Menu Close

Ngậm ngải tìm trầm (Kỳ 2)

Miền Trung còn vài tỉnh gồm Quảng Ngãi, Quảng Nam và Đà Nẵng, nơi mà rừng Trường Sơn còn lại những thân cây to, những cổ thụ già và câu chuyện đại ngàn muôn đời bí ẩn. Câu chuyện của những người phu ngậm ngải tìm trầm, băng qua rừng thiêng nước độc, chịu mưa chịu nắng, chịu muỗi mòng và đôi khi đi lạc trong rừng già cả tháng trời, đói, khát, vô vọng… Một câu chuyện dài với niềm đam mê, tham vọng và chứa cả cuộc chơi đỏ đen với số phận, với ông xanh.

phu-tim-tram2
Những lũa trầm (loại cứng hơn lõi) thế này có giá vài tỷ đồng

Phần 2

Chuyện buôn trầm kỳ và ma rừng ly kỳ

“Chuyện ông bạn tôi thì quá sức ly kỳ. Hồi đó ông bắt mối được với một đại gia Ấn Ðộ, mua kỳ nam bắp chuối với giá tám chục tỉ đồng mỗi ký. Ông chạy xe ôm, tiền ăn còn không có, về quê ăn Tết cũng không có tiền mua quà. Nhưng ổng lại biết giá trị của kỳ nam. Năm đó ổng về quê ăn Tết, thấy thằng nhỏ cầm hai bắp kỳ nam loại xịn nhất đi ra tiệm vàng bán, ổng chặn lại hỏi giá, hắn hô năm trăm triệu đồng. Ông giữ lại và hứa mua với giá sáu trăm triệu nhưng thằng nhỏ phải chờ”.

phu-tim-tram6
Một rừng dó cũ được thay bằng rừng thông

“Ổng về ăn cắp cái bìa đỏ nhà bố vợ, mang ra chỗ đám cho vay nặng lãi cầm và vay được bốn trăm triệu đồng, sau đó xoay xở làm sao đó được gần trăm triệu nữa. Ông gặp thằng nhỏ, nói với nó cho ông nợ số tiền còn lại và hứa sẽ trả lãi, thằng nhỏ đồng ý. Ổng mang kỳ nam vào gặp ông bạn người Ấn Ðộ. Ngay trong đêm, ông kiếm được một trăm sáu chục tỷ đồng”.

“Ổng bay về cho luôn thằng nhỏ một tỷ đồng và có vốn rồi, ổng trúng tiếp. Ổng mở dịch vụ kinh doanh trầm kỳ và đăng báo quảng cáo. Suốt một năm không có ai mua bán chi với ổng. Ðùng một cái, có hai vợ chồng dân tộc Cà Tu gọi điện thoại, nói rằng họ có bốn chục ký kỳ nam bắp chuối, muốn bán và mỗi ký ít nhất phải năm tỉ đồng mới bán. Ổng mua ngay, nó bảo ổng ra sân bay Ðà Nẵng gặp nó”.

phu-tim-tram5
Đường vào một xóm trầm ở Đại Bình – Quảng Nam

“Ổng bay thẳng ra sân bay Ðà Nẵng thì gọi không được nữa vì nó khóa máy, chờ cả ngày, không liên lạc được, tiu nghỉu bay về Sài Gòn. Về đến Tân Sơn Nhất, đi ngang qua một cái ghế đá, thấy một cặp nam nữ ngồi cạnh nhau, dáng bộ quê mùa, ổng linh cảm, lấy máy ra gọi thì máy của anh kia reo lên nhưng cả hai người bỏ chạy. Ðến nước này thì hết nước rồi, ổng sai đàn em bắt luôn hai đứa bỏ lên xe hơi, chở thẳng về nhà”.

“Về đến nhà ổng cho lục lọi, nó đưa ra hai ký kỳ nam bắp chuối thứ thượng hạng. Ổng trả tụi nó mười sáu tỷ, vượt số tiền mà tụi nó yêu cầu đến sáu tỷ. Nó mừng quá nói ổng cùng đi với nó, nó bán tiếp ổng ba mươi tám ký nữa. Anh thử tưởng tượng số tiền mà ông Minh kiếm được là bao nhiêu rồi. Giàu luôn từ dạo ấy!”.

“Ðúng là rừng vàng biển bạc ông há!”.

phu-tim-tram4
Trầm loại 2, nâng cấp lên loại 1

“Ừ, nói về rừng vàng thì mình có trầm, kỳ, các loại gỗ quý, nói chung là bạt ngàn, rồi các mỏ vàng nữa. Nhưng mà người ta chỉ lo kiếm tiền bằng cách bươi móc rừng chứ Việt Nam mình chưa có ông giáo sư hay tiến sĩ nào thử nghiên cứu tác dụng của kỳ nam ra sao mà người ta lại mua với giá cao đến như vậy. Không chừng đưa cho mấy ổng mẩu kỳ nam để nghiên cứu, mấy ổng lại mang đi bán rồi đưa đồ giả vào đó. Việt Nam là vậy đó!”.

Tạm biệt ông Triệu, chúng tôi đi đến một ngôi làng mà trước đây ba năm, có một vụ mất tích của nhóm phu trầm gần ba tháng, sau khi gia đình tổ chức đám cúng linh và lập bàn thờ thì họ kéo nhau về. Ðó là thôn 3 ở xã Ðại Lãnh.

