Menu Close

Những bông cẩm chướng dại – Kỳ 5

Bà Phát bảo Thư ngồi đợi, sau khi bình phẩm: “Hồi này không ai chay trường nữa. Ðàn ông lúc nào cũng ăn mặn.” Ngôi biệt thự ban ngày thật đẹp. Từ chỗ ngồi Thư nhìn ra khoảng sân lót sỏi, cội giấy tím thẫm vắt ngang bức tường làm thành nếp đường viền nhã mắt. Dăm chậu mai nhụy trắng đặt cạnh chậu dâm bụt đỏ tía, nắng xiên xiên qua mấy bụi trúc già rọi sáng bừng khúc cầu thang sắt dẫn lên lầu thượng. Thư nhìn những nấc thang kim loại, từng bậc dẫn đến căn phòng mà Thư biết con Nhung từng ở đó, từng gọi cái người Phúc Kiến nằm đè lên mình nó bằng Pá sau khi tẩm quất và ngâm thơ Thổ Lầu. Thư ngước nhìn cửa sổ buông rèm với ý nghĩ căn phòng sắp là của mình. Thư ngạc nhiên thấy bình tĩnh lạ lùng, không run, không lạnh sống lưng, không tướp mồ hôi mà trí óc chừng sáng suốt hơn bình thường. Có gì đâu, đã quyết thì dấn bước, đã thu xếp thì thực hiện, cùng lắm vẫn còn tay chân kiếm sống. Hơn nữa sau vài bận, chị Châu trả hết nợ xong rồi ba chị em sẽ bắt đầu một kiếp đời khác. Nghĩ vậy, Thư cảm thấy thanh thản, không tự an ủi mình mà cũng không quá bi quan. Bà Phát bước ra, giới thiệu Thư với mấy người khách nghe đâu từ nước ngoài về. Nhóm khách ngắm nghía, quan sát, lựa chọn. Từ khi đi làm, Thư để ý đàn ông Hàn ưa da bồn bột. Ðàn ông Nhật ưa trắng bệch. Ðàn ông Trung tìm “phong nhũ phì đồn”, còn con cháu vua Hùng thích e lệ thẹn thùa tuổi cài trâm…

