Menu Close

Buổi tối ở nhà ngục Annecy

Tôi, Ivan, Chris tới nơi thì bên trong đã đầy khách, nhà ngục xưa từ thế kỷ 17 của thành phố du lịch Annecy trở thành nơi ăn nhậu vui chơi của những ngày Liên Hoan Phim ngắn được tổ chức tại đây hàng năm. Tôi và Michael Mills, Suzan, Chris, Ivan của Animation house trở lại lần thứ 3.

Thật ra có hai nơi để chọn, một: tòa lâu đài cổ kính có tháp canh, thành quách bao quanh, nằm chót vót trên ngọn đồi ngay khu phố cổ với những vòm đá gothic, mái hiên sát đầu, lối đi lát đá đen vuông kiểu Châu Âu, ở đó có dạ vũ, vang, rượu nặng, bia, nhạc cổ điển miễn phí, hai là khu nhà ngục này, cũng rượu vang, bia, scotch, vodka, nhưng ban nhạc rock, ầm ĩ hơn. Theo kinh nghiệm, nếu chỉ uống sương sương chát đỏ hay trắng, nhâm nhi trái cây,  phô mai  thì nghe nhạc nhẹ, cổ điển,  còn nhậu tưng bừng rượu, bia, xúc xích bò nướng thì  nhạc rock hay pop mới hứng thú.

Nhà ngục cũng thuộc khu phố cổ, nằm dưới chân con dốc quanh co qua những vòm hiên hình cánh cung, ngay giữa con kinh đào, thông ra cái hồ bên chân dãy núi dài, nước hồ trong như biển Nam Ðịa Trung Hải, dọc bờ là những chiếc cầu đá xanh, chung quanh đầy nhà hàng, bar rượu và những tiệm bán đồ kỷ niệm. Thường ngày thì nhà ngục là Steak house, chuyên steak bò, trừu, tụi tôi đã tới ăn tối một lần và tôi thích khung cảnh xưa xưa này. Người ta đã tân trang từ lâu, nhưng khôn khéo giữ những gì còn lại của nơi giam cầm, xử trảm tội nhân ngày nào, chỉ thêm thắt chút văn minh như điện, đèn rọi, sân khấu, LED TV màn ảnh rộng, những cặp loa, những cô phục vụ, jupe quá ngắn, áo hở ngực… tươi rói, bếp, rượu ngon và đồ ăn nhậu kèm theo bảng giá cứa cổ như cái máy chém xưa nằm chình ình ngay cửa vào.

nha-nguc-anncy
Thắm Nguyễn

Hồi chiều Suzan thích rượu vang Pháp, và nghĩ rằng ở nhà ngục chỉ có bia, rượu mạnh nên kéo Michael lên lâu đài, một phần cũng cản bớt tật dê gái khi say của Michael, tôi thì khoái tính này của Michael! Thử hỏi một đạo diễn sồn  sồn, cao, đẹp trai, tài ba, 2 lần Oscar nomination, giàu có tiếng ở Westmount, Montreal, rất hên vợ chết rảnh rang, đêm nào cũng la cà nhậu nhẹt mấy cái bar sang trọng… vậy không dê gái thì còn làm gì?!  Không lẽ đi hát karaoke?!.

Chris, Ivan chọn nhà ngục vì nhạc rock và mồi ngon, tôi thích vì cái vẻ rờn rợn của tường đá âm u, lạnh tanh của căn phòng tra tấn, không biết bao nhiêu tù nhân đã chết nơi này.

Tụi tôi chào hỏi qua loa mấy người quen mặt trong Liên Hoan Phim, tìm bàn ngồi.

– Êh!

Cả bọn quay lại, nhỏ Kuhn đạo diễn người Ðức, Chris cúi đầu núp sau lưng tôi, nó sợ cái nhậu say hay mè nheo của nhỏ này lắm.

– Hê! cô lại đi một mình hả?

– Dĩ nhiên, tui già rồi, ế…! hê! Chris!

Mấy ngón tay của Chris cấu vô vai, ra hiệu.

– Tụi tui có hẹn chung với Michael, cô thấy ổng đâu không?

– Hả! À không! Bye!

Kuln cụt hứng, quay đi.

