Menu Close

Sách – Võ Tấn Phong

Ở Miền Nam trước 1975, phàm người có học phải biết quý trọng sách. Hầu như mỗi gia đình đều có một tủ sách nhỏ. Các thư quán như Khai Trí, Xuân Thu chứa đầy sách quý do công trước tác của các học giả, nhà văn đóng góp. Sách quý như thế vậy mà khi chiếm được Miền Nam Cộng Sản nhẫn tâm ra lệnh đốt hết, ngoài ra còn bắt giam, đày đọa kẻ sĩ. Quả là đám “chủ mới” này độc ác còn hơn Bạo Tần. Bài viết sau đây của Võ Tấn Phong ghi lại một thời đen tối của sách Miền Nam và của chính gia đình tác giả.

NGUYỄN & BẠN HỮU

 

Sách

Tháng 10 năm ngoái (2015) em gái tôi và gia đình từ Việt Nam qua thăm ba tôi ở Little Saigon, California. Cả gia đình đã đi nhiều nơi và chụp nhiều hình. Nhưng có một tấm hình tôi thích nhất. Thiếu ánh sáng, thiếu bố cục, ảnh bị nghiêng, nó mang đầy dấu ấn của một tay thợ chụp hình nghiệp dư dùng iPhone 4S cũ kỹ. Sau một ngày dài đi bộ hết Bảo tàng này sang Khu vườn nọ của Huntington Library, và quá mệt mỏi, chúng tôi ra về, và trên đường đi ra cổng đã dừng lại ở Thư Viện chứa đầy những cuốn sách và bản thảo quý giá. Tình cờ ba tôi và cháu gái cùng đứng trước hộp triển lãm chứa cuốn sách in đầu tiên của văn minh Tây phương, cuốn Kinh Thánh Gutenberg. Khi cả hai quay ra ngoài làm mẫu, tôi đã chụp rất nhanh không suy nghĩ. Ngay lúc đó hình ảnh quá khứ hiện ra rõ mồn một.

Tôi nhớ lại hơn 40 năm trước, tôi cái thằng bé năm tuổi rưỡi là một kẻ đốt sách nhiệt thành. Trong căn phòng kín cửa, tôi đã khoái trá quăng những cuốn sách và những trang sách bị xé dở vào đống lửa giữa nhà. Thằng bé trong tôi sung sướng chơi trò đốt lửa, không hề biết chuyện gì xung quanh.

Ông nội và cháu gái
Ông nội và cháu gái

Rất lâu về sau khi tôi đã khôn lớn, ba má tôi mới kể về vụ đốt sách đó. Khi Cộng Sản Bắc Việt chiến thắng vào tháng 4 năm 1975, họ đã ra lệnh mọi người phải nộp để đem hủy những cuốn sách xuất bản ở miền Nam bị coi là đồi trụy và phản cách mạng. Ba tôi – khi còn nhỏ đã chứng kiến cảnh Cải Cách Ruộng Ðất trong làng, đã nhìn thấy những người nông dân vốn hiền lành bị ép phải hành hạ những ông phú nông già nua – không tin người Cộng Sản chút nào. Lo sợ Cộng Sản sẽ ghi lại tên sách để tính sổ sau này, ông đã quyết định đốt gần hết sách trong cái thư viện nhỏ của gia đình. Ðể phòng ngừa những người hàng xóm tọc mạch, ba má tôi đã đóng kín hoặc chỉ hé các cửa phòng lúc đốt sách. Hàng trăm cuốn sách đã bị đốt trong vài ngày.

