Menu Close

Phải biết xấu hổ!

Một phong bì cho ngành y
Một phong bì cho nghề giáo!

Một video được quay tại bệnh viện K, cơ sở 3 Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội), ghi lại hình ảnh một nữ cán bộ y tế nhận cả xấp phong bì dày cộm từ người nhà bệnh nhân và tận tình hướng dẫn cho người nhà bệnh nhân lên gặp bộ phận gây mê, hậu phẫu, hồi sức để đưa phong bì tiếp. Bà này cho biết chỉ “cầm giúp” cho khâu phẫu thuật thôi, còn mấy cái đưa lên trên thì phải do người nhà lo lấy!

Xấu hổ hơn nữa, người cầm phong bì này lại được xác định là một bà bác sĩ, làm ở khoa “Ngoại vú,” theo lời ông Bùi Diệu – giám đốc Bệnh viện K trả lời với báo chí. Ðể chạy tội cho chuyện này, người ta lại cho rằng, hôm đó, bà bác sĩ này không thuộc toán phẫu thuật cho bệnh nhân có người nhà đưa phong bì nêu ở trên.

Nguỵ biện và nguỵ biện: “Việc này không do chủ trương của chúng tôi, không phải là phổ biến ở Bệnh viện K, của ngành y, mà “chỉ xảy ra ở một số cá nhân”.

phai-biet-xau-ho
nguồn phunutoday.vn

Một cuộc khảo sát được Ngân hàng Quốc tế và Thanh tra Chính phủ Việt Nam thực hiện hồi năm 2015 cho thấy: 76% những người dùng phong bì để cảm ơn các y bác sĩ đều hoàn toàn tự nguyện, chỉ có 21% làm việc đó vì bị yêu cầu. “Bị yêu cầu” tức là trắng trợn đòi hỏi hối lộ, còn “hoàn toàn tự nguyện” là văn hoá đã được nhồi nặn trong đất nước XHCN này. Có thể rồi đây không còn cảnh “bị yêu cầu nữa” mà chỉ còn là “hoàn toàn tự nguyện” 100% thì ngành y không còn trách nhiệm nữa và như vậy là đã có “y đức” hay sao? Nhiều người cho rằng tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến trên là một trong những nguyên nhân chính khiến người bệnh dùng tới phong bì, với mong muốn được điều trị sớm hơn hay được bác sĩ y tá đối xử tốt hơn.

Bệnh viện Việt Nam: y tế bị than phiền về tham nhũng nhiều nhất sau công an, cảnh sát và bọn quản lý đất đai: ngành y tế (26%), cán bộ hành chính (21%), tư pháp (19%), giáo dục (15%), doanh nghiệp (10%), đảng chính trị (8%), quân đội (8%), quốc hội (7%), truyền thông (5%…)

Gần một phần ba số người được hỏi đã phải đưa hối lộ trong năm qua. Lý do phổ biến nhất của việc đưa hối lộ là để giải quyết công việc nhanh hơn, trong khi số người đưa hối lộ vì đó “là cách duy nhất để được phục vụ” cũng tăng lên. Ðó là những  gì đang xảy ra tại Việt Nam.

Nguyễn Hữu Ngọc, một “học giả” tại Hà Nội, lại đem Nho Giáo ra để biện hộ cho hành vi nhận quà, cho rằng nguồn gốc phong bì nằm ở truyền thống quà cáp, “có đi có lại”, thường xuất phát từ lòng biết ơn. Chúng ta cũng nên phân biệt minh bạch là phong bì đưa trước là phong bì hối lộ, phong bì đưa sau là phong bì biết ơn, nếu phong bì đưa sau cũng là tiền thì đó không còn là lối trả ơn mà là trả công sòng phẳng.