01

Một ông chọn Thư. Thư rũ vạt áo đứng lên. Ban sáng chị Châu thuê cho Thư chiếc áo dài tím than cổ cao. Theo kinh nghiệm của chị, khách Việt kiều luống tuổi thường ưa các “mô-đen” con trâu, nón lá, đình làng với phụ nữ nét xưa. Theo khách lên buồng, Thư cảm giác là mình đang sắm vai con Nhung mà thật sự  Thư chẳng đang trả nợ cho chị Châu thay nó đó thôi? Ba chị em sung sướng đói khổ cùng san, không ai gánh thay cho ai. Thư quyết định vậy. Con Nhung đã trả phân nửa, còn lại Thư cáng đáng. Trả hết nợ, ba chị em sẽ về Vĩnh Long bán cơm tấm độ nhật. Thư tính hết, mỗi người khách sẽ giúp ba chị em xích đến gần mục đích hơn. Vĩnh Long quê Thư có bến đò, cù lao, có xóm Cổ Chiên, phố Phó Cơ Ðiều sầm uất, lúa chín vàng đồng ruộng, cá bơi ngập sông, trái cây đầy vựa… Dân Vĩnh Long hiền hòa không quá cách mạng, không bon chen phấn đấu dễ sống. Khách hỏi tên Thư rồi tháo kính cận, mân mê vạt áo dài trước của Thư, sờ soạn ống tay áo, nắn bóp từ cườm tay đến bả vai với vẻ xót thương. Thư nhồn nhột lúc mấy ngón tay của khách vuốt cổ. Thư không bới đầu mà để tóc xõa tự nhiên, ngồi yên cho khách vén tóc hôn hít lỗ tai. Việt kiều nào cũng thích con gái quốc nội mặn mà, chất phác. Thư sắm vai ngoan ngoãn chịu cho khách tách từng cúc bấm áo dài. Thư nhớ con Nhung hay so sánh: Trâu già gặm cỏ non… Chua cay của con Nhung khiến Thư muốn cười khan khi khách kéo Thư ngã ra giường. Khách vừa vuốt ve vừa lấy ngón trỏ vẽ những vòng tròn chung quanh rốn Thư, vừa miên man kể về những thành phố huy hoàng ở ngoại quốc. Thư cũng ước ao đi xa, làm lại cuộc đời. Thư nhớ đến những người bạn học cũ, giờ này biến mất ở chân trời góc biển. Dũng ngày xưa đeo đuổi Thư năm lớp 10, có bao giờ Dũng ở Mỹ về rồi đi khách với Thư không? Tuấn ngày xưa làm thơ tặng Thư, Tuấn sẽ làm thơ tặng “tiếp viên phục vụ suất trưa” không? Bàn tay khách mỗi lúc một mạnh bạo, Thư xin khách nhè nhẹ tay để rách áo dài Thư phải đền. Khách cười hặc lên thích thú, ngón trỏ vẽ loang dần những vòng xoắn xít sâu xuống bụng Thư. Một con nhền nhện đang giăng tơ, tám chân nó múa liên hồi nhịp nhàng như máy may, Thư nhìn trân trối khoảng tường trên đầu mình. Lạ lẫm là không thấy đau. Cũng không tởm lợm gớm ghiếc. Mình chai đá thật sao? Thư tự hỏi mà không tìm ra câu trả lời, chỉ cảm giác có một con vật đang ăn cám mà Thư là máng chứa cám. Thư lại nhìn đăm đăm màu vôi, quét trắng tinh như khăn trải giường, giống như có ai đem cái giường ráp lên trần nhưng trống rỗng vì Thư không muốn thấy mình nằm trên đó. Thư vừa ngắm trần nhà kín bưng, vừa lắng nghe tấm lưng mỡ màng của khách đang đánh đu trên người mình làm nan giường rung như ba sườn Thư kêu vang. Thư cố điều tiết các ý nghĩ trong đầu mình, tìm một hạnh phúc nhỏ nhắn. Thư ngẫm nghĩ từ hôm lao thân, Thư gần gũi với con Nhung như chị em. Con Nhung đếm từng đồng bạc, nói khi nào đủ tám chỉ là nó theo Thư về Vĩnh Long, thuê sạp ở bến phà An Bình sau chợ lồng bán cơm tấm. Nó biết nấu chè thưng với chè kiểm, sẽ bán thêm ban đêm… hy vọng một hôm anh Tâm ghé sạp của nó. Anh Tâm ưa chè kiểm… Hai mắt con Nhung sáng long lanh, chuyện gì nó cũng nhắc anh Tâm. Một anh Tâm. Hai anh Tâm. Ba anh Tâm. Anh Tâm của nó là tất cả. Là lẽ sống của đời nó. Sau mỗi lần đếm tiền, con Nhung lại lôi cây đàn thùng ra hát: “Vàng phai trước ngõ, trong ngần áo lụa…”. Giọng nó bi ai: “Một vòng nôi ru chiều xuống ruộng, một dòng sông chở ngày hấp hối…” rồi thiết tha: “Chiều ra đứng bên trời gió lộng, hoàng hôn xuống ô chân mẹ về… Chợ chiều xa, không còn tiếng động…”

