
Tôi có ông bạn vong niên, năm nay ngoài sáu mươi, sống ở Mỹ. Tháng trước, ổng về ghé thăm vợ chồng tôi và ở lại dùng cơm trưa. Gia đình tôi mời ổng đi vào Cầu Mống ăn bê thui, ổng vui như con nít. Cảm giác vui và gần gũi của ổng (một Việt Kiều thành đạt trên đất Mỹ) khiến chúng tôi thấy vui và xúc động bởi ổng không màu mè, bởi lời mời của chúng tôi cũng đánh trúng “yếu huyệt của đại ca”.
(Ở Quảng Nam, bê thui bán từ 5 giờ sáng đến khoảng 10 giờ đêm. Ngoài bê thui, còn có bún nạm, bún gân, bún tái, bún xương, xáo, những phần còn lại của con bê mà người nấu biến tấu).
Vào quán Mười, một quán nổi tiếng ngon, sạch, giá vừa phải và lịch sự trong làng bê thui Cầu Mống Quảng Nam, tôi quảng cáo: “Ðây là quán bê thui thơm ngon bổ dưỡng nhất hành tinh. Bởi cả hành tinh này chỉ có bê thui Việt Nam ngon nhất, mà ở Việt Nam ai mê bê thui cũng nghĩ về bê thui chấm mắm nêm ở Cầu Mống. Mà ở Cầu Mống thì quán này bê tơ nhất, mắm thơm nhất và giá cả cũng phải chăng nhất”.

Nghe vậy, ông bạn già cười xòa…
Khi bê thui được dọn ra, ổng ăn rất ngon lành, vừa ăn vừa khóc, nước mắt rớt lã chã. Bạn có hình dung được một người già trên sáu mươi tuổi, thân hình phốp pháp vừa cầm cuốn bánh tráng cuốn thịt bê thui chấm mắm nêm, bỏ vào miệng vừa ăn vừa khóc nức nở giống như con nít?
Ðứa con trai chưa đầy 5 tuổi của tôi ngạc nhiên hỏi: “Mẹ ơi, sao ông khóc, mắm cay quá hả mẹ?” – Rồi quay sang nói với ông: “Ông ơi, ông ăn xong rồi khóc, hay ông buồn uống nước ngọt?”
(Ở nhà mỗi lần thích thứ gì, cu cậu vẫn hay bảo: Mẹ ơi, con buồn ăn chôm chôm, mẹ ơi con buồn ăn trái khế và thỉnh thoảng mẹ ơi, con buồn uống nước ngọt quá!)
Chúng tôi nghe vậy ai cũng cười. Riêng ông bạn già cũng ngưng khóc đáp lại: “Ừ, ông buồn, ông nhớ, nhưng buồn thì cứ buồn, nhớ thì cứ nhớ, nhưng ngon thì phải ăn cái đã cháu, phải ăn xong rồi mới được buồn nước ngọt nha!”.
Món ăn để nhớ…
Nói bê thui Cầu Mống là món ăn để nhớ quả là không ngoa, bởi nó ngon và thơm, nhất là khi chấm một lát thịt bê thui hồng đào vào mắm nêm có gia vị gừng, tỏi, chanh, ớt và một chút sả, mè rang rải bên trên, sau đó kẹp với một ít rau sống gồm lá quế, lá húng, cải mầm, xà lách, rau đắng, ngổ điếc, diếp cá, có kèm một lát khế chua mỏng dính và một lát chuối chát, rồi một lát dưa leo, một lát đu đủ bóp giấm cộng với một miếng bánh tráng nướng bóp nhỏ… Cảm giác đó thật khó tả!

Nhớ bởi vì đây là món ngon, bổ dưỡng nhưng nó cũng gắn nhiều kỷ niệm với cả người có tiền và người không có tiền ở miền Trung. Như câu chuyện của ông bạn tôi, ông khóc bởi ông nhớ đến bậc sinh thành thân yêu đã quá cố, nhớ đến tuổi thơ buồn tủi và nhớ đến những tháng năm đi bán vé số, bán khế của ông. Hương vị của một lát bê thui Cầu Mống như một thứ xúc tác làm phản ứng nhớ thương và tủi hận sủi bọt, làm thành nước mắt lã chã giữa quán thịt bê.

Chuyện là lúc ông còn trẻ, do lý lịch và do nhiều thứ khác, ông không thể bước vào trường đại học bởi cha của ông là một sĩ quan cấp Tá của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Tuổi trẻ của ông là tuổi trẻ đi cuốc đất bệ, đi bán vé số, hái khế để bán cho quán bê thui. Thời đó không có nhiều quán bê thui ở làng Cầu Mống như bây giờ (chỉ có đúng một quán, đó là quán Mười, cũng là quán lớn nhất và nổi tiếng nhất trong làng bê thui Cầu Mống hiện nay), quán nằm thấp dưới chân cầu, đi qua dốc cầu sẽ thấy mái nhà của quán và đi bộ xuống dốc mới bước vào quán được.