Ngày xưa ở trong làng xóm, ông đồ nho, ông thầy thuốc, khi cho con đi học hay nhờ thầy bốc thuốc, đương nhiên phải trả tiền, nhưng những ngày Lễ Tết, bệnh nhân hay phụ huynh học sinh cũng đem biếu thầy thúng nếp, cặp gà, nải chuối là vì lòng biết ơn. Ngày nay, bệnh viện do nhà nước xây, lương bác sĩ, y tá được ngân sách quốc gia đài thọ, vào bệnh viện phải phong bì đưa trước cho y tá, trước ca mổ phải dúi tiền cho bác sĩ, sao gọi là trả ơn được! Ðưa tiền cho công an đường phố khi chạy xe quá tốc lực, vượt đèn đỏ, không đội nón bảo hiểm là thể hiện lòng biết ơn của người Á Ðông hay sao?

Khốn nạn hơn nữa là nạn phong bì lại xảy ra trong ngành giáo dục. Giáo viên  lớp mẫu giáo cũng bày chuyện “dạy thêm” để móc túi phụ huynh. Mới đây một cô giáo kéo rách da tai trẻ mầm non ở huyện Nghi Lộc (Nghệ An,) cha mẹ học sinh này cho biết cô đã nhiều lần gợi ý gia đình đưa phong bì, nhưng gia đình không đáp ứng được, nên cô giáo để ý trả thù. Một thầy giáo XHCN đã thú nhận:

“Tôi là một giáo viên đã bảy năm, thì mấy năm đầu còn trẻ nên ngại ngùng nhận cái phong bì nhưng rồi trong cả trường thấy ai cũng nhận, tôi cũng nghĩ là bình thường vì thật sự nghĩ chắc cái phong bì vài trăm cũng chỉ là họ thay bó hoa cảm ơn, vì họ nghĩ mua hoa thì phí, để tiền cho thầy cô tiện sử dụng!”

Một ông bác sĩ thứ thiệt, Trần Văn Phúc viết trên Vnexpress, cho rằng, theo kết quả khảo sát năm 2013 của Ủy ban châu Âu, tỷ lệ bệnh nhân đưa tiền cho bác sĩ ở Rumani là 28%, ở Lithuania là 21%, ở Ba Lan là 15%, có lẽ theo ông bác sĩ này, có gì mà làm ầm ĩ. Ông này quên rằng chuyện này chẳng mấy đẹp mặt, vì đây toàn là những nước hậu Cộng sản.

Tỷ lệ hối lộ cho bác sĩ, y tá ở  Việt Nam, theo khảo sát ở đầu bài là 26%.

Chúng ta nghĩ gì khi một bác sĩ trong chế độ này bênh vực, cho việc dúi phong bì vào tay bác sĩ là lẽ đương nhiên: “khi hệ thống y tế không đảm bảo chăm sóc tốt nhất, thì việc “hối lộ” bác sĩ là một giải pháp bệnh nhân tự giúp đỡ mình để có được sự chăm sóc cần thiết!”

Hai ngành mà quốc dân cần thiết và trông cậy nhất, ngày xưa được coi trọng trong xã hội, lại là hai ngành mà hiện nay không thể thiếu nạn phong bì. Ông bác sĩ “từ mẫu” thì coi đó là việc đương nhiên, ông giám đốc “công bộc” điều hành bệnh viện thì cho đó không phải là chủ trương của mình, ông nhà nước “đầy tớ nhân dân” thì thừa tiền xây tượng “Bác Hồ” nghìn tỷ, nhưng lại nhét hai ba bệnh nhân vào một giường. Ðến cả ông thầy giáo “trồng người” thì cũng nhận phong bì lâu ngày thành quen.

Lãnh đạo không biết xấu hổ thì mắc gì một cô mẫu giáo trường làng hay một y tá quèn phải quan tâm! Người ta có thể khinh thường một anh công an gác đường ngửa tay xin tiền, hay một viên chức Xã, Ấp hoạnh họe đòi lo lót, nhưng hai bậc “mẫu nghi thiên hạ” là ông Thầy Thuốc và ông Thầy Giáo (viết hoa) mà còn nhận phong bì, thì đất nước này, tương lai không khá nổi!

HP