Không quá khi nói 90% văn sĩ, nhà thơ, người làm nghệ thuật tại Việt Nam lẫn hải ngoại đã ít nhất một lần đặt chân đến hoặc ước ao được đến, quay về Sài Gòn và viết, kể về nó như một miền nhớ trong ký ức. Mà thật ra, Sài Gòn có cái khỉ gì đâu để thương để nhớ, ấy vậy mà chính tôi, sanh ra lớn lên ở đây, vẫn mong được chết ở đây, đi xa một chút là cồn cào gan ruột! Ðó cũng chính là lý do tôi luôn thích viết về những đổi thay từng ngày của thành phố mưa nắng thất thường này, như là một cách biên nhật ký, sau này lỡ “không còn trẻ nữa” thì cũng có cái để giở từng trang ra ngắm nghía, sờ soạng rồi ngân ngấn nước mắt, tiếc nuối sao mình hổng thể viết hay hơn như vậy. Nhìn “con nhà người ta” viết mà thấy ham gì đâu!

Hôm rồi ngồi cà phê với cô bạn, cũng là một cây viết “không còn trẻ nữa”, tên thật lẫn bút danh của nàng rất… trầm ấm, “Mệ Ðốp” Lan Phương, cổ hí hửng:

– Mày biết dạo này mày có biệt danh gì không Tũn – (Tũn là tên thường gọi của nhà thơ Du Uyên “xinh đẹp, dịu dàng, triển vọng”)
Sau khi nhận được ánh mắt tò mò của tôi, nàng đã hào hứng:
– Thánh bờ kè, mày toàn biên về bờ kè nên được phong “bảng hiệu” Thánh bờ kè cho khỏi… lạc!

Sau đó là một chuỗi câu chuyện giữa hai người đàn bà rất… đàn ông. Chúng tôi thường như vậy, nói với nhau mọi thứ mỗi lần gặp nhau và sau đó đứng lên, quên hết, chả rút ra được điều gì sâu sắc và mang tính “văn học” như người ta liên tưởng về những cuộc nói chuyện của các nữ văn sĩ mong manh, sâu sắc. Rồi lần sau, lần sau nữa, có bao lần thì cũng vẫn là liên tu bất tận những chuyện như vậy mà không thấy chán, bởi vì chính chúng tôi cũng chả biết đã nói những gì với nhau, cứ “làm như thân lắm” cho vui vậy thôi!
“Tình văn nghệ” đôi khi bạc bẽo như showbiz rứa mà!” Một người bạn đã nói với tôi câu đó.

Nhưng tôi đã lầm vì rốt cuộc sau bao năm quen biết, tôi cũng đã có thể rút ra một suy nghĩ “chín chắn” sau cuộc trò truyện với nàng. Thật đúng, đa số bài viết lẫn phóng sự trên trang cá nhân lẫn báo Trẻ, tôi biên về bờ kè, về kênh Nhiêu Lộc khá nhiều. Dòng kênh này, con đường này như một nỗi ám ảnh khôn nguôi, vô cùng tận. Một góc nhỏ ngọt ngào luôn thấp thỏm đập trong tim. Tuy hình ảnh và mùi vị thật không được nên thơ cho mấy!
Và sẽ thật thiếu sót nếu biên về bờ kè mà không biên về một quán cà phê sách ở đoạn bờ kè Quận 1 phía chân cầu Kiệu. Nơi đây tụ họp gần hết các nhà văn, nhà thơ, nhà báo và nhà “tình báo” vào mỗi dịp họ… rảnh. Cô chủ cũng là một nhà thơ nữ quen thuộc với độc giả Việt Nam, Chiêu Anh Nguyễn. Bởi “cơm áo không đùa với khách thơ”.

