
6.
Giao Chỉ chống tay xuống nền gạch, uể oải đứng dậy. Ðứa nhỏ trong bụng đâu đã nặng đến thế. Chắc chắn không phải đứa nhỏ đì cô lụn bại. Cô ngước nhìn trần nhà. Xám. Cô cúi xuống mặt đất. Xám. Bốn bức tường chung quanh xám. Cái hồ xi măng cô đang tựa lưng vào cũng xám. Ngó lại mình, Giao Chỉ ngao ngán, trên người cô cũng một bộ đồ xám xì xám xịt. Nhìn ra sân, Giao Chỉ thầm nghĩ không biết thế giới ngoài kia màu gì, đồng bào của chồng cô mặt ngang mũi dọc ra sao… Ở đây, cô thật đơn độc. Nếu không có tiếng chó, tiếng gà thỉnh thoảng ho hen cho biết cô đang ở cõi sống, Giao Chỉ ngỡ mình đã chết. Mà thật ra, cô xem như mình đã chết rồi vào cái ngày cha cô sống dậy. Ông dùng tất cả sức lực có được của một người vừa hồi sinh bóp cổ đứa con gái mà ông gọi là đồ Mỵ Châu phản quốc. Giao Chỉ tức tưởi kêu khóc:
– Ba ơi, con có thương nó đâu, con là nạn nhân mà ba!
– Nạn nhân hả? Ở đâu có thứ nạn nhân đêm đêm tự nạp mạng cho giặc như mày?
– Ba ơi, con khổ lắm, Ba ơi!
Cha Giao Chỉ thở hồng hộc. Ông chỉ muốn bóp chết đứa con phản nghịch ngay tức khắc, nhưng bàn tay ông không chịu nghe lời ông sai khiến. Vớ được cái chổi chà, ông quật túi bụi vào người Giao Chỉ. Nếu không có lão Tam ở đâu xồng xộc lao vào nhà, dang tay che chắn, ông sẽ trừng phạt báu vật ông yêu thương nhất trên đời cho đến khi sức cùng lực kiệt:
– Lừng có uýnh!
– Tao dạy con tao, mày là thằng nào? Cút đi!
– Pa lừng uýnh. Ló có mang!
– Hả?!!!
Giao chỉ bò lại, nắm chân cha :
– Con khổ lắm, ba ơi!
– Ðồ hư thân trắc nết! Ðồ bất hiếu vô nghì! Người làm cha vừa rống lớn vừa giẫy đạp đứa con ra xa.
– Pa lừng lập ló chớ! Hổng có ló, pa li chầu Chời dồi.
– Thằng giặc cướp! Tao giết mày!
Lão Tam né người tránh cây chổi chà. Lão vẫn đứng trước, che chắn Giao Chỉ và nói :
– Pa hông thương duộc thịt của pa, nhưng ngộ thương duộc thịt của ngộ. Ló pây giờ là người của ngộ dồi.
– Pa pa mồ tổ mày! Mày cút lẹ đi, vừa nói, ông già đau khổ vừa chộp lấy con dao chém chuối. Ông dùng hết sức bình sinh phóng tới.
Lão Tam kéo Giao Chỉ bỏ chạy. Vừa chạy, lão vừa la lớn :
– Lị chém diếc con cháu, tội cùng chời đất. Ngộ dẫn ló đi.
– Mày mới là thằng tội cùng trời, đồ ăn cướp!
Trong khi hai người đàn ông dùng võ khí và khẩu khí đấu đá nhau, ba người đàn bà thuộc ba thế hệ gồm bà ngoại Giao Chỉ, mẹ cô và cô chỉ có những giọt nước mắt đổ xuống như mưa. Cô cắn răng «về nhà chồng» mãi tận quê cha đất tổ của lão Tam sau nửa năm lây lất trong các nhà trọ gần nhà tìm cách vuốt giận cha bất thành. Vu quy âm thầm với tội nợ máy đạp trong bụng và nước mắt đầm đìa trên má. Dòng lệ ê chề chưa bao giờ ngưng chảy như lòng cô chưa bao giờ ngưng mừng cha hồi phục và khao khát trở về nép mình trong vòng tay gia đình.
7.
