Menu Close

Chưa phải là bạn…

Hai cơn mưa đá dữ dội chỉ cách nhau vài ngày, đã xối xuống Dallas – Fort Worth và vài vùng phụ cận, làm cho nhà, xe hư hại nặng. Cái khủng hoảng đầu tiên hiện rõ sau thiên tai là nhiều người sáng ra không có xe để đi làm vì kính xe đã vỡ nát thì làm sao lái được.

Chính tôi nằm trên giường đêm, nghe giông to gió lớn bên ngoài mà biết sợ những hòn đá bằng nắm tay ném vỡ toang cả cửa sổ phòng ngủ. Lòng riêng chỉ cầu cho cái xe đậu ngoài trước nhà đừng vỡ kính thì còn lái được để đi làm. Biết rằng: nhà, xe bên Mỹ bị mưa đá thì có bảo hiểm lo, tiền mướn xe cũng được bảo hiểm trả. Nhưng ai ngờ tới được việc có nhiều người không mướn được xe để đi làm tạm trong thời gian sửa xe, những chỗ cho mướn xe không có đủ xe để cho mướn. Thật là khủng khiếp!

Tôi may mắn không bị vỡ kính xe nên còn lái được. Và lòng tốt cũng trở về trong tôi đúng lúc là nhận lời giúp một người bạn trẻ mà tôi chưa từng quen biết.

Tôi đi làm sớm hơn một chút để giúp chở anh ta đi làm. Chiều về, anh em có sớm trễ hơn nhau một, hai tiếng làm thêm thì cứ ngồi chơi điện thoại mà chờ nhau chứ biết làm sao…

Người đi làm thì chiều nào về chả mệt mỏi, nên khó kiên nhẫn được với việc kẹt xe. Ðôi khi đã thấy cái đèn đỏ trước mặt, nhưng phải vài đèn thì mới… đọc được bảng tên đường thôi chứ chưa qua ngã tư được đâu. Và khu thương mại sầm uất ở đường FM 544 với đường Murphy thì đèn đỏ lại liên tục. Nói chung là qua được khu thương mại ấy chỉ chừng một dặm đường nhưng hết hai mươi phút là mừng. Gặp hôm xe đông cọ quẹt nhau thì tiến thoái gì cũng lưỡng nan…

Những lúc ấy, tôi thường kể cho người bạn trẻ nghe về khu thương mại này vì anh mới dọn về đây được vài năm. Tôi cho anh biết, nếu hơn hai mươi năm trước thì toàn vùng này còn là rừng, vài con rạch và đầm lầy. Tùy mùa, chúng tôi đi câu cá hay đi săn heo rừng…

Tôi vẫn kể để anh bạn hiểu biết hơn về nơi chốn mà anh đã định cư. Nhưng tay lái tôi đã ngoặt vào những con đường nhỏ, có những con đường đã có từ thời chúng tôi đi câu với đi săn, nhưng cho tới nay vẫn nguyên trạng đường rừng. Tôi cứ luồn lách vào những xóm nhà, băng qua nông trại của ai đó mà lẽ ra mình không được phép; tôi nhắm hướng mà đi chứ đường nào cũng kẹt nên thấy đường nào khả thi thì đi thử… Tôi đi cả vào những con đường tôi chưa bao giờ đi. Nên có hôm về tới nhà còn trễ hơn là chịu kẹt xe ở khu thương mại.

Chuyện kẹt xe không làm tôi nóng giận như xưa mà lại làm tôi hứng chí đi thử nhiều đường cho biết! Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên hơn là anh bạn trẻ ngồi bên cạnh còn trầm tĩnh hơn tôi, một người già từ khi còn trẻ hay sao ấy! Một hôm tôi lủi vào đường nào cũng là đường cùng, không có lối ra. Anh bạn trẻ ngồi suy tư… rồi nói với tôi, “Khi anh bị kẹt xe đừng thất vọng, vì rất dễ nổi nóng… Sao những lúc tới không được, lui không xong, khỏi trở đầu ấy, anh không nghĩ đến rất nhiều người trên thế giới, lái xe là một niềm mơ ước không thể thực hiện được đối với họ, thì chuyện kẹt xe bỗng nhẹ đi hơn cho anh vì anh đã may mắn được lái xe…”

Hôm anh ta hỏi thăm tôi về việc làm của tôi. Tôi trả lời, “Chán chết anh đi. Công việc cả ngày anh chỉ làm ba tiếng là xong. Anh không quen câu giờ như người ta thường làm, nên anh sợ nhất là hết việc… rồi cứ làm ma cà bông đi lông nhông, đi mỏi giò nhìn lại cái đồng hồ trên tường như đồng hồ chết! Chán lắm em ơi! Kiểu này hoài, chắc anh đi xin việc khác.”

