Menu Close

Người đàn bà say rượu

Thúy rủ rê:

– Bà ấy nói chuyện quá khứ vị lai hay lắm. Tới coi một quẻ biết ngay. Ai biết đâu chị được người mách nước, sự đời có khá lên được.

– Sao bồ biết chắc vậy?

– Thì đi tới rồi… tại nghe  người ta đồn đãi vậy nên…

– Ði thì đi. Nhưng coi bộ bồ nhiệt tình quá nhen. Có ăn tiền cò không đó?

Tôi đùa. Ðang cơn chán chường với mớ công việc ùn tắc và sự ẩm ương vô cớ của ông chồng khiến không khí gia đình không vui, tôi cũng tò mò theo Thúy. Trúng thì trúng không thì coi như một trò tiêu khiển. Ðời có chuyện này chuyện kia, cũng vui. Thúy cười giòn. Coi như bữa nay em dụ được ra khỏi hang. Có khi chiều nay trúng số.

Chiếc xe ga của Thúy chở tôi chạy vào con đường đất nằm ven thị xã. Con đường đất quanh co, đầy bụi trắng lốp, thỉnh thoảng khuyến mãi một cái ổ gà làm giật nảy người. Ngó ngó nghiêng nghiêng một hồi, Thúy dừng lại ở một ngôi nhà nhỏ tuềnh toàng. Bên chiếc bàn đá dưới gốc cây mận khá to, một người đàn bà đang ngồi uống rượu. Thân hình gầy nhom, mặt buồn, tóc dài nhưng hơi rối, da dẻ đen đúa và có vẻ… bẩn bẩn. Hình ảnh đó quả không đẹp, nhưng nó kích thích sự tò mò trong tôi đến cực điểm. Bước xuống xe, nhìn chị một lúc rồi tôi bước nhanh lại gần. Thúy cười nói với chị:

– Ðây là bạn em, chị ấy…

Ánh mắt của chị hắt lên như muốn nói được rồi cô không cần giới thiệu, tôi cũng biết cô ấy là ai. Quả nhiên, Thúy tắt đài. Tôi cũng ngạc nhiên.

– Cô ngồi đi.

Tôi im lặng ngồi xuống.

Chị ta rót rượu. Một thứ rượu trắng đựng trong chai vang đỏ đã cũ. Không biết đã uống nhiều ít rồi, nghe hơi rượu chứ chị vẫn còn tỉnh. Nhướng cặp mày cong, chị nhìn tôi một lát. Ðôi mắt hơi buồn nhưng trong veo. Rồi chị mỉm cười. Tôi hơi rùng mình trước nụ cười ấy. Nó đẹp đến nao lòng. Nó làm sáng bừng gương mặt gầy mảnh của chị. Nụ cười này, gương mặt này, ngày còn trẻ chắc hẳn nhiều người đàn ông phải xiêu đình đổ quán.

– Cô tìm ta làm chi? Cô đâu có cần ai đoán vận số cho cô mà tới đây…

– Nhưng tôi cần coi mới đáng nói chớ… xin lỗi, cho tôi một ly nhé…tôi muốn…

Tôi rót một ly. Ánh mắt người đàn bà lại lóe lên, rồi lập tức trở về trạng thái lim dim. Giọng nói chị đều đều, như cầu kinh:

– Cô không uống được rượu thì đừng có cố uống. Buồn rồi cũng hết, đừng rước thêm buồn vào người bằng cái thứ nước trắng này làm gì. Cô đừng có hỏi ta là tại sao ta uống nó. Ðơn giản là đời của ta không còn gì để mất. Ta thích uống thì ta uống. Nó không còn làm cho ta buồn hay vui…

– Có vẻ như chị cũng từng nhờ nó mà vui, vì nó mà buồn?

– Cô lại hỏi đúng rồi. Cũng giống cô bây giờ tới ta mà hỏi về sự đau khổ hay sung sướng của cô vậy. Thật ra, cô đâu có việc gì để hỏi. Cô chỉ là rảnh rỗi đi giết thời giờ thôi. Cô là người rất sung sướng, bởi vì không ai có thể làm cho cô đau khổ, trừ chính cô.

– Chính tôi?