Lão Tam không hề trễ nải việc dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về. Rước Giao Chỉ về nhà, “hợp cẩn” thỏa thuê xong, lão đưa ra một loạt lệnh cấm, mà đầu tiên là cấm tiệt chuyện bước chân ra khỏi cửa.
– Bá khỏi lo. Tui ra đường làm chi. Nhưng bá đi, đừng khoá cửa. Cho tui hít thở một chút. Nhà bá cái gì cũng xám ngoét và vuông chành chạch như quan tài.
– Hầy, ở lâu dồi quen.
Giao Chỉ e ngại liếc nhìn cái hồ xi măng. Lão Tam nhìn thấy nhưng lờ đi, không nói gì. Hưởng phúc với vợ vài hôm thì lão đi, nói là đi đánh hàng. Trước khi đi, lão dặn ở nhà làm gì thì làm, tuyệt đối không được léo hánh đến cái hồ xi măng. Giao Chỉ lấy làm lạ nhưng cô thấy sợ, chỉ dám đứng xa xa ngó tới mặc dù trong đầu đầy thắc mắc. Chẳng lẽ lão chôn người trong ấy làm mắm? Cô nào có nghe mùi gì đặc biệt ngoài cái mùi cô đã quá biết toát ra từ người lão. Hay lão xây mộ ngay trong nhà? Ghê quá. Giao Chỉ lắc đầu không dám tưởng tượng tiếp nữa. Cô tập khâu vá như lão khuyên bảo và tập dượt chuyện gọi lão khác đi thay vì tiếp tục cái chữ «bá» không giống ai khiến lão khó chịu đến đỗi phải hầy hầy cả chục tiếng trước khi cất lời phiền trách :
– Làn pà Diệc Lam gọi chồng da làm xao, em hông piếc hả?
Giao Chỉ vẫn đang loay hoay mãi chưa biết xưng hô với lão thế nào thì đã thấy lão đánh cam nhông về, lái thẳng vào sân, đậu xoay đít vô nhà. Lão cùng thằng nhỏ phụ việc khiêng từng giỏ cần xế từ trên xe xuống, thay nhau đẩy vào, xếp dọc chân cái hồ xi măng. Cô bê bụng, lê chân lại gần, tiện tay, giở miếng vải bố ra coi. Nhìn mớ trái hồng, cô sững người kêu lớn một tiếng “Ủa”. Lão Tam lờ đi, làm như không nghe, tiếp tục hối thằng giúp việc làm cho xong còn về nghỉ sớm. Chờ Lão quay lưng, Giao Chỉ giở thêm giỏ hồng thứ hai, lần này, cô kinh ngạc không thể nào kềm được:
– Bá lấy hàng gì kỳ vậy?
– Hầy, cái gì kỳ mà kỳ?
– Người ta nói kỳ cái gì mà kỳ chứ hổng có ai nói cái gì kỳ mà kỳ như bá.
– Hầy!
– Tui hỏi bá lấy đồ trâu bò này bán cho ai?
– Làn pà piếc cái gì lôi thôi! Lão Tam quắc mắt. Cặp mắt ti hí của lão không đủ làm Giao Chỉ sợ nhưng giọng điệu lão khiến cô giật mình nhớ tới hai đấng sinh thành. Cha cô cũng thường gầm lên với mẹ cô y chang như thế mỗi lần ông muốn quyết định mà không muốn giải thích. Ông và lão Tam thù ghét nhau, chưa hề chung sống, cặp kè với nhau ngày giờ nào nhưng cái tánh coi khinh đàn bà thì thật, chẳng ai dạy ai, rập khuôn như đúc. Buồn bực, cô ôm bụng bỏ vào bếp.