02

Nhiều lúc Thư thắc mắc có phải anh Tâm hay là nhạc Trịnh đã ăn sâu và đầu óc nó? Thư lại nghĩ mông lung, nhớ từ khi phụ con Nhung trả nợ cho chị Châu, nó trở nên quấn quýt với Thư, đêm nào cũng nằm đất ôm Thư ngủ. Ðôi khi con Nhung khắn khít quá độ khiến Thư sinh nghi. Hơi thở của nó thơm thơm những khi không mùi cồn, có lúc môi nó nhẹ hẫng áp má Thư phả những khát khao âm ẩm mà Thư không đoán được. Thường đến quá nửa đêm, giữa giấc ngủ mê nó hay thả một bàn tay vô hình luồn lén vào bên trong áo Thư, xoa xoa lướt lướt trên da Thư rồi mơn man thì thầm gì đó. Ðến sáng Thư hỏi đêm qua sao ngủ trớ, thì nó lắc đầu không hay biết. Nhưng đêm xuống, năm ngón tay nó lại mịn màng êm êm như rêu và bụ bẫm như tay trẻ nít mân bầu vú mẹ lúc nó dụi vào mình Thư thiếp ngủ. Con Nhung gác chân lên đùi Thư ôm siết sao cứng ngắc đến sáng. Một bữa, chị Châu thức sớm trông thấy cảnh tượng trố mắt: “Sao hai đứa bây ôm nhau ướt rượt?” Chị Châu làm Thư thẹn chín mặt, nhưng con Nhung thì cười hắt. Một đêm Thư tính tra khảo, hỏi nó có “bê-đê” hay không, muốn gỡ tay nó ra khi nó dang tay ấp Thư như đặt cuống hoa sen nhẹ nhàng lên đĩa bạc, nhưng rồi Thư hiểu nó thiếu tình mẫu tử, tình chị em, cần một người chị lớn an ủi, vỗ về thương yêu nó. Lúc ấy Thư ngắm con Nhung, thấy lại gương mặt nó trong ngày, rạng rỡ hoặc buồn thiu, hai má hồng hồng ngây thơ, sóng mũi khờ dại trên khóe môi cong dễ khóc làm Thư mủi lòng. Thư để yên cho nó ôm trong giấc ngủ, nguyện đùm bọc chăm lo cho nó đến thành thân.

Mồ hôi khách bây giờ nhễ nhại, vã thốc vã tháo, đổ tắm xuống mình Thư. Thư thấy nhợn, giống đang tắm dầu hay chìm trong sình. Gã khách đu dây trên bụng Thư như Tarzan đánh chuyền, làm Thư cảm giác kỳ cục có một con vượn đang nhả nước dãi xuống người mình. Khách áp sát mặt, hỏi Thư có phê không? Một mẩu thịt thối dính ở kẽ răng. Khách lại giở quẻ, bắt Thư lật sấp. Thư ghim mặt vào gối, muốn căn phòng tan biến đi, chỉ còn tiếng hát trẻ thơ lảnh lót hoạ mi của con Nhung. “Tuổi thần tiên nép trong tay mẹ hiền, Một dòng sữa thơm xa xôi còn truyền…”

Tuổi là cây bút thon thon ngọc ngà

Tuổi là sách thơm, trong như ngoài bìa

Tuổi là cây viết xanh xanh hàng chữ

Ép trong đôi tờ cánh bướm đã khô…

Thư lẩm nhẩm một mình khi bà Phát bảo Thư ra về vì trưa hết khách.

