Hè rồi, đi đâu bây giờ? Biển chết. Chắc có lẽ, trốn cái nóng Sài Gòn trong một hai ngày thì nên ghé đất Cần Thơ để đi chợ nổi. Không gì khoan khoái bằng ngồi chênh vênh trên mạn tàu, đầu đội cái nón lá dừa bện, tay cầm miếng thơm chua chua ngọt ngọt cắn một miếng, nhìn ngắm ghe thuyền tấp nập người mua kẻ bán.
Nghẹt thở bởi lục bình
Ðất Cần Thơ sầm uất một thuở càng trở nên chộn rộn, ồn ào hơn khi hệ thống giao thông đường bộ phát triển mạnh. Nhất là khi cầu Cần Thơ nối liền hai thành phố Vĩnh Long và Cần Thơ khánh thành vào năm 2010. Mỗi năm, sân bay Cần Thơ (trước đây là sân bay quân sự Trà Nóc từ thời Việt Nam Cộng Hòa) đón và đưa hàng trăm nghìn lượt khách đến và đi. Hằng ngày, hàng chục xe chở khách du lịch từ Sài Gòn, Vĩnh Long, Tiền Giang và các tỉnh miền Tây khác về Cần Thơ. Chợ nổi Cái Răng ở quận Cái Răng được chánh quyền địa phương xem là tài nguyên du lịch của tỉnh này. Du khách thập phương đến đây đều nghe giới thiệu rằng, chưa đi chợ nổi Cái Răng xem như chưa đến Cần Thơ.

Thế nhưng miền đất vốn dĩ hiền hòa và trù phú này ngày càng trở nên ngột ngạt đối với những người dân sông nước, bởi sông đã bị nhiễm mặn, vừa bị ô nhiễm; các con kênh rạch ngày càng khô cạn và nghẹt thở bởi lục bình.
Miền Tây có 5 chợ nổi lớn, đó là Chợ nổi Cái Bè nằm ở đoạn sông Tiền giáp ranh giữa ba tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre. Chợ nổi Phụng Hiệp ở tỉnh Hậu Giang, Phụng Hiệp là tên của huyện, còn địa điểm họp chợ là giao điểm của bảy nhánh sông. Chợ nổi Châu Ðốc ở tỉnh An Giang gần thị xã Châu Ðốc… Và Chợ nổi Cái Răng ở thành phố Cần Thơ.

Thuở xưa, chợ nổi hình thành là vì đường bộ và phương tiện lưu thông đường bộ chưa phát triển, trong khi đó vì nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa, người ta tụ tập trên sông và bằng các phương tiện như xuồng, ghe, tắc ráng…
Những thương lái sẽ xuôi xuồng, ghe vào các miệt vườn, tận nhà của bà con nông dân để thu mua nông sản, trái cây. Từ củ khoai lang, trái bí đỏ, bí đao, trái su… đến các loại trái cây như măng cụt, dừa, thơm, sầu riêng, chôm chôm… không có gì khó tìm ở vùng đất trù phú này. Thế nhưng khoảng năm năm trở lại đây, các chợ nổi như Cái Bè, Châu Ðốc, Cái Răng… trở nên thưa thớt và ngột ngạt. Thưa thớt không phải vì ít xuồng, tàu bè, thậm chí còn nhiều hơn bởi các công ty lữ hành mở tour du lịch đến các chợ này, mà chợ nổi thưa thớt vì hàng hóa không còn phong phú như xưa. Các con sông đã trở nên dơ bẩn.

Ghé bến Ninh Kiều, quận Cái Răng thành phố Cần Thơ lúc 7 giờ sáng, mua một vé tàu với giá gần 2 đô rưỡi, chỉ chưa đầy 15 phút là du khách đến chợ nổi Cái Răng. Trước khi đi, tôi mua cái mũ lá dừa với giá mười lăm ngàn đồng (tương đương gần 0.7 đô la) vừa che cái nắng, cái gió vừa giúp người phụ nữ tàn tật ngồi trên chiếc xe lăn với đôi tay khéo léo đan nón kiếm sống.
Hỏi sao gọi là Cái Răng, người lái tàu cho hay:
Người ta lý giải chữ Cái Răng theo nhiều cách. Có người nói là ngày xưa có con cá sấu khổng lồ mắc kẹt ở đây rồi bị chết, để lại cái hàm răng nên người ta gọi quen vùng đất này là Cái Răng. Nhưng tôi thì tôi tin câu chuyện mà ông nội tôi kể hơn. Ông bảo ngày xưa người Khờ Me hay mang cái cà rang xuống vùng đất này để đổi hàng hóa. Người địa phương mỗi lần đi mua cà rang, gọi Cà Ràng riết thành Cái Răng.
Cà ràng là một loại bếp lò được làm bằng đất nung hình số 8, có gờ cao để chắn gió, chứa tro và một ít cây củi. Mục đích là không để tro văng ra ngoài, lại giữ nhiệt tốt hơn. Bếp có thể để trên sàn nhà bằng tre nứa, sàn ván gỗ hay có thể để ngay trên ghe thuyền mà không sợ bị bén lửa cháy mặt sàn, lại gọn nhẹ và dễ di chuyển. Có lẽ chính vì thế mà thuở trước, và ngay cả bây giờ, trên một số tàu thuyền ở miền Tây sông nước vẫn còn ưa chuộng loại bếp này.
Những cây bẹo
Từ xa đã thấy những cây bẹo vươn cao (tức cây tre mà người buôn bán cắm trên ghe, dùng để treo thứ mà mình muốn bán, như người bán khoai lang, bí ngô thì treo lên vài củ khoai, trái bí ngô, người bán thơm thì treo lên vài trái thơm để người khác nhìn là biết ghe, thuyền đang bán thứ gì). Thế nhưng ở đây cũng không phải cứ treo gì là bán đó. Có ba trường hợp ngoại lệ, treo mà không bán và bán mà không treo. Thí dụ, thấy treo áo quần là đang phơi áo quần vì họ sinh sống ngay trên thuyền. Hay thấy treo vài cộng lá dừa là chủ ghe muốn bán cái thuyền.
Một số thuyền chạy len lỏi bán đồ ăn, nước uống cũng chẳng thấy treo gì cả. Cũng có một trường hợp nữa, vài cô xinh xinh, da trắng, tóc dài, mắt đen huyền nhìn như búp bê máy cũng không treo thứ gì trên cây bẹo cả, cứ lái thuyền thẳng đến chỗ đám đông đàn ông để bán thứ… tự có.