Bữa cơm tối trôi qua nặng nề với sự im lặng của Giao Chỉ, mặc lão Tam huyên thuyên kể chuyện mua may bán đắt bằng thứ tiếng Việt ba trợn bốn trạo của lão. Ðêm vào giường, tiếp tục làm như không có gì xảy ra, làm như không hề biết mẹ của đứa con yêu đang tức tối ba nó, lão Tam thò tay, mân mó lưng quần Giao Chỉ. Không có phản kháng. Không hề có một phản kháng nào cho dù có những lúc lão thừa biết Giao Chỉ đang buồn rũ vì nhớ nhà hay căm tức vì cãi cọ với lão. Sự xếp ve của Giao Chỉ khiến lão hài lòng ra mặt. Nó sợ mình chết khiếp. Thế mới ngoan chứ. Nhưng, hả dạ chán rồi, có khi, lão lại thấy phải chi cô vợ bé bỏng của lão đùn đẩy một tí cho vui. Phải giằng co mới kích thích chứ. Ðằng nào lão chẳng thắng. Nghĩ vậy, lão Tam tự nhủ phải tìm cách chọc giận để đánh thức tính bạo động của Giao Chỉ. Lão nhớ lại hôm cô phụ lão gỡ cái dây buộc chiếc cần xế. Nét mắc cỡ, thẹn thò, sự sợ hãi lộ rõ và những cử chỉ tự vệ của cô làm gã thích quên chết. Cứ nhớ đến lần ấy là lão lại thấy hưng phấn trong người. Ðêm, lão đánh thức Giao Chỉ dậy nhiều lần, nghĩ bụng bị phá quấy, cô sẽ đâm bực, xô đẩy như lão mong muốn. Nhưng không. Giao Chỉ thõng tay, mặc lão muốn làm gì thì làm. Bản năng bảo vệ đứa nhỏ trong bụng cũng đôi khi khởi trận khiến cô muốn co người lại, đá văng lão đi. Nhưng rồi một thứ bản năng khác, rất kỳ lạ, không biết là gì lại đè cô xuống. Mặc kệ, đời cô tiêu tùng từ lâu vào tay gã rồi, chống trả thì thoát sao? Rửa sạch hết nhơ nhuốc sao? Trở lại tinh nguyên từ đầu được sao? Ðứa nhỏ tội nợ này, tống được ra khỏi bụng thì càng khỏe. Cô có muốn nó đâu! Nghĩ đoạn, cô nói thầm: “Mày cứ hiếp tao nữa đi. Hiếp cật lực vào đặng trục cái của nợ kia ra cho tao dễ liệu.”
Gần sáng, lão Tam chán nản, lầm bà lầm bầm trong họng rồi kéo mền lên quá cổ, ngủ khò. Giao Chỉ nghĩ thầm, lão chồng ngoại bang này, không ngờ có khi nói tiếng mẹ đẻ của mình hay đến bất ngờ! Lão nói : “Hầy, hợp tác không hợp tác, phản lối không phản lối, chán chếch mẹ!”
8.
Cái hồ xi măng xám càng ngày càng ám ảnh Giao Chỉ ghê gớm, nhất là khi lão Tam đã ra khỏi nhà. Cô ráng khép mình trong gian buồng ngủ khâu khâu vá vá, trốn vào gian bếp xào xào nấu nấu hoặc có khi thò cẳng ra ngoài sân ngóng ngó bâng quơ để cố quên đi nấm mồ khổng lồ nằm chình ình ngay giữa nhà kia. Trong đó có gì? Lão Tam giấu gì mà không cho cô léo hánh tới gần? Lão giấu của chăng? Lão làm gì giàu có đến thế! Cô biết rồi có lúc chịu không nổi nữa, cô sẽ tự bắc ghế, leo lên dòm vô bên trong coi bí mật nằm bên dưới mấy tấm ván đậy kín mặt hồ kia là cái gì. Cô cảm thấy, sáng hôm nay, tay chân cô sẽ khó nhịn thêm. Cô chờ lão đi. Lạ thay, lão Tam không vội ra khỏi nhà. Lão nấn ná bên những giỏ trái cây vừa đưa về, tìm cách xê dịch như muốn dọn chỗ. Giao Chỉ mon men lại gần. Cô kéo tay gã, hỏi:
– Bá có muốn tui phụ một tay không?
– Hầy, pụng pự dồi, phụ làm xao lược mà phụ!
– Bá cứ nói thử coi, việc nhẹ thì cho tui làm. Tui ở nhà ăn không ngồi rồi miết, ớn hơi quá rồi.