– Mầy lẹ thiệt!

Chris khoái chí.

Cách đó hai hôm, Michael bao tụi tui một chầu, sẵn có nhỏ Kuln ổng mời luôn, tính ổng mà ngà ngà là khoái dê gái, mời uống rồi về khách sạn ăn khuya, sau đó tò tí, hoặc chán thì ngồi im nghe nhạc. Kuln mè nheo, nói năng như bắp rang, đã vậy nó khoái Chris, theo gạ thằng nhỏ về ngủ chung. Theo tôi thì Kuln không xấu, nhưng quá  già so với cu Chris, cậu thì thầm với tôi:

– Mẹ! Nó bằng bà Ngoại tao! Dai nhách!

Từ bữa đó Chris sợ Kuhn luôn. Michael bực mình vì con nhỏ nói nhiều, không thèm trả cho một cent tiền rượu dù chính ổng mời. Kuhn run run trả hết hai trăm tiền Mỹ và giận Michael.

Tôi chọn cái bàn nhỏ trong góc, kế bên là những gông cùm đúc bằng sắt ngày xưa treo toòng teng trên vách đá.

Ivan mang tới cái thùng gỗ, đầy bia và 2 chai Vodka Ba Lan.

– Hà! Hà !ngồi trên đất Pháp uống bia Ðức! Ðế Ba Lan… đã thiệt! Chậc! Bia thơm mà nhỏ Kuln thì không thơm lắm!

Chris khề khà, tụi tui làm vòng đầu, mỗi thằng một lít, vài shots Vodka.

Ban nhạc địa phương chơi những bài dân ca Pháp, Thụy Sĩ, chương trình văn nghệ không nhà nghề của nhiều nước thuộc Liên Hoan Phim, mở đầu là Pháp, Canada, rồi Úc… dài nhất và cuối cùng là Mỹ, những bài pop một thời của thập niên 70 quyện lấy hơi rượu Vodka, bia và khói thuốc.

Tôi ngà ngà, dựa lưng vô bức tường đá, những phiến đá từ bao đời, lạnh ngắt, treo nhiều dây xích sắt dùng để kéo tội nhân lên cao, bên kia là một dãy dài những gươm, khiên, cung nỏ, những bộ giáp và nhiều dụng cụ tra tấn, tôi mường tượng đâu đây tiếng rên rỉ của những người tù.

Chris mang tới thùng bia đen Irish, lấy mỗi đứa mười đô.

– Tiền mua xúc xích bò, dồi tỏi xông khói làm mồi, còn dư coi như ủng hộ cho ban nhạc!

Căn phòng lớn bắt đầu đầy ứ người và mịt mù khói thuốc (ở Âu Châu tha hồ hút thuốc khi nhậu!), khách đứng, ngồi tràn ra cả ngoài bờ lề của mấy con đường chung quanh, dọc hai con kinh thiên hạ uống rượu, nghe nhạc, tán tỉnh, mơn trớn nhau.

Tôi rót một ly đầy, men theo chiếc hành lang ngang qua bếp ra khu phía sau vắng tanh vì mùi thịt nướng và hơi đồ ăn bám khắp nơi. Tôi ngồi xuống bờ tường đá, cách mặt nước lấp lánh của con kinh chừng vài feet.

Có lẽ ngày xưa nơi này là bến đậu của ghe tàu chở tội nhân tới, hoặc mang tù nhân bị tra tấn đến chết đi chôn trên dãy núi bên hồ, sau lưng là khoảng tối mập mờ, có đường thông xuống dưới hầm, người hướng dẫn du lịch nói rằng hầm sâu hơn đáy con kênh đào kế bên, dùng để đày đọa những tù nặng tội, hoặc hung dữ.

Ngoài này hôi khói, nhưng dễ thở, tôi co tay búng mẩu tàn thuốc vô khoảng tối trước mặt.

– Á!

– Ủa!

Không lẽ chỗ đó có người, tôi giật mình, đang hoang mang thì từ khoảng tối đột ngột bước ra một cô gái, đúng! Một cô tóc vàng vừa phủi đám tàn bám trên áo, vừa càu nhàu, giọng Mỹ đặc sệt:

– Anh không thấy à!  Văng vô cổ, nóng quá!