– Phải. Có những chuyện xảy đến với cô một cách ngẫu nhiên, như là tháng trước cô vừa lỡ tay làm bể chiếc vòng cẩm thạch mà chồng cô tặng. Nhưng theo những gì thiên hạ “tiên đoán” về chuyện này, ai mà làm bể vòng ngọc đang đeo trên tay, chắc chắn sẽ gặp xui xẻo. Cô lo buồn về điều này. Tâm thế bất an, cô làm gì hỏng nấy. Thế là cô cho rằng lời đồn kia trúng phóc. Rồi nữa, cô lại nghe người ngoài nói là chồng cô đã phản bội cô, bằng cớ họ thấy chồng cô và một người phụ nữ nào đó tại một nơi mà cô và chồng ít khi lui tới. Thế là cô buồn rầu đau khổ, cho là thời vận suy sụp, và càng tin tưởng cái điềm bể vòng ngọc là điềm gở…

Sao chị ta lại biết những chuyện này? Ðúng là tôi có nghe vài người bạn kể chuyện dạo gần đây chồng tôi hay cùng một người phụ nữ đi tới nhà hàng ăn uống, đi mua sắm ở một siêu thị lớn. Tôi còn bị bạn bè dọa xanh mắt, rằng coi chừng ông xã tôi sanh tật. Tật gì chứ tật… mê đàn bà là không tan nhà cũng nát cửa, còn dữ dội hơn cờ bạc. Phần tin chồng, phần vì do công việc của hai vợ chồng trái nhau, ít có thời gian để nói chuyện nghiêm túc, nên tôi cứ để đó chưa hỏi tới. Mà thói đời, những chuyện-không-nói-ra-được, nó cứ như cái mụt ghẻ, càng giấu giếm càng khó chịu.

Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời

Ái ân lạt lẽo của chồng tôi,

Mà từng thu chết, từng thu chết,

Vẫn giấu trong tim bóng một người…

(TTKH – Hai sắc hoa tigon)

Chị cất giọng ngâm thơ. Tôi giật mình. Giọng ngâm đẹp, buồn não nùng. Ðôi mắt chị thỉnh thoảng rực lên, rồi loáng cái, đã rưng rưng. Người ngồi ngâm thơ bên chén rượu này không phải là một người đàn bà nát rượu tầm thường. Kinh nghiệm của nhiều năm làm nghề “nhiều chuyện xuyên biên giới” cho tôi thấy vậy. Chưa kể, chị còn có nét gì đó rất quen mà tôi không thể nhớ ngay được.

o O o

Sao cô lại tới đây được nhỉ? Sao ông trời lại sắp đặt cho chúng ta lại gặp nhau, trong hoàn cảnh này?

Hóa ra, bây giờ trông cô cũng đã mệt mỏi với thời gian. Dù có lúc, cô đẹp  và sáng rờ rỡ như trăng. Cô là bạn học trong lớp ngoại ngữ đêm với tôi. Cô ngồi cạnh tôi và lúc đó thỉnh thoảng chúng ta cũng cùng nhau đi uống nước mía, ăn chè bưởi sau giờ tan học hoặc vắng thầy. Nhan sắc học trò của cô lọt vào mắt xanh của một chàng trai trong nhóm chúng tôi. Sẽ không có gì đáng nói, nếu như tôi… không yêu người ta đến mất ăn mất ngủ. Dĩ nhiên, chỉ là tình đơn phương.

Một ngày đẹp trời, chàng hẹn tôi đi cà phê. Cái hẹn đầu đời! Tôi sung sướng đến nghẹt thở. Ngồi một buổi mà thấy chàng chẳng nói chuyện gì quan trọng, chỉ hỏi han chuyện học hành công việc linh tinh rồi… về. Ðến lần thứ ba liên tiếp, bạn bè bắt đầu để ý và chọc ghẹo. Tôi hỏi thẳng, có chuyện gì thì nói chứ sao cứ ấp úng hoài vậy? Chàng lúng túng trong vài phút rồi… gãi đầu:

– Ðẹp ơi… tui… để ý… cái… cái… cô…!.

– Hả?

-…Hương đó Ðẹp! Giờ làm sao nói chuyện với Hương được hả Ðẹp?

Trời ơi! Nghe như sấm nổ ngang tai. Lẽ nào tôi nói, Hương hãy còn nhỏ lắm. Người mà anh cần để ý là… tui đây nè! Nhưng nhìn vẻ mặt chân thành của chàng, tôi không sao mở miệng được, thậm chí không có một ý tưởng nào bực bội hay ghen tức. Tôi chỉ dám cười giễu mà rằng:

– Ở tù đó, ông nội! Con người ta còn chưa đủ mười sáu tuổi đâu nhe.