Người bạn trẻ thở dài, “Em cũng sợ hơn bị đuổi việc là vô hãng mà không có việc để làm. Nhưng cứ nghĩ tới những người đã thất nghiệp cả năm vẫn chưa xin được việc làm thì chuyện gì mình cũng chịu đựng được hết…”

Lạ lùng cho người bạn trẻ với suy tư của một ông lão là tự anh ấy kể cho tôi nghe. Anh từng lập gia đình sau khi giải ngũ khỏi quân đội, nhưng chỉ được ba năm thì đường ai nấy đi. Anh trả tiền child support được ba năm thì người vợ xin quay về chung sống với anh. Anh từ chối, chỉ nhận nuôi con nếu cô ta đồng ý. Và cô ta đã đồng ý nên hiện tại anh sống với đứa con gái, hai cha con ở chung nhà với ông bà nội để anh tiện chăm sóc cha mẹ đã già và con anh cũng được có ông bà chăm sóc cho nó, thương yêu nó…

Anh trả lời câu hỏi của tôi mới lạ! Tôi nói, “… thì vợ chồng trẻ nào chả có những lục đục bởi hai người xa lạ bỗng chung sống mỗi ngày, can thiệp vào thói quen, đời tư của nhau nhiều quá. Nhưng khi vợ em đã bình tâm lại, thương con, nên muốn quay về với em. Sao lại…!”

“Vợ em không đơn giản như anh nghĩ. Bởi sau đề nghị của cô ta, em mới tìm hiểu về ba năm sau ly dị cô ấy đã sống như thế nào? Vì sao cô ấy chịu giao con lại cho em…

Dĩ nhiên là em rất đau buồn, thất vọng về chuyện chia tay, khổ tâm về chuyện con cái. Nhưng khi vợ em đề nghị cho cô ấy quay về thì em lại nghĩ khác vì cô ấy đã không còn là cô ấy nữa! Dù tình cảm trong em vẫn còn, nhưng em lại nghĩ tới những người chưa bao giờ biết yêu thương và được yêu thương là như thế nào? Em cảm ơn vợ em đã từng thương yêu em cũng như em từng thương yêu cô ấy một thời – đã đủ.”

Hôm khác tôi lại nói về sự nhàm chán của cuộc sống khi bị kẹt xe nhưng tôi không cố len lỏi vào những con đường mòn nữa, “Em nghĩ coi, trời đang vào hè nên mặt trời dậy sớm lại đi ngủ trễ. Nhờ vậy mỗi ngày đi làm cũng bớt nản. Anh sợ mùa đông, không gian đã buồn, mặt trời lại lười biếng. Sáng đi làm thì mặt trời chưa mọc, chiều về thì mặt trời đã lặn mất tiêu. Ði hay về gì cũng phải mở đèn xe. Không gian thì trơ trụi, sầu thảm. Anh thường nghĩ mình chết vào hôm nay hay sống thêm mười năm, hai mươi năm nữa cũng vậy thôi; cứ mở mắt ra là đi làm, về tới nhà là hết hơi…”

“Hãy nghĩ đến những người bệnh tật anh ạ! Như mẹ em đó. Mẹ em biết trước là không còn sống được bao lâu nữa. Nếu anh vô tình thấy được vài gói quà sinh nhật của bà nội tặng cháu nhưng gói ghi năm 2016, gói ghi năm 2017, gói ghi năm 2018… Anh sẽ thấy anh may mắn cỡ nào, nhàm chán tự biến mất.”

Hôm cuối cùng anh ta đi quá giang tôi thì lại là anh ta ta thán về đồng nghiệp, đồng hương trong hãng anh ta. Tôi hiểu một người đã đi qua quân đội thường làm việc có kỷ luật hơn. Tính tình điềm đạm, ít nói mà nghĩ nhiều. Tôi cũng hiểu sự khủng khiếp của những trò đùa vô ý thức, những ganh tỵ nhỏ mọn trong hãng xưởng… là điều tôi sống với nó hàng ngày. Tôi khuyên người bạn trẻ, “Rồi tuổi đời sẽ nguôi tức giận với sự bỉ ổi ở đời. Ðiều tồi tệ hơn hết những người xấu là mình trở thành họ!”

Anh bạn trẻ xuống xe khi đã về tới nhà anh ta. Tôi còn lại nụ cười hiền lành của một người già từ khi còn trẻ đã đi quá giang xe một thằng con nít sống lâu năm suốt hai tuần lễ. Họ là hai người bổ sung cho nhau chứ chưa phải là bạn.

P