Tại tỉnh Irian Jaya thuộc vùng rừng núi hẻo lánh trên đất nước Indonesia, cho đến ngày nay vẫn còn tồn tại bộ tộc Dani sống cách biệt với nền văn minh của nhân loại. Điều gì sẽ xảy ra khi du khách đến đây? Không có gì nguy hiểm. Chỉ có điều cả hai bên sẽ tròn mắt ngạc nhiên một cách hiếu kỳ. Nhóm người Dani luôn trầm trồ những vật dụng du khách mang theo, thí dụ chiếc máy ảnh nhìn thấy mình trong đó. Còn du khách sẽ không tin vào mắt mình khi thấy ở thế kỷ 21 vẫn còn những con người hoang sơ, tồn tại trong một môi trường sống đầy khắc nghiệt.
Thung lũng Baliem được bao bọc bởi những con sông chảy xiết điên cuồng. Những vùng rừng núi không có lối thoát khiến Baliem bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Con sông Baliem là con sông chính chảy ngang quanh thung lũng treo toàn cầu khỉ làm bằng thân dây leo đan bện chặt vào nhau. Bên dưới nước cuồn cuộn làm chùn bước chân những người mạo hiểm muốn khám phá bộ tộc Dani, một bộ tộc trong số hơn hai trăm bộ tộc còn sót lại có cuộc sống tách hẳn thế giới bên ngoài. Tuy vậy, ngày nay nhiều tour du lịch dành cho một số ít người có đam mê tìm hiểu đời sống bản địa của thổ dân nguyên sơ giữa núi rừng hiểm trở bằng những chuyến bay chừng năm bảy người đáp xuống đồi cỏ nằm gần thung lũng. Bộ tộc Dani đang tiếp cận cuộc sống của người từ bên ngoài, và những cuộc trợ giúp của tình nguyện viên xã hội tỉnh Irian Jaya đã giúp một phần nhỏ người Dani làm quen với quần áo.

Sự thay đổi đời sống văn minh của một số ít người bộ tộc Dani gần như chỉ dừng lại ở giữ ấm cơ thể mình bằng vài ba thứ quần áo. Tập tục sinh hoạt, cách sống, ăn ở vẫn như bao đời cha ông thế hệ trước. Thú vui duy nhất của trẻ con và người lớn bộ tộc Dani là đón chờ xem chuyến bay duy nhất đáp xuống đây mỗi ngày. Họ chờ đợi trong háo hức. Ðàn ông Dani cũng biết trang điểm, sơn mặt kỹ lưỡng bằng mỡ heo trộn đất sét pha màu, cắm quanh trán những cánh lông chim; phụ nữ mặc váy bằng sợi cỏ trễ dưới rốn như những vũ công múa bụng. Thật ra đó là màn chào đón du khách đến với bộ tộc Dani do các công ty du lịch đạo diễn tăng thêm phần hiếu khách của những người Dani làm quen với cuộc sống văn minh.

Thực tế, trong rừng sâu hay quanh các bản làng gần sông suối, người Dani vẫn giữ lối sống nguyên thủy. Rời phi trường dã chiến, du khách tiến sâu vào làng bản sẽ thấy mình thụt lùi hàng ngàn năm. Khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đến đây mỗi ngày không phải tìm lạc thú du lịch mà tính phiêu lưu mạo hiểm thôi thúc họ đến đây, cho dù giá tour một tuần thăm thú bộ tộc Dani nguyên sơ không hề rẻ. Những người dân Dani cũng được chia lợi nhuận bằng tiền, bằng thực phẩm, bánh kẹo để làm “bạn” với du khách. Ngược lại, nếu bạn muốn nếm thử đặc sản bản địa, du khách sẽ được thổ dân chia sẻ những món ăn đơn điệu toàn là khoai củ, thịt chuột, rắn rết của núi rừng do họ tự tay trồng trọt và săn bắt. Một điều cần biết dành cho những ai muốn thực hiện chuyến du lịch đầy ấn tượng này là cần phải mang theo đủ thức ăn mình cần, trong thung lũng Baliem hoàn toàn không có hàng quán và cũng chẳng có một nhà trọ nào có đủ tiện nghi tối thiểu. Vào đến nơi đây, tốt nhất là bạn hãy tạm thời trở thành con dân bộ tộc. Có như vậy cuộc du lịch khám phá mới thực sự trở nên hấp dẫn.
Bạn thử sống trong những ngôi nhà làm bằng tranh lá nhỏ như túp lều của thổ dân gọi là honai. Bên trong chẳng có giường chiếu, chẳng có bếp núc, chỉ có một mớ vật dụng nấu ăn lẫn lộn với vài ba con gà con vịt, thậm chí có cả chú heo rừng. Những con vật này không phải người ta nuôi mà được bắt về từ rừng sâu để làm thực phẩm. Nơi đây là “hậu cung” của người phụ nữ nội trợ trong nhà, trong khi đàn ông thường sống riêng biệt ở các lán trại chung nhau với nhiệm vụ chiến đấu chống lại bộ tộc khác ức hiếp bản làng, và nhiệm vụ cao cả là canh giữ xác ướp của các tộc trưởng. Những cái xác đen bóng, di vật quý báu lưu truyền nhiều đời luôn sống cạnh những chiến binh, phù hộ dân làng khỏe mạnh tránh được quỷ dữ rừng thiêng.