Cà phê sách đã được ưa chuộng và đón nhận nồng nhiệt ở nhiều nước từ nhiều thập kỷ qua, đặc biệt ở các nước phương Tây. Khách đến cà phê sách không đơn thuần là thưởng thức cà phê mà còn là để tận hưởng khoảng không gian yên bình riêng biệt. Cà phê sách “gia nhập” vào thị trường Việt Nam khá muộn nên chưa đến mười năm trở lại đây mới dần “làm mưa làm gió”. Giữa các quán cà phê đủ thể loại, phong cách rất phong phú và có phần xô bồ như cà phê vườn, cà phê quán cóc vỉa hè, cà phê máy lạnh, cà phê tụ điểm ca nhạc… cà phê sách đã trở thành một xu hướng mới vì các quán cà phê sách được coi là nơi hội tụ của những người yêu văn học, nghệ thuật, quan trọng hơn, có thể những vị khách đến đây đều… lịch sự và biết chữ (!)
Nếu có dịp chạy xe dưới cơn mưa “phùn” Sài Gòn bên bờ kè Kênh Nhiêu Lộc từ phía đường Hoàng Sa quận 3 ra hướng quận 1 những ngày Tháng Sáu thơ mộng, bạn hãy chịu khó liếc liếc qua phía tay phải, sẽ vô tình hoặc cố ý thấy một dãy quán cà phê được trang trí với phong cách rất… nhà thơ, nào là dây tơ hồng rũ rượi, những chậu hoa, cây xanh được trồng lẫn treo khắp sân, bên trong những tấm cửa kính là tranh và sách, trước vỉa hè là những cái ghế sắt cùng gối lót màu sắc khác lạ không ăn nhập thời tiết Sài Gòn. Nhìn kỹ một chút bạn còn có thể thấy một cây sứ đứng lẻ loi trong chậu sành càng không ăn nhập với cảnh sắc xung quanh. Cách một con hẻm cũng là Chiêu Cà Phê Sách 1, tất cả bàn ghế đều là gỗ, càng không ăn nhập với những cái… không ăn nhập phía bên kia đường, đây cũng là quán giúp cô chủ “khởi nghiệp” kinh doanh cà phê giữa bờ kè, sau đó là Chiêu Cà Phê Sách 2, 3, 4. Tất cả những điều không ăn nhập vô tình tạo nên một dãy Chiêu Cà Phê Sách rất ấn tượng và có phần… “anh chị” khi có thể đứng vững ở đây gần 4 năm tròn. Trong khi so ra giá thức uống khá cao và khách phải tốn tiền giữ xe. Dân Sài Gòn không quan tâm giá cả mắc rẻ nếu đã thích nhưng khó chịu khi phải trả tiền giữ xe khi đi uống cà phê, đây là một dấu trừ to cho quán. Cô chủ cũng rất đau đầu vì chuyện này và luôn giải thích vì giá cả mặt bằng cao, phải thuê hẳn một căn nhà để giữ xe sau nhiều lần xe của khách bị mất trộm.

Như đã nói nhiều lần, mục đích đến quán cà phê của khách rất đa dạng, người thì do thói quen, do công việc, do chỗ ngồi, do chủ quán, do nhân viên của quán hoặc đó là nơi tập trung nhiều người bạn cùng sở thích, đôi khi không biết đi đâu… Nhưng quán này rất ngộ, khách đến đây đa số là để ngắm và canh me… những vị khách khác.
Nếu là một người đam mê đọc các tác phẩm được viết bởi các tác giả trong nước, mỗi buổi sáng, bạn hãy đến đây thật sớm sẽ bắt gặp không ít “thần tượng” như nhà văn Trần Nhã Thụy, Nguyễn Nhật Ánh, Trần Tiến Dũng, Nguyệt Lâm, Trần Hữu Dũng, Nguyễn Ðình Bổn, Nguyễn Quang Tấn… Bên cạnh đó, đây cũng là điểm hẹn của nhiều văn nghệ sĩ hải ngoại khi trở lại Sài Gòn. Họ đến đây để ngắm cô chủ và ngắm… nhau. Sau các quán cà phê Cây Bàng, Guitar Gỗ, 81, Sống Chậm thì nơi này được xem là một quán cà phê văn nghệ quen thuộc và đáng nhớ tiếp theo ở Sài Gòn. Nhờ vậy, quán thu hút một số lượng lớn fan hâm mộ, họ đến ngắm thần tượng “bằng xương bằng thịt” một cách “công khai minh bạch” nhất có thể.

