Menu Close

Ai Cập và Kim Tự Tháp

Mấy năm gần đây, cơ quan văn hóa của chính phủ Ai Cập gióng trống khua chiêng loan báo về việc họ khám phá một Kim Tự Tháp mới keng. Kim Tự Tháp này là ngôi cổ mộ thứ 138 tìm thấy trên lãnh thổ Ai Cập, và là nơi chôn cất của Nữ Hoàng Sesheshet, mẹ Pharaoh Teti, vị vua đầu tiên của Triều Ðại thứ VI (Sixth Dynasty), từ năm 2,345 – 2,333 trước Tây lịch, nghĩa là ngôi cổ mộ kia có số tuổi cỡ 4,300 năm!

kim-tu-thap
Khai quật kim tự tháp Sesheshet – nguồn smithsonianmag.com

Kim Tự Tháp Sesheshet nằm sâu 23 bộ Anh dưới cát sa mạc của vùng ngoại thành Cairo, không xa lắm từ Kim Tự Tháp Sakkhara, ngôi cổ mộ “già” nhất, 5 ngàn năm, của Ai Cập. Ngay bên cạnh di tích 4 ngàn năm kia là tòa nhà của cơ quan Thông Tin của chính phủ, và chỉ sâu vài bộ Anh ngay tại di tích, người ta tìm thấy một tòa nhà non trẻ hơn, cỡ 300 năm trước Tây lịch; những tòa nhà mới cũ đứng cạnh nhau như chuỗi lịch sử nối dài của tổ tiên người Ai Cập. Ðào sâu hơn nữa cỡ 20 bộ Anh, thì người ta khám phá ra những tảng đá chạm trổ xếp cạnh nhau của Kim Tự Tháp Sesheshet, chưa suy suyển chút nào sau mấy ngàn năm. Công trình xây cất nói lên cách làm việc của người xưa: rị mọ, tỉ mỉ và nhẫn nại!

Không cần đi đâu xa, ngay tại Cairo và vùng lân cận đã có biết bao nhiêu di tích, hầu như người ta cứ cắm xẻng xuống đất là có thể tìm ra một vật dụng nào đó được xem là cổ ngoạn, hình ảnh rất cụ thể của một thời vang bóng. Ðịa linh thì đầy rẫy nhưng nhân kiệt thì ta cần tìm kiếm hơi lâu? Du khách nhìn quanh chỉ thấy cái nghèo, cái khó!

Kim Tự Tháp là niềm hãnh diện của dân tộc Ai Cập, hầu như là “căn cước” của quốc gia này. Lịch sử của họ lẫy lừng quá, một thủa nào đó, nền văn minh kia đã dẫn đầu thế giới mà ngày nay con cháu nhìn lại dù hãnh diện nhưng rồi chỉ biết cúi đầu thở dài nuối tiếc một thời vàng son cũ. Người Ai Cập ngắm nghía công trình của tổ tiên họ mà ngậm ngùi ai oán, và người ngoại quốc khi nhìn ngắm các di tích, các cổ vật… khó lòng nối kết Ai Cập một thời với Ai Cập hôm nay, 40% dân cư sống ở mức sống khoảng 2 Mỹ kim/ngày!

Sự mâu thuẫn kia là nỗi ám ảnh của người Ai Cập, lịch sử nhiều ngàn năm của họ là chứng tích của sự chịu đựng như một truyền thống dân tộc khác hẳn với quốc gia non trẻ láng giềng Saudi Arabia, thành lập mới được 70 năm nay nhờ dầu hỏa và lấy tên của một gia tộc nắm quyền lợi tài chính mà lập hoàng gia trị vì giữa thế kỷ thứ XX!

Những khó khăn trong đời sống hàng ngày, từ khổ nạn này đến khổ nạn khác, khủng hoảng kinh tế, thiên tai, nhân họa khiến người Ai Cập quay quắt kiếm sống. Người dân hỏi nhau chính quyền đã làm gì cho họ? Họ sống bám vào tổ tiên chứ chính phủ thì chẳng dính dáng gì đến đời sống người dân! Chính những ngôi cổ mộ kia đã giúp nuôi sống người dân năm này sang năm khác qua kỹ nghệ du lịch. Không có Kim Tự Tháp, chẳng ai mò qua Ai Cập làm chi, một quốc gia nghèo khó và đông người, chỉ riêng Cairo, thành phố quá đông người với 18 triệu cư dân?!

