Menu Close

Sài Gòn không bột ngọt

“Tháng sáu trời mưa trời mưa không dứt

trời không mưa anh cũng lạy trời mưa”

Hoàng Thanh Tâm

Sau những cơn nắng đổ lửa của mùa khô hạn kỷ lục vừa qua, Sài Gòn bắt đầu lục đục thay xiêm y, mặc lại cái áo mưa nắng thất thường lâu nay đã thành “thương hiệu” của nàng. Thị dân cũng chả thèm ngỡ ngàng, trong “cốp” xe lúc nào cũng có áo mưa để đề phòng khi có “biến”. Những dòng người vẫn ngược xuôi bất kể sáng sớm hay khuya muộn ở khắp nẻo đường. Sài Gòn bon chen, Sài Gòn nhộn nhịp, bất chấp…

Sài Gòn mùa mưa thì có gì?

H_nh-17

Khi biên câu trên, tôi đã bật cười với những câu trả lời tự nhảy ra trong đầu, nó như là một điều hiển nhiên tồn tại. Ðúng vậy, “Sài Gòn mưa”, ngoài những chú cá chết đuối trôi bềnh bồng trên mặt kênh Nhiêu Lộc thì sẽ có kẹt xe, ngập đường, chửi thề và… trễ hẹn. Không những vậy, Sài Gòn mùa mưa sẽ có những tín đồ ẩm thực ngồi bên bàn phím ngó mưa mà chép miệng:

– Giờ, phải có “ui” kho quẹt và dĩa rau, chén cơm trắng thì ăn xong chết cũng được!

Vậy mà, sau khi có kho quẹt, cũng chính tín đồ trên vào một ngày khác, cũng ngồi bên bàn phím chép miệng:

– Giờ, phải có con khô sặc, trái xoài, trộn ăn chơi thì ăn xong chết cũng được!

Ðường đi đến trái tim đàn ông hay phụ nữ, luôn có một lối tắt đi ngang bao tử. Ðó là điều không thể bàn cãi. Ai đã từng ở VN một thời gian nhất định, sẽ không thể nào quên hình ảnh lẫn hương vị con cá chiên giòn lăn tròn qua chén nước mắm gừng cay nồng nàn; ngoài kia mưa rơi, trong này vừa ăn vừa thốt: “Má, mưa riết đói!”. Nghe có vẻ hơi “mất vệ sinh an toàn thực phẩm” nhưng nó thật sự rất… hấp dẫn.

Dạo gần đây, những tin tức về thức ăn, nước uống bẩn lan tràn khắp đất nước, làm lòng người xiêu vẹo. Thậm chí bà con còn cho là chính sách đầu độc dân tộc Việt Nam của Tàu cộng. Gắp miếng rau chấm vô tộ kho quẹt, xé con khô cá sặc, nếm miếng cá nục kho cà, hương vị quê hương làm mắt sáng ngời nhưng sau đó lòng cũng sinh sôi đầy rào cản. Ăn, không ăn, ăn, không ăn…

Nhưng rồi cũng có một (vài) nơi để  người Sài Gòn tin cậy. Nó thuộc về một con người thích “nâng niu bao tử Việt”. Vì ngoài những món ăn quen thuộc  và ngon, ở đây còn có những đĩa thức ăn “sạch”, theo cách nói của dân Sài Gòn “sạch” là không bột ngọt, thịt và rau hoàn toàn không dính đến  hóa chất, sau khi ăn xong không sợ bớt yêu quê hương mình. Trong khi nhà nhà đầu cơ, trữ xăng dầu ngừa tăng giá, trữ đô la ngừa truy thu, thì con người này cùng nhiều người khác tìm và trữ thực phẩm sạch để cạnh tranh với những người thích lợi nhuận mà tự giết nhau, giết mình…

Sài Gòn của tôi đó, không bớt được người đáng yêu đâu!

