Ly dị là một điều mà những người thật sự yêu thương nhau bước vào hôn nhân thường không dự tính trước. Tuy nhiên, cuộc sống đưa đến trắc trở mà đôi khi chúng ta phải chấp nhận và làm sao để giải quyết tốt đẹp nhất cho cả đôi bên. Trịnh Công Sơn từng nói “dù hạnh phúc hay dở dang thì cuộc tình ấy cũng là một phần máu thịt của bạn rồi”, nên dù một ly dị văn minh nhất vẫn là một sự mất mát. Hai vợ chồng người khách hàng tên X của tôi đã phải trải qua những mất mát, những đau buồn khi họ chấm dứt hôn nhân với nhau. Vì tâm lý rối bời và buồn đau mà họ đã đi đến những quyết định không được sáng suốt liên quan đến hợp đồng bán nhà và trả một giá khá đắt về tiền bạc lẫn mệt mỏi tâm trí.
Sau khi ly dị cặp vợ chồng X quyết định bán nhà để không còn dính dáng nợ nần với nhau và đồng thời tiền lời có được qua việc bán nhà sẽ chia đôi. Ðể tiết kiệm tiền, họ quyết định để bảng tự bán, “For Sale by Owner”, mà không thông qua người Realtor hay luật sư. Và từ đó họ trở thành một con mồi dễ dàng của một tên tội phạm lường gạt. Tạm gọi tên tội phạm này là “Sam”.
Sam, với giọng nói nhỏ nhẹ đầy thuyết phục, đã đồng ý mua lại căn nhà với giá cả hai vợ chồng X đưa ra. Sam sẵn sàng trả trước tiền đặt cọc $30,000.00 và sau đó tiếp tục trả tiền cho nhà băng hàng tháng qua vợ chồng X. Trong vòng 5 năm, Sam có quyền mua nhà với giá đã thỏa thuận từ ban đầu và tất cả tiền Sam trả hàng tháng sẽ được trừ ra khỏi tổng số tiền mua căn nhà.
Hợp đồng bán nhà này do chính Sam viết ra vì hai vợ chồng X dù từng có trình độ đại học ở Việt Nam cũng không đủ tự tin để viết hợp đồng mua bán nhà hay thật sự hiểu trọn vẹn những bất lợi liên quan đến những thỏa thuận trong hợp đồng đó. Mà thoạt nghe qua thì cũng khá hợp lý và thuận lợi. Hai vợ chồng X tưởng rằng họ rút ra được $30,000.00 để chia đôi với nhau sau khi ly dị, còn payment của nhà băng anh chàng Sam này take over.
Hai vợ chồng X còn cẩn thận nhờ một người có văn phòng dịch vụ pháp lý, một người từng làm việc liên quan với ngành luật ở Việt Nam trước 1975 nhưng không phải là luật sư ở Hoa Kỳ, xem lại hợp đồng mua nhà đó và thị thực chữ ký cho đôi bên với giá chỉ $100. Hai vợ chồng X nghĩ rằng họ đã tiết kiệm vì không phải trả tiền cho một người luật sư viết hợp đồng bán nhà hay trả tiền tham khảo luật sư. Nhưng đó là một sai lầm mà họ đã phải tốn kém gấp bội khi có sự tranh chấp.
Hợp đồng “Lease to Own” do tên Sam viết đã không được viết rõ ràng và theo đúng quy định của luật pháp đâu là thỏa thuận mướn nhà, đâu là thỏa thuận mua nhà. Do đó khi hai vợ chồng X đến văn phòng một luật sư khác để nhờ đuổi Sam ra vì hắn ngưng trả tiền nhà hàng tháng thì tòa liên tục xử hai vợ chồng X thua kiện vì nếu tính số tiền đặt cọc $30,000.00 ban đầu chứng tỏ Sam không hề thiếu tiền mướn nhà mà vẫn còn dư lại rất nhiều nữa là đằng khác. Tuy nhiên, nếu như theo thỏa thuận mua nhà thì Sam còn cả trong vòng 5 năm để mua, và hiện giờ Sam chưa thực sự mua (exercise purchase option) thì không thể nào tòa phán xét rằng Sam vi phạm những thỏa thuận trong hợp đồng mà không được mua.
Thế là sau 2 lần ra 2 tòa khác nhau đều bị xử thua, cặp vợ chồng X đã đến gặp tôi để ra tòa thứ 3 kháng cáo. Cứ theo đúng như hợp đồng đã viết ra thì không thể nào khách hàng tôi thắng kiện và theo luật pháp thì bút sa gà chết, không thể nào 2 vợ chồng X viện không biết tiếng Anh, hoặc không hiểu về hợp đồng mà xin tòa vô hiệu hóa hợp đồng đó được để đuổi tên Sam ra.
Nhưng trong common law (luật ra đời từ những quan niệm, tập tục xưa) liên quan đến hợp đồng (Contract Law) thì có một quan niệm rằng nếu một hợp đồng quá nghiêng về một bên và hoàn toàn gây bất lợi cho một bên thì hợp đồng đó không hữu hiệu trước luật pháp. Trên căn bản một hợp đồng cần có tất cả các yếu tố sau: Sự thỏa thuận của đôi bên (mutual assent), sự trao đổi đầy đủ (adequate consideration), quyền năng/khả năng ký hợp đồng (capacity), và sự hợp pháp của bản hợp đồng đó (legality). Rõ ràng 2 vợ chồng X ký hợp đồng, dù có sự trợ giúp của văn phòng dịch vụ, đã không nhận ra sự bất công của bản hợp đồng đó và cái đó là cốt lõi của sự trao đổi. Theo đúng hợp đồng thì trong vòng 5 năm, tên Sam sẽ được ở không phải trả tiền mướn nhà, vì tất cả tiền tên Sam trả lại được trừ ra trong số tiền mua nhà. Coi như tên Sam được trả góp nhà mà không hề phải qua sự kiểm tra gắt gao về điểm tín dụng (credit score), lợi tức (income), hay ký tên thế chấp tài sản gì. Mà bất cứ lúc nào trong vòng 5 năm tên Sam cũng có thể mua căn nhà đó với giá cũ mặc dù giá trị nhà tăng lên, và đồng thời tiền tên Sam phải trả 2 vợ chồng VN ít hơn là tiền họ còn thiếu nhà băng và những tiền lời, chi phí nhà băng, và thuế 2 vợ chồng VN phải gánh. Việc đó quá bất công, luật common law gọi đó là “unconscionable” dẫn đến việc không hề có sự trao đổi (adequate consideration) và dẫn đến sự bất hợp pháp của hợp đồng đó.
Chỉ vì tiết kiệm tiền luật sư phí để thảo ra hợp đồng ban đầu, sau 3 tòa án khác nhau, mất rất nhiều thời gian và mệt mỏi đầu óc, rồi phải trả tiền luật sư phí và án phí gần cả chục ngàn đồng khi đưa nhau ra tòa, cộng với tiền phải tiếp tục trả cho nhà băng hàng tháng cả năm trời khi tên Sam ngưng trả và kiện tụng nhau, cuối cùng 2 vợ chồng X cũng đã giành được công lý. Nhưng đó là một cái giá quá đắt.
Tự viết hợp đồng với nhau hay không thì là điều mọi người cần cân nhắc cẩn thận để không phải bị tốn kém, nhức đầu điển hình như 2 cặp vợ chồng X khi ly dị nhau và phải giải quyết phân chia tài sản cho nhau.
AT