o O o

Lúc Thư về đến gác thì con Nhung đang ngồi lầm lì một mình. Thư hỏi chị Châu đâu? Nó không trả lời, chỉ tiếp tục xếp quần áo vào giỏ. Nhìn hai con mắt con Nhung đỏ nhừ, Thư biết nó sắp nổi cơn. Thư chụp bàn tay con Nhung hỏi lại: Chị Châu đâu? Sao không đợi Thư mà về trước? Bà Phát nói đưa tiền cho nó với chị Châu, cầm chưa? Con Nhung giựt phắt bàn tay, tru tréo: “Con mẻ đi mua ngải rồi. Ðừng tưởng con mẻ tốt lành mà thăm hỏi!” Ðôi mắt con Nhung long lên sòng sọc, tròng mắt nó trợn ngược dữ tợn. Thư la nó đừng nói bậy! Thì con Nhung lồng lên xỉa xói: “Bà đừng tưởng con mẻ thương bà, tiền bà làm bao nhiêu con mẻ ăn chặn hết. Bữa trước con mẻ đuổi xuống lầu là để rước khách riêng. Con mẻ mà nợ ai, bày trò để bắt bà làm đĩ!” Thư lạnh khắp mình mẩy. Trời ơi! Chị Châu đối xử với Thư như vầy sao? Trời ơi trời! Thư thấy tối tăm mặt mũi, muốn khuỵu, phải vịn bàn. Con Nhung tiếp tục lồng lộn kể hết sự tình, nào nó đồng lõa với mẹ Châu, nào nó ăn sương lâu rồi không phải mới đây, mẹ Châu dắt đào cho mấy chục động, dụ nó bán trinh chia hai chỉ, bắt nó mồi chài mấy lão có gia đình để mẻ thuê ma cô tống tiền ăn huê hồng… Nó “sang ngang” lâu rồi. Huyết trinh nó đánh tiết canh cho khách húp hết rồi, đừng bày đặt thương hại! Nó tuôn xa xả cho đến lúc như quả bóng hết hơi đổ rũ xuống. Con Nhung đột ngột chuyển sang sầu não, trầm uất. Nó rên rỉ than vãn cuộc đời bắt nó làm chó cái, lảm nhảm hồi lâu rồi tức tưởi khóc: “Chị biết em ngủ với ai hồi nãy không? Không phải mấy cha Phúc Kiến mà là anh Tâm! Là anh Tâm! Anh Tâm!” Con Nhung gào lên thảm thiết: Sao anh Tâm nỡ lòng nào đi khách trên mình nó? Anh Tâm nhận ra nó mà. Nó cắn môi tím lịm muốn bật máu, trong lúc da cổ đỏ ban như lên phong. Con Nhung bắt đầu co giựt, ban đầu còn cấu xé mặt đệm rồi bất thình lình nó đưa mười móng tay cào cấu tróc da mặt, máu chảy ròng ròng. Thư hét lên ôm ghị nó, nhưng con Nhung vùng vẫy chống cự, lăn lóc ra sàn. Nó thét: Ðể nó chết đi. “Chị Thư để em chết!”; “Chị Thư để em chết!”; nó vừa rống vừa chụp chiếc bình thủy đựng nước trà đập tan hoang mọi thứ. Thư giằng, nhưng con Nhung mạnh kinh khủng, nó đạp Thư ngã, liên tục gào la: Nó thề giết anh Tâm rồi thắt cổ. Nó đổ vật ra giường, giựt giựt tay chân, cong vòng xương sống như động kinh. Thư đỡ nó dậy, lập tức nó đòi lấy lưỡi lam cắt gân, chân cẳng nó đạp tứ tung, miệng sùi bọt phun phì phì vào mặt Thư. Hai màng tang nó phồng lên, cuống họng căng bạnh khản đặc gào rú anh Tâm bắt nó cởi truồng ngó thì nó chết cho anh Tâm ngó xác nó…

03

Tiếng xe máy từ bùng binh vọng qua cửa sổ xối vào buồng át dần tiếng rên của con Nhung. Nó rên la cả giờ đến khi mệt lả. Mền chiếu rách nát, chăn mùng tả tơi, giường ghế tủ bàn son phấn niêu bếp tranh ảnh trang thờ xô lệch… Thư không còn trông rõ gì hết, chỉ thấy có đứa trẻ gái tự xé quần áo lăn lộn trần truồng đòi chết. Con Nhung đòi nhảy lầu, uống thuốc rầy tự tử, treo cổ trong bồn xí… Có tiếng chân chị Châu hấp tấp chạy lên thang gác. Tiếng guốc của chị khua như dao thớt dộng. Thư thoáng thấy khuôn mặt chị đằng đằng sát khí hầm hầm mở cửa. Thư bưng tai không muốn nghe những lời cay nghiệt hiểm độc chị đang thốt ra. Mùi nhang cúng đêm ngày ở cái am nhỏ trong góc nhà kề bên chân giường chị Châu bay rờn rợn. Ánh đèn lập lòe ở cái tim dầu hôi như ma trơi. Con Nhung nổi điên nhưng không dám đụng đến cái am thờ bụi cây phủ vải điều. Mùi nhang cúng hay mùi ngải? Chị Châu tốt bụng hay giả dối? Con Nhung điên hay tỉnh? Chị Châu bảo bọc hay gian ác? Con Nhung đĩ thõa hay nạn nhân? Nó trẻ thơ hay dâm loàn? Cuộc đời chó cắn, thân phận con gái, xã hội vô sản, thiên đường vinh quang… bao nhiêu thứ làm đắng chát lòng Thư.

Thư đếm tiếng chuông trong thơ Nhã Ca. Tiếng cuối cùng là tiếng nấc của gian dối.

 TV, Paris 7/1991 – Buena Park 5/2016