Menu Close

Franklin D. Roosevelt và Đại khủng hoảng

01

“Điều duy nhất mà chúng ta phải sợ là chính nỗi sợ hãi.” (The only thing we have to fear is fear itself.)

Ðó là câu nói đáng nhớ của Franklin Delano Roosevelt (FDR) trong buổi lễ nhậm chức Tổng thống thứ 32 của Mỹ vào ngày 4 tháng Ba 1933. Ðể hiểu rõ vì sao FDR nói vậy và nỗi sợ hãi đó kinh khiếp thế nào hãy xem lại bức tranh tàn khốc của thời kỳ Ðại khủng hoảng (The great depression 1929-1939.) Ðó là thời kỳ khủng hoảng kinh tế lâu dài nhất trong lịch sử của thế giới công nghiệp phương Tây, đặc biệt là ở Mỹ. Bắt đầu khi cổ phiếu hoàn toàn sụp đổ vào ngày 24 tháng 10 năm 1929 được gọi là “Thứ Năm đen tối”, 12 triệu 9 cổ phần được bán tháo bán đổ. Và 5 ngày sau “Thứ Ba đen” thêm 16 triệu cổ phiếu được trao đổi hối hả. Hàng triệu cổ phiếu đó bỗng trở thành con số không. Hàng triệu người đầu tư trắng tay chỉ qua một đêm. Nỗi sợ hãi bắt đầu khi người dân thấy đồng tiền mất giá, vội vã rút tiền ra khỏi nhà băng và quỹ tiết kiệm. Hàng ngàn nhà băng trên 40 tiểu bang nước Mỹ phải đóng cửa vì khách hàng rút hết tiền. Trong 3 năm đầu tiên của cuộc khủng hoảng có 5 ngàn nhà băng đóng cửa. Và vào năm sau 1933 thì 11 ngàn nhà băng sụp đổ. Wall Street ngừng hoạt động. Người có tiền không dám đầu tư, không dám tiêu xài. Kỹ nghệ sản xuất công nghiệp giảm đến một nửa. Hơn 50% nông dân toàn quốc mất đất do không bán được mùa vụ, có nơi bị cơn đại hạn Bowl Dust mất mùa. Hãng sa thải nhân viên và đóng cửa hàng loạt. Trước 1929 tỉ lệ thất nghiệp là 3%. Ðến năm cao điểm của khủng hoảng 1933 thì tỉ lệ thất nghiệp là 25%, ở Cleveland là 50% và ở Ohio tăng đến 80%. 15 triệu người mất việc làm, kéo theo gia đình thân nhân phải lâm vào cảnh nghèo đói, con số này lên đến 40 triệu, tương đương 1/4 dân số nước Mỹ lúc ấy. Phải là nỗi sợ hãi lắm nếu bạn nghe kể về hình ảnh những người nông dân ở Kansas phải sưởi ấm mùa đông rét nhiều năm kế tiếp bằng rơm rạ, những người thợ mỏ ở Kentucky phải ăn xà lách bằng rau cỏ dại. 10 phạm nhân ở nhà tù Pensylvania khi được thả phải năn nỉ xin được ở lại trong tù, vì đời sống bên ngoài quá sức kham khổ và bấp bênh. Các khu phố trống hoang do dân không trả nổi tiền thuê, không bán được hàng… 273 ngàn người không trả được tiền nhà, đã bị tịch thu nhà và họ kéo nhau ra phía bờ sông và các công viên dựng lều bằng thùng giấy mà sống lây lất cùng với các điều kiện vệ sinh vô cùng tồi tệ… 2 triệu người vô gia cư lang thang khắp nước Mỹ. Hơn 60% người Mỹ thuộc diện nghèo túng. Các cán sự xã hội ở New York thống kê rằng có đến 25% học sinh suy dinh dưỡng và trong các vùng đào mỏ khoáng sản thì tỉ lệ này cao đến 90%. Hàng ngàn người rồng rắn xếp hàng trật tự ở các nơi phát chẩn trợ cấp thực phẩm như bánh mì, súp… Sự nghèo khó đã dẫn đến bệnh lao ở nhiều vùng. Chính phủ phải ủng hộ chính sách khuyến khích 400 ngàn người dân Mễ trở về lại quê quán. Một công ty mậu dịch với Sô Viết ở New York đã nhận đến 350 lá đơn tìm việc ở Nga trong 1 ngày…