“Cậu Ba Quán” nho nhỏ nép vào lòng của con đường một chiều Mạc Ðĩnh Chi cũng nho nhỏ. Nhìn từ bên ngoài không có gì đặc biệt ngoài cái bảng “Cậu Ba Quán/ Không bột ngọt” và khi đi vô trong, ta cũng sẽ thấy không có gì đặc biệt. Không gian quán nhỏ, được trang trí theo phong cách rất… phong cách nên cũng khó cho người muốn định dạng cụ thể. Nói một cách hời hợt là quán này chả có gì đặc biệt trước khi gọi món hoặc quen biết chủ quán. Việt Nam là vậy, “có quan hệ” chuyện gì cũng dễ hơn, dễ ở đây cũng đa nghĩa, dễ gần lẫn dễ xa.

Quán Cậu Ba không bột ngọt
Quán Cậu Ba không bột ngọt

Những món ăn ở đây ngoài “không bột ngọt” thì nghe tên thấy cũng… bình thường. Bún bò, phở, canh bún, bánh mì, bún thịt nướng… Những món ăn “căn bản” ở Sài Gòn, vài mét vuông ta có thể thấy một tiệm. Chuyện bất bình thường là trong tô canh bún có một con tôm càng to đùng, trong tô phở là khoảng một, hai lạng thịt, trong ổ bánh mì không pate, không đồ chua mà là cà, xà lách… kèm theo đó là hương vị tất cả các món rất lạ. Nó vừa quen thuộc với khẩu vị người Việt, vừa có cái gì đó sai sai khó tả. Người nước ngoài ăn vào thì khẳng định là món Việt, người Việt ăn vào thì thấy có vẻ… nước ngoài.

Không gian quán.
Không gian quán.

Có rất nhiều lý do để bạn đến một quán ăn, có thể vì “nghe đồn” ở đó có món ăn ngon, lạ hay cô phục vụ xinh xắn, nụ cười tỏa sáng, có thể vì thấy cái quán đẹp, có thể vì quen biết chủ quán hoặc đến để rình ai đó. Cậu Ba Quán cũng vậy, đa phần khách đến đây đầu tiên cũng chỉ vì Cậu Ba, nickname của vị chủ quán trẻ tuổi, thích sáng tạo và rất dễ gần, khuyết điểm duy nhất là bịnh tưởng… mình đẹp mọi lúc mọi nơi mà thôi! Bằng chứng là mỗi khi chia sẻ các công thức món ăn không bột ngọt lên trang cá nhân (hoặc dưới bất kỳ bài viết nào), Cậu Ba luôn kèm theo chú thích:”Nhớ khen cậu đẹp, ai không khen tự block!”

H_nh 5 H_nh 7

Cậu Ba sanh năm 1975 và không ở Việt Nam từ nhỏ. Sau nhiều lần về thì cảm thấy có nhiều cảm tình với… nhan sắc phụ nữ Việt nên đã quyết định ở lại đây. “Ðến với nghề bếp có lẽ là do duyên! Cậu chỉ là tay mơ!” Cậu Ba thường nói như vậy khi kể về cuộc đời bếp núc của mình. Ngoài là một hotboy trên mạng xã hội với những bình luận xác đáng, tưng tửng về các vấn đề nóng, cậu còn thường xuyên tham gia các cuộc biểu tình Chống Trung Quốc, Bảo Vệ Môi Trường với những người bạn có cùng chí hướng. Nên hơn ai hết, cậu biết được rằng chống thực phẩm bẩn, thực phẩm không nguồn gốc là cách thể hiện lòng yêu nước thiết thực nhất, cậu đã làm điều đó. Cậu Ba thể hiện những việc mình làm bằng những chuyến đi, những tấm hình chụp “show” một cách công khai minh bạch trên trang cá nhân của mình. Những “bạn hàng” cung cấp thực phẩm sạch cho cậu cũng được mọi người biết đến qua những bài viết, nhờ đó, sự tin tưởng của mọi người khó có thể sứt mẻ vì sự tò mò đã được thỏa mãn. Như chuyện cá chết ở Vũng Áng, làm lòng dân sôi sục thời gian qua cũng chỉ vì họ cảm thấy bị bịt mắt, cảm thấy tò mò không hiểu tại sao nguyên nhân cá chết lại được bảo mật đến ly kỳ như vậy. Nếu tất cả công khai, minh bạch thì có lẽ “phản động” không đông như bây giờ. Vì qua vụ cá chết vừa rồi, người quay lưng lại với chính quyền toàn là những người từng rất tôn sùng và tin vào cái họ đang… chống.