Ông Galal Amin, một nhà kinh tế của Ai Cập tự dỗ dành an ủi, ông ta phát biểu rằng một dân tộc không có lịch sử thì như một người không có óc trào phúng. Không có quá khứ thì người ấy không thể nào nhìn ra những oái oăm của đời sống hiện tại mà cười một cách ý nhị thâm thúy. Không có quá khứ thì khó có thể so sánh chuyện ngày xưa và chuyện xảy ra bây giờ. Rồi nhẫn nại mà chờ đợi với hy vọng là chuyện ngày xưa sẽ xảy ra lần nữa trong tương lai?

Người Ai Cập, như một dân tộc, là nhóm người rất bền bỉ, qua những khổ nạn của đời sống hiện tại, khó khăn hơn thấp kém hơn so với đời sống cũ, dân Ai Cập vẫn nhẫn nhịn và cho rằng đó là ý Trời. Tương tự như khái niệm “vận nước” của người Á Ðông. Họ chịu đựng một đời sống khó khăn, vì trong quá khứ, dân Ai Cập đã là những người văn minh nhất và có đời sống cao nhất so với các giống dân khác. Con người đến rồi đi, Pharaoh cũng đến rồi đi, ngay cả ông Hosni Mubarak, lãnh đạo 30 năm liền tù tì không chịu rời ghế. Ông tông tông này đã ngoài 80 tuổi mà nhất định không chịu nói năng chi về việc truyền ngôi, và truyền ngôi cho ai. Ðâu có lẽ nào ông ta sống mãi mãi? Người con, ông Gamal Mubarak hình như đang sửa soạn kế vị nhưng cũng cứ lắc đầu quầy quậy tránh né câu chuyện kế nghiệp của mình. Ở thế kỷ thứ XXI mà người Ai Cập vẫn chịu đựng như những năm trong thế kỷ thứ XIX, Tổng thống cũng cha truyền con nối chứ không bầu cử chi ráo?!

kim-tu-thap1
Du lịch là nguồn sống của Ai Cập – nguồn timesofisrael.com

Có thể vì quá bận rộn với chuyện cơm áo vật vã, người dân xứ Kim Tự Tháp chẳng có thời giờ mà thắc mắc đến chuyện kế vị truyền ngôi? Họ chạy ăn từng bữa, như những dân công xúc đất, đãi cát ở Kim Tự Tháp Sesheshet với số lương khoảng 2 Mỹ kim một ngày. Khi được hỏi đến giá trị của Kim Tự Tháp, những công nhân đầu tắt mặt tối kia trả lời rằng Kim Tự Tháp quý lắm khi tui kiếm được cơm, chớ không có việc làm thì cổ mộ chẳng là cái chi cả. Chúng tôi luôn có mặt ở đây và các cổ mộ kia cũng vậy, không có chi khác lạ cả!

Cho đến khi làn gió Mùa Xuân Ả Rập thổi đến thì triều đại Mubarak mới cáo chung, và ông Tổng Thống bị đem ra hài tội. Không có cuộc cách mạng đổ máu hẳn chẳng có chi thay đổi ở miền đất ấy?

Người Ai Cập tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi, chờ đợi một chính phủ mới hay một đời sống dễ thở hơn, vài Kim Tự Tháp nữa cũng chẳng mấy hấp dẫn họ ngoại trừ những người làm việc cho nha Khảo Cổ và kỹ nghệ du lịch! Bây giờ đất nước kia có thêm một Kim Tự Tháp nữa nhưng đời sống cư dân thì vẫn không mấy khả quan hơn, họ vẫn vất vả. Như thế, lịch sử hay di tích, cổ ngoạn chỉ có giá trị khi người dân no ấm?

TLL