– Xin lỗi cô! Xin lỗi… tưởng chỉ có mình tôi ở đây!

Cô gái bước dần ra ngoài sáng, đúng như tôi đoán, cô tóc vàng người Mỹ, căn cứ theo tấm phù hiệu Liên Hoan Phim đeo lủng lẳng trên cổ.

– Chắc không sao! Lửa rơi vô người là điềm tốt!

– Nhưng nếu cháy, chắc là điềm xấu!

Tôi pha trò, lúng túng nhìn cô.

– Cho tôi điếu thuốc!

Tôi đưa gói thuốc.

– Cô thuộc đoàn Mỹ?

– Vâng! Còn anh… à! Canada! Nãy giờ tôi tưởng là Tàu, hoặc Việt Nam!

– À không! Tôi là người Việt Nam, quốc tịch Canada, tôi sinh ra và trưởng thành ở Việt Nam!

– Như vậy anh hơn phân nửa Việt Nam!

– 99 phần trăm lận!

– Anh du học?

Tôi phì cười.

– Không! Di tản!

Tôi bắt đầu nói về tôi…

28 tháng 4 năm 75 máy bay chở ra Hạm, ở trại Guam, qua Mỹ… xin đi Canada vì có thân nhân.

– Xin lỗi tôi là Chulainy, hân hạnh.

– Tôi, H chào cô!

– Như vậy anh sống ở miền Nam?!

– Tôi sinh ra ở miền Trung, ăn học và ở Sài Gòn từ 7 tuổi cho tới khi đi khỏi Việt Nam.

Chulainy có vẻ thích thú, cô bước tới gần hơn, mang theo mùi nước hoa thoang thoảng.

– Chúc một đêm vui vẻ cho Annecy!

Tôi đưa cao ly rượu, làm một hớp lớn.

..Chààà!… đứng đây uống rượu đỏ, nhìn đêm của Annecy lấp lánh trên con kinh vòng vèo quanh phố, nghe những bản nhạc pop ngày xưa lan man theo gió và nói chuyện với cô Mỹ mơn mởn tóc vàng có cái tên là lạ, cũng còn sướng hơn ngồi hũ chìm với tụi Chris trong căn nhà ngục ngợp khói thuốc.

– Anh có biết gì về chiến tranh Việt Nam không vậy?

– Dĩ nhiên là có rồi.

Tôi lanh miệng, bắt đầu.

– Như những người cùng tuổi, tôi sống suốt cuộc chiến, từ những năm sáu mươi cho đến ngày 75.

Tôi kể những gì tôi biết, thấy và nghe: từ Tổng Thống Diệm, vụ Tướng T.  đảo chánh hụt, rồi Ông M  đảo chánh thật, TT Diệm và người em bị bắt, bị giết trên chiếc thiết vận xa khi chạy ngang rạp Olympic, đường Hồng Thập Tự, Tướng K. chỉnh lý, Tướng Kỳ, Thiệu nắm quyền,  KQVN không tập miền Bắc… vụ Chiến Hạm Maddog kiếm chuyện, khơi mào cho Mỹ oanh tạc miền Bắc…

Cô ta bỗng ngắt lời.

– Anh biết những ngày lính Mỹ đổ bộ Chu Lai không?

– Ờ!..ờ! Dĩ nhiên là tôi biết chớ! Quảng Ngãi đi ra hướng Ðà Nẵng chừng 45 phút là gặp, vùng đó nằm sát quốc lộ 1, phía tây núi, bên đông toàn là cát trắng và xương rồng, dọc xuống biển là mấy làng chài nghèo xác xơ. Quân đội Mỹ đến xây trại, lập căn cứ, sau đó Chu Lai được coi là một trong những “Thành phố Mỹ đầu tiên ở Việt Nam nhưng sao cô lại hỏi về Chu Lai ?

Chulainy lặng yên, cô khoanh tay trước ngực, xoay ly rượu đỏ óng ánh trong tay.

– Ba tôi là một trong những sĩ quan chỉ huy có mặt trong đơn vị TQLC đầu tiên đặt chân lên vùng cát trắng Chu Lai.

– À! Ba cô tham chiến trong chiến tranh Việt Nam?