Canh bún “thần thánh”
Các món gia vị Cậu Ba làm bạn xuyên Việt
H_nh 11
Canh bún “thần thánh”

Ngoài quán ăn trên, Cậu Ba còn một quán nhậu hải sản cách đó một con đường, các món nhậu ở đó đều không bỏ bột ngọt và dùng thực phẩm sạch, có nguồn gốc. Qua “vụ án” Vũng Áng vừa qua, cậu đã tự động ngưng bán hải sản một thời gian để biểu lộ “bức xúc”. Tuy nhiên để “cứu” sự thèm muốn của các “mị” Cậu Ba Quán đã phục vụ hải sản trở lại và tất nhiên không phải hải sản xuất phát từ nơi có độc.

“Chân dung” Cậu Ba
“Chân dung” Cậu Ba

Một điều ngạc nhiên nữa sẽ đến với bất cứ ai khi bước vào căn bếp be bé trong hai quán của Cậu Ba là các bếp lò, dụng cụ làm bếp toàn đồng bộ từ inox và dùng điện. Nhìn rất hiện đại hơn hẳn bất cứ nhà hàng lớn nào ở Việt Nam. Do có sự đầu tư từ khẩu vị, trình bày đến từng khâu chế biến như vậy, quán đã thu hút không ít các nhà ẩm thực nước ngoài lẫn các tờ báo đến phỏng vấn.

Tôi biết Cậu Ba  cũng rất tình cờ, tình cờ đến nỗi tôi cũng không nhớ rõ lý do. Nhưng sau khi theo dõi và gặp nhau tôi đã biết mình lầm. Cậu không đẹp trai như tôi nghĩ và sau khi tôi “công khai minh bạch” suy nghĩ của mình về nhan sắc cậu, cậu đã hứa sẽ… rút kinh nghiệm. Do vậy, khi đến Cậu Ba Quán, 82 Mạc Ðĩnh Chi ăn hay đến Cậu Ba Quán gần đó nhậu, các bạn chỉ cần nói là bạn của tôi, sẽ được tặng ngay câu:”Tiễn khách!”. Nhưng nếu kèm theo câu:”Cậu Ba đẹp trai quá!”. Không chừng sẽ được miễn phí, tặng thêm một phần ăn nữa. (Tất nhiên còn tùy theo nhan sắc của bạn)

Cậu Ba trong một cuộc biểu tình
Cậu Ba trong một cuộc biểu tình

Hôm nay, tôi đến quán chọn cho mình tô canh bún, tôi thích nhất món này. Vì ngoài chú tôm càng to con kia thì nước lèo ở đây rất đậm đà, ngọt vị thịt thơm mùi cua đồng, tuy nước lèo hơi ít nhưng không sao, ta có thể xin thêm mặc kệ sự phản đối âm thầm trên gương mặt đau lòng của chủ quán.

Cậu Ba và nhà thơ trẻ Du Uyên
Cậu Ba và nhà thơ trẻ Du Uyên

Tôi vừa ăn vừa săm soi tìm kiếm nét đẹp của Cậu Ba. Ăn vừa xong thì trời rớt từng hột từng hột. Lại mưa! Quên mang theo áo mưa. Phải kiên nhẫn ngồi lại để tiếp tục tìm kiếm nét đẹp trên khuôn mặt đầy… tiềm năng kia và cuối cùng lại vẫn… thất vọng!

Lại là một kết thúc không có hậu mấy, phải không?

Quán nhậu không bột ngọt của Cậu Ba đêm nào cũng đông đúc.
Quán nhậu không bột ngọt của Cậu Ba đêm nào cũng đông đúc.

DU