Thời gian chờ đợi đã qua – 9 năm kể từ máy đời trước và 4 tháng kể từ ngày Nikon giới thiệu máy – giờ tôi đã cầm nó trong tay. Nghĩ lại mình cũng may mắn trong số vài người đầu tiên ở Dallas được “ẵm” nó về nhà. Và sau một thời gian testing kỹ lưỡng và tìm hiểu những tối ưu của nó, tôi có thể trình bày với các bạn the new kid on the block – Nikon D500.

Như mọi người có lẽ đã biết, Nikon cùng một lúc đã giới thiệu máy D5 và D500 tại triển lãm điện tử 2016 Las Vegas vào Tháng Giêng. Máy D500 được trang bị với nhiều đặc điểm tân tiến như của máy D5 (mắc gấp ba lần), gồm luôn hệ thống lấy nét tự động (AF) mới, bộ cảm quang EXPEED 5, và nhiều thứ nữa.
Trước khi đi vào phần phân tích kỹ thuật, chúng ta cần biết chút ít về người thử máy: tôi là một người chuyên dùng máy Nikon từ hơn 30 năm nay, và có rất nhiều kinh nghiệm với những máy “D” từ khi thời đại digital bắt đầu vào năm 2002. Trong năm 2008, không lâu sau khi máy D300 (tiền bối của D500) được Nikon tung ra, tôi đã bắt đầu dùng nó gần như mỗi ngày trong công việc. Tôi là một nhiếp ảnh gia wildlife (động vật hoang dã) chuyên ngành cầm điểu (chim chóc). Nếu nó bay, tôi có thể chụp nó. If it flies, I can shoot it.
Sau đây là ấn tượng của tôi về máy D500:
Thân máy và thiết kế
Từ lúc khui thùng và cầm máy trên tay, D500 chắc chắn có cảm giác như một máy pro DSLR. Trên thân máy có đầy những nút điều chỉnh trực tiếp các thông số riêng biệt (không cần phải vô menu) như ISO, loại hồ sơ trữ, metering, cân bằng trắng, v.v…, và thêm một vài nút “tự do” (Function) để bạn có thể tự ấn định chức năng nào bạn muốn.
Bên phải của máy là tay cầm sâu và chắc tương tự như của D750. Với tay phải (tay bấm máy) của bạn, bạn có thể điều khiển tất cả nút chụp, lấy nét, ISO, quay video, chọn điểm nét, điều khiển LiveView… để khi chụp ảnh, bạn không cần phải rời mắt khỏi ống nhìn.
Khả năng thực tế
Có lẽ đây là phần các bạn đang tò mò muốn nghe nhất.
Trên giấy, chúng ta đã biết D500 có thể chụp 10 FPS (10 tấm trong một giây), ngang hàng với máy 7D Mark2 của Canon (đương kim vô địch của bộ môn chụp chim và thể thao). Chúng ta cũng biết, máy D500 có đủ buffer để chụp 200 tấm liên tiếp (nếu dùng loại thẻ XQD nhanh) so với chỉ 31 tấm của Canon 7D Mk2.
Buổi đầu tiên xách máy mới ra chụp thử, đối tượng của tôi chỉ là vài con vịt đầu xanh, nhưng tốc độ vịt bay rất nhanh. Với mục đích thử “đạn đại liên” của D500, khi vịt bay tới từ xa tôi đã bóp cò và để nó bắn liên tiếp đến khi “mắc nghẹn” và chậm lại. Kiểm tra lại trong máy thì đếm được 56 tấm (với loại thẻ chậm SD 80MB/s, so với 400MB/s của loại XQD). Dù thấp hơn con số 200 nhiều, nhưng 56 vẫn vượt qua mặt 31 của cao thủ 7D Mk2.
Nhắc về hệ thống autofocus như đã nói trên, nó có 153 điểm lấy nét và đây không phải chỉ là một hình thức quảng cáo. Tôi đã thật sự bị sốc (một cách vui mừng) khi thử nó trong thực tế. Lấy đoạn bắn nói trên ra làm ví dụ, trong số 56 phát thì có 4 tấm thuộc hạng vứt đi, và 9 tấm hơi bị… mềm, còn lại 43 tấm (hơn 75%) thì hoàn toàn rõ và sắc bén như dao. Kết quả đó bắt buộc tôi phải công nhận D500 là chúa tể mới trong làng AF gồm những máy “khét tiếng” tôi đã từng chụp như Nikon D4S, D750, D7100, Canon 1DX, 7D Mk2.

ISO ghê hồn
Trong lý thuyết, ngoại trừ D5 với độ ISO tối đa cao hơn 3 triệu, không ai có thể ngờ một máy DX (crop sensor) như D500 có thể lên đến ISO 1 triệu. Tôi thừa biết những con số này chỉ là mức độ tối đa và không hẳn là những độ nhạy được áp dụng trong ánh sáng ngày thường.
Ðể thử trong tình trạng thực tế, tôi đã chụp với cả hai trong nhà và ngoài trời. Hình 1 của bài này được chụp khi tôi đang cầm máy D500 chĩa vào gương phòng ngủ, nơi không có ánh sáng bên ngoài vào và chỉ có đèn trần chập choạng tối. Với ISO 6400, tôi đã chụp ra hình đủ sáng, và KHÔNG BỊ HỘT NOISE.
Một người chụp ảnh động vật hoang dã như tôi thường xuyên phải đối đầu với những tình trạng khó khăn khi rất thiếu ánh sáng. (Chụp ảnh thiên nhiên thì phải dùng ánh sáng thiên nhiên. Bạn không có được tiện nghi như gắn đèn flash). Ngày hôm đó, tôi đến một công viên địa phương lúc mặt trời sắp xuống. Những chú vịt vẫn bay cho đến sau khi mặt trời lặn. Khi trời quá tối – tối đến nỗi mắt mình nhìn còn chưa rõ – tôi tăng ISO lên độ 51,200. Mặc dù hình hơi bị mất nét, và hơi bị hột ở ISO cao bất thường này, những máy ảnh khác có lẽ đã “bỏ cuộc” lâu rồi. Có còn hơn không, có còn hơn không!
AN