– Ba tôi chiến đấu suốt miền Trung trong ba năm, và chết trước ngày về nước một tuần, lúc ấy tôi mới sinh ra.

Tôi thở dài.

– Rất hối tiếc cho ông.

– Hối tiếc! Hừ! Ai… cũng nói hối tiếc shiiiiiittttt! Cô ta hét lên, ném mạnh ly rượu vô vách đá, tiếng vỡ của thủy tinh nghe lạnh ngắt trong đêm, tôi ngại quá, có thể con nhỏ say rồi.

– Tôi xin lỗi…

– Mọi người đều đã nói như anh! hừ! xin lỗi!…hối tiếc!… tôi nghe những điều ấy từ lúc mới lớn,  có những việc khác cần thiết phải làm  hơn là nói hối tiếc.

Tôi đứng trân nhìn cô ta hùng hổ một cách vô duyên.

– Ba tôi đến đó, chiến đấu cho Việt Nam, và bỏ mạng! Hàng ngàn người Mỹ cũng làm như vậy, cũng đều đổ máu, mất xác tại Việt Nam, nơi mà cả đời họ không hề biết, không hề nghe, không muốn tới du lịch, càng không muốn ở lại, tại sao có những điều kỳ lạ đó? hả! tại sao???

– Ờ… ờ! Thì họ giúp Việt Nam bảo vệ tự do mà.

– Tự… do!… ha! ha! ha!

Cô gái đưa hai tay lên trời cười lớn, tôi uống miếng rượu, lúng túng móc túi lấy điếu thuốc.

– Anh tưởng đó là sự thật sao? Bảo vệ tự do! Ðó là cái trò… bảo vệ tự do mà sao bỏ chạy? Mà sao cuốn cờ, phản bội bao nhiêu người Mỹ đã bỏ mình tại Việt Nam như ba tôi?

– Việc này cô có thể hỏi thẳng Chính phủ Mỹ, có thể chửi thẳng nhà nước Mỹ như vị Tổng Thống cuối cùng của tụi tui đã làm, riêng tôi, tôi không biết rõ. À! ờ! … cho tôi đứng ngoài vụ này!

– Ðứng ngoài?! Chuyện ảnh hưởng tới cả vận mạng của đất nước anh, mà… mà anh đứng ngoài? Vô trách nhiệm! Các anh vô trách nhiệm!

Chulainy la lớn, tôi ngại ngùng nhìn quanh, sợ người ta hiểu lầm. Nhưng chung quanh hình như không ai nghe thấy cái giọng lanh lảnh của cô ta. Tôi bỗng giận tôi quá, tự nhiên sao tôi lại dính vô đống rác cũ này. Chắc ăn hơn tôi bước gần tới vùng ánh sáng mờ mờ hắt vô từ hành lang, nếu tiện thì đi ra ngoài luôn, không lẽ ở đây cãi vã với con nhỏ Mỹ, mất toi một đêm vui, tôi nghĩ trong bụng. Cô ta kêu giật ngược:

– Anh có mặt ở đó!?

– Tôi lớn lên ở đó! Như hồi nãy đã nói với cô.

– Theo tôi biết những người Việt Nam cũng chiến đấu, cũng đổ máu và hy sinh rất nhiều cho đất nước mình!…

– Aha! Tôi sẽ tặng cô bộ Sử Ký Việt Nam, dòng giống chúng tôi mới sinh ra là muốn gây với Bà Mụ vì cắt rún quá đau…, lớn lên đánh ngoại xâm, không có ai đánh thì đập lẫn nhau tưng bừng. Nước tui chuyên trị tụi Tàu, cô về San Francisco, hỏi mấy tay Tàu già thì biết, cho nên tụi tui chiến đấu là dĩ nhiên rồi. Quân Ðội Mỹ chỉ thêm một giọt trong vũng máu lớn đó thôi! Chulainy biết không… chúng tôi đã…

Tôi kể  cho cô ta nghe những trận chiến đẫm máu mà tôi biết qua hệ thống truyền thông, báo chí, qua truyện ký, qua lời truyền miệng suốt những năm tháng chiến tranh tại miền Nam.

