên mặt nước biển ở Thái Bình Dương ấm hơn làm hâm nóng không khí bên trên đó làm cho hơi nước bốc lên một lượng rất lớn ảnh hưởng đến sự luân lưu của không khí trong bầu khí quyển. Ðiển hình là khi hiện tượng El Niño xảy ra, nó sẽ bơm thêm khí ẩm vào trong luồng gió cực mạnh (jet stream) trên tầng khí quyển cao và đưa thẳng vào khu vực Texas làm cho hơi ẩm trong không khí của tiểu bang tăng cao hơn.
Khi lũ lụt xảy ra, nó không chỉ mang đến những lời ta thán của người dân mà còn gây nhiều thiệt hại về nhân mạng cũng như tài sản. Riêng trong năm ngoái, mưa và lụt gây thiệt hại về tài sản cho toàn tiểu bang Texas là vào khoảng ba tỉ Mỹ kim; và trung bình mỗi năm làm cho khoảng 200 người thiệt mạng, trong đó tai nạn xe cộ là cao nhất như trường hợp xảy ra cho những binh sĩ tại Fort Hood.

So với những thành phố lớn ở Texas, Houston là nơi có những cơn lụt nghiêm trọng hơn cả. Lý do đầu tiên như đã nói ở trên là vì mưa quá lớn với một lượng nước mưa đổ xuống dồn dập trong một thời gian quá ngắn. Nhưng lý do quan trọng hơn cả là vì hệ thống rút nước của thành phố đã không kham nổi khi những cơn mưa thật lớn đổ xuống.
Phải công bằng mà nói, Houston hiện có một hệ thống rút nước khổng lồ dài khoảng 2,500 dặm bao gồm kênh đào, lạch và cống rãnh khắp thành phố. Không có hệ thống rút nước này thì không có thành phố Houston.
Nhưng vấn đề là ở chỗ khi những cơn mưa dữ dội đổ xuống trong năm nay và năm ngoái đã vượt quá giới hạn của nó, làm cho mực nước dâng cao quá bờ và tràn vào những khu xóm của người dân sống gần đó. Giải pháp duy nhất, theo các chuyên gia nghiên cứu, là mở rộng những đường thoát nước đã có sẵn hiện nay, có nghĩa là thành phố phải mua hết tất cả những toà nhà xây dọc theo những đường thoát nước này và phá bỏ để lấy thêm diện tích, với phí tổn lên đến khoảng 26 tỉ Mỹ kim, là điều sẽ không thể xảy ra trong thời gian gần nhất.
Houston, trước khi những lớp di dân đầu tiên tới định cư gần 200 năm trước, là một khu đầm lầy, nước đọng và bùn. Hơn nữa, đây còn là vùng đất thấp với độ cao xấp xỉ ngang bằng mặt nước biển. Ðể có thể xây nhà trên đó, những di dân này đã phải tháo nước cho khô ráo mới có thể xây nhà. Nhưng cứ sau mỗi trận mưa lớn thì cả khu vực lại bị lụt. Người ta kể lại, để vào được căn nhà của ông Sam Houston, lúc đó là Tổng thống của nước Cộng hoà Texas, khách thăm phải lội nước ngập lên đến mắt cá chân. Những nơi không bị lụt thì lại bị nạn lầy lội vì bùn. Vì lý do đó mà các nhà làm luật quyết định, thay vì Houston, đã chọn Austin làm thủ phủ của Texas.
Nhận ra vấn đề hệ trọng đó, từ năm 1908, thành phố Houston đã có những ngân sách riêng dành cho kế hoạch xây dựng hạ tầng cơ sở cho hệ thống thoát nước của thành phố. Người ta cho nới rộng những đường nước tự nhiên có sẵn, kéo cho chúng thẳng hơn và vuốt cho đều ở những khúc quanh để nước có thể thoát nhanh và nhiều hơn. Những nơi không có đường thoát nước tự nhiên thì người ta cho đào thêm 40 dặm đường kênh nhân tạo.
Công trình xây dựng được kéo dài trong suốt mấy thập niên sau đó nhưng vẫn chưa đủ. Những cơn mưa lớn trong hai năm 1929 và 1935 làm cho khu trung tâm thành phố ngập lụt, có nơi mực nước dâng cao lên đến tầng thứ hai. Nhiều tòa nhà bị sụp đổ và một phần thành phố hoàn toàn bị hủy hoại.

Do đó, năm 1937, một sự hợp tác quan trọng giữa các giới chức địa phương và các kỹ sư công binh của quân đội Hoa Kỳ cho nâng cấp toàn diện hệ thống thoát nước không chỉ riêng thành phố Houston mà luôn cả quận Harris.
Qua hai thập niên 1940 và 1950, hệ thống thoát nước được hiện đại hoá với việc nới rộng một số kênh và cho đào thêm hai hồ chứa Addicks và Barker để có thể chứa thêm lượng nước rút ra từ trung tâm thành phố.
Trong thập niên 1960 và 1970, hệ thống tháo nước lại một lần nữa được nâng cấp.
Trong khi thành phố tiếp tục phát triển và dân số tăng nhanh, những kênh đào mới được xây thêm để làm công việc thoát nước cho những khu xóm mới, và những căn nhà liền ngay sau đó được xây lên san sát dọc theo các kênh lạch. Cả hệ thống thoát nước khổng lồ hầu như bị kẹt cứng ở giữa các khu xóm đến nỗi không còn dư một diện tích nào để nới rộng thêm mặc dù nó đã được khuếch trương nhiều lần và lớn hơn gấp bội so với những ngày đầu.
Tình trạng dân số tập trung quá đông trong thành phố cũng tạo thêm gánh nặng cho hệ thống thoát nước đã không được chính quyền địa phương dự kiến trước. Thay vì trước đây khi mưa đổ xuống, nước được ngấm từ từ qua những khu đất trống và các kênh nước, thì nay nước mưa sau khi chạm mái nhà, trôi vào các máng xối, tuôn xuống đường rồi đi thẳng đến những kênh thoát nước, nơi mực nước có thể dâng cao lên đến tận bờ chỉ trong một giờ mưa bão.
Mực nước dâng quá nhanh mà hệ thống thoát nước không thể kham nổi, và đương nhiên đưa đến tình trạng tràn bờ, thậm chí ngay cả những cơn mưa ở mức độ mà hệ thống thoát nước có khả năng xử lý khi chúng được xây dựng hoặc nâng cấp. Giải pháp duy nhất là phải xây dựng hệ thống thoát nước này cho lớn hơn nữa, nhưng lại là công việc không dễ gì thực hiện.
Phải nói rằng hệ thống thoát nước của Houston đã làm thật xuất sắc công việc của nó là giảm bớt mức độ lụt lội chỉ còn tập trung ở một phần tương đối nhỏ của khu vực, nếu không thì cả thành phố sẽ bị ngập nước do hoàn cảnh địa lý. Nhưng kỳ vọng của người dân đóng thuế vẫn là phải giải quyết nguy cơ lụt lội càng sớm càng tốt.
Cách duy nhất là thành phố phải tìm cho ra nguồn tài chánh 26 tỉ Mỹ kim như đã nhắc ở phần đầu cho những dự án thoát nước cấp bách không thể trì hoãn thêm được. Ðây là công việc khó khăn không thua gì vá trời để mưa đừng rơi nữa.
VH