Trước đây ba năm, nhóm phu trầm ở thôn này đi vào Trường Sơn và khi đi thì họ mang theo lương thực, hầu hết là lương khô, pin điện thoại di động dự phòng, dao găm, rựa, câu liêm cán ngắn, bình xịt hơi cay, roi điện. Nói chung thì nhóm phu trầm nào cũng mang trong người những thứ đó. Và thường thì họ xuất phát từ Ðại Lộc, đi mải miết trong rừng, vừa đi vừa tìm trầm, tìm kỳ, căng trại nấu ăn nghỉ qua đêm rồi sáng mai đi tiếp. Ði đến rừng Phú Yên thì hết nửa tháng, được hay không cũng phải chẻ rừng, ra quốc lộ đón xe về quê. Cái trục đi tìm trầm của phu trầm xứ Quảng bao nhiêu năm nay vẫn vậy.

Thế nhưng nhóm của ông Tuấn (người thuộc nhóm bị đồn mất tích cách đây ba năm) thì khác, lần đó đi rừng, cả nhóm bị lạc vào rừng thiêng, không có lối ra. Chuyện lạc rừng thiêng như thế nào, ông Tuấn vừa kể vừa rùng mình: “Tụi tôi bỏ nghề luôn từ lần đi đó. Cả nhóm bỏ nghề rồi!”.

phu-tim-tram3
Trầm dó bàu

“Thường là dân phu trầm, khi đặt chân đến bìa rừng, còn gọi là cửa rừng, việc đầu tiên là lấy lương khô và nhang ra đốt cúng thần rừng, trong lúc đi tuyệt đối không được nhắc đến những chữ như ‘đi lạc’, ‘chết’, ‘cây đổ’ hay ‘ma quỷ’… Phải kiêng nhiều thứ lắm. Nhưng lần đó không biết ông Tí trong đoàn ăn phải thứ gì lại tụng thuộc lòng truyện Kiều của Nguyễn Du và vừa đi vừa đọc cho anh em nghe rồi bình. Mà ổng học thuộc lòng lời bình của người ta chứ có biết chi mà bình!”.

“Ði đến đoạn Quảng Ngãi thì dựng lều nấu cơm ăn rồi treo võng ngủ. Lúc chạng vạng, ổng lại đọc truyện Kiều, lại có câu ‘ma đưa lối quỷ dẫn đường’. Nghe câu này là anh em sởn gai ốc liền, bắt ổng dừng, lấy rượu ra súc miệng và lấy nhang thắp xin. Nhưng mà xin có được đâu. Ngày mai đi là đụng chuyện ngay!”.

“Ðầu tiên là gặp một bộ xương nằm co ro trên võng, mắc qua hai gốc cổ thụ, tôi nghĩ là bộ xương này nằm đây phải vài chục năm rồi, khô rang à. Cái võng cũng mục rồi. Cây cũng lên cao, kéo cái võng lên cao gần bốn mét. Tụi tôi hạ xuống và chôn cất tử tế. Nhưng mà tối hôm đó thì gặp chuyện. Mình đi tới đoạn giáp ranh Quảng Ngãi và Bình Ðịnh thì trời chạng vạng. Mình thấy một đốm lửa phía trước, cả nhóm kéo vào đó. Thấy một sư đoàn bộ đội đang ăn liên hoan, họ quay một con bò trên lò lửa, dưới có dĩa muối ớt to tổ tướng. Ðang đói bụng mà thấy rượu cần với bê thui thì thằng nào cũng chảy nước miếng…”.

phu-tim-tram1
Trầm “đểu”

“Họ gọi tụi tôi vào chơi với họ, trời cũng tối rồi nên cả nhóm vào nhập bọn, ăn nhậu tới khuya thì họ tiếp tục hành quân, họ bắt chúng tôi thay áo quần bộ đội và cùng hành quân với họ. Cứ như vậy mà chúng tôi đi hành quân luôn đêm, sáng ra thì cùng ngủ, tối đến lại nghe tiếng kẻng kêu dậy và liên hoan rồi hành quân. Cứ đi miết vậy đó. Gần ba tháng trời lòng vòng trong rừng hành quân với mấy ổng. Ở nhà thì gọi điện thoại không có tín hiệu vì khi đi hành quân với mấy ổng mình vứt bỏ mọi thứ tư trang. Cuối cùng thì nghĩ mình chết, cắt người đi tìm cũng không thấy. Và lập bàn thờ cho mình. Khi tỉnh ra, mình mới biết cái ngày ở nhà lập bàn thờ cho tụi tôi cũng là ngày mấy ổng bỏ tụi tôi”.

“Bỏ là sao hả anh?” Tôi hỏi.

phu-tim-tram
Diễn trầm (tạo hình cho trầm bằng cách vừa nghe kinh vừa làm)

“Thì mấy ổng nói mình không phải bộ đội chuyên nghiệp, thiếu sức khỏe, cho ăn một bữa cơm rồi bắt lột hết trang phục bộ đội, mặc lại đồ thường và trả lại tư trang cho mình về. Trời đất ơi, khi đi về, tôi nhớ cái cảm giác đầu tiên là cả nhóm nghe gà gáy, sau đó thấy đau đầu và muốn ói mửa. Khi mửa thì thằng nào cũng xanh mặt vì mửa ra toàn lá tre và thứ gì đó giống như cứt ngựa vậy. Lần đó về là tụi tôi bỏ nghề luôn. Thế mới biết là ăn của rừng rưng rưng nước mắt. Ðừng tưởng bở!”.

Tạm biệt ông Tuấn, chúng tôi không khỏi rùng mình ớn lạnh khi nghĩ đến chuyến đi của ông và nghĩ về sự linh thiêng của rừng già. Nhưng đáng sợ hơn là rừng già linh thiêng đến vậy mà còn có một thứ thế lực ma quỷ khác còn kinh hồn hơn, nó sẵn sàng cào bằng sự linh thiêng này để tạo ra một thứ linh thiêng chói đỏ cõi trần.

HL