Sông Pha, Ba Gia, Ðồng Xoài, Dakto, Bình Giả… Huế với thảm sát Mậu Thân, Mùa Hè ở Cổ thành, ở Hạ Lào… tôi kể không sót một chi tiết như kể chuyện Tam Quốc, tên từng người chỉ huy, bao người hy sinh… cùng ngày tháng xảy ra… Tôi dứt lời, trong lòng tự hào đã khoe được những điều hiểu biết về cuộc chiến trên quê hương mình. Chulainy nhìn tôi đăm đăm,  chắc cô ta cũng nể mặt phần nào khi nghe những chuyện đó, cô ta bước tới gần hơn.

– Tôi buồn rầu, tôi chán ngắt, tôi khủng hoảng với trò chiến tranh!

– Tôi cũng vậy, chắc không ai thích.

Tôi ve vuốt:

– Cô cũng đừng phiền, chuyện qua rồi mà!

Chulainy bỗng sừng sộ:

– Ai nói là qua?

– Thì! thì cũng lâu rồi. Tôi muốn nói vậy.

– Cho tới lúc nào tôi còn mang cái tên yêu quý và lạ kỳ của Ba tôi đặt  thì chuyện ấy chưa qua, chưa qua!

Cô ta nói như muốn phun hết buồn phiền vô mặt tôi, tôi ra dấu nên la nhỏ lại rồi lặng thinh nghe cô giải thích về cái tên của mình, bây giờ thì tôi biết CHULAINY là Chu Lai yêu quý, cái tên thân mến mà ba cô đã cho cô để kỷ niệm về nơi ông tham chiến đầu tiên trong chiến tranh Việt Nam.

Cô ta bỗng lặng đi như nhớ gì đó về cái tên kỷ niệm, tôi chắc cơn giận trôi qua phần nào rồi.

– Anh chia tôi bớt phần rượu, được không?

– Ok! cái đó thì được, đêm đẹp quá! cãi nhau làm gì.

Tôi lẹ làng chia nửa phần rượu vào ly cô, tìm cách ra khỏi.

– Hay là tôi vô trong lấy thêm.

– Tôi muốn nói chuyện với anh, vì anh là Việt Nam, đừng tìm cớ đi trốn!

– Ok. Ðợi.

Tôi bước lẹ qua hành lang, thở phào như trút gánh nặng.

Chris vẫn ngồi với Ivan ở bàn, hai thằng tộng quá nhiều rượu và xúc xích bò, mặt mày đỏ ké, mùi tỏi nồng nặc.

– Ê nãy giờ biến đâu? Theo mụ Kuhn phải không?

– Tao đứng phía sau hóng mát, nói chuyện với em Mỹ tơ!

Hai thằng nhổm dậy như máy, tôi đè xuống:

– Không. Không được. Tụi mầy  nhóc con, ngồi đây nhậu, chút tao vô, đang bàn chuyện chiến tranh Việt Nam, súng đạn rền vang, bom, mìn nổ tùm lum, nơi nguy hiểm!

– Úi xì! Mấy em mà bàn  tới chiến tranh Việt Nam là bằng bà Ngoại tao rồi! Mầy “bàn” một mình đi! Khi nào tới đoạn “bỏ chạy” như năm 75 thì chui vô đây.

Tôi nhún vai, ra phía sau với chai rượu đỏ, hai cây xúc xích. Chulainy vẫn còn đó, tôi rót rượu, mời cô khúc xúc xích. Bây giờ tôi mới có dịp nhìn kỹ hơn, trên cái áo khoác màu ka ki, là phù hiệu US ARMY màu đen.

– Áo này là kỷ niệm của ba tôi khi ở Chu Lai.

Tôi làm thinh không dám nói năng gì tới chuyện Việt Nam nữa, sợ cô ta lại nổi khùng như hồi nãy mất vui.

Hai đứa tôi uống rượu, ăn xúc xích.

– Mùi tỏi thơm quá! Làm tôi nhớ tới Mẹ, anh biết không, Mẹ tôi cũng chết tại Việt Nam.

Ðang nhấm lát xúc xích, tôi thấy hơi nghèn nghẹn.

Chulainy tiếp:

– Tháng Tư năm Bảy lăm anh ở đâu?

Tôi cố nuốt mảnh xúc xích còn vương vướng trong cổ.