Lớn lên và được học hành hoàn toàn dưới chế độ cộng sản, tôi nhanh chóng quên đi vụ đốt sách. Thảm kịch đó vô cùng bé nhỏ so với những tổn thất nhân mạng và tài sản của vô số người khác. Tôi khá vui vẻ mặc cho những khó khăn gia đình tôi phải chịu dưới sự quản lý đất nước yếu kém của cộng sản. Nhưng khi lớn hơn một chút, tôi lờ mờ nhận ra có gì đó không ổn. Một thầy giáo tôi rất quý trọng và cũng là bạn thân của gia đình đã vượt biên bằng thuyền một cách bí mật không nói với tôi gì cả. Một vài người bạn của gia đình đến và kể về nỗi xấu hổ phải dạy con nít những dối trá trong sách giáo khoa. Những người bạn trong quân đội Miền Nam đi cải tạo về đến thăm và ước gì họ đánh lì hơn chút nữa. Những người thân chết vì thiếu thuốc hay cẩu thả của ngành y. Rồi chiến tranh tiếp nối chiến tranh. Những tin tức không ngừng về những kẻ thù cứ muốn tàn phá đất nước tôi. Những năm không đủ ăn, nghi kỵ giữa hàng xóm và bạn bè với nhau, thường xuyên bị dội những tuyên truyền dối trá đủ mọi hình thức, sống trong lo sợ dưới sự dò xét thường trực của công an phường xóm. Hồi đó tôi đã đọc hầu hết những cuốn sách còn lại trong thư viện gia đình. Sách có giá trị khó tìm, nhưng ba má vẫn gắng mua sách và khuyến khích chúng tôi đọc và tìm hiểu sự thật qua sách. Những hình ảnh đốt sách trở về, và đôi khi tôi tự hỏi cuốn sách nào mình đang đọc là cuốn đã bị đốt trong phòng kín nhiều năm trước.

Rồi tôi được tới Mỹ. Tôi nhìn thấy cái thư viện của một thành phố nhỏ của Mỹ còn lớn hơn cả Thư Viện Quốc Gia ở Sài Gòn, và tôi kinh ngạc thấy mình có thể làm thẻ thư viện trong vài phút và mượn được hàng tấn sách ngay lúc đó.

Kinh qua vụ đốt sách và thời kỳ khan hiếm sách lúc trẻ có lẽ đã làm tôi mê sách điên cuồng. Tôi có khi đi dạo hàng giờ trong những thư viện hay tiệm sách cũ ngắm nhìn những cuốn sách hàng trăm năm. Trong những bảo tàng ở San Francisco hay tiệm sách cũ ở Boston tôi bị hút hồn vào những cuốn sách hay bản thảo cổ và thèm được chạm vào chúng để thấu được cái minh triết cổ xưa trên những trang sách đó. Nhiều lần tôi không thể cưỡng lại cám dỗ phải mua một bản in cũ của cuốn sách tôi yêu thích, để được đọc đi đọc lại, chạm vào những trang sách, và thưởng thức những bức tranh minh hoạ, như một đứa trẻ con. Vài bản in Candide. Vài bản Trà Thư.

Lúc còn đi học hay đi làm sau này đôi khi tôi phải tranh cãi với những người vẫn còn cho Hồ Chí Minh là một lãnh tụ anh minh chính nghĩa của Việt Nam. Nhiều khi tiếng Anh của tôi không đủ để tranh luận, tôi thấy mình cứ lặp lại những lời kết tội như con nít: “nhưng mà ông ta là tên sát nhân hàng loạt mà”. Có lẽ giờ đây tôi nên thêm vào lời kết tội: “ông ta cũng là tên đốt sách hàng loạt nữa”.

Trong tấm hình, ông ngoại – người đã đốt những cuốn sách quý giá 40 năm trước – đứng cạnh đứa cháu lần đầu tiên đến một đất nước trân quý sách, bên cuốn sách in đầu tiên của phương Tây. Nhìn tấm hình đó đôi khi tôi thấy muốn rớt nước mắt.

Tôi biết mình sẽ mãi là kẻ thù của tụi đốt sách! Dù cho những nỗ lực của tôi có nhỏ bé vô vọng thế nào đi nữa.

Võ Tấn Phong – Nguồn: Tạp chí Da Màu