Chưa hết đâu nha, ngoài hoạt động tích cực mảng văn nghệ thì cô chủ quán Chiêu Anh Nguyễn còn là một trong nhiều người mạnh dạn góp tiếng nói về những vấn đề nóng trong xã hội, mặt trái của cuộc sống, chính quyền, cô cũng không ít lần xuống đường tuần hành vì môi trường, chống Trung Quốc nên vì thế mà cô luôn bị phiền toái từ chính quyền địa phương nơi cô thuê địa điểm để kinh doanh quán cà phê. Không biết là hên hay xui, cũng nhờ vậy mà quán cà phê của cô cũng được nhiều người biết đến và ưu ái hơn, trong đó có rất nhiều nhà hoạt động dân chủ và… fan của họ. Vì ở Việt Nam có một “đạo luật” không cần in ấn, nơi nào bị chính quyền ghét thì được dân… thích. Cũng… lại “cũng nhờ vậy”, quán nàng Chiêu có thêm một “lớp” khách nữa. Nhóm này vô kêu cà phê để đó, không chuyện trò, không ngắm nghía thần tượng. Họ vào quán chỉ để thống kê số và tên những người vào uống cà phê nơi này. Tôi nhớ mài mại, không ít người vào đây đã bị bắt đưa về phường không rõ lý do vô số lần. Có lẽ là do phúc của…. nàng chủ quán chăng! Ai biểu cô quá xinh đẹp để người ta ganh tỵ đến nỗi cấm nhau…. ngắm (?)
Và nói khách đến để ngắm và canh me nhau đâu có sai, phải không? Bên cạnh những cái ngộ trên, có thêm cái ngộ rất là… ngộ nữa, tuy là quán cà phê sách nhưng rất ít khách đến đây đọc mà đa phần đến đây để viết và “chôm” sách. (Cô chủ tiết lộ: “Sách càng dễ hiểu càng dễ bị chôm!”)

Thật ra, ngoài những “thành phần cá biệt” trên, vẫn có một số rất ít những vị khách rất… có tâm. Họ đến đây vì yêu bờ kênh, cảnh sắc, con đường này (dĩ nhiên yêu mấy thứ này thì sẽ không yêu cô chủ). Tôi đã không ít lần mong ước có thể mỗi buổi chiều nắng nhè nhẹ rớt về hướng Tây, có thể ngồi nhấm nháp ly cà phê đá rang xay tại quán, ngắm học sinh nắm tay đi học về dưới toàn khung cảnh nên thơ hơi “hoa lá hẹ” kia. Nhưng mà, nhìn từ phía bờ kè đối diện qua, quán mới bộc lộ hết vẻ đẹp của mình, một điểm nhấn đầy ấn tượng cho cả mấy chục cây số bờ kè ồn ã và đông đúc. Không ít lần tôi đã ngồi tâm sự với nàng Chiêu chủ quán:
– Chị ơi, ước gì em có thể mở quán bên kia để “checkin”… đối diện quán Chiêu Cà Phê Sách cho dễ… thu hút khách và ngắm quán chị.
Và lần nào cũng nhận được ánh mắt ngọt ngào cùng giọng nói dịu dàng trong câu trả lời đầy ma lực:
– Ừ tao thách.

Tôi biết nàng nói như thế vì dư biết tôi không có khả năng làm điều đó. Trừ phi tôi có thể kiến nghị, “nhờ vả” nhà nước bê cái cà phê Bến Thuyền Sài Gòn ở trên kia xuống đây mà thôi! Vì bờ kè không phải là của riêng ai, chỉ có nhà nước mới có quyền sử dụng.
Chiều nay, tôi ngồi Chiêu một mình, viết những dòng này không màng thế sự. Dẫu biết ngoài kia, dưới biển cá chết thuyền chìm máy bay rơi, trên bờ thì thức ăn, không khí, con người vẫn thay phiên nhau nhiễm độc. Nhưng điều quan trọng nhất bây giờ là sau khi đọc lại tôi thấy cần đính chính ngay, thật ra, tôi đẹp hơn cô chủ quán một chút xíu. Chút xíu thôi! Mà chả ai thèm canh me cả, thật là bi kịch, phải không?
DU