– Thì Sài Gòn! Nhưng liên quan gì tới chuyện Mẹ cô chết?

– Sao không liên quan!

Chulainy bắt đầu lên giọng:

– Mẹ tôi chết rất oan ức, bà ta không đến với đất nước anh với vũ khí, với chiến tranh. Hoàn toàn không! Mẹ tôi đến bằng trái tim của con người yêu thương con người. Bà ta là Bác Sĩ, đến để mang trẻ con, những đứa trẻ mồ côi vô tội, ba má đã chết trong chiến tranh ra khỏi Việt Nam, anh còn nhớ chuyến C5A?

– Tôi nhớ! bị… bị…

– Bị nổ, và mẹ tôi chết. Mẹ tôi chết, trên tay còn ôm một đứa bé, đứa bé mồ côi Việt Nam.

– Tôi thật hối tiếc cho những điều xảy ra.

– Hừ! hối tiếc! Anh có thể nói điều gì khác hơn không?

Tôi lúng búng trong cổ họng.

Cô ta tạt ly rượu, tôi né được, cô ta chộp lấy áo tôi.

– Tại sao, tại sao cha mẹ tôi đều chết cho Việt Nam?

Cô ta đẩy tôi ra, hét lớn:

– Các anh phải có trách nhiệm về việc này! Tại sao?

Tiếng hét của Chulainy dội vô những bức tường đá, vang dọc mặt nước yên tịnh của con kinh.

– Không! Không phải tôi! Không phải chúng tôi, là ai? Là những ai?

Tôi dựa vô tường, những viên đá từ thế kỷ xa xưa lạnh dài xương sống.

– Tôi không biết.

Chulainy gằn:

– Như vậy anh làm gì trong những ngày đau đớn ấy?

Tôi lúng túng:

– Thì cũng như những người khác tôi, tôi ở trong quân đội.

– Tôi đâu dính dấp gì.

Cô la:

– Aha! chiến tranh của các anh, đất nước của các anh. Cha Mẹ tôi đến đó và chết vì những công việc của các anh, vậy mà anh không dính dấp gì à? Sao anh nói về những ngày đẫm máu ở đó hay quá vậy? Thế hệ của anh nằm trong cung đoạn ấy! Anh đã làm gì, đã làm  được những gì cho đất nước anh? Tại sao những người như Cha Mẹ tôi phải đến để vác Thánh Giá khổ nạn của các anh?

Cô ta thả tay ra, tôi vuốt lại áo.  Mẹ, tự nhiên dính vô con nhỏ khùng.  Cái áo  đẫm rượu đỏ, rít  trong người, khó chịu quá, tôi thấy bực.

– Cũng như nhiều người miền Nam khác, tới giờ tôi vẫn hoài nghi việc bỏ chạy của quân Mỹ, cô thấy không?  Tại sao vậy?

– Tại vì các anh! Vì anh!

Chulainy chỉ thẳng vô mặt tôi một cách bất lịch sự:

– Tại vì anh vô trách nhiệm!

– Tôi… tôi… tôi! Tại tôi?

Những năm ấy, bạn bè lần lượt đi lính, tôi dự không biết bao nhiêu tiệc chia tay, rồi vẫn ngày hai bữa học hành tà tà với giấy hoãn dịch gia cảnh, ông lớn cấp. Ông lớn là cậu tôi. Me tôi còn kèm theo  cái Cà Tha thỉnh tận bên Miên để tôi đeo tránh đường tên mũi đạn.

– Nhưng con đâu có đi lính mà Me sợ.

– Thì cứ đeo, ngừa đạn lạc, thành phố lúc này bị pháo kích hoài à con!

Những đứa bạn còn lại bị tổng động viên, mấy thằng đi trước, bắt đầu chết, có đứa thành thương phế binh. Tôi là con trai duy nhất, Me tôi không muốn cho con du học, nên ở lại, khỏi đi lính, vui chơi với thành phố.

Nhảy đầm lậu, bị bắt, một cú điện thoại, mười phút sau xe nhà ông lớn tới rước,  có lần ông sếp nhỏ cảnh sát Gia Ðịnh bị ăn bạt tai vì bắt “người nhà ông lớn chờ lâu”… tôi ái ngại.