Lão Tam do dự… Giao Chỉ bồi thêm : “Phải vận động thì đẻ mới dễ, tui nghe nói vậy.” Lão Tam gãi đầu, tiếp tục do dự. Lão hầy hầy thêm vài tiếng nữa thì quyết định để còn đi cho kịp vì thằng nhỏ phụ việc đến chờ lão từ sáng sớm đã lăn quay ra thềm mà ngủ. Lão không điên đến độ nuôi cơm nó để cho nó ngủ. Thế là lão gật đầu với Giao Chỉ. Lão đẩy một chiếc ghế dài lại bên cái hồ xám, lôi từ trong hầm kho lên một chiếc vợt như vợt vớt cá loại to chảng. Trước cặp mắt kinh ngạc của Giao Chỉ, lão leo lên ghế, thọc vợt vào hồ, vớt lên những trái hồng to bóng, căng tròn, cho vào chiếc cần xế trống để sẵn đấy. “Hiểu chưa? Làm như dị ló. Cầm cái lày mà múc lên. Hết thì chiều dề, ngộ cho mớ kia dô.” Vừa nói lão vừa chỉ tay vào những giỏ trái cây mà hiền nội của lão gọi là đồ cho trâu bò ăn.
Bước xuống, lão đỡ Giao Chỉ lên, nhét cán vợt vào tay cô. Giao Chỉ ngó vô. Bên trong lòng hồ không phải là những cái đầu lâu trắng hếu hay những thây ma trương phình thối rữa như cô thấy trong những cơn ác mộng, cũng không phải những thỏi vàng bốn số chín sáng choang như cô có lúc tưởng tượng mà là những quả hồng trôi nổi bềnh bồng.
– Làm thử li!
Giao Chỉ khua vợt. Cây vợt có cán dài khiến cô bị mất thăng bằng, lảo đảo muốn té. Lão Tam bước lại đỡ vợ.
– Hầy, hổng có lược. Thôi, xuống cho dồi li!
– Không, không, tại tui chưa quen thôi. Ðể tui thử lại.
Giao Chỉ bặm môi khoành rộng vòng tay. Lóng ngóng mãi, cô mới vớt lên được một trái. Vậy mà bỗng thấy vui. Trái hồng ú nu ú nần nằm ngoan ngoãn trong lòng vợt coi mới vui mắt làm sao! Thích chí, cô kêu ầm lên :
– Coi nè! Coi nè!
Lão Tam thấy Giao Chỉ cười cũng há miệng cười theo. Cô xua tay :
– Thôi, bá đi lo chuyện của bá đi.
– Hảo, hảo.
Lão đi rồi, Giao Chỉ tiếp tục khua khoắng. Lúc đầu hăm hở, cô chỉ một mực chú tâm vớt trái. Sau dần quen, cô bắt đầu nghĩ ngợi. Ghê thiệt, ai mà tưởng tượng nổi từ những trái hồng còi cọm, trắng nhỡn thâu về đầy sân ngoài kia, lão chồng phù thủy của cô có thể biến chúng thành thứ thành phẩm loại nhất này. Không biết nước ngâm này là nước gì mà thần kỳ đến thế! Chà, như vậy là cả táo, cả lê, cả quýt, cả đào, những hoa quả xinh tươi, to đẹp như mộng mà bạn hàng cô bày bán cũng đều được “xử lý” như vầy sao? Không biết nước này là nước gì, nếu mà nó biến trái cây từ nhỏ ra lớn, từ héo ra tươi, từ tái ra hồng, từ xấu ra đẹp như vầy thì chắc lấy một miếng bôi lên da mỗi ngày, từ từ da cũng tươi đẹp, khỏi phải tốn tiền đi tắm trắng… Nghĩ đoạn, Giao Chỉ cao hứng quẳng vợt, thò cả hai tay vào hồ mà vọc. Vọc chán, cô dùng tay bốc trái. Nhất cử lưỡng tiện, vớt thế này vừa nhanh lại vừa đẹp da tay… Ðứa nhỏ trong bụng dường cũng vui lây, nó cũng huơ chân múa tay và nó hát nữa thì phải. Nó rủ mẹ nó cũng hát với nó: “Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao… “
Giao Chỉ không biết tình yêu là gì. Có nong nóng trong người khi Nam nhìn cô. Có lúng túng đến quíu cả tay chân khi cô đụng phải ánh mắt lửa cháy của anh. Có man mác vui khi anh đến gần, nâng dùm cái cân, đỡ hộ tấm bạt che mưa. Không biết những cái đó có phải là tình yêu hay chưa? Bây giờ anh đang làm gì hả Nam? Anh có bao giờ đặt câu hỏi em đi về đâu? Ðời em ra sao rồi? Anh có còn nghĩ tới em không? Có muốn đi tìm? Ngày lão Tam đem em đi, anh ở đâu? “Blộp, blộp”, đứa nhỏ đạp. Cô bực mình đập ngay vào chỗ nó vừa đạp cô. “Cha mày, im đi, mày có im đi cho tao nhờ hay không?” “Blộp” “Im ngay!” “Blộp, blộp” Giao Chỉ điên tiết. Cô đập bình bịch vào bụng như người ta vỗ quả dưa hấu xem nặng nhẹ thế nào. Cô cần gì phải biết của nợ này nặng nhẹ ra sao, trai hay gái, khoẻ hay yếu… Cô đập nó, đánh nó, nhiếc móc, oán hờn, chửi bới nó. Cô nhảy từ trên ghế xuống đất. Leo lên, nhảy xuống, leo lên, nhảy xuống. Cứ như vậy cả chục lần. “Biến đi, biến khỏi đời tao! Tất cả là tại mày! Tại mày, tao mới mất cha mẹ, xứ sở, người yêu.”
