Theo tôi có ba loại “nhà” đang quan tâm đến chuyện chữ nghĩa ngày nay.
Nhà giáo sợ với loại chữ nghĩa này sẽ phá nát những thế hệ mai sau, khi viết ra hay nói lên không ai hiểu, và người ta sẽ đánh giá một quốc gia với loại chữ nghĩa lạ lùng. Hai loại nhà khác là nhà báo và nhà văn ngập ngừng do dự trước khi đặt bút xuống, sợ mình đồng lõa với cái sai, xô đẩy chữ nghĩa đi vào con đường cụt, vì thời nay người ta quá dễ dãi và nông cạn, hoặc lạm dụng những danh từ Hán Việt không đúng chỗ, có tính cách phô trương vô bổ và vô nghĩa.
Một số nhà báo thiếu lương tâm khác, vì lười biếng và vô tâm, đã sao y nguyên văn từ một bản tin ở trong nước, làm hư hỏng lối chữ nghĩa văn chương của một thời văn học thịnh hành, đẹp đẽ của miền Nam trước đây.
Nhiều người đi xa trở về Việt Nam than phiền như đi ra ngoại quốc, không hiểu những gì họ nghe người chung quanh nói hay đọc một bài báo mà không hiểu nghĩa của nó, vì những chữ hiện đại ngày nay, đôi khi không làm rõ nghĩa mà là chửi… vào nghĩa.
Anh nghĩ thế nào khi người ta nói đến một người vừa… xuất viện? Ở trong cái đất nước này có bao nhiêu thứ viện, từ Viện Triết Học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Chủ nghĩa Mác-Lenin, Viện Khoa Học Quân Sự, Viện Dưỡng Lão, Viện Tâm Thần… nhưng khi nói đến một người vừa xuất… viện hay vừa nhập… viện là chúng ta phải nghĩ là người đó vừa mới vào bệnh viện hay vừa mới ra… bệnh viện!
Như vậy phải chăng, vì bớt tiếng bớt lời mà người ta phải nói tắt? Lại phải dùng chữ hán “xuất- nhập,” thay vì dùng chữ “vào-ra.” Ở một trường hợp khác, người Việt lại bỏ bớt chữ sau, thay vì nói điện thoại, người ta nói: “Sáng mai, anh nhớ “điện” cho tôi!” Ai không hiểu xin ráng chịu. “Thu phí” là gì, là thu lệ phí!
Nhân nói điện thoại, tôi lại liên tưởng đến chữ “liên lạc” trong văn chương XHCN. Một công ty quảng cáo sản phẩm với khách hàng, ở chỗ cuối họ ghi rõ: Xin “liên hệ” với công ty ở số 83-88-456-789. Người có học, biết phân biệt sự khác nhau quá xa giữa “liên lạc” và “liên hệ.” Thỉnh thoảng vì công việc, tôi có “liên lạc” với báo Trẻ, chứ không có “liên hệ” bà con gì với ai trong đó cả.
Nhân chuyện Tổng thống Obama đến Hà Nội và đi ăn bún chả cũng được báo chí trong nước mô tả rất tỉ mỉ: “Ông dễ dàng xử lý phần bún rồi ăn cùng với thịt nướng và nước dùng của món bún chả.” Những chữ như “dùng” hay “ăn” phải chăng thô lỗ nên phải thay bằng chữ “xử lý?” Nghe rất nặng nề, như khi chính phủ có kế hoạch “xử lý nước thải” hay “xử lý băng đảng” vậy!
Chữ nghĩa sau năm 1954 của miền Bắc ảnh hưởng nặng nề từ chữ nghĩa của Trung Cộng. Người ta dùng ‘cơ địa” để thay cho thân thể, thay vì nói một con thằn lằn, thì trong nước dùng “một cá thể thằn lằn!” Mô tả một cái bàn cầu trong nhà xí cũng dùng chữ “hoành tráng!”
Tôi có cô bạn ngày xưa dạy học cùng trường, sau năm 1975 cô viết trên đặc san của nhà trường: “Năm 1970, tôi nhận “công tác giảng dạy” tại trường X., rồi nào “giáo án”, nào “đứng lớp” (chắc là để phân biệt với học trò “ngồi lớp,”) nghe quá mệt.