Sài Gòn rậm rật làm mờ đi hình ảnh những người lính thất thủ vì cạn khí giới, hết lương thực.

Sài Gòn vẫn đầy bar, vũ trường say sưa suốt đêm làm quên đi những trận chiến đẫm máu của đất nước.

Hai năm sau để chắc ăn hơn, bà già cho tôi đi lính.

Quân Trường của tôi chỉ tượng trưng một tháng, cuộc đời lính tráng quanh quẩn trong nhà bà vợ ba của ông lớn, và bạn ông ta, tôi còn nhớ căn biệt thự đường Công Lý, xéo cổng Tổng Tham Mưu, biệt thự qua cầu Trương Minh Giảng, biệt thự trắng Tú Xương, biệt thự Bạch Ðằng – Tôi nhập ngũ, huấn luyện, và… chiến đấu ở đó.

Tôi bấy giờ tóc hớt cao lên, quân phục thẳng nếp, súng ngắn nòng bên hông, cận vệ và tài xế cho bà lớn, mỗi sáng lái xe đưa bà qua Bạch Ðằng đánh tứ sắc, tối đưa bà về Tú Xương chơi bài xệp, rảnh thì tôi chơi nhạc, bida với thằng em bả và tụi bạn con ông này, ông kia, kèm theo việc tán tỉnh con nhỏ cháu bà lớn ở ngoài Huế vô, rồi tennis, bài bạc, tiệc tùng.

Tôi thường mặc đồ rằn, trong ngực kẹp khẩu P38 nòng ngắn, túi lúc nào cũng hai tờ Công Lệnh tối đặc biệt của Phòng 7  Tổng Tham Mưu, do ông lớn cho, tôi lầm lì như một gián điệp có cỡ, lâu lâu hù mấy thằng bạn mấy em cave ở vũ trường một phát: Tao mới nhảy biên giới Lào, tao mới xong đặc vụ ở Nghệ An, tao mới  xuống Sơn Tây về, đứa nào cũng ớn, có lộn xộn, Quân Cảnh gặp tôi là chào thua, còn lấy xe hộ tống về nhà.

Chẳng bao lâu tại “chiến trường” phồn hoa đó, nhỏ cháu cưng của bà lớn có bầu, tôi được mua chuộc làm đám cưới, ăn ở luôn trong nhà, tiền bạc, xe cộ  rềnh rang, cuộc đời quân ngũ của tôi bay trên mây cho đến ngày ra đi.

– Chulainy!  Xin lỗi cô, tôi chỉ là hạt cát, mình tôi đâu có làm gì được tốt hơn cho Việt Nam đâu! Sao cô lại đổ trách nhiệm vô tôi? Mấy ông to còn thiếu gì.

– Không! Tôi không cần nói tới bọn đó, tôi muốn nói với anh!

Cô ta la, tôi bước tới hành lang dợm bỏ ra ngoài.

– Không! Ðứng lại! Anh là người vô trách nhiệm với đất nước anh.  Anh tính bỏ đi à? Cái vô trách nhiệm vẫn ăn mãi trong thịt xương anh.  Anh có thể biến mất, nhưng không bao giờ tẩy xóa được những gì đã  nặng trong lòng, hằn trong đời anh. Ðồ vô trách nhiệm! ha ha ha ha…

Chulainy cười, những bức tường đá chung quanh như rung lên, tiếng echo dội mạnh vô tai tôi, vô ngực tôi. Tôi khó chịu men theo hành lang tối om chạy thẳng ra.

Mọi người vẫn vui, mùi rượu đỏ, mùi xúc xích tỏi thơm lừng, tiếng cười, tiếng cụng ly.

– Sao vậy? Say? Mặt mầy xanh lè hà!

Chris hỏi tôi.

Tôi nói đứt quãng

– Con… nhỏ… làm tao… mệt quá!

– Ô! Trời đất ơi! sao lẹ vậy? Mầy “làm” ngoài trời hả?

Ivan đứng dậy.

– Sao mầy nói với tụi tao mà làm ngoài trời sẽ bịnh chết liền!

Tôi khoát tay.

– Ngu! Không có chuyện đó. Tao mệt… vậy thôi.

