Các dấu hiệu đầu tiên về sự khó khăn của đứa trẻ tại trường học có thể bao gồm việc đọc sách không thông, đọc không hết bài vở, không làm bài tập tại nhà, bê trễ không nộp bài tập… Ðứa trẻ dường như khó chịu với trường học hoặc có vẻ “lười biếng”, không làm bài tập dễ khiến cha mẹ bực bội, và thầy cô cũng nhận ra sự khác thường.
Nếu cho rằng con em bị khó khăn trong việc học hỏi, và đã loại ra những nguyên nhân thông thường như không ưa thích thầy cô, bị bạn học ức hiếp, phụ huynh cần đưa con em đi khảo sát. Việc khảo sát khả năng học hỏi của đứa trẻ do một chuyên viên đảm nhiệm mang một chi phí khá cao, khoảng 2,000 – 5,000 Mỹ kim. Nhưng chưa hẳn là phụ huynh phải cáng đáng cả món chi phí ấy; theo luật tiểu bang, trường học địa phương sẽ phải trả chi phí của việc khảo sát đứa trẻ. Tuy nhiên, tự tìm chuyên viên khảo sát cho con em mình dĩ nhiên là nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Tại Hoa Kỳ, các chuyên viên ngành Giáo Dục ước tính rằng 1 trong 7 đứa trẻ bị “chậm hiểu”, gặp khó khăn trong việc học hỏi hay “học chậm” (learning disability); sự khó khăn xuất phát từ tâm não khiến đứa trẻ học hỏi ở mức dưới trung bình, không thông suốt những việc như đọc, viết, nối kết các dữ kiện với nhau như những đứa trẻ cùng trang lứa. Việc “học chậm” dù không thể chữa trị nhưng khi chẩn đoán sớm, cha mẹ, thầy cô và các chuyên viên có thể giúp đứa trẻ lấy lại phần nào sự tự tin, chấp nhận khả năng giới hạn của mình và chọn nghề sinh sống theo khả năng.
Ðầu tiên, khi nhận biết con trẻ “học chậm”, phụ huynh cần sắp xếp một buổi gặp gỡ với thầy cô, càng sớm càng tốt. Trong buổi thảo luận, nói rõ với thầy cô sự lo âu của mình. Hãy thẳng thắn nhìn nhận dù đứa trẻ rất sáng dạ, nhưng đọc sách vẫn ở dưới mức trung bình. Hoặc đứa trẻ đọc thông nhưng không thể đánh vần cho đúng. Khoảng 80% những người “học chậm” gặp khó khăn trong việc đọc. Trường học có thể muốn thu nhặt nhiều dữ kiện hơn để tìm hiểu đứa trẻ ngay cả việc gia giảm bài học trong lớp trước khi bắt đầu cuộc thử nghiệm chính thức.
Phụ huynh thường than phiền việc trường học không mấy sốt sắng trong việc khảo sát khả năng đứa trẻ. Ðây là điều dễ hiểu vì ngân sách hoạt động tại trường học khá eo hẹp, khảo sát đứa trẻ là việc tốn kém, và sau khi khảo sát, cách huấn luyện để giúp đỡ riêng đứa trẻ học chậm có thể tốn phí nhiều hơn nữa. Nói tóm lại là nếu trường học không phải khảo sát, họ sẽ không tự động làm công việc ấy.
Chẩn đoán là việc rất quan trọng, như tất cả mọi chứng tật, chẩn đoán đúng thì việc chữa trị mới hiệu quả. Trong trường hợp này, việc chữa trị là một chương trình giáo dục riêng. Chẩn đoán chứng “học chậm” là một việc làm rất phức tạp. Ðọc không phải là một hoạt động riêng rẽ của não bộ mà đây là một quá trình liên kết của nhiều hoạt động, từ mắt nhìn, thu nhận hình ảnh, ký hiệu… vào trí óc, sau đó phân biệt, diễn giải ý nghĩa của các hình ảnh, ký hiệu thu nhận được để “hiểu thấu” ngôn ngữ. Do đó, có rất nhiều yếu tố dẫn đến việc đứa trẻ đọc không thông.
Tốt nhất là việc khảo sát có đầy đủ phần tâm lý và khả năng trí tuệ; kể cả phần thử nghiệm chỉ số thông minh (Intelligence Quotien, IQ) để khảo sát sở trường và sở đoản của đứa trẻ; những loại thử nghiệm đo lường sức học hỏi của đứa trẻ qua những bài thử nghiệm đứa trẻ, quan sát của cha mẹ, thầy cô.
Khi đứa trẻ được chẩn đoán là “học chậm”, trường học sẽ cần thảo luận với cha mẹ và thầy cô để soạn thảo một chương trình huấn luyện riêng. Có nhiều phụ huynh thúc ép trường học giữ đứa trẻ trong lớp học của trẻ bình thường dù con em đuối sức, không theo kịp bạn học vì không chấp nhận việc “học chậm”, hoặc cho rằng dù con em học chậm nhưng học riêng chương trình cho trẻ khuyết tật sẽ ảnh hưởng đến tâm thần của đứa trẻ.

Khi đủ khả năng để mướn chuyên viên khảo sát giáo dục, phụ huynh có thể lấy lời giới thiệu từ bác sĩ nhi khoa hoặc các phụ huynh khác. Ðứa trẻ có thể được thử nghiệm mức quan sát, đôi mắt hoạt động ra sao, thu nhận những gì qua hình ảnh, ký hiệu… trước khi thử nghiệm trí tuệ và mức hiểu biết. Chuyên viên có thể quan sát đứa trẻ ngay trong lớp học. Sau khi khảo sát, bản tường trình sẽ có cả phần hoạch định chương trình giáo dục thích hợp cho việc học của đứa trẻ.
Ðiểm quan trọng ở đây là khi đứa trẻ không theo kịp bạn bè, nó cần giúp đỡ nhiều hơn, đặc biệt hơn để thu ngắn khoảng cách thua kém, việc che giấu hay không chấp nhận chứng tật của con em và không tìm cách trợ giúp đúng mức sẽ hủy hoại tương lai của đứa trẻ. Ở mức tiểu học, không đủ căn bản, đứa trẻ khó theo kịp bậc trung học và vào đại học là chuyện khó tưởng. Vì vậy, khi nhận biết các dấu hiệu về việc học chậm, hãy đưa con em đi khảo sát sức học. Ðây là một cuộc đầu tư rất lớn, cần thiết cho tương lai của con em.
TLL