Chàng cười:

-Tui đâu có tính làm gì bậy bạ mà Ðẹp chọc tui chứ! Tui chỉ muốn nói là tui thích cổ thôi chứ bộ! Tại thấy Ðẹp hay đi chung với cổ nên tui tính hỏi thăm rồi… làm quen thôi!

Cứ vậy, chàng nói được câu thứ nhất thì ra câu thứ hai câu thứ ba, suôn sẻ thoải mái và câu chuyện giữa hai kẻ tưởng-là-tình-nhân lại là chuyện về kẻ thứ ba. Tôi còn cách nào khác là nhận lời làm bà mai bất đắc dĩ cho chàng, tìm hiểu cặn kẽ về cô?

Hóa ra, cô là con gái cưng của thầy tôi. Người thầy dạy Văn hồi cấp hai mà tôi rất quý, chỉ là chưa bao giờ tôi tới nhà thầy, nên không biết cô. Lần nữa, tôi ngậm miệng để chàng thong dong đi bên cô.

Hai mươi ba tuổi, mới hết dại khờ mà chưa đủ khôn ngoan, tôi chôn mối tình của mình vào một cuộc hôn nhân dị chủng, mà như người đời thường gọi, là để “nâng cấp cuộc sống”. Có điều, cuộc hôn nhân ấy chóng tàn, bởi mối tình xưa không mục nát mà cứ lồ lộ hiện lên. Người đàn ông của tôi có học và đủ tinh tế nhận ra mọi chuyện, nên thả tay cho tôi tự do bay về vùng trời tôi mong muốn.

Tôi làm nhiều việc để kiếm sống. Với trình độ của tôi, tiền kiếm được không khó. Nhưng không còn ai làm tôi tin và đủ sức để tôi yêu (hay là tôi không đủ sức yêu ai?). Rượu và thuốc lá làm tôi tàn tạ, đến mức không nơi nào chấp nhận tôi vì hai lá phổi tôi đã mờ câm… Nghe lời người chị ruột, tôi bỏ phố về đây trồng rau trái cho vui. Tôi đọc sách, có học qua về nhân tướng học, về chiêm tinh học, thỉnh thoảng lôi bà chị ra làm thí nghiệm. Mười lần trật chín, nhưng một lần trúng cũng làm cho bả tin như sấm nổ. Thế là tôi có thêm những khách hàng bất đắc dĩ từ cái miệng của bả.

Phụ nữ, thì hay nhẹ dạ. Vậy đó. Cô, cũng không nằm ngoài quy luật này, đúng không?

o O o

Hóa ra, chị là học trò của cha.

Nếu chị không nhắc tới tên của chị, không nhắc tới tên cha tôi một cách trân trọng và tràn đầy thương mến, thì tôi cũng chịu chết, không nhận ra đó là tác giả của những bài luận văn mà cha hay giữ lại để làm bài đọc thêm trong những giờ lên lớp. Còn nhớ ngày xưa, khi vào phòng làm việc của cha, ngoài những cuốn sách bìa sờn gáy mỏng chất cao quá đầu, tôi còn thích lục soạn chồng bài tập của học trò cha ra xem. Ðọc bài tập làm văn của người trên lớp mình, là một việc rất thú vị. Nhất là khi đọc những bài hay mà chữ còn đẹp thì càng thích. Chữ của chị viết đẹp lắm. Ðẹp như tên chị. Ban đầu cha rầy, sợ tôi phá hỏng bài làm của các anh chị, nhưng sau đó, thấy không tác dụng, cha cho tôi coi rồi bắt tôi nhận xét, coi như một cách học. Tôi rất thích cách làm bài của chị: rõ ràng, mạch lạc, nhưng rất… ướt át. Cha tôi thường nói, con gái mà tỉnh táo quá, thì khổ, mà đa sầu đa cảm quá, càng khổ. Chị, hình như có cả hai!

Vậy mà cũng đã hơn bốn mươi năm! Cô học trò của cha, người bạn học và là bà mai bất đắc dĩ của tôi… đã thay đổi tới mức tôi không còn nhận ra được nữa. Chỉ có một điều, bây giờ tôi vẫn thích “đọc” từ trong ánh mắt, trong giọng nói của chị. Một ánh mắt bao dung với cuộc đời, với cuộc người, và một nụ cười rất an nhiên.

Thì đó, chị chẳng mới vừa bảo tôi cứ vui vẻ mà sống tốt đi, mọi chuyện rồi cũng như nước chảy qua cầu, buồn quái gì cho mệt.

CG