Menu Close

Rupert Neudeck Đại ân nhân của người Việt tỵ nạn tại Đức

Lời Giới Thiệu: “Vừa qua cộng đồng người Việt tại Đức đã thương tiếc tiễn đưa một vị ân nhân người Đức có công ơn đã cứu vớt hơn 11,000 thuyền nhân Việt Nam trong thập niên 70-80. Hầu hết những người Việt hải ngoại tại Đức xưa kia bỏ nước ra đi, vượt biên hay bảo lãnh, đều mang ơn sâu đậm đối với ông. Đây là bài viết của tôi về ông Tiến sĩ Rupert Neudeck, cựu chủ tịch Cap Anamur, nhằm nêu danh vị đại ân nhân này trong cộng đồng Việt Nam ngoài Đức Quốc. Bài viết  cũng nhằm mục đích cổ vũ việc góp quỹ cho hội từ thiện do vị đại ân nhân này sáng lập.” (Dr. Xuan Khoi LE DDS)

Trẻ nhận được thư và bài của Dr. Xuan Khoi LE DDS, ký tên Minh Khuê gửi tới từ Luân Đôn, anh (sinh năm 1973)  là một người được bảo lãnh theo diện đoàn tụ gia đình, tới Đức năm 1990, tốt nghiệp ngành Nha Khoa Đức, tu nghiệp, làm việc và sống tại London.

“Con tàu đã được nhiều người tị nạn Việt Nam xem như một biểu tượng của sự tái sinh, những người dường như đã tuyệt vọng với cuộc sống từ lâu. Sau khi có rất nhiều tàu khác đã lờ bỏ đi qua thì đột nhiên xuất hiện một con tàu  bắt loa phóng thanh tiếng Việt: ‘Đây là tàu của Cộng hòa Liên bang Đức, một chiếc tàu đặc biệt dành cho bạn và để cứu bạn’. Điều này vẫn còn là một khoảnh khắc khó tin cho hàng ngàn người vượt biển” Dr. Rupert Neudeck

01Tiến sĩ Rupert Neudeck (SN 14/05/1939), được biết đến với nhiều việc làm nhân đạo trên toàn thế giới, đặc biệt cứu vớt hơn 11,000 thuyền nhân Việt Nam (Boat People) trong thập niên 70-80, vừa qua đời ở tuổi 77 trong một ca phẫu thuật tim ngày 31/05/2016.

Sinh ra tại thành phố Danzig (nay Gdansk, Ba Lan) ông sống cùng gia đình tại Danzig-Langfuhr (nay Wrzeszcz) cho đến 1945, khi phần lớn những người di dân Đức đều bị trục xuất về nước. Gia đình Neudeck đã may mắn thoát khỏi tay tử thần khi bỏ lỡ chuyến tàu di dân định mệnh Wilhelm Gustloff, con tàu mà ngay sau đó đã bị một tàu ngầm của Liên Xô đánh chìm gây tổn thất lớn về nhân mạng. Sau đó gia đình ông đã thành công chạy trốn và định cư tại Hagen, Tây Đức. Cuộc sống di tản và tị nạn cùng gia đình đã để lại nhiều dấu ấn trong thời thơ ấu của cậu bé Rupert.

Khi còn trẻ, ông đã theo học và tốt nghiệp về triết học, thần học và văn học Đức. Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ năm 1972 ông chính thức làm việc trong ngành truyền thông và báo chí với vai trò là phóng viên, nhà báo và biên tập viên.

Do bị thúc đẩy bởi cuộc khủng hoảng thuyền nhân Việt Nam từ giữa thập niên 70, Rupert cùng vợ Christel Neudeck, nhà văn Heinrich Böll (đoạt giải Nobel văn học năm 1972) và một số bạn thành lập “Ủy ban một con tàu cho Việt Nam” nhằm phát động phong trào cứu trợ những người vượt biên bằng đường biển sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975. Năm 1979 Ủy ban đã thuê một tàu thương mại (thường được dùng để chở hàng) nhằm mục đích cứu cấp các thuyền nhân trong khu vực Đông Nam Á. Sự việc đó cũng dẫn đến việc hình thành tổ chức “Cap Anamur”, một đoàn thể thiện nguyện thường trực.

Theo số liệu của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn từ năm 1977 đến năm 1995 đã có khoảng 800,000 người dân Việt rời bỏ quê hương an toàn đến các trại tị nạn ở các nước láng giềng. Họ là những người may mắn được cứu vớt và sống sót. Nhưng có hàng trăm ngàn người không may mắn đã không bao giờ đến được bến bờ (ước tính là khoảng 500,000 người). Theo lời nhận xét của ông Neudeck, việc phải rời xa quê hương và đối mặt với muôn vàn nguy hiểm trên đại dương bằng những chiếc ghe nhỏ nhoi quá tải, có thể bị nhận chìm bởi các cơn bão hay bị tấn công bởi hải tặc là một cuộc khủng hoảng nhân đạo mà họ “không thể đứng nhìn và bỏ qua”. Từ năm 1979 đến 1987, Rupert Neudeck và Ủy ban Cap Anamur đã được ghi nhận cứu vớt hơn 11,000 thuyền nhân trên biển và cung cấp hỗ trợ y tế, lương thực cho ít nhất 35,000 người vượt biển khác. Đại đa số những thuyền nhân được Cap Anumur cứu vớt đã được trực tiếp đưa sang tị nạn ở Đức Quốc.