Đám đông người tụ tập bên ngoài thị trường chứng khoán New York năm 1929. nguồn americanyawp.com
Đám đông người tụ tập bên ngoài thị trường chứng khoán New York năm 1929. nguồn americanyawp.com

Những người già đã từng có kinh nghiệm trải qua bao cuộc di cư từ châu Âu và Thế chiến I tin rằng nền kinh tế sẽ tự điều chỉnh và phục hồi. Thế nhưng điều đó không xảy ra. Suốt 3 năm sau tình hình ngày càng đen tối. Nỗi sợ hãi càng dâng cao làm người ta liên tưởng đến lần tệ hại gần nhất trong lịch sử thế giới đó là Thời kỳ đen – Dark Age. Trong hoàn cảnh ấy thì FDR vươn lên trong niềm hy vọng tràn trề cho nước Mỹ đang ở bên bờ vực thẳm. Tổng thống Herbert Hoover hoàn toàn thất bại. Phải có một tầm nhìn bao quát và sâu rộng của một anh hùng cái thế, mới vực dậy đất nước này. Bằng kinh nghiệm nhiều năm trong chính trường kể từ chiếc ghế Thượng nghị sĩ tiểu bang New York năm 1911, sau đó là phụ tá Bộ trưởng Hải Quân rồi làm Thống đốc New York 1929 – 1933, thời kỳ mà khủng hoảng đến đỉnh cao nhất. Và thử thách cho một thiên tài, một anh hùng đã được minh chứng bằng thời cuộc. Sự đắc cử của ông đại diện cho Ðảng Dân Chủ thật vẻ vang mặc dù lúc ấy ông đã bị bại liệt 11 năm. Phải ngồi xe lăn để di chuyển và luôn đau đớn với đôi nẹp chân bằng sắt giúp ông đứng vững khi nói chuyện hay tiếp xúc với mọi người. Từ một con người khỏe mạnh tháo vát cao lớn, ông đã vượt qua nỗi sợ hãi và cô đơn khiếp người của bệnh tật. Tất nhiên là công chúng còn hoài nghi về khả năng thể chất của vị Tổng thống mà họ mang trọn niềm tin gởi gắm vào lá phiếu tự do dân cử. FDR đã chứng tỏ tiềm năng và khả năng làm việc trọng trách của mình (mặc dù ông có được sự trợ giúp từ các phóng viên và mật vụ luôn dàn xếp cho công chúng hạn chế hay cắt bỏ các đoạn ông di chuyển bằng xe lăn.)

Hai ngày sau khi tuyên thệ, FDR đã nhanh chóng ban hành “Bank Holiday”. Cho nhà băng tạm đóng cửa 4 ngày để cải tổ và ban hành các điều luật về ngân hàng, lập Công ty bảo hiểm tín dụng liên bang (FDIC) đem lại niềm tin và bảo hiểm cho khách hàng. 8 ngày sau, vào tối Chủ Nhật ông đã mời toàn thể người Mỹ lắng nghe những cải cách và thuyết phục của ông qua radio cạnh bên lò sưởi (fireside chat). Trong gần 15 phút đồng hồ ông đã đem tâm tình của một người yêu nước, giải thích các sai lầm của hệ thống ngân hàng, khuyến khích mọi người lấy lại niềm tin vào chính phủ và trên hết: vượt qua nỗi sợ hãi. Người Mỹ yêu thích và tìm thấy ở ông sự chân thật và nhiệt tâm. Họ đã đem tiền bỏ lại nhà băng. Các sử gia đã cho rằng “Chủ nghĩa tư bản được cứu trong vòng 8 ngày”. Và thật vậy! Chính phủ mới đã được đoàn kết từ hai viện, từ các tầng lớp dân chúng và mọi chủng tộc. Các cuộc họp báo liên tục 2 lần một tuần để luôn gần gũi với công chúng. Dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Hoover chỉ có một thư ký trông coi tiếp nhận thư, thì đến thời FDR phải có đến 50 người thư ký để đọc thư, 450 ngàn lá thư người Mỹ gởi đến FDR cho tuần đầu tiên. Có lúc đến 6, 7 ngàn thư một ngày.