Ðàn ông và phụ nữ tộc Dani trong rừng sâu không có khái niệm quần áo. Họ sống giữa thiên nhiên hoang sơ và con người của họ cũng y như vậy giống thời nguyên thủy. Phụ nữ để ngực trần, phần dưới được che bằng những chiếc váy lá cây xé tưa, đi chân đất và trang điểm bằng vài chiếc vòng hay chuỗi hạt làm bằng gỗ và đeo cái quai của chiếc túi noken bện bằng sợi phong lan nhuộm đủ màu sặc sỡ, đựng đồ không phải trên vai mà đeo lên trán như một cách làm duyên. Du khách hẳn sẽ ngạc nhiên tại sao họ lại đeo một vật nặng trong đó chứa đủ thứ nào là thức ăn hay những loại ngũ cốc họ kiếm được từ đâu đó. Ðó không phải là bùa hộ mạng, mà chiếc bùa hộ mạng đem lại may mắn cho họ chính là chiếc băng tay đeo ở cùi chỏ.
Cánh đàn ông đơn giản hơn, chẳng mặc gì cả. Chỉ có những người có công với bản làng chống lại kẻ thù mới được cài hai chiếc nanh heo rừng lên cánh mũi, đầu vắt lông chim ưng, một cọng lông chim là một cái đầu của kẻ thù bị cắt xuống. Nếu bạn vào rừng sâu bắt gặp những dũng binh đầu giắt bao nhiêu lông chim là biết dũng sĩ ấy đã giết được bao nhiêu kẻ thù. Nhưng cái độc đáo nhất có trên người của đàn ông Dani lại là chiếc holim mà thổ dân gọi là koteka. Holim là một cái ống có đầu vạt nhọn làm từ trái bầu khô, kích thước lớn nhỏ và hình dáng thẳng hay cong là tùy thực tế cái của quý của họ. Tuy nhiên, có đôi khi bạn bắt gặp một người đàn ông Dani đeo cái holim quá dài, điều này không có nghĩa là cái “ấy” quá cỡ thợ mộc mà đó là “quý ông” đỏm dáng, muốn trang điểm cho nó khác thường. Cái khổ là họ phải cẩn trọng đi đứng giữa chốn đông người. Trẻ con thì không đeo holim, chỉ khi nào trưởng thành đến tuổi lập gia đình thì mới được đeo holim để các cô gái chú ý.

Ðiều đặc biệt là thổ dân Dani cũng không có khái niệm tắm rửa và giặt giũ. Họ làm vệ sinh thân thể bất kỳ chỗ nào có nước chảy qua. Một điều đặc biệt khác, là công cụ lao động của họ vẫn dùng rìu đá để làm những công việc lặt vặt trong rừng. Họ sống một cuộc sống thật hoang sơ thường ngày và họ cũng biết ca hát nhảy múa để quên đi nỗi nhọc nhằn trong lúc làm lụng. Dân Dani sống theo từng gia tộc cách biệt, rải rác trên những khoảnh đất cao, chung quanh đầy cây cối.
Ðó là cuộc sống của nhiều gia tộc Dani còn ở những khu vực rừng sâu cách biệt với thế giới bên ngoài, chẳng hạn vùng Wamena hay Karubaga, phía Bắc thung lũng Baliem, du khách phải vượt qua ngọn núi Trikora cao nhất Indonesia. Các lối mòn đầy bùn lầy do những trận mưa liên tiếp trong năm, cây rừng che tán che khuất ánh nắng mặt trời. Bên dưới là một thế giới âm u khiến du khách không dám bước chân vào khu vực đầy hiểm trở mất hẳn dấu vết của nền văn minh mà ngay cả nhà nước Indonesia cũng không muốn tiếp cận.

Tuy nhiên, một bộ phận tộc Dani ở những vùng đất ven sông Baliem ngày nay đã được khai trí. Trong bản làng có trường học, giáo viên tình nguyện từ các nơi được Bộ Giáo dục cử về dạy chữ và cán bộ xã hội giúp họ thay đổi dần cách sống. Những mảnh ruộng bậc thang, rẫy rau màu mỡ tươi tốt quanh triền sông Baliem đã mang lại cuộc sống ấm no cho tộc người Dani sơ khai, một miền đất bị lãng quên. Vấn đề còn lại của chính quyền là tiến sâu vào những vùng hẻo lánh xa hơn nữa. Nhưng nhiệm vụ đó khó thành sự thật do địa hình quá khó khăn trong việc mở đường nơi rừng sâu núi thẳm. Và người Dani sống ở những nơi đó cũng không muốn di chuyển về những khu vực nơi con người văn minh có cơ hội giúp họ thay đổi cuộc sống.
NL – Theo Discovery