Ngôn ngữ có khuynh hướng dung tục, như câu văn sau đây: “Tình trạng của tôi rất căng, nếu nói ra không biết cô có nắm bắt được không?” hay “nhà báo tranh thủ những khe hẹp trong chương trình dày đặc… của Thủ Tướng để xin tiếp xúc!”
Bạn nghĩ thế nào với những “cụm từ” (lại nói theo kiểu XHCN) như “kéo giảm tai nạn,” “ùn tắc giao thông,” “phân luồng xe chạy,” “bố trí lệch ca” để nói về giao thông, vận tải?
– “Trong quá trình bê tông quá độ bị lún, sự cố bất ngờ các khuyết tật nên các đơn vị được giao nhiệm vụ quản trắc phải báo cáo diễn biến đột xuất của hầm chui, và tôi đề nghị nâng tĩnh không của cầu lên từ 3 M lên 3.5 M”(nói về cầu Văn Thánh.)
– “Chốt lại vấn đề kích cầu sản xuất, tiếp theo mạch phân công nhiệm vụ phải tùy vào sự giải trình cũng như thái độ cầu thị của Bộ Trưởng.”
– “Phạm trù quản lý đô thị hiện nay có rất nhiều bất cập, mảng đô thị của chúng ta nói rất mờ nhạt.”
– “Phạm trù chuyên chở đại chúng chưa được phủ kín đến vùng dân cư đông đúc mà còn tồn tại nhiều lỗ hổng!”(phát biểu của Bộ Trưởng Giao Thông.)
– “PMU 18 là sai phạm nghiêm trọng, bộc lộ yếu kém ở cấp vĩ mô, xin ông cho phóng viên nắm bắt giải trình cụ thể” (câu hỏi của phóng viên nhà báo).
“Hiểu được chết liền!”
Ba chữ “dòng, luồng và chùm” bị lạm dụng và gán ép một cách ngây ngô như: – “Dòng kem dưỡng da;” – “Luồng tư duy, luồng thông tin , luồng văn hóa, khám bệnh ngoài luồng;” – “Chùm ảnh, chùm thơ…”
Hán đi chung với Nôm như “Siêu trộm,” “Siêu Người Mẫu Ngọc Thuý,” “Siêu Sao!’ Hết siêu, lại đến khủng, “xe khủng,” “cá khủng,” “ biệt thự khủng.”
Trong nước bây giờ thích nói chữ, Tây hay Tàu hơn là thuần Việt: Ảnh “nude” hơn là ảnh khỏa thân , “VIP” hơn là nhân vật quan trọng, “logic” là lý luận, “tuổi teen” hơn là tuổi thiếu niên, “ô tô” thay vì xe hơi, “nội y” thay vì áo quần lót , “sở hữu” hơn là có, “khẩn trương” thay vì nhanh lên.
Cỡ Phùng Quang Thanh, “quân hàm” đại tướng mà còn nói, “Không phong tướng, anh em tâm tư!” thì “chị em ta” cũng có thể nói, “Chị làm em cũng tâm trạng theo chị!” hay “con ấy… cực kỳ!”

Ngôn ngữ Việt Nam ngày nay không còn văn phạm. Danh từ, động từ, tĩnh từ, trạng từ… cứ loạn cả lên, toàn là những thứ “lộng ngôn” và “loạn ngôn” một cách rất “bất quy tắc!”
Nhà văn Ðặng Trần Huân lúc sinh thời đã có viết một bài báo nhan đề là “Nghĩ thương cho chữ nghĩa!” cũng trong tấm lòng xót xa của những người trí thức nghĩ về tình trạng bất hạnh của ngôn ngữ đang bị biến dạng, giày vò một cách thô bạo trong bàn tay của những kẻ thiếu văn hoá.
Nếu nói về Chữ Nghĩa XHCN, chúng ta phải dùng nguyên một cuốn tự điển và bỏ nhiều thời gian nghiên cứu tường tận. Trong phạm vi bài báo này, chẳng qua vì quá “bức xúc,” và “tâm tư,” nên chúng tôi mạn phép trình bày vài dòng sơ lược để “giải trình cụ thể” cùng độc giả trong chốc lát mà thôi, nên đương nhiên là còn rất nhiều ‘khe hở” và “lỗ hổng!”
Ðể kết luận bài báo nói về chữ nghĩa này, tôi xin mạn phép đi đến kết luận rất thô lỗ để gọi đây là “Chữ… chửi Nghĩa” hay “Chữ… vô Nghĩa!”
HP – 5/16