Tôi chồm tay với ly rượu, nốc cạn. Mẹ! Con nhỏ xinh nhưng lôi thôi quá! Chắc say rồi nói năng bậy bạ. Tôi bỗng đứng dậy như chợt nhớ điều gì.

– Ði nữa sao?

Ivan hỏi.

– Chắc chả hết mệt rồi. May mắn nghen! Có đủ condom không?

Chris xỏ lá.

Ivan cười.

– Cho tụi tao second take nghe!

Trong bụng tôi đang sợ, phía sau đó sát bên con kinh, có mấy bực đá trơn lắm, rủi Chulainy say quá, la hét quay cuồng, té xuống thì sao!  Không được!… Tôi lại men theo hành lang ra phía sau.

Chung quanh vắng tanh, không bóng người, thật thì cũng không có ai ra chỗ tối thui này, trừ tôi và Chulainy… nhưng bây giờ thì cô ta hoàn toàn không có ở đây, tôi bước sát cái thềm đá ngay mé nước, mặt nước yên lặng, lạ kỳ! Cô ta  không thể đi ra ngoài mà không theo cái hành lang nhỏ, bàn tụi tôi lại ngồi ngay đó, làm sao tôi không thấy được. Nếu cô ta nhảy xuống nước, tức nhiên những thực khách của mấy nhà hàng bên kia bờ sẽ thấy. Tự nhiên tôi sờ sợ, không lẽ là ma? Tôi tin có ma, nhưng cô xinh xắn, dễ thương, uống rượu, hút thuốc, cãi vã, chộp cổ áo, la hét… tôi không nghĩ cô ta là ma được. Tôi bước gần tới bức tường, nơi Chulainy đứng hồi nãy. Mảnh thủy tinh của chiếc ly vỡ văng tung tóe đã hoàn toàn biến sạch. Nhưng khúc xúc xích thì vẫn nằm ngay mấy viên đá lớn dưới chân tường. Tôi lượm lên, dấu răng cắn thấy rõ.  Tôi ngại ngùng lui dần vô cái hành lang, bước ra ngoài.

Ủa! Em Mỹ đâu rồi? Chơi trò chạy 75 hả?

– Tao say rồi! Tụi mầy  ngồi chơi, tao cần ra ngoài thở. Hẹn gặp!

Tôi ra đường, trời mát lạnh như mùa thu Ðà Lạt. Nhiều người vẫn còn vui chơi dọc bờ kinh, tôi quẹo vô con đường nhỏ, phía bên kia là Thánh đường, tiếng giầy lộp cộp trong đêm… ngừng lại bên vòi nước, tôi uống một hơi dài, tỉnh người, ngước nhìn cây Thánh Giá  trên tháp cao, tôi hít đầy lồng ngực, cái se lạnh làm đầu óc nhẹ ra.

Làm sao cô ta tan đi như khói sương được hay nhà ngục làm cho tôi bị ám ảnh, bị stress hoặc là tôi say?

Có thể có, hoặc có thể không có Chulainy ở đây, trên đời này, nhưng những năm máu lửa của chiến tranh tại đất nước mình là thật, nghĩ cho cùng thì cô ta đã nói đúng, rất đúng.

Dù bào chữa, biện hộ gì đi nữa, tôi đã là người vô trách nhiệm với đất nước tôi! Tôi buồn bã úp mặt xuống vòi nước.

– Xin lỗi ông nước này chỉ dùng để uống, không rửa mặt.

Ngước mặt lên

Trời đất!…Chulainy mờ ảo trước mặt.  Tôi lảo đảo cố chồm tới.

– Chu..lai…ny! Này cô! Ðúng!… Tôi là người đã vô trách nhiệm!

Bà đầm già đưa chiếc gậy, chỉ vô tôi.

– Ah! Xin lỗi ông.

Khuôn mặt Chulainy bỗng tan như làn khói mỏng, bà già bước lui lại, tôi hụt tay quỵ xuống đường.

– Ông ta nói gì đó bằng tiếng Tàu… say quá rồi mà…

Bà ta quay lại nhún vai, phân trần với một đám khách. Tiếng giày cồm cộp xa dần. Tôi quỳ trên những viên đá lát đường lạnh ngắt.

HDV