Nhìn thấy trái thơm treo lủng lẳng một cách ngon lành trên cây bẹo, chúng tôi yêu cầu chủ thuyền ghé vào. Chị bán thơm tay thoăn thoắt gọt thơm để bán cho du khách với giá mười ngàn đồng một trái (quá rẻ!). Hỏi chuyện chị cho hay:
– Mấy năm nay buôn bán cũng qua ngày thôi em à! Cũng nhờ vào mấy công ty du lịch họ đưa khách tới nhưng càng ngày càng ít khách hơn.
– Sao vậy chị?
– Nước sông ngày càng ô nhiễm rồi, thêm việc nước bị nhiễm mặn, đời sống ngày càng khó khăn hơn. Người ta đi nhiều nhưng cũng ít mua gì.
Xin phép chị lên thăm thuyền, tôi bắt gặp đứa con 14 tuổi của chị đang phụ mẹ dọn dẹp.
– Hôm nay không đi học hả em? Tôi hỏi thăm.
– Dạ không chị ơi, em nghỉ học lâu rồi.
– Ủa, tuổi em còn nhỏ mà?
– Ở đây ít đứa nào đi học lắm chị ơi, theo cha mẹ, theo ghe đi khắp nơi.
– Thế sao em không gắng mà học, bộ lớn lên định làm chủ thuyền à?
– Trước, em cũng muốn nhưng giờ hết rồi. Phải phụ mẹ buôn bán, chợ này ế quá thì xuôi theo con nước, tới chợ khác bán. Trước cha mẹ em cũng định xin cho em lên bờ học, nhưng không có sổ hộ khẩu nên không được.

Chợ nổi Cái Răng – toàn cảnh hiện ra trước mắt chúng tôi. Những chiếc ghe nhỏ lấy hàng từ thuyền lớn. Các mặt hàng ở đây bao gồm củ, trái, rau… Nhiều ghe bán thức ăn cho du khách hủ tiếu, cà phê, bánh bao, bún… Những người phụ nữ mải miết bán hàng, những người đàn ông bốc khuân rau củ. Quanh các mạn thuyền, người ta đang ào ào đổ vỏ thơm, đổ rác xuống sông. Bà con tắm rửa, đi vệ sinh ngay trên thuyền, mọi rác thải sinh hoạt đều thải ra sông.
Trong buổi sáng, có khoảng 10 chiếc thuyền du lịch chở khách thăm chợ nổi. Ði du lịch thì chẳng ai mua rau củ làm gì. Có người định mua trái cây về làm quà sông nước nhưng người lái tàu can ngăn:
“Không chắc là trái cây trong vườn đâu. Ở đây người ta lên bến lấy hàng trái cây xe đem tới. Có khi giá còn mắc hơn trên chợ.”
Thuyền của chúng tôi lướt qua những thuyền bán hàng khác. Cái gió miền sông nước làm tóc cô Tây cùng thuyền tung lên đẹp mắt. Nước không còn mênh mông như năm nào tôi đi nữa.
Thuyền chúng tôi thả máy lênh đênh, tiếp tục dạo chợ, gặp anh bán hủ tiếu bằng xuồng máy. Tôi hỏi thăm:
– Chợ nổi vui quá hả anh?
– Ừ, vui! Không vui cũng phải cười người ta mới mua chứ.
– Hủ tiếu có vẻ dễ bán mà anh?
– Nhìn vậy thôi chị ơi, cái gì cũng khó. Hồi trước, tui chạy xuồng vào tận nhà bà con mua hàng ra bán lại, ngày còn dư được 200 ngàn. Bữa này, lục bình dày đầy kênh, sông, xuồng không vào được. Hai vợ chồng tui chuyển qua bán hủ tiếu, bán cả ngày dư không được một trăm…
– Bộ lục bình nhiều thế hả chị? – Tôi quay sang hỏi thăm vợ của anh.
– Nhiều lắm chị ơi, ghe xuồng đều vào không được. Mà bữa nay có vào cũng ít có đồ để mua rồi. Hạn quá, nước bị nhiễm mặn nữa. Trồng cây gì, trái gì cũng khó, bà con ai cũng khó khăn.
Người đàn bà loay hoay nấu tô hủ tiếu cho khách. Tạm biệt chợ nổi, trong đầu tôi vẫn còn nghe tiếng của máy ghe xuồng, mở lên bành bạch vào buổi sáng và tắt lịm lúc chiều về, khi chợ tan… có vẻ giống tiếng cười của người buôn bán vất vả trên chợ nổi thời nhiễm mặn.
UC