Menu Close

Đêm bình yên

Mấy năm nay, tôi vẫn thường bị ám ảnh và lo sợ bởi những lần phải vào phòng cấp cứu của bệnh viên vào lúc nửa đêm về sáng, nên trước khi lên giường đi ngủ, tôi vẫn thường cầu nguyện cho đêm nay, được một đêm bình yên.

Thời chiến tranh Việt Pháp, làng tôi ở sát ngay Quốc Lộ 1, từ nhà có thể thấy được cái đồn Tây ở trên đồi, nhưng đêm nào Việt Minh cũng mò về, không nhóm họp, tuyên truyền thì cũng cắt cổ, mổ bụng một người nào đó, những người mà họ gọi là Việt Gian như một công nhân làm cầu Hiền Sĩ biết chút ít tiếng Tây hay một ông bác họ của tôi mượn rượu để buông lời chửi đổng mấy “thằng Việt Minh.”

Ðêm nào có tiếng chó sủa rân cả một vùng, thì sáng ra, thế nào người làng cũng thấy một xác chết bị chặt đầu nằm bên vệ đường hay một người  bị trói ở đình chợ, đã chết, đổ ruột ra ngoài, máu đã khô cứng.

Những đứa trẻ như tôi cũng tò mò theo người lớn đi xem, kết cuộc là đêm không dám ra ngoài đi tiểu, đái luôn trong quần. Những đêm nghe tiếng chó sủa, tôi co rúm người, ôm chặt lấy mẹ tôi. Lúc bấy giờ trong nhà, chắc ai cũng thức giấc, nằm yên, không dám thở.

Ðó là những đêm kinh hoàng, cho đến lúc, thay thời đổi thế, cha tôi kiếm được việc làm công chức trên thành phố.

Những ngày trong nhà tù Cộng Sản, thật lòng tôi không sợ đói mà sợ bệnh. Ở đây không thấy ai chết đói. Trong trại “cải tạo” kiểu này, kiểu cho ăn nhấm nháp cầm hơi, ăn không phải để no bụng, mà để sống, dù sống ngắc ngoải. Củ khoai, muỗng cháo loãng bỏ vào miệng cho qua ngày, chết thì không chết, nhưng với da bọc xương, chỉ chờ cơn bệnh tới là ra đi.

Trong tình trạng trại tù không có thuốc men, không y tá, bác sĩ, không có phương tiện  chuyên chở bệnh nhân đi trạm xá, bệnh viện để cứu cấp kịp thời, và với sự thù hận nằm sẵn trong đầu những kẻ thắng trận, chúng không thể đem từng người ra bắn, nhưng chỉ mong tù chết đi, bớt được thằng nào hay thằng đó!

Tôi còn nhớ năm 1977, tại trại tù Cẩm Nhân, Hoàng Liên Sơn, vào một đêm mùa Ðông, tôi bị một cơn đau ruột rất trầm trọng. Tôi đau đớn, ôm bụng và kêu gào. Cả “lán” tù thức giấc. Một người bạn tù, phụ trách “y vụ” của trại được vệ binh, thắp đèn, mang súng dẫn tới chỗ tôi nằm. Cả anh lẫn tôi đều không biết tôi đau gì: gan, thận, ruột già, ruột non, ruột thừa, bao tử, mật… Một giờ sau, anh trở lại và mang cho tôi món thuốc mà anh chế cho tôi gồm có gừng, riềng, tỏi…toàn là những thứ nóng, đâm nhuyển rồi pha với nước, thành nửa chén. Uống xong chén thuốc, tôi không hề dứt cơn đau, và từ đó cho đến gần sáng, tôi ôm bụng quằn quại, tiếng rên la chắc cũng làm phiền bạn bè chung quanh không ít, vì sáng mai thức dậy, anh em còn phải lên rừng.

Thế mà tôi không chết. Tôi nằm mê man trên giường tre suốt đêm cho tới ngày hôm sau, cho đến buổi chiều, khi anh em đi “lao động” về ồn ào, lích kích, tôi mới tỉnh dậy.

Không phải ai cũng may mắn như tôi, có người đã lên nằm trên đồi sắn, có anh chết ở bệnh viện Yên Báy, không biết thân xác vùi dập ở nơi nào.

Cho nên, mỗi sáng nghe tiếng kẻng tù, thức giấc mới biết mình còn sống.

Cũng là những đêm kinh hoàng sau khi đám hậu duệ của những anh chàng Việt Minh “răng đen, mã tấu” vào Saigon năm 1975. Nỗi lo sợ của dân chúng là chuyện nửa đêm công an gõ cửa xét hộ khẩu, có ai tạm trú, tạm vắng mà không khai báo, hay đọc lệnh tập trung cải tạo, bắt người đi trong đêm tối. Người vợ có chồng đi tù biền biệt, có đêm nào yên giấc, nỗi thương chồng, nỗi lo nghĩ cho cuộc sống ngày mai bất định, với bầy con nheo nhóc và cha mẹ già không nơi nương tựa.

Những người mới bước chân đến vùng đất tự do, dù là Mỹ, Canada, Úc hay Âu Châu từ năm 1975 cho đến thập niên 90, đều có thể nghĩ rằng, từ nay chúng ta mới có được giấc ngủ bình yên, không còn lo sợ nửa đêm công an đến đập cửa nhà, cũng không lo những cơn bệnh ngặt nghèo, không thuốc men, được chuyển từ bệnh viện này sang bệnh viện khác, vì không đúng tuyến hay không đủ tiền.

Nhưng bây giờ, có thể chúng ta có tự do, no đủ, hạnh phúc trên xứ người, nhưng quỹ thời gian đã cạn dần, như cuộn chỉ thời gian đã kéo ra gần hết, sắp trơ ra cái lõi. Không ai sống đời đời kiếp kiếp, cũng không ai biết trước được lúc xuống tàu. Chúng ta sẽ ra đi mà không mang theo một thứ gì, như người hành khách không có rương hòm ký gửi mà cũng chẳng có hàng họ mang theo. Chúng ta cũng là người khách không biết giờ bay, không có thời khắc được gọi lên tàu, là những người xếp hàng chờ đợi ra đi. Nhưng có một điều yên tâm là chúng ta không phải là người bị bỏ lại, chỉ trước sau, sớm muộn thôi, cũng sẽ được gọi tên.

Ðêm nay, tôi chỉ xin một đêm bình yên. Nếu sáng mai, chúng ta được thức dậy theo ánh mặt trời, nghĩa là chúng ta sống thêm một này nữa, là ân huệ của cuộc đời, và hãy thành tâm:

“Cám ơn đời một sáng mai thức dậy

Ta có thêm ngày nữa để yêu thương!”

Một ngày nữa không phải để ném đá vào ai, để trả thù ai, để lăng nhục ai, mà để nói một lời xin lỗi những điều mình đã làm tổn thương ai, nói một lời cám ơn những ai đã cưu mang và giúp đỡ mình!

HP – 6/16