Do luật di dân nhập cảnh ngày càng trở nên khó khăn trên toàn thế giới, đôi khi tổ chức của ông lại phải đấu tranh để vượt qua các rào cản pháp lý của các nước sở tại để dành quyền tị nạn cho những người Việt được thuyền cứu vớt.

“Chúng ta không được nhút nhát vì sự ngây thơ của mình, chúng ta không được sợ hãi vì không phải là một chuyên gia, chúng ta không cần trước hết phải tham khảo nghiên cứu đang lúc người ta chết đuối rồi sau đó mới cứu họ. Tôi đã rất ngây thơ khi bắt đầu công việc này. Đôi khi chúng ta phải trở nên bất hợp pháp để thực hiện được những điều tuyệt vời trên thế giới ”.

Rupert Neudeck, người sáng lập của tổ chức cứu trợ của Cap Anamur - photo EPA / Schiller
Rupert Neudeck, người sáng lập của tổ chức cứu trợ của Cap Anamur – photo EPA / Schiller

Sau khi hoàn thành sứ mạng cứu vớt thuyền nhân trên Biển Đông, Neudeck vẫn duy trì công việc nhân đạo cứu trợ những người di tản và tị nạn khắp nơi trên toàn thế giới điển hình như tại Eritrea (Phi Châu), Bosnia (Đông-Nam Châu Âu), Afghanistan (Nam Á) v.v.. Năm 1979, cùng với vợ  Christel và nhà văn Heinrich Böll, ông thành lập “Cap Anamur – Hội Bác Sĩ Cấp Cứu Đức e.V.”, một tổ chức chăm lo các dịch vụ y tế và giáo dục tại Châu Phi, Châu Á và một phần Châu Âu.

Ông cũng là người cho ra đời tổ chức liên tôn giáo “Grünhelme” (Green Helmets), một nhóm gồm các chuyên gia, kỷ thuật viên và thợ chuyên môn với nhiệm vụ tái dựng lại các cơ sở hạ tầng quan trọng, bao gồm cả các trường học và cơ sở y tế trong các khu vực bị tàn phá do chiến tranh. Ông cũng đã tham gia vào các công việc làm nhân đạo tại Palestine và Israel, và gần đây nhất là giúp đỡ và hỗ trợ cho người tị nạn Syria.

Cá nhân Rupert Neudeck là một người rất giản dị, bình dân, thân thiện, nhưng đôi khi rất cương quyết. Những lời nói của ông rất chân thật và rõ ràng, thường làm xúc động lương tâm của nhiều người trên thế giới:

“Hành động đó là một điều hoàn toàn tự nhiên đối với tôi. Tôi biết, lúc đó tôi không có khả năng thay đổi được điều gì. Nhưng chúng tôi phải cố gắng làm điều gì khác để ít nhất có thể giảm bớt sự chết chóc hàng loạt, sự chết chìm hàng loạt trên vùng biển Đông”.

Việc làm nhân đạo của Rupert Neudeck đã thay đổi và ảnh hưởng lớn tới cuộc đời của rất nhiều người. Trong cuộc bình chọn tại Đức ông đã được tuyên bố là “một trong 100 người có ảnh hưởng lớn nhất”. Đối với nhiều người ông là một vị anh hùng. Phản ứng về sự ra đi của ông, người đứng đầu chính phủ Đức, bà Thủ tướng Angela Merkel nhận xét: “Ông là một tấm gương đích thực của lòng nhân đạo thực tiễn… Ông luôn coi nhiệm vụ của mình là phải đóng góp thiết thực nhằm giảm bớt sự đau khổ”.

Trong thánh lễ cầu hồn và tưởng niệm ông Rupert Neudeck được tổ chức vào sáng thứ Ba, ngày 14 Tháng Sáu năm 2016 tại Köln (Cologne), với khoảng hơn 2000 người tham dự, trong đó có rất nhiều thuyền nhân trước kia và thân nhân được bảo lãnh theo diện đoàn tụ, cùng bạn bè, đồng nghiệp và các chính khách nổi tiếng của Đức, Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki đã ca ngợi người đồng sáng lập của tổ chức từ thiện Cap Anamur và Grünhelme là một “người che chở bảo vệ cuộc sống con người, kiên định và cương quyết”. Mặc dù ở tuổi 77 sự ra đi của ông Neudeck có vẻ như chỉ là sự chấm dứt của một quãng đời vì ông còn tính thực hiện nhiều và rất nhiều dự án trong tương lai và “sứ mạng của ông dường như vẫn chưa chấm dứt”.

Ngày nay, tại thành phố Troisdorf, cộng đồng người Việt tại Đức cũng đã quyên góp dựng lên một tấm bia tri ân tổ chức Cap Anamur, tiến sĩ Rupert Neudeck cùng tưởng niệm các thuyền nhân đã bỏ mình trên biển. Ngày 12 tháng 9 năm 2009, một tượng đài khác bằng đồng với bia tri ân Cap Annamur và người dân Đức đã được cộng đồng người Việt tại Đức dựng nên tại bến cảng thành phố Hamburg, nơi con tàu đầu tiên ra khơi để cứu vớt thuyền nhân Việt Nam.

Cộng đồng người Việt đặt vòng hoa kính viếng ông Rupert Neudeck - photo dpa
Cộng đồng người Việt đặt vòng hoa kính viếng ông Rupert Neudeck – photo dpa

“thật rõ ràng là chúng tôi không thể thiếu các đội quân và  vũ khí để có thể điều khiển thế sự“ – Dr. Rupert Neudeck

Minh Khuê, London 15/06/2016