đồng cỏ thành bãi hoang ở một trang trại TX năm 1930

Trong 100 ngày đầu có đến 15 đạo luật chính được ban hành khẩn cấp và hoạt động hiệu quả cho việc khôi phục nền kinh tế. Chính sách New Deal nhằm “cứu trợ, phục hồi và cải tổ” (relief, recovery, reform) Cơ quan Cứu trợ Khẩn cấp Liên bang. Cơ quan nổi bật nhất trong số các cơ quan thuộc kế hoạch New Deal và cũng là cơ quan tâm đắc của Roosevelt là Ðoàn BảoTrì Dân sự (Civilian Conservation Corps – CCC). Cơ quan này tuyển dụng 250,000 thanh niên thất nghiệp để làm việc cho các đề án địa phương tại vùng nông thôn. Họ được trả 30 đô một tháng và đã gởi về cho gia đình 25 đô. Thành lập Ban Phục Hồi Quốc Gia NRA (National Recovery Administration), Ban phát triển công trình WPA (Works Progress Administration) tuyển dụng công nhân từ nhiều ngành nghề xây dựng nhà cửa và đường sá cầu cống, cũng như các nghệ sĩ, nhạc sĩ cho các chương trình nghệ thuật của liên bang. Nổi bật nhất làm yên tâm lòng dân là Ðạo luật bảo đảm an sinh xã hội Social Security Act, bảo đảm quyền lợi cho người đi làm về hưu và tàn tật, được hữu dụng cho đến ngày nay. Năm 1934, Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ được thành lập để kiểm soát Phố Wall…

Cảnh hoang tàn nạn đói thời đại khủng hoảng tại Mỹ năm 1929
Cảnh hoang tàn nạn đói thời đại khủng hoảng tại Mỹ năm 1929

Kinh tế Mỹ dần hồi phục mặc dù phải trải qua những hậu địa chấn khủng hoảng nhỏ như thất nghiệp vài năm sau cùng với các Cơn bão Ðen (Dust Bowl) do hạn hán và đất đai trồng trọt bị xói mòn gây nên các cơn bão bụi mịt mù. Trong vài năm cuối của thập niên 30, cuộc Ðại khủng hoảng đã thay đổi lịch sử Châu Âu và thế giới. Nước Ðức dưới tay Hitler hung hãn. Cuộc tấn công vào Trân Châu Cảng của Nhật đã đánh thức chàng khổng lồ Uncle Sam. Nước Mỹ tham gia cuộc Ðệ nhị thế chiến. Chiến tranh đã đưa nền kinh tế, sản xuất công nghiệp của Mỹ đi lên. Cuộc đại khủng hoảng chấm dứt. Dư chấn và nỗi sợ hãi kinh hoàng này đã đưa vào nền văn học Mỹ những tuyệt phẩm làm rung động lòng người như Chùm nho uất hậnCủa chuột và người của John Steinbeck.

Một gia đình trên đường đi tìm cơ hội - nguồn picshype
Một gia đình trên đường đi tìm cơ hội – nguồn picshype

Bất chấp những khó khăn của bệnh tật, Franklin D. Roosevelt luôn xuất hiện với nụ cười tự tin, thân thiện và gần gũi. Ông đã đưa nước Mỹ vượt qua cuộc Ðại khủng hoảng và Thế chiến thứ II trong 13 năm ngồi trên chiếc xe lăn. Vị Tổng thống duy nhất được bầu làm 4 nhiệm kỳ. Một trong 3 vị Tổng thống xuất sắc được người Mỹ yêu thích sau George Washington, Abraham Lincoln. Nhưng có lẽ FDR là người được nhân loại nể phục nhất, bởi ông đã đối diện với sự sợ hãi. Và ông đã chiến thắng, cũng như người Mỹ đã chiến thắng.

SB