Nhưng bào thai kia không hề suy suyển. Ðây có phải lần đầu mẹ nó nhảy nhót kiểu này đâu. Chẳng những đã quen với những cơn giận dữ, nó còn khoái trá trò nhảy ghế của mẹ nó. Nó blộp, blộp, blộp nhịp theo. Giao Chỉ càng nhảy nó càng blộp hăng. Hai bên đấu nhau cho đến khi Giao Chỉ mệt phờ người, phải ngồi phệt ra mà thở. Vừa thở vừa khóc tấm tức. Ðứa nhỏ im lặng. Nó cũng mệt hay nó nhạy cảm với tiếng khóc? Nó ngưng blộp. Im ru cho đến khi mẹ nó không khóc nữa. Ngay cả khi mẹ nó chạm tay vào thăm chừng, nó cũng không nói năng chi. Giao Chỉ dạng chân, ngó xuống,”Hay nó chết rồi?” Cô bất chợt rùng mình. Cô ôm lấy nó, lắc lắc. Không dấu hiệu. “Chắc nó chết thật rồi!” Giao Chỉ bàng hoàng. Cô cuống cuồng xoa nắn. Ðứa nhỏ mới đó blộp blộp như cá đói đớp mồi bây giờ bặt tăm. Trời ơi! Trời ơi! Cô lại nấc lên. «Ðừng chết, bé ơi. Ðạp đi con! Ðừng bỏ má lại một mình!» Cô khóc lóc, van nài đứa bé. Nhưng nó nhất định không lên tiếng nữa. Nỗi tuyệt vọng đạp Giao Chỉ ngã xuống. Mắt cô không còn thấy gì ngoài những bức tường sừng sững xám.
9.
Thoạt tiên là những sợi lông. Như cỏ thiếu nước, chúng khô héo dần, gãy ngọn và chuyển màu từ xanh mướt sang vàng vọt. Rồi rất nhanh, chúng gãy gốc, lìa bỏ làn da bánh bèo, để lại những lỗ chân lông trỗng không. Chúng ra đi không gây lo âu gì cho Giao Chỉ bởi tâm trí cô bận dồn vào thai nhi ngày một quẫy đạp mạnh mẽ trong bụng. Cô thậm chí còn lấy làm mừng khi nhận ra sự trơ gốc trụi cành của hai cánh tay mình. Càng khỏe, khỏi mắc công lưỡi lê lưỡi lam một tháng hai ba lần. Chúng làm khổ cô, chúng khiến bọn đàn ông con trai, nhất là Nam cứ chú mục vào khiến cô mắc cỡ muốn chết. Cô thấy chúng dị hợm và rừng rú. Chúng làm cô chẳng giống ai. Chị em trong xóm, ngoài chợ và các bạn gái ở trường chẳng ai nhiều lông tay như cô. Chúng bạn cười chê mà bảo “Ðàn ông không lông vô nghì, đàn bà không vú lấy gì nuôi con…, đàn ông mới cần lông, mày là đàn bà mà lại thừa lông thiếu vú…” Bây giờ thì không lo nữa. Càng gần ngày sản, hai vú càng căng vồng khiến Giao Chỉ thấy vui. Mặc cảm mình không giống đàn bà bình thường bỗng chốc được bôi xóa. Bây giờ cô vừa có vú vừa không lông. Vú càng phồng cô càng vui, thấy mình đẹp ra, thấy hãnh diện có vú nuôi con. Ðứa con tội nợ này, rút cuộc, đời cô còn gì ngoài nó? Những tín hiệu sống nó gửi cho cô làm cô bớt buồn rầu. Mỗi cú đạp chòi là một thúc nhắc người mẹ trẻ nghĩ đến tương lai. Dù cho tương lai đó có ra thế nào thì vẫn có một con người mới toanh nằm sẵn đấy, cùng cô chia sẻ.