Sau bao nhiêu năm trở lại, nhìn những quán bê thui ở xứ Quảng, hàng hàng quán quán bê thui Cầu Mống chạy dài từ phía Bắc Cầu Mống ra tới ngã ba Ðiện Phương, rồi Ðiện Minh, Vĩnh Ðiện, ra tới Ðà Nẵng, ông không khỏi bồi hồi: “Hồi đó không có nhiều quán như bây giờ, người ta nghèo lắm, khoai sắn còn không có mà ăn thì lấy đâu bê thui mà ăn. Trong vườn có cây khế, hai ba bữa tôi lại mang sang nhờ bà thím bán cho quán bê thui, lúc nào để dành đủ thì tôi nhờ bà ấy mua giùm hai lạng bê thui cho ông bà già! Thế rồi tôi lên tàu đi vượt biên, lúc ba mẹ tôi qua đời không có tôi. Không biết có ai mua một dĩa bê thui để cúng cơm trước khi đi chôn ông bà không nữa?!”.

Tiệm rượu và Cầu Mống
Và, có lẽ cũng chỉ với ông, câu chuyện ‘lịch sử bê thui Cầu Mống’ mới đầy ấn tượng và xót xa đến vậy. Nhấp ly rượu Hồng Ðào, ông kể: “Nói đến làng bê thui Cầu Mống thì phải nhắc đến làng Tiệm Rượu. Hai làng này nằm ở hai đầu cầu Mống, còn gọi là cầu Câu Lâu bắc qua sông Thu Bồn. Thời Pháp, ở làng Tiệm Rượu người ta nấu rượu bán nhiều lắm. Ba tôi kể là rượu ở đây bán ra cả miền Bắc và bán vào miền Nam. Còn bê thui Cầu Mống, muốn nó ngon thì phải thui bằng lửa than củi dâu. Con bê đầu tiên mà người ta thui là do hỏa hoạn thui chứ không phải do con người thui”.


Chúng tôi ngạc nhiên hỏi:
– Anh xa Việt Nam lâu như vậy, nhưng có vẻ vẫn không quên bê thui Cầu Mống?”.
– Bởi con bê thui đầu tiên là của ông cố tôi. Lúc đó ở giữa sông Thu Bồn, gần Cầu Mống có một cồn đất nổi lên, chủ cồn là một tướng cướp tên Thu, chuyên cướp của quan chia cho dân nghèo. Sau này, Nguyễn Duy Hiệu mang quân vào bắt ông. Ông bấm độn và biết số mình tới, ông đã tự nộp mình.
Ông xã tôi cũng tiếp câu chuyện:
– Cồn đất đó giờ là thôn Triêm Nam xã Ðiện Phương, lúc nhỏ, em cũng có nghe về chuyện ông này.
– Ừ, ông bị nhốt trong lồng sắt và bị nhận chìm dưới sông Thu Bồn ba ngày. Khi kéo lên, người ta chỉ thấy chiếc lồng trống không và ổ khóa vẫn còn nguyên. Tối đó, tướng Hiệu thấy một hòn lửa bay từ dưới sông lên chỗ nhà tướng cướp Thu. Ông cho người lén lút lập miếu thờ… Mãi cho đến lúc tôi thanh niên, hễ cứ đúng tối 30 tháng Chạp âm lịch, gần Giao Thừa thì nhìn thấy một hòn lửa lớn bay từ miếu thờ ông Thu ra ngoài sông. Không biết bây giờ còn vậy không?
– Vậy còn chuyện con bê thui đầu tiên?
– Là con bê của nhà ông cố tôi. Hồi đó, làng bị Tây đốt, cháy rực lửa, trâu bò gì sổ chuồng chạy tán loạn. Chỉ có con bê (bò con) của ông cố thì vẫn buộc bên bãi dâu Cồn Thu. Cháy xong, trong lúc hoảng loạn, mọi người lo thu dọn mọi thứ và nghe mùi thịt chín thơm lựng, ông cố tôi nhớ sực con bê, chạy sang thì nó đã chết cháy. Cả bãi dâu xanh cũng không còn một cây. Trong lúc bụng đói và tuyệt vọng, mọi người mang ra ăn qua bữa. Ai dè khi chấm muối ớt nó ngon đến mức không thể tả. Cả làng chưa kịp ăn hết con bê con thì Tây lại đi càn, họ bắn người khắp nơi. Có người giả chết sau đó kể lại rằng, lính Tây lúc đó cũng mệt mỏi, đói bụng lắm rồi nên mới ăn thử phần thịt cháy còn lại, và họ ăn đến miếng cuối cùng. Sau đó, quân đội Pháp bắt đầu thích thú với món bê thui củi dâu, uống với rượu ở làng Tiệm Rượu. Ðến thời trước 75 thì món bê thui chỉ bán tại đúng hai tiệm ở Quảng Nam và thành phố Ðà Nẵng. Sau này mới bán nhiều như vậy.
Câu chuyện “lịch sử bê thui” của ông bạn già thân yêu tạm gác qua một bên. Chúng tôi tiếp tục thưởng thức món thơm ngon bổ dưỡng này với giá 400 ngàn đồng một ký lô (chưa đầy 20 Mỹ kim) và một ký thì phải đến bốn hoặc sáu người ăn mới hết. Khi ăn nhớ kèm theo một tép tỏi Lý Sơn đã lột vỏ lụa cùng với rau, dưa, mắm và bánh tráng. Ðây là món dễ ăn, dễ nhớ và dễ bùi ngùi nhất. Bởi cái ngon của nó còn gợi nhớ cả những tháng ngày khổ tận cam lai, khổ thèm khổ đói của đời người mà những ai từng ở miền Trung này thì đều có thể thấu hiểu!
UC