Niềm vui của thai phụ như ngọn nến nhỏ nhoi giữa mùa giông bão. Một buổi sáng, khi cô đưa tay đón chiếc mằn thầu lão Tam trao cho, một cử chỉ âu yếm lão ưa làm dạo gần đây, sau khi trông thấy những lượn sóng sống động trên bụng vợ, báo hiệu sự lớn mạnh của thai nhi, thì bỗng nghe bàn tay ngứa ngáy râm ran. Ăn xong chiếc bánh, lại càng khó chịu lạ kỳ, cô phát bực, lên tiếng gắt gỏng:
– Bá để cái giống gì vô bánh mà tui cầm thấy ngứa như đụng nhằm lông mắt mèo vậy?
Lão Tam ngạc nhiên:
– Lể cái gì? Ngộ cầm có xao lâu?
– Vậy chắc bá làm bánh mà không rửa tay kỹ.
– Hầy dà!
Lão Tam cho nốt miếng mằn thầu cắn dở vào miệng xong đứng dậy bỏ đi. Lão không muốn đôi co chi cho mệt. Lão cần để giành thời giờ và sức lực để lao động cật lực đặng có nhiều tiền đón huyết nhục của lão. Lão ra khỏi nhà sau bữa đỉm sấm và gắng về nhà cho kịp bữa cơm tối. Lão không đi đánh hàng xa nữa, sợ Giao Chỉ chuyển dạ không ai lo. Cô vợ xinh xẻo của lão dạo này hay nóng giận, nhưng lão không lấy vậy làm buồn bực. Ngược lại, lão thấy vui thích. Nhìn Giao Chỉ nhăn mặt nhíu mày và nghe cô cao giọng vẫn hơn phải đối diện với cái phẳng lặng bằn bặt từ ngày cô theo lão. Vả, đàn bà chửa đẻ nặng nề, khó chịu cũng là chuyện bình thường. Chỉ có điều, nếu lão không nhìn lầm thì bàn tay Giao Chỉ khi đưa ra gãi gãi trước mắt lão sáng nay dường như có điều bất thường thật. Lão Tam vừa lái xe vừa nghĩ ngợi. Không biết nó có dùng vợt mà vớt trái đúng như mình căn dặn chăng… Bất an trong bụng, đã ra gần tới chợ, lão chớp đèn, quẹo ngược đầu trở lại.
Cảnh tượng lão nhìn thấy đầu tiên khi bước vào nhà khiến lão kinh hoàng. Vợ yêu đang chổng mông quơ từng mớ quả ôm vào lòng. Hai cánh tay thoăn thoắt, cặp mắt ngời ngời. Ðó là cặp mắt của kẻ lạc vào kho tàng, say mê vơ của, nào hay cửa ra đã bị đóng kín bởi mãnh lực vô hình. Lão Tam sợ đến không nói được tiếng nào, cứ nghệt người ra mà nhìn. Ðó là lần đầu tiên, lão thấy Giao Chỉ hạnh phúc. Hình ảnh lão mơ ước được nhìn thấy bao lâu nay, trớ trêu thay lại là một chiếc gương hai mặt. Lật qua là bồng lai, lật lại là địa tỳ. Lão vừa muốn đứng mãi mà nhìn gương mặt rạng rỡ kia, vừa muốn la ầm lên, kéo Giao Chỉ rời khỏi bể thuốc. Túng ta lúng túng mãi chẳng biết phải làm sao, lão đứng như trời trồng. Cứ đứng trơ trơ mãi như thế cho đến khi cô vợ mỏi cẳng, tự động leo xuống.
Bữa cơm tối, lão chăm chăm ngó vào tay Giao Chỉ khiến cô đâm nhột, cất lời xin lỗi :
– Hồi sáng, tui hơi khó ở trong người.
– Ờ, ờ. Pây giờ còn ngứa ngái hông?
– Hết rồi. Ủa, mà bá hỏi tới thì tự dưng tui muốn ngứa lại đây nè.
Mà ngứa thiệt. Cơn ngứa đến bất ngờ như một cái hắt xì nhưng lại kéo dài vô tận khiến Giao Chỉ phải quẳng đũa ra mâm mà gãi. Tay nọ gãi tay kia, một lúc thì cô chà cả hai tay lên đùi mà gãi, chưa đã ngứa, cô đá ghế, lao lại phía cái bể xi măng, xát tay vào thành bể sần sùi. Cô gãi tận lực. Lão Tam sợ quá, chạy đến ôm ghì cô lại nhưng đang cơn, Giao Chỉ xô lão chồng ra xa, mài sâu da thịt mình vào thành xi măng, răng cắn môi. Máu túa.
Cơn đau đẻ đến cùng đêm hôm ấy. Giao Chỉ oằn người như một con giun bị xéo. Hai bàn tay nát bấy bấu lấy cánh tay lão Tam cầu cứu, màu đỏ trây đầy khăn giường. Hai bàn tay thọ thương mà nắm chặt đến nỗi lão Tam phải thét lên vì đau!
10.
“Ðây rồi!”, cùng tiếng hô lớn, bà mụ làm động tác kéo ra dứt khoát. Từ trong bụng Giao Chỉ, máu mủ, dây nhợ ùa ra khiến lão Tam tối mặt tối mũi. Máu đâu mà lắm thế không biết, bắn tóe thành vòi, phun cả vào mặt, vào người lão. Lão đến sợ, lật đật lùi lại tránh và đưa cùi chỏ lên chùi mặt. Chùi mãi sao chẳng hết, lão rủa thầm “Vợ ơi, người vợ bé mà sao máu vợ nhiều thế!” Chừng thấy bớt vấy rồi, lão mới giựt mình nhớ ra, sao không nghe tiếng khóc hài nhi nhỉ?! Lão đảo mắt tìm bà mụ, chẳng thấy đâu, chỉ thấy vợ lão nằm banh lòng, hỏi chi cũng không nói, chỉ lấy tay chỉ chỉ ra ngoài. Lão quýnh quáng chạy ra khỏi phòng. Hành lang bệnh viện tối thui. Nhà thương gì y như nhà mồ, không một tiếng động nào báo hiệu sự sống. Tất cả các cánh cửa đều đóng im ỉm. Không bóng người. Lão Tam sợ quá, chân nọ đá chân kia, lão chạy quàng xiên, miệng lầm bầm “Con yêu của cha, con đâu rồi?” Lão chạy mãi, chạy mãi, đến một lúc thì nghe tiếng khóc con nít phát ra từ một gian buồng nhỏ. Mừng quýnh, lão đâm đầu về phía ấy.
Trong buồng chỉ có một chiếc nôi duy nhất. Từ ngoài cửa, lão đã nhìn thấy tên con lão niêm yết bằng chữ đỏ chói lòa. Ôi, chữ đỏ như son, viết lớn tên con vàng con ngọc. Lão ùa đến bên nôi, ngó vào.
Ít phút sau, lão bỗng thấy mình nhẹ hẫng, chân cẳng chẳng còn mặt đất nữa, không cánh mà bay lượn chập chờn. Lão ngó xuống chân, thấy chiếc nôi ngay bên dưới nơi mình lơ lửng chẳng bao xa. Trong đó, giọt máu của lão đang oe oe gào sữa. Sao lại như thế này? Con lão là trai hay gái? Nó không giống lão mà cũng chẳng giống mẹ nó. Nó chẳng giống người. Nó là một chiếc mằn thầu bự chảng, trọc lóc, mặt mũi nhúm nhíu, không tay chẳng chân. Một cái bọc thịt. Lão đáp xuống gần nôi để nhòm cho kỹ. Lão muốn ẵm hài nhi lên đặng xem cho rõ nòi giống mình. Nhưng lão chẳng thể nào làm được như ý lão muốn. Lão đảo mắt tìm con chim be bé xinh xinh ở giữa hai đùi đứa bé mà lão hằng mơ ước nhưng chẳng thấy đâu. Ðùi còn không có, có chi chim! Lão hoang mang quá. Lão bay sang buồng vợ.
Giao Chỉ vẫn thoi thóp giữa vũng lầy máu mủ. Lão Tam tính cầm lấy tay cô mà lay thì kinh hoàng nhận ra hai cánh tay ấy đang thối rữa. Từng mảng da thịt tựa như bị tùng xẻo, rơi rớt dần, bày loang lở xương. Lão thét lớn : “Má ló ơi, dậy, dậy! Con ló lói xữa kia kìa! Dậy cho ló pú!”Ðáp lời lão, hai dòng sữa từ bầu vú sản phụ lặng lẽ xuôi chảy. Màu sữa y chang màu nước thuốc lão dùng ngâm trái hồng trong bể nhà lão. Lão bưng mặt khóc hu hu. Sao lại thế này? Lão nhìn quanh. Tôi đang ở đâu? Có ai không, cứu dùm tôi với! Dứt lời kêu, lão thấy có một người, hai người, rồi ba bốn năm người, một chục, một trăm, rồi cả một đám đông vô kể lừ lừ tiến về phía lão. Cách họ di chuyển cũng giống như lão hiện giờ. Họ tiến đến, chào hỏi, người nói tiếng mẹ đẻ của lão, kẻ nói tiếng Việt. Họ thay nhau nói, một lúc thì lão hiểu ra lão đã chết. Ðứng tim mà chết ngay khi trông thấy hình hài đứa con đẻ. Bây giờ lão đã ra ma nên mới lơ lơ lửng lửng như thế này. Lão hỏi: “Mấy ông mấy bà là ai?” “Chúng tôi cũng như lão. Chết cả rồi.” “Vậy chớ chết lâu chưa? Làm sao mà chết?” Lũ ma đồng loạt đáp : “Ung thư.” “Tôi ung thư gan, bà này ung thư ruột già, ông anh đây ung thư cổ họng, bà chị kia ung thư bao tử.” “Ôi, sao toàn là ung thư! Cứ như quý vị chết vì đại dịch ung thư vậy!” Lũ ma ồ lên: “Chúng tôi đều ăn quả nhà lão đấy!” “Ối trời!” Lão Tam kêu lên rồi quay lưng chạy trốn. Ðược một đoạn thì va vào giường đẻ của vợ, đau điếng. Lão lồm cồm bò dậy. Mà đau thật. Ðã ra ma sao còn biết đau nhỉ? Ðịnh thần một lúc, lão hiểu ra lão vừa té lăn quay từ trên giường xuống đất sau một cơn ác mộng. Trên giường, vợ lão vẫn say ngủ với cái bụng ột ệt. Mừng quá, lão rú lên, ôm chầm lấy Giao Chỉ mà khóc. Chỉ là mớ thôi. Vợ con lão vẫn nguyên vẹn đây mà. Hầy dà, cơn mơ sao mà độc địa, dã man! Mừng thoát chết, lão lật bật chạy đi mở đèn. Cần phải bật hết đèn đuốc lên cho sáng cái sự thực hạnh phúc. Giao Chỉ đang ngủ say bị phá giấc, ngồi dậy dụi mắt, càu nhàu:
– Bá làm khỉ khô gì vậy?
Lão Tam cứ ôm lấy cô mà rên xiết: “Ôi, vợ yêu, vợ yêu!” Xong thò tay xoa xoa bụng cô: “Ôi, quý tử, quý tử!” Giao Chỉ ngạc nhiên:
– Bá khùng rồi hả? Ðang đêm hôm giở trò nhảm nhí! Người ta ngứa ngáy từ hồi chiều tới giờ, mới chợp mắt được một chút thì lại bị phá đám!
Lão Tam cười hềnh hệch, khoành cánh tay ngủ đoản ra sau, vuốt lưng vợ. Lão mở miệng, bắt đầu kể vợ nghe giấc mộng kinh hoàng nhưng Giao Chỉ nào có nghe được gì. Cơn ngứa vừa trở lại bắt cô phải gãi. Cô kéo tay áo lên cho rộng chỗ mà gãi. Móng tay cào cấu vùng da thịt chẳng còn vuông tấc nào lành lặn.
MN – Choisy